Cốt truyện

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm của truyện trạng xứ Nghệ (Trang 42)

6. Bố cục luận văn

3.1Cốt truyện

Như trên đã nói, truyện trạng là một loại hình sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người dân xứ Nghệ và việc tìm hiểu đời sống toàn vẹn của truyện trạng phải được đặt trong môi trường diễn xướng. Ở chương này, để tìm hiểu nghệ thuật truyện trạng, chúng tôi chủ yếu dựa vào phần tài liệu văn bản đã được các nhà Nghệ học sưu tầm, biên soạn và giới thiệu. Theo chúng tôi, cốt truyện truyện trạng nói ngắn gọn và nôm na chính là phần lõi những câu chuyện được kể trong sinh hoạt nói trạng, có thể cố định được bằng văn bản.

Trong quá trình tìm hiểu của mình, chúng tôi nhận thấy cốt truyện truyện trạng có nhiều đặc điểm tương đối dễ nhận biết.

Thứ nhất, cốt truyện của truyện trạng hết sức ngắn gọn, dung lượng chữ rất ít, thậm chí là dường như không có cốt truyện mà nhiều khi được cấu thành từ vài ba câu nói bông đùa, một vài tình tiết ngẫu nhiên trong cuộc sống. Chẳng hạn truyện “Nhớ trưa nay đừng nấu phần cơm tôi” chỉ vọn vẻn có 46 chữ với cốt truyện vô cùng đơn giản, chỉ có một nhân vật và vài ba hành động. Truyện kể về việc anh chồng nọ trèo lên sửa mái nhà, chẳng may bị ngã xuống. Trong khi rơi, anh ta ngoảnh vào cửa bếp dặn vợ “Nhớ trưa nay đừng nấu phần cơm tôi nhà ạ”. Lại có những truyện chỉ là sự lắp ghép ngẫu nhiên một vài chi tiết, câu nói bông đùa như truyện “Vì hắn hay nói dại”. Truyện kể về việc trời mưa, cô gái nọ để tiện lên đò đã lấy tay túm váy đằng trước, anh học trò tinh nghịch thấy thế bèn hỏi “Hắn có tội chi mà chít lấy cổ hắn thế” thì cô gái điềm nhiên trả lời “Vì hắn hay nói dại”.

Thứ hai, cốt truyện của truyện trạng có nguồn gốc rất đa dạng, có thể là do người kể chuyện tạo ra bằng cách hư cấu sự việc; cũng có thể là sự lắp ghép, vay mượn các cốt truyện của các thể loại khác trong kho tàng văn học dân gian xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung hoặc là lấy những sự việc, hiện tượng có thật trong đời sống rồi phóng đại lên… Trần Hữu Thung đã có một nhận xét rất đúng về tính đa dạng của cốt truyện truyện trạng “Chuyện trạng lấy những sự kiện xảy ra trong cuộc sống để làm đề tài rồi do chủ quan người kể hư cấu, bịa đặt và phóng đại lên… Cũng có khi chuyện trạng lấy chuyện tiếu lâm làm cốt rồi địa phương hoá bằng những tình tiết, sự việc…” [86, tr.8]. Sự đa dạng trong nguồn gốc truyện trạng là tiền đề tạo ra tính dễ di chuyển và linh động của cốt truyện truyện trạng. Truyện trạng có thể đóng cả hai vai trò đi vay hoặc cho vay đối với các tiểu loại, loại hình tự sự dân gian khác. Điều này lý giải hiện tượng một số truyện trạng xứ Nghệ có “hình hài”, dáng dấp của nhiều truyện cười, truyện ngụ ngôn trong kho tàng văn học dân gian cả nước.

Thứ ba là cốt truyện truyện trạng có sự co duỗi về mặt cấu trúc. Đây là hệ quả tất yếu của việc gắn chặt, dường như không thể tách rời với môi trường sinh hoạt truyện trạng; đồng thời là kết quả tất yếu của tính đa dạng, dễ di chuyển, linh động về mặt cốt truyện của truyện trạng. Nhập gia thì phải tuỳ tục, khi muốn tham gia vào các địa hạt khác, cốt truyện của truyện trạng phải có sự “biến tướng” nhất định để phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới nên buộc phải có sự cắt gọt hoặc bồi đắp thêm từ cốt truyện cũ, vì thế mà cốt truyện truyện trạng rất khó mà cố định trong một khung sẵn có được. Gắn chặt với môi trường diễn xướng và do đặc điểm môi trường thực hành quy định, cốt truyện truyện trạng liên tục có sự vận động trong không gian và thời gian, và là trường hợp rất điển hình cho tính ứng tác của tác phẩm văn học dân gian. Truyện trạng có thể hiện đại hoá các tình tiết, cốt truyện xưa bằng cách đắp thêm các yếu tố mới đương đại, vì thế mà truyện trạng nói chung và cốt truyện của các truyện trạng cụ thể nói riêng vẫn không ngừng vận động và phát triển. Quá trình vận động này không hẳn là làm cho cốt truyện cũ ngày càng được hoàn thiện mà rất có thể làm cho cốt truyện cũ bị mất đi, chỉ giữ lại một vài chi tiết, yếu tố, tình tiết trong cốt truyện mới và quá trình này là liên tục bởi truyện trạng gắn chặt với tính thời sự của sự kiện, con người ở địa phương. Theo đó mà yếu tố mới không ngừng được bồi đắp thêm, còn những yếu tố cũ không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại theo quy luật của tự nhiên sẽ tự mất đi.

Cuối cùng, do cốt truyện của mỗi truyện trạng là độc lập nên quan hệ giữa cốt truyện của các truyện trạng là rất lỏng lẻo. Đọc truyện trạng, người đọc không thấy sự móc xích, gối đầu lên nhau giữa các chi tiết, sự kiện, tình tiết trong các câu chuyện. Bản thân từng truyện trạng là những truyện cười lẻ nên cốt truyện của từng truyện trạng dường như không hề có mối quan hệ với nhau, ngoại trừ về mặt ý nghĩa, nội dung mà chúng phản ánh.

Bên cạnh đó, cốt truyện truyện trạng cũng không có nhiều tình tiết căng thẳng, kịch tính, hoặc giả sử có mâu thuẫn, tình huống thì cách thức giải quyết vấn đề cũng không theo logic bình thường, không có ý nghĩa lớn đối với việc giải quyết bản chất xung đột. Nói một cách khác, trong truyện trạng, hình hài của xung đột không rõ hoặc có thể dễ dàng bị “xí xoá” và hoà giải. Truyện trạng thường sử dụng những tình tiết mâu thuẫn có thể được coi là “vặt”, rất phổ biến trong đời sống thường nhật nên đa số là ít đạt đến độ cao trào và tình huống không được kéo căng. Nụ cười trong truyện trạng là nụ cười của người “ham vui, thích hài hước, dí dỏm” và đầy “độ lượng” sau khi cười.

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm của truyện trạng xứ Nghệ (Trang 42)