1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Phong cách thơ Anh Thơ

144 1,6K 4

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 144
Dung lượng 1,56 MB

Nội dung

Chẳng hạn phong cách của các tác giả lớn trong văn học Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân… Tuy nhiên, hiện nay, khái niệm phong cách được h

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

ĐINH THỊ LỆ THỦY

phong cách thơ anh thơ

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Hà Nội – 2010

Trang 2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

ĐINH THỊ LỆ THỦY

phong cách thơ anh thơ

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Chuyên ngành Văn học Việt Nam

Mã số: 60.22.34

Người hướng dẫn khoa học: PGS TS Lưu Khánh Thơ

Hà Nội – 2010

Trang 3

NỘI DUNG

CHƯƠNG I: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT

ANH THƠ TỪ THƠ MỚI ĐẾN THƠ CÁCH MẠNG

6

2 Anh Thơ trong hành trình thơ nữ Việt Nam hiện đại 8

2.2 Anh Thơ quan niệm về nghệ thuật và cuộc đời 9

2.3.2 Đôi nét về các nhà thơ nữ trong phong trào Thơ mới 15

3 Anh Thơ và những chặng đường thơ sau Cách mạng 22 3.1 Thơ ca kháng chiến chống Pháp và những đóng góp của Anh Thơ 22 3.2 Anh Thơ và đội ngũ thơ nữ trong giai đoạn chống Mĩ 25

CHƯƠNG II: PHONG CÁCH ANH THƠ NHÌN TỪ NỘI DUNG TRỮ TÌNH 30

1.1 Cảnh quê, tình quê trong thơ Anh Thơ trước Cách mạng 30 1.1.1 Cảnh sắc thiên nhiên mang đậm hương vị làng quê 33

Trang 4

1.1.2 Cảnh sinh hoạt lao động nơi làng quê 46

Trang

1.1.3 Những lễ hội, phong tục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc 51 1.2 Cảnh quê, tình quê trong thơ Anh Thơ sau Cách mạng tháng Tám 61

1.3.2 Hình ảnh con người trên những nẻo đường kháng chiến 85

2.1 Cái tôi trữ tình lãng mạn trong thơ Anh Thơ 92

2.2 Ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu tính biểu tượng 117

Trang 5

TÀI LIỆU THAM KHẢO 131

Trang 6

MỞ ĐẦU

1 Lý do chọn đề tài

Anh Thơ là nhà thơ sáng tác ở cả hai giai đoạn Thơ Mới và thơ Cách mạng Mỗi giai đoạn, Anh Thơ đều có những đóng góp nhất định đối với tiến trình thơ ca dân tộc Trong phong trào Thơ mới, cùng với Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính… Anh Thơ đã góp một phần không nhỏ vào thành tựu của dòng thơ đồng quê

Những năm sau Cách mạng sức sáng tạo của Anh Thơ vẫn tiếp tục bền bỉ

và dẻo dai Thơ ca của bà không chỉ thể hiện tình yêu sâu đậm đối với quê hương đất nước mà còn ca ngợi nét đẹp của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến, nét đẹp của cuộc sống mới đặc biệt là vẻ đẹp bình dị của người phụ

nữ Việt Nam

Đóng góp của bà đã phần nào được ghi nhận bằng những giải thưởng có

giá trị như: Giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn trao cho tập Bức tranh quê (1939); giải thưởng của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ cho truyện thơ Kể

chuyện Vũ Lăng (1956); giải thưởng Nhà nước đợt I về Văn học nghệ thuật năm

2001 và giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2006

Do đó việc nghiên cứu phong cách thơ Anh Thơ với những đặc trưng riêng trong cách thức tiếp cận cho phép khám phá cá tính sáng tạo và những nét độc đáo về mặt nghệ thuật của nhà thơ nhằm xác định vị trí và vai trò của nhà thơ trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại

2 Lịch sử vấn đề

Cũng như hầu hết các nhà Thơ mới, cuộc đời sáng tác của Anh Thơ trải qua hai chặng đường: những năm trước và sau Cách mạng tháng Tám Trong suốt quá trình đó, Anh Thơ đã sáng tác không ngừng nghỉ, điều đó được thể hiện qua sự xuất hiện của hàng loạt tập thơ

Trang 7

Ngay từ khi tập thơ Bức tranh quê xuất hiện trên thi đàn, nó đã trở thành

một hiện tượng mới mẻ, đặc sắc thu hút được sự quan tâm của người đọc Chúng tôi xin điểm lại những bài viết cơ bản về thơ Anh Thơ theo trình tự thời gian

Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã có bài viết và nhận xét về tác giả Anh Thơ, chủ yếu là tập trung nói về Bức tranh quê của nữ sĩ

Hoài Thanh cho biết: Ông rất kính phục và ngạc nhiên trước tài thơ của Anh Thơ Đó là một lối thơ giản dị, mộc mạc, tự nhiên nhưng rất dồi dào cảm xúc mà

không phải ai cũng làm được và ông đã nhận xét về Bức tranh quê: “Tập thơ

này cũng thuộc về lối thơ của người có học” [44, tr189], hay “nhiều lúc tôi tưởng người đã đi quá xa Tranh quê có bức chỉ là bức ảnh; cái thản nhiên hàm xúc của nghệ sĩ đã nhường chỗ cho cái thản nhiên trống rỗng của nhà nghề Theo gót thi nhân đến đó, ta thấy uất ức khó thở: Người dẫn ta vào một thế giới

tù túng rồi không cho ta mơ tưởng đến một trời đất nào khác nữa

Không, thơ phải là một tia sáng nối cõi thực và cõi mộng, mặt đất với các

vì sao Thơ không cốt tả mà cốt gợi, gợi cảnh cũng như gợi tình Cho nên mỗi lần Anh Thơ chịu đi ra ngoài lối tù túng đó để nhìn cảnh vật một cách sâu sắc hơn, là thơ bỗng trở nên rộng rãi không ngờ và ta thấy khoan khoái biết bao Sau câu thơ ta mơ hồ thấy một cái gì: Có lẽ là hồn thi nhân” [44, tr189] Và Hoài

Thanh đã chọn những bài thơ tiêu biểu để in và Thi nhân Việt Nam như Chiều

Xuân, Trưa hè, Rằm tháng bảy, Bến đò ngày xưa

Nhiều công trình nghiên cứu đã đề cập đến thơ mới nói chung và thơ Anh Thơ nói riêng

Việt Nam thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long là một công trình

nghiên cứu khá đồ sộ về Thơ mới Nguyễn Tấn Long đã tìm hiểu, nhận xét, thẩm định từng tác giả và đến nữ sĩ Anh Thơ, nhà nghiên cứu đã khẳng định “nữ

sĩ lấy thiên nhiên làm bối cảnh, lấy nếp sống nông thôn làm người sáng tác” [33, tr1294]

Trang 8

Trong Thơ Mới - Bình minh thơ Việt Nam hiện đại của Nguyễn Quốc Túy

nghiên cứu tìm hiểu về nguồn gốc ảnh hưởng đối với phong trào Thơ Mới

Trong bài “Ảnh hưởng của văn hóa dân gian ca dao, dân ca đối với Thơ Mới”

và bài “Có một thế giới cổ tích trong Thơ Mới”, tác giả nhận định: Anh Thơ là

một nhà thơ tiêu biểu với đề tài nông thôn, với cảnh đẹp làng quê

Trong tác phẩm Một thời đại trong thi ca của Hà Minh Đức đã tập hợp

nhiều bài viết về các tác giả tiêu biểu như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận… Mặc dù chưa đề cập một cách trực tiếp về Anh Thơ nhưng đã khẳng định được sự hiện diện của “nhóm thi sỹ đồng quê” trong đó Anh Thơ là một tác giả tiêu biểu

Trong cuốn Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca do Giáo sư Hà

Minh Đức và nhà thơ Huy Cận chủ biên, cũng đã tập hợp nhiều bài viết của nhiều nhà nghiên cứu Trong bài “Về Thơ mới” Huy Cận khẳng định sự gắn bó

“cội nguồn dân tộc”, “Đất nước và con người được tái hiện trong Thơ mới một cách đậm đà đằm thắm Quê hương rõ ràng là máu thịt của hồn thơ trong “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp, “Bức tranh quê” của Anh Thơ

Phê bình bình luận văn học của Vũ Tiến Quỳnh, đề cập đến các nhà thơ

nữ tiêu biểu trong đó có Anh Thơ Công trình nghiên cứu này cho ta thấy vai trò, vị trí của Anh Thơ trong hành trình thơ nữ Việt Nam và những nét cơ bản nhất về con người, cuộc đời cũng như những tác phẩm tiêu biểu của Anh Thơ trước 1945

Tủ sách văn học trong nhà trường của Lâm Quế Phong, tập hợp những

bài viết nghiên cứu về tác giả Thơ mới: Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Đoàn Văn

Cừ, Anh Thơ Tập sách đã cho ta một cái nhìn khái quát nhất về toàn bộ sáng tác của Anh Thơ

Gần đây ta thấy có một số luận văn viết về Anh Thơ như “Bức tranh quê

trong thơ Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ” của Nguyễn Thị Bình hay

“Dấu ấn văn hóa dân gian trong thơ Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn

Trang 9

Nhược Pháp” của Lê Thị Thanh Yên hoặc “Nét đẹp văn hóa làng quê qua sáng tác của 4 nhà thơ Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, thuộc

phong trào Thơ Mới Việt Nam (1930 - 1945)” của Cao Thị Hảo Những công

trình nghiên cứu này đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quát nhất về

tập Bức tranh quê trên nhiều phương diện: con người, thiên nhiên, văn hóa

Tạp chí Sông Hương, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế,

số 9, năm 2009 có bài viết ca ngợi thơ tình Anh Thơ: “Anh Thơ cũng có thơ tình nhưng viết theo định hướng nào, không phải là mối tình quê của trai gái vào buổi hội hè mà chủ yếu là tâm tình của cô gái bước vào tuổi đang yêu Chỉ có những tâm trạng và xúc động giàu nữ tính trong buổi đầu đến với tình yêu, ngượng ngùng, chờ đợi, mong ước và cũng lo lắng băn khoăn” [11, tr20] Chùm thơ tình buổi đầu của Anh Thơ góp phần nói lên một phương diện đẹp của tình cảm Anh Thơ trong phong trào Thơ mới

Như vậy các công trình nghiên cứu về Anh Thơ trước và sau cách mạng mới chỉ lướt qua một vài khía cạnh, có tính khái quát mà chưa có những công trình chuyên sâu nghiên cứu về phong cách thơ Anh Thơ

Tuy nhiên những ý kiến đánh giá và nhận xét của những nhà nghiên cứu

đi trước là những định hướng quan trọng, đồng thời đó cũng là những gợi ý quý báu để chúng tôi tham khảo đi vào tìm hiểu thơ Anh Thơ

3 Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu đề tài

3.1 Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu những đặc điểm về nội dung, nghệ thuật và cá tính sáng tạo của nhà thơ Anh Thơ

3.2 Phạm vi nghiên cứu

Tìm hiểu các tập thơ chính của Anh Thơ:

Bức tranh quê (1941), Kể chuyện Vũ Lăng (1957), Đảo Ngọc (1963), Theo cánh chim câu (1965), Hoa Dứa trắng (1967), Mùa xuân màu xanh

(1974), Quê chồng (1977), và những bài thơ lẻ khác đồng thời luận văn còn tìm

Trang 10

hiểu qua những sáng tác văn xuôi của tác giả để thấy rõ được một cách đầy đủ

về sự nghiệp sáng tác của Anh Thơ Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành so sánh thơ Anh Thơ với một số nhà thơ khác để làm nổi rõ hơn những đặc điểm tương đồng và khác biệt trong phong cách sáng tạo của Anh Thơ

4 Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình tìm hiểu về phong cách thơ Anh Thơ, luận văn đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau đây:

6 Cấu trúc luận văn

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được triển khai trong 3 chương:

Chương I: Những vấn đề chung về phong cách nghệ thuật Anh Thơ từ Thơ mới đến thơ Cách mạng

Chương II: Phong cách thơ Anh Thơ nhìn từ phương diện nội dung

Chương III: Phong cách thơ Anh Thơ nhìn từ phương diện nghệ thuật thể hiện

Trang 11

NỘI DUNG

CHƯƠNG I:

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT

ANH THƠ TỪ THƠ MỚI ĐẾN THƠ CÁCH MẠNG

1 Những vấn đề chung về phong cách nghệ thuật

Khi nói đến khái niệm phong cách là nói đến một vấn đề phức tạp bởi từ trước tới nay chúng ta chưa đi tới một khái niệm phong cách thống nhất, chính

vì vậy có rất nhiều cách hiểu khác nhau về phong cách

Phong cách được hiểu là những khám phá nghệ thuật mang tính cá nhân được định hình thành những nét chủ đạo lặp đi lặp lại trong sáng tác của một tác giả nào đó Phong cách nghệ thuật trước hết hình thành từ cá tính sáng tạo của tác giả, nhưng cá tính sáng tạo chưa phải là phong cách Nhìn chung khái niệm phong cách thường được dùng để định vị cho những nét nghệ thuật của những tác giả có đóng góp lớn, trong khi đó bất kỳ nghệ sĩ nào hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng đòi hỏi cá tính sáng tạo riêng

Nhà văn Pháp Bufo (Buyffông) định nghĩ: Phong cách chính là người Theo Phương Lựu: “Phong cách là cái còn lại hoặc hạt nhân mà sau khi từ nhà văn chúng ta bóc đi những cái không phải bản thân anh ta và tất cả những thứ mà anh ta giống với người khác” Phong cách được ông hiểu có tầm quan trọng đặc biệt Một nhà văn không có phong cách tức là anh vẫn còn chưa định hình được ngòi bút của mình vẫn bị lẫn vào đám đông Vì quan niệm này, cho nên nhiều người hiểu khái niệm phong cách bao gồm trong đó sự đánh giá những đóng góp lớn lao về mặt nghệ thuật

Trang 12

Chẳng hạn phong cách của các tác giả lớn trong văn học Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân… Tuy nhiên, hiện nay, khái niệm phong cách được hiểu nghiêng nhiều hơn về phía cá tính sáng tạo và nếu nghệ sĩ có những đóng góp nhất định về nghệ thuật đều có thể được xem là có phong cách nghệ thuật

Thực chất của vấn đề phong cách chính là cách nhìn, cách quan niệm của nhà văn về thế giới và con người

Nhà văn Pháp M.Proust khẳng định, thực chất của vấn đề phong cách chính là “vấn đề cái nhìn”

Cái nhìn này tạo ra những yếu tố trội, làm nên nét riêng của nhà văn, làm anh ta nổi bật giữa những cá tính và phong cách khác Vì vậy, nghiên cứu phong cách nghệ thuật phải chỉ ra đặc trưng văn chương của một tác giả Nói như Đỗ Lai Thúy “trong những “bức tranh nghệ thuật” của nhà thơ thế nào cũng có một yếu tố trội bắt tất cả những yếu tố còn lại phải phục tùng nó, phải phản chiếu ánh sáng của nó” Do đó, cần phải sử dụng phương pháp so sánh đồng đại và lịch đại một cách tinh tế nhằm chỉ ra những yếu tố trội đó

Theo Raymond Carver, một nhà văn hiện đại xuất sắc Hoa Kỳ thế kỷ XX thì: “Mỗi nhà văn vĩ đại hay thậm chí mỗi nhà văn rất giỏi đều sáng tạo nên thế giới phù hợp với chính đặc tính của anh ta” Nói cách khác, thế giới nghệ thuật của nhà văn tương thích với phong cách nghệ thuật của nhà văn đó Mối quan hệ qua lại này cho phép chúng ta đi từ văn bản nghệ thuật do nhà văn sáng tạo ra để chỉ ra đặc trưng phong cách nghệ thuật của nhà văn đó… “Đây là dấu ấn không thể nhầm lẫn và đặc thù của nhà văn trên mọi thứ anh ta sáng tạo Đấy là thế giới của riêng anh ta chứ không phải của bất kỳ một ai khác Đây là một trong những điều phân biệt nhà văn này với nhà văn nọ (…) một nhà văn thì phải có cách nhìn đặc biệt nào đó về sự vật và phải in cách diễn đạt nghệ thuật lên cách nhìn đó” [13, tr356]

Trang 13

Theo nhà thơ Hoàng Trung Thông: Phong cách và cá tính nhà văn không phải là cái gì khó hiểu Đó là biểu hiện của mỗi nhà văn trong khi xây dựng chủ

đề, nhân vật, trong khi vận dụng hình tượng nghệ thuật và ngôn ngữ văn học Mỗi nhà văn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật phải tự tạo cho mình một phong cách riêng, một điệu cảm xúc riêng [24, tr14]

Theo Nguyễn Đăng Mạnh, nói đến phong cách phải nói đến tính thống nhất của nó, tức là tính độc đáo trong việc kết hợp những nét đặc sắc về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật Nó bao gồm các yếu tố như cá tính của nhà văn, kiến thức, vốn sống, quan điểm sáng tác, nội dung đề tài, nội dung hình tượng, phương pháp sáng tác, thể loại, ngôn ngữ… mà cụ thể ở đây là cá tính của chủ thể sáng tạo và sự tự do lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ để thể hiện

nó trong tác phẩm

Đỗ Lai Thúy, trong Con mắt thơ, với phụ đề: Phê bình phong cách Thơ

mới, trước khi đi vào phân tích từng phong cách cá nhân có lưu ý đến hoàn cảnh lịch sử - xã hội nảy sinh hiện tượng Thơ mới, khẳng định các nhà Thơ mới có

“một cái nhìn thế giới” khác với các nhà thơ cổ Điều này cho thấy, phong cách, xét cho cùng sẽ biểu hiện cụ thể nhất ở “cách nhìn” này Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nếu cái nhìn nghệ thuật chung cho cả dòng thơ như một chuẩn, một phong cách chung cho cả một thời đại thi ca thì từng cái nhìn nghệ thuật riêng của mỗi thi nhân là một lệch chuẩn Chính sự lệch chuẩn này tạo nên phong cách

cá nhân của nhà thơ Như vậy nghiên cứu phong cách thơ Anh Thơ không thể tách rời với phong trào Thơ mới và thơ ca Cách mạng

2 Anh Thơ trong hành trình thơ nữ Việt Nam hiện đại

2.1 Tác giả Anh Thơ

Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, sinh ngày 25/01/1921 tại Ninh Giang thuộc tỉnh Hải Hưng Cha là Vương Đan Lộc đỗ tú tài khoa thi Hương cuối cùng của chế độ nhà Nguyễn Mẹ là bà Kiều Thị Thư, con gái cụ Phó Bảng

Trang 14

Kiều Oánh Mậu, người đã có công lớn trong việc hiệu đính và chú giải truyện Kiều

Cha nữ sĩ là một công chức nên thường xuyên thuyên chuyển công tác, do vậy chưa qua cấp tiểu học mà Anh Thơ đã phải thay đổi trường 3 lần (Hải Dương, Thái Bình rồi Bắc Giang)

Từ bé, chịu ảnh hưởng thơ văn yêu nước của ông ngoại, thấm đậm chất thơ dân gian trong các chuyện cổ do bà nội kể, bảy tuổi Anh Thơ đã mê thơ và giấu cha mẹ tập làm thơ và đến năm 14 tuổi bà đã có thơ đăng trên các báo Đông Phương, Tiểu thuyết thứ Năm, báo Đàn Bà…

Anh Thơ đặt chân vào lãnh địa thơ tiền chiến khoảng năm 1936, giai đoạn

mà phong trào Thơ mới đang ở thời kỳ vàng son Khi mới bước vào làng thơ, nữ

sĩ lấy bút hiệu là Tuyết Anh, sau đổi thành Hồng Anh và cuối cùng lấy bút hiệu

là Anh Thơ Bà đã từng công tác trên nhiều tạp chí xuất bản tại Hà Nội từ 1938 -

1943 có thể kể đến tờ “Tiểu thuyết thứ Năm”, báo “Ngày Nay”, Hà Nội Báo”,

“Phụ nữ”, “Bạn Đường”…

Riêng về thơ trước cách mạng, Anh Thơ chỉ có hai tập là Bức tranh quê

và Xưa Tập Bức tranh quê được trao giải thưởng của Tự lực văn đoàn và được xuất bản lần đầu năm 1941 bởi Nhà xuất bản Đời Nay, Hà Nội Tập “Xưa” xuất

bản năm 1941 cộng tác với Bàng Bá Lân bởi Nhà xuất bản Sông Thương, Bắc

Giang Ngoài ra, Anh Thơ còn viết tiểu thuyết Răng Đen xuất bản 1943 do Nhà

xuất bản Nguyễn Du

Năm 1945, Anh Thơ tham gia Cách mạng và bà vẫn tiếp tục sáng tác Từ

sau Cách mạng tháng Tám cho đến khi mất bà có những tác phẩm sau: Kể

chuyện Vũ Lăng (truyện thơ 1957), Theo cánh chim câu (thơ, 1960), Đảo Ngọc

(thơ, 1964), Hoa dứa trắng (thơ, 1967), Mùa xuân màu xanh (thơ, 1973), Quê

chồng (thơ, 1977), và bộ hồi ký văn học: Từ bến sông Thương (1986), Tiếng chim tu hú (1995) và Bên dòng chia cắt (2002)

2.2 Anh Thơ quan niệm về nghệ thuật và cuộc đời

Trang 15

Trong suốt quá trình sáng tác, từ những tác phẩm đầu tiên là tập Bức tranh

quê cho đến những tác phẩm cuối cùng - tập thơ Cuối mùa hoa, Anh Thơ luôn

trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi để tạo cho mình một phong cách sáng tác riêng, độc đáo

Anh Thơ quan niệm: “Thơ phải ngắn gọn, không nên rườm rà, phải nói ít viết ít mà người đọc lại hiểu nhiều Thơ hay phải là những gì tinh túy, vĩnh cửu nhất từ tâm hồn con người Người làm thơ cũng đừng cầu kì câu chữ quá mà khiến cho người đọc khi đọc rồi cứ phải suy luận Thơ là hào quang soi rọi những bước đường kháng chiến gian khổ nhất Thơ giải phóng được cuộc đời bình lặng của lớp người con gái dưới thời phong kiến Tôi yêu thơ như yêu một

lẽ sống ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi” Quan niệm này của Anh Thơ được thể hiện rõ nét trong hầu hết các sáng tác của bà

Ngay từ khi làm tập thơ Bức tranh quê, Anh Thơ đã phải trải qua rất

nhiều khó khăn, bị cha ngăn cấm, bị cha bắt được và đánh đòn, may nhờ chị Hai

và các em giúp đỡ: “Mỗi buổi trưa, chị Hai bưng quả trầu, thúng khâu lên gác, các em tôi ngồi suốt dọc cầu thang để canh Tôi có một quyển sổ nhỏ và chiếc bút chì Hễ có động là tôi dễ dấu” [8, tr44]

Và khi có thời gian để làm thơ, Anh Thơ cũng luôn băn khoăn, lúng túng không biết mình sẽ viết những gì trong thơ đây? Bởi nếu “Thơ tình yêu say mê như Xuân Diệu? Nhưng tôi đã được yêu và biết yêu đâu? Như Chế Lan Viên nhớ xứ Chàm nhưng có biết xứ Chàm ở đâu? … Vậy thì viết gì? Tôi lại làm thơ

về phong cảnh xóm làng vậy” [8, tr44-45] Vậy là Anh Thơ chỉ có thể viết về cuộc sống nông thôn; xóm làng có những gì, quê hương có những gì, bà cứ miêu

tả như vậy, chân chất, giản dị mà mộc mạc, dễ đi vào lòng người Bà tả cảnh bốn mùa; cảnh mưa nắng; cảnh lụt, cảnh hạn; bà tả phiên chợ, đám cưới, đám ma, ngày Tết Cứ nghĩ đến đâu, thích cảnh gì bà làm một bài thơ cảnh đó, cảnh và người đã thấm sâu vào máu thịt, và rồi ba mươi bài thơ đã được hoàn thành

Trang 16

Và ngay cả khi tập thơ Bức tranh quê đoạt giải khuyến khích của Tự lực

văn đoàn (thơ không có giải nhất, giải nhì, chỉ có giải khuyến khích dành cho Anh Thơ và Tế Hanh), Anh Thơ cũng không vì thế mà tự kiêu, tự cho mình là giỏi mà ngược lại Anh Thơ đã rất khiêm tốn, chân thành Bà đọc lại những lời nhận xét, đánh giá của ban giám khảo về những hạn chế cũng như những ưu

điểm đối với tập thơ Bức tranh quê của mình

Đối với những hạn chế của tập thơ, Anh Thơ đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần, tự rút kinh nghiệm cho bản thân, bà đã nghĩ: “Đến tập thơ thứ hai, tôi sẽ tránh được những khuyết điểm này” [8, tr56]

Bên cạnh những hạn chế thì tập thơ cũng được đánh giá rất cao Nhất Linh (thành viên của ban giám khảo) đã nhận xét: “Những nhận xét của cô Anh Thơ rất đúng Có khi đúng đến nỗi làm người ta phải ngạc nhiên và chịu phục (…) Trong

bài “Chợ mùa hè” có hai câu tỏ rõ tài nhận xét của cô Anh Thơ đến cực điểm:

“Chó le lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng Lợn trói nằm hồng hộc thở căng giây” [8, tr54]

Hay Bàng Bá Lân nhận xét: “Thơ cô rất độc đáo (…) cô lại có tài quan sát, khiến tôi cũng giống Nhất Linh, là rất phục cô” [8, tr77] Có thể thấy, Anh Thơ đã viết được như những gì bà quan niệm đó là thơ phải ngắn gọn, giản dị,

dễ hiểu, dễ đi vào lòng người

Những năm sau cách mạng, cuộc kháng chiến trường kì và gian khổ của

cả dân tộc đã giúp Anh Thơ có thêm cách nhìn mới về cuộc đời, về nghệ thuật Đối với bà, bây giờ không phải chỉ ngồi một chỗ để nghĩ và viết ra thơ mà để sáng tác những bài thơ hay, có giá trị, người nghệ sĩ cần phải đi thâm nhập cuộc sống, phải lăn lộn với cuộc đời, để hiểu và cảm thông với sự vất vả của cả dân tộc trong giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc” thì mới ra được những vần thơ hay

Trong một lần Xuân Quỳnh đem sáng tác của mình đến hỏi Anh Thơ, Anh Thơ đã tâm sự: “Ai làm thơ qua tập đầu rồi đến tập thứ hai cũng phải chật vật một thời gian để có vốn sống mới, em ạ Em nên xin đi thực tế, để lăn lộn

Trang 17

với cuộc sống thơ sẽ bật ra”… hay “Cuộc sống thay đổi càng cho em nhiều vốn sống để sau này viết em ạ Các nhà thơ lớn từ đông sang tây có ai được một cuộc sống ổn định đâu? Như cụ Nguyễn Du đấy Biết đâu sau này thơ em lại nổi, vì cuộc sống vất vả hôm nay…” [48, tr360 - 361]

Những tâm sự chân thành của Anh Thơ dành cho Xuân Quỳnh là những kinh nghiệm được Anh Thơ đúc kết và trải nghiệm trong quá trình sáng tác, điều này đã được minh chứng qua hầu hết các tác phẩm của bà Sau cách mạng

và kháng chiến, Anh Thơ đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau như làm báo, công tác phụ nữ, cứu thương, bình dân học vụ… và bà cũng đã đi rất nhiều nơi từ Bắc vô Nam, từ miền xuôi đến miền ngược; qua bất kì vùng miền nào bà cũng ghi lại trên những trang thơ như khi ra thăm đảo Cô Tô, bà viết

Đảo Ngọc; những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Anh Thơ đi thực tế ở

Quảng Bình, Vĩnh Linh, bà viết hai tập thơ Hoa dứa trắng và Mùa xuân màu

xanh; sau ngày giải phóng miền Nam, Anh Thơ đi thực tế các tỉnh phía Nam,

bà viết tập thơ Quê chồng

Có thể thấy, trong số các nữ thi sĩ của lớp trước, Anh Thơ là cây bút sung sức Bà đi nhiều, viết nhiều nên tầm hiểu biết xã hội của Anh Thơ vượt lên rất nhiều Điều đó thật đáng trân trọng bởi Anh Thơ đã phải rất cố gắng để từ một

cô gái tỉnh lẻ, trong một gia đình phong kiến trở thành nhà thơ Cách mạng với những đóng góp to lớn cho nền thơ ca dân tộc

2.3 Anh Thơ trong phong trào Thơ mới

2.3.1 Khái quát về phong trào Thơ mới

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược kéo dài gần trăm năm ở nước ta Từ 1858 đến hết thế kỷ XIX, thực dân Pháp chủ yếu có những hoạt động về quân sự và đến đầu thế kỷ XX, chúng mới thực sự tiến hành cuộc khai thác thuộc địa về kinh tế Sau hai cuộc khai thác thuộc địa, cơ cấu xã hội Việt Nam đã có những biến đổi sâu sắc Từ Nam chí Bắc, nhiều đô thị, thị trấn mọc lên như những trung tâm kinh tế, văn hóa, hành

Trang 18

chính của xã hội thực dân, xuất hiện nhiều tầng lớp xã hội mới như tư sản, tiểu

tư sản, công nhân Những tầng lớp này có nhu cầu văn hóa thẩm mĩ mới, họ tạo thành một công chúng văn học ngày càng đông đảo và đòi hỏi một thứ văn chương mới, chính vì thế đã có tác động trực tiếp, không nhỏ đến đời sống của nền văn học đương thời, do đó văn học trong thời kỳ này (từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945) đã có những bước chuyển biến vượt bậc

Đặc biệt là văn học từ 1930 - 1945, chỉ trong vòng mười lăm năm, văn học Việt Nam đã phát triển với một tốc độ nhanh chóng, có sự cách tân văn học sâu sắc ở các thể loại và xuất hiện nhiều trào lưu văn học khác nhau: Văn học lãng mạn, văn học hiện thực phê phán, văn học cách mạng Mỗi một trào lưu văn học đều mang một đặc điểm riêng, có sự phát triển riêng song cùng song song tồn tại và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn học Việt Nam

Trào lưu văn học lãng mạn với nhân tố chính là “phong trào Thơ mới” đã

có tác động đến sự phát triển của văn học lãng mạn nói riêng và văn học dân tộc nói chung Phong trào Thơ mới (1932 - 1945) xuất hiện đã mở ra một cuộc cách tân sâu sắc và toàn diện cho thi ca Việt Nam đầu thế kỷ XX: “Phong trào Thơ mới là một cuộc cách tân thi ca chưa từng có trong văn học dân tộc Nó chẳng những đem lại những tác phẩm hay, những nhà thơ độc đáo mà đặc biệt là đem lại một phạm trù thơ hiện đại, một thi pháp mới, một kiểu trữ tình mới, phân biệt

và thay thế cho thơ trữ tình cổ điển truyền thống” [41, tr11]

Đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nền văn học dân tộc, do đó Thơ mới nổi bật với những nét đặc trưng không giống với thi ca của bất cứ giai đoạn nào

Ra đời trong một hoàn cảnh xã hội tương đối đặc biệt với nhiều biến động

về chính trị, kinh tế, văn học nên các nhà Thơ mới với một tâm hồn dễ rung động và nhạy cảm trước những biến đổi của cuộc sống đã muốn thoát ra khỏi cuộc sống thực tại, họ không chấp nhận một cuộc sống tẻ nhạt, nhàm chán, đơn điệu, chính vì vậy họ đã chối từ thực tại xã hội, thực tại tầm thường để mơ ước

Trang 19

đến một thế giới khác tươi đẹp hơn và họ đã quay trở về quá khứ để tìm thấy trong quá khứ một thế giới huyền ảo, mộng mơ; một thế giới của chốn bồng lai, tiên cảnh mà ta bắt gặp trong thơ Thế Lữ:

“Bồng lai muôn thủa vườn xuân thắm Sán lạn, u huyền, trong khói hương”

(Mưa hoa) hay đó là giấc mơ của chúa sơn lâm khi nhớ về đại ngàn, nhớ về những ngày tháng oai hùng đã qua:

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối Tay say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gợi, Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng? ”

Là hình ảnh Chế Lan Viên thả hồn trong âm u với những tháp chàm, với

sự nuối tiếc về dân Chàm vong quốc; là Nguyễn Nhược Pháp khi tìm về với truyền thuyết Phong Châu: Mị Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh Và ông đồ Vũ Đình Liên với nỗi lòng canh cánh hoài cổ, về những tiếng loa xưa:

Lòng ta là những hàng thành quách cũ

Tự nghìn năm vẫn vẳng tiếng loa xưa”

(Lòng ta là những hàng thành quách cũ) cũng như:

“Những người muôn năm cũ Hồn ở đây bây giờ”

Song chúng ta nhận thấy các nhà Thơ mới tìm về quá khứ không phải với một thái độ tiêu cực trốn tránh cuộc đời mà là tìm lại những nét đẹp xưa, đó là

sự trân trọng đối với những tinh hoa của cội nguồn dân tộc

Trang 20

Thơ mới ra đời đồng nghĩa với sự khẳng định cái tôi cá nhân đã chiến thắng “cái phi ngã” trong văn học theo kiểu Á Đông xưa Thực ra không phải chỉ đến văn học giai đoạn 1930 cái tôi mới xuất hiện mà trước đó ta đã bắt gặp một cái tôi với khát vọng hạnh phúc lứa đôi trong thơ Hồ Xuân Hương; một cái tôi đầy bản lĩnh cá tính trong thơ Nguyễn Công Trứ, trong thơ Á Nam Trần Tuấn Khải hoặc trong thơ Tản Đà… nhưng các tác giả chưa thể bộc lộ cái tôi như một khuynh hướng, một trào lưu văn học thực sự Và chỉ từ sau 1930, cái tôi cá nhân mới thực sự được đề cao, chính vì vậy đã xuất hiện hàng loạt “cái tôi” trong đội ngũ tác giả Thơ mới: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” [44, tr29]

Tuy nhiên Thơ mới không chỉ đề cao “cái tôi cá nhân”, sự “tự do cá nhân”

mà trong mạch ngầm cảm xúc của nó còn “len lỏi một mạch tình cảm đáng quý: tâm sự yêu nước thầm kín, thiết tha” [23, tr13] và đặc biệt hơn, chúng ta còn tìm thấy ở đó sự trân trọng, nâng niu những nét đẹp của phong tục, tập quán Việt Nam, những nét đẹp của văn hóa làng quê đã tồn tại hàng ngàn đời nay với những tác giả tiêu biểu như Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân và Anh Thơ - nữ thi sĩ đã để lại dấu ấn đặc biệt trong phong trào Thơ mới

2.3.2 Đôi nét về các nhà thơ nữ trong phong trào Thơ mới

Trong phong trào Thơ mới, những cây bút nữ chiếm vị trí không nhỏ và

đã có những đóng góp quan trọng vào sự hình thành và phát triển của nền thơ ca dân tộc

Nhìn lại văn học Việt Nam thời trung đại đã có những cây bút nữ nổi tiếng như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, song số lượng thật là hiếm hoi Người ta cắt nghĩa hiện tượng này là do chế độ phong kiến hà khắc, người phụ nữ không được học hành thi cử; bốn chữ vàng "công,

Trang 21

dung, ngôn, hạnh" đã bó buộc người phụ nữ vào bổn phận làm vợ, làm mẹ, tuyệt nhiên không tham gia vào công tác xã hội Vì vậy, họ hiếm có điều kiện để gặp

gỡ và tham gia trong lĩnh vực văn học nghệ thuật Nho giáo luôn "trọng nam khinh nữ" nên họ quan niệm rằng người phụ nữ học để làm gì? học biết chữ để thêm lý sự với chồng và lười nhác mà thôi

Thế nhưng sang giai đoạn văn học 1930 - 1945, nếu như "Thơ mới là bình minh của thơ Việt Nam hiện đại" thì các nhà thơ nữ có quyền tự hào rằng từ buổi bình minh của thơ Việt Nam hiện đại họ đã có mặt Nhà thơ Nguyễn Thị Manh Manh là một trong số những người đi tiên phong cho sự lên ngôi và thắng thế của Thơ mới Các tên tuổi khác như Mộng Tuyết, Ngân Giang, Vân Đài, Hằng Phương, và đặc biệt là nữ sĩ Anh Thơ đã bước vào làng Thơ mới và để lại những dấu ấn riêng

Trong Thi nhân Việt Nam, viết về Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh

đã mô tả: "Khi nhà thơ Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân dõng dạc bước ra trận để kết án lối thơ cũ, thì lập tức nhờ có tờ Phụ nữ tân văn lời nói của ông đã được truyền bá khắp nơi…" và người ủng hộ ông đầu tiên là một bài thơ viết theo lối mới của một phụ nữ ký tên là Nguyễn Thị Manh Manh (tức Nguyễn Thị Kiêm) và Hoài Thanh đã viết tiếp: "Thơ mới đã bắt đầu có cơ sở Trong làng Thơ mới người ta càng sốt sắng thêm Từ hai tháng trước, hôm 26-7-1933 một

nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm, đã lên diễn đàn hội khuyến học Sài Gòn hết sức tán dương Thơ mới Hội khuyến học Sài Gòn thành lập đến bấy giờ

đã 25 năm Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng là lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người nghe đến như thế" [44, tr22] Và bà đã có cả

một bức thư viết bằng thơ "gửi tất cả những ai ưa hay ghét bỏ lối thơ mới"

"Bây giờ tôi thử khuyên khách làm thơ Đổi lại, ai ưa thơ mới lo tìm chỗ dở

Ai ghét, rán kiếm cái hay của thơ Vậy, chê, khen, có giá trị hoa mới sẽ nở"

Trang 22

(Bức thư gửi tất cả những ai ưa hay ghét bỏ lới thơ mới

Nguyễn Thị Manh Manh) Người nữ sĩ thứ hai của phong trào Thơ mới được nhiều bạn đọc biết đến là Mộng Tuyết Mộng Tuyết tên thật là Lâm Thái Úc - bà còn có những bút danh khác như Hà Tiên Cô, Thất Tiểu Muội, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ…

Thơ Mộng Tuyết là tiếng lòng hồn nhiên, trong trẻo của một người con gái, người con gái ấy nhiều khi còn thẹn thùng, e ấp, trước cả vẻ đẹp của chính bản thân mình:

"Nhớ chuyện đêm qua còn thẹn thùng;

Mặt hồ phẳng lặng ánh trăng trong, Trễ trùng xiêm áo em đang tắm, Làn nước vờn da em lạnh lùng"

(Em xấu hổ) Nếu cho rằng Thơ mới là tiếng nói của những cá nhân, của những tâm hồn với khát vọng thành thực muốn "nói rõ những điều kín nhiệm" thì tâm hồn thơ Mộng Tuyết không nằm ngoài cái biên độ đó Người con gái thẹn thùng, e ấp trên kia cũng là người con gái không muốn giấu giếm những khát vọng trẻ trung mãnh liệt của mình: yêu và được yêu:

"Nguồn trong nước sạch mơn man,

Để em xuống tắm gội làn tóc xanh

Cho anh đặt chiếc lược tình, Món hương trinh bạch để dành từ xưa

Tâm tình mơn mởn đào tơ, Tặng anh giữa cảnh nên thơ suối rừng"

(Hương rừng)

Trang 23

Vẻ đẹp của thơ Mộng Tuyết không phải là vẻ đẹp của cấu tứ và kỹ thuật mà nó có sức lay động ở sự trong trẻo trong cảm xúc và những hình ảnh

có sức gợi:

"Trăng chảy ngập đường đi thuở ấy,

Để người soi bóng bước song song

Rồi trăng từ đó tương tư bóng, Chảy ngập đường đi khắp nẻo lòng

(Bóng trăng tương tư)

và cao hơn còn là vẻ đẹp của một tâm hồn không chỉ quẩn quanh trong những tình cảm riêng tư mà còn biết hướng tâm hồn đến mọi người với một tình yêu rộng lớn Người đọc hẳn sẽ ngạc nhiên và cảm động khi thấy một người con gái chỉ luôn sống trong lầu son gác tía, tưởng như chỉ biết:

"Chiều xuân khép cảnh khuê phòng, Soi gương sửa lại má hồng vui vui"

lại cũng là một thi sĩ có trái tim không vô tình khi nghe tin:

"Nghe nói Tràng An giá gạo cao Đói cơm cửu hạn khát mưa rào"

(Giá gạo Tràng An) Chia xẻ với những khó khăn của đồng loại, nhà thơ băn khoăn tự hỏi:

"Chị nghèo biết giúp gì em nhỉ" và trước nạn đói 1945, trước những nỗi thống khổ của đồng bào mình, Mộng Tuyết đã đau đớn thốt lên:

"Ai làm non nước chia ba?"

Và nhà thơ đã kêu gọi mọi người hãy vì "tình máu mủ" mà "nhường cơm

xẻ áo"

Trang 24

Có thể thấy tiếng thơ ấy cất lên từ một trái tim nhân hậu, từ một trái tim biết yêu thương đồng loại, nhưng nó còn có giá trị hơn khi đặt bên cạnh những tiếng thở dài não nùng của Thơ mới

Bên cạnh Nguyễn Thị Manh Manh, Mộng Tuyết thì Hằng Phương cũng là một nữ sĩ có nhiều đóng góp cho phong trào Thơ mới

Hằng Phương nhập cuộc làng thơ bằng bài thơ đầu tay Nhớ con nhỏ Bội

Trinh (1929) đăng trên tờ Phụ nữ tân văn Từ đó, Hằng Phương cũng có nhiều

thơ đăng trên các báo Đàn bà, Tri tân, Ngày nay, Hà Nội tân văn, Phụ nữ tân văn

và in chung với Anh Thơ, Mộng Tuyết, Vân Đài tập thơ Hương Xuân (1943)

Nhà thơ Xuân Diệu không phải ngẫu nhiên đã từng cho rằng chữ "Tâm" là mạch cảm xúc chính trong thơ Hằng Phương Nét nổi bật trong thơ bà là tâm hồn đầy ắp yêu thương, là niềm khắc khoải khôn nguôi của một người con luôn gắn bó với cội nguồn:

"Mòn mỏi ngày đêm trông lại trông

Cố hương xa cách mấy nghìn trùng"

(Tự cố hương) Nếu Mộng Tuyết thường lấy nguồn cảm xúc của tâm hồn mình để phủ lên mọi vật thì Hằng Phương dường như ngược lại: cảnh vật bình dị xung quanh luôn là những đề tài mang lại cho bà nguồn cảm hứng, tứ thơ Mỗi ban mai thức dậy, nhà thơ phát hiện ra:

"Sương đêm còn đọng trên cành Rưng rưng hạt ngọc long lanh nhìn trời"

(Bình minh)

và Hằng Phương luôn lấy tình quê của mình làm đối tượng để giãi bày nguồn thi

hứng Những bài thơ viết về quê hương của Hằng Phương như Tự cố hương,

Tiễn biệt và đặc biệt là Lòng quê là những bài thơ hay được bạn đọc chú ý

Trang 25

Trong làng thơ nữ của phong trào Thơ mới nổi bật lên một bông hoa với muôn sắc màu đó chính là Anh Thơ Anh Thơ đã trình diện làng Thơ mới bằng

một sự khởi đầu đầy tốt đẹp với tập thơ Bức tranh quê

Nhìn trong tương quan với phong trào Thơ mới và trong cả sự nghiệp

sáng tác thì Bức tranh quê quả là khiêm nhường Thế nhưng trong sự khiêm nhường tưởng chừng nhỏ nhoi đó, Bức tranh quê đã tạo được cho mình một

sắc thái riêng biệt độc đáo Nét riêng biệt ấy được tạo nên từ thi hứng về làng quê, về nếp sống và phong tục miền thôn dã Anh Thơ đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi thơ văn yêu nước từ ông ngoại, thấm đượm chất thơ dân gian trong các chuyện cổ do bà nội kể

Khi sáng tác Bức tranh quê, Anh Thơ đã tự tách thi hứng của mình ra

ngoài những biến động xã hội nên thơ nữ sĩ không bị xoay vần theo cái gọi là

"mưa Âu gió Mĩ" Thực ra, trước khi sáng tác Bức tranh quê, bà cũng có sáng tác những vần thơ buồn và lãng mạn như ở Nàng Thu đăng trên Tiểu thuyết thứ

Năm Thế nhưng tâm hồn thơ nữ sĩ "không thích cái giọng buồn chung chung giống với mọi người, bà đã tâm sự: "Tôi thấy mình cũng có một xứ quê rộng khắp châu thổ sông Hồng Những nơi tôi theo bố tôi làm việc thời Pháp thuộc và nhất là nơi có con sông Thương đầy nước mắt biệt ly của những đôi vợ chồng lính thú từ xưa Cộng lại những làng xóm, bến sông, ao làng, đồng ruộng, những con người chân chất mộc mạc mà tôi yêu thương Thế là tôi bắt đầu viết Lời thơ

trong Bức tranh quê có những vần còn thô sơ, nhưng có những câu hay mà đến

bây giờ trình độ có vượt hơn trước rất nhiều tôi cũng không làm được" [20,

tr11] Thật vậy, đọc Bức tranh quê đâu đâu người đọc cũng bắt gặp phong cảnh

thiên nhiên của làng quê Việt Nam, nếp sống nông thôn, phong tục nông thôn; ta bắt gặp "những câu thơ kết hợp xưa - nay, hiện đại và truyền thống, mà thực ra chưa một thi sĩ nào đã viết được thế" [32, tr76]

"Mây đi vắng, trời xanh buồn rộng rãi Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi"

Trang 26

Xưa kia các thi nhân đời Đường nhìn mây trắng bay hoài bất tận "bạch

vận thiên tải không du du" mà buồn, thì nay nữ sĩ tả trời xanh mây đi vắng mà

buồn thì thật là đầy sáng tạo, độc đáo,

Và đây nữa, một bức tranh của một buổi Chiều xuân, với 3 khoảng không gian khác nhau:

"Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi

… Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ Đàn sáo đen xà xuống mổ vu vơ

… Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng

Lũ cò non chốc chốc vụt bay ra…"

(Chiều xuân) Khung cảnh thiên nhiên này dứt khoát chúng ta không thể tìm thấy ở một thành phố ồn ào, náo nhiệt Muốn thưởng thức nó ta phải trở về với những vùng quê của đồng bằng Bắc Bộ, cùng với nhà thơ thả tâm hồn mình hoà vào cuộc sống thanh bình yên ả của đồng quê

Và đây nữa, một đêm 30 Tết thật đáng nhớ - đó là thời khắc chuyển giao giữa năm mới với năm cũ đầy thiêng liêng Nhà thơ thật tinh tế khi phát hiện ra những tình cảm, tâm trạng thật khác nhau nhưng cũng rất điển hình của người dân quê trong đêm giao thừa đầy ấm cúng bên nồi bánh chưng xanh đang nghi ngút khói:

"Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục Thằng cu con rụi mắt cố chờ ăn

Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen nhức

Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm"

(Đêm ba mươi tết)

Trang 27

Có thể thấy Bức tranh quê của Anh Thơ mang một nét đẹp đồng nội

ngọt ngào để rồi trong cuộc thi sáng tác văn chương do nhóm Tự Lực Văn Đoàn tổ chức năm 1939 (gồm nhiều bộ môn như kịch, thơ, truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, phóng sự…) tập thơ này đã đạt giải khuyến khích Đây là

sự khích lệ cho những cố gắng của Anh Thơ trên con đường lần đầu ngập ngừng đến với thơ, cũng là sự khẳng định về sự tiếp nhận ở người đọc đương

thời và là một sự dự báo về sức sống của hồn thơ Bức tranh quê trong tương lai Và sau này các nhà phê bình cũng đã dành cho Bức tranh quê những nhận

xét tốt đẹp: "Thật khó tưởng tượng bức tranh về nông thôn Việt Nam sẽ ra sao nếu bên cạnh một Bàng Bá Lân, một Đoàn Văn Cừ sẽ thiếu đi một Anh Thơ",

hay "Hơn nửa thế kỷ qua trên Bức tranh quê, buổi họp chợ ngày nay có nhiều

sản vật hơn trước không, ngày đại hạn có giảm chưa cái cảnh các cô gái… chán nản tát đồng không, bến đò ngày mưa có thể có đò máy, đám xẩm trở

thành những đoàn chèo hay những đội văn công… Bức tranh quê vẫn còn giá

trị nguyên vẹn và bút pháp vẫn là vầng hào quang toả sáng suốt con đường văn nghiệp của chị"

Tóm lại với 80 thi nhân của phong trào Thơ mới (Theo cuốn "Thơ mới

1932 - 1945" tác giả và tác phẩm NXB Hội Nhà văn 1998), những cây bút nữ

chỉ chiếm một số lượng nhỏ với 9 gương mặt nhưng khi nhắc đến Thơ mới chắc hẳn bạn đọc không thể không nhớ đến một Anh Thơ chân tình mộc mạc, một Mộng Tuyết trong trẻo, hồn nhiên; một Hằng Phương đằm thắm, dịu dàng… và bấy nhiêu thôi cũng đã góp phần cho nền thơ ca dân tộc thêm đa dạng, phong phú về màu sắc và giọng điệu

3 Anh Thơ và những chặng đường thơ sau Cách mạng

Cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 đã mở ra cho nhân dân ta một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của độc lập, tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội Biến động lịch sử to lớn ấy đã kéo theo một cuộc cách mạng sâu sắc trong đời sống văn học

Trang 28

dân tộc và nền văn học mới ra đời Cho đến nay, nền văn học mới ra đời đã đi trọn một giai đoạn lịch sử, giai đoạn 1945 - 1975 Văn học 1945 - 1975 đã trải qua ba mươi năm chiến tranh và đây là một nền văn học thống nhất, có tổ chức, đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng Trong hoàn cảnh đó, quan hệ quốc tế của văn học hết sức hạn chế: chủ yếu thu hẹp trong vùng ảnh hưởng của phe xã hội chủ nghĩa, trước hết là Liên Xô, Trung Quốc

Với tư cách là một nền văn học mới, văn học cách mạng Việt Nam 1945 -

1975 đã thực hiện một cuộc cách mạng trong văn học dân tộc trên nhiều phương diện: Quan niệm thẩm mỹ, thể loại, hình tượng, ngôn ngữ, lực lượng sáng tác…

3.1 Thơ ca kháng chiến chống Pháp và những đóng góp của Anh Thơ

Khảo sát thơ giai đoạn 1945 - 1954 chúng ta thấy rõ quá trình phát triển thơ gắn liền với quá trình hình thành và trưởng thành của lực lượng sáng tác, gắn liền với sự chuyển biến của văn nghệ sĩ mà nhân tố có ý nghĩa là các nhà thơ

đi vào cuộc sống, bám sát thực tế cách mạng và kháng chiến dân tộc, từ đó xây dựng và nâng cao nhận thức tư tưởng tình cảm mới, cảm xúc sáng tạo trước nguồn đề tài phong phú nhiều biến đổi của cuộc sống cách mạng

Nhiều nhà thơ bàn đến vấn đề tìm đường, nhận đường Đặc biệt với các nhà thơ trưởng thành từ giai đoạn Thơ mới 1932 - 1945 thì đó là quá trình "lột xác" để đến với Cách mạng Chế Lan viên đã có thể hân hoan "từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui, từ chân trời của một người đến chân trời của mọi người" Xuân Diệu hoà vào cuộc sống mới với nguồn thơ mới yêu đời, tươi sáng:

"Có một suối thơ chảy từ gần gũi

Ra xa xôi và đến lại gần quanh Một suối thơ lá ngọt với hoa lành Nói trong xóm và dỡn cười dưới phố"

Nhiều nhà thơ đã lên đường nhập ngũ, sống chiến đấu ở các chiến trường như Tế Hanh, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh… Các nhà thơ đi với

Trang 29

cách mạng, với kháng chiến đều thấy rõ một cuộc "đổi đời" "tái tạo" Cuộc kháng chiến đã có tác dụng quyết định đến sự chuyển biến tư tưởng của các nhà thơ, khơi gợi những tình cảm tốt đẹp, những nhận thức đúng đắn và cách cảm, cách nghĩ về đối tượng văn học Cũng trong thời kỳ này xuất hiện nhiều nhà thơ như Quang Dũng, Thôi Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Hồng Nguyên… Có thể nói, "lớp nhà thơ này do cách mạng mà có, từ cách mạng mà

ra, vì cách mạng mà làm" (Mã Giang Lân)

Bên cạnh đó, thời kỳ này phải kể đến sự chuyển biến trong phong cách của một số nhà thơ nữ như Hằng Phương, Vân Đài và đặc biệt là Anh Thơ Đều

là những nhà thơ xuất hiện từ Thơ mới 1932 - 1945, thơ họ đã có nhiều thay đổi khi bước sang một giai đoạn văn học cách mạng với lý tưởng thẩm mỹ và quan điểm sáng tác mới mẻ

Vân Đài từ một nhà thơ lãng mạn tiểu tư sản đã gia nhập vào hàng ngũ giai cấp vô sản và đem ngòi bút của mình phục vụ Cách mạng Đó là sự tự nguyện nhưng cũng là một thử thách lớn nhất, sâu sắc nhất trong tâm hồi bà Khi đến với Cách mạng, thơ bà đã mất dần cảm giác hắt hiu cô đơn mà hoà vào cái

hồ hởi của cuộc đời mới, từ giai điệu buồn chuyển sang giai điệu vui Đi vào kháng chiến, thơ Vân Đài có nhiều chi tiết sống hơn: cảnh sinh hoạt kháng chiến đậm đà tình nghĩa, một chuyến dân công, một đám cưới theo đời sống mới, một lớp học bình dân, những tâm tư cảm động của tác giả…

"… Hành quân vượt núi chân chen bước

Đá sắc cheo leo dài dãy dài

Bộ đội cầm tay: "Lên nữa chị"…

Bàn tay tôi nắm một tay chai"

(Vượt lên)

hay: "… Ta nhớ mãi một trưa hè nắng cháy

Dưới bóng tre rủ lá thấp ngang đầu Nghe các anh giảng rõ từng câu

Trang 30

"Thế giới đại đồng, thiên đường cộng sản"

(Trà Vinh thương nhớ) Chủ đề về đất nước và những con người có ý thức làm chủ vận mệnh của mình thay thế chủ đề con người cô đơn lẻ chiếc đã đem lại cho thơ bà một ý nghĩa mới, một tác dụng mới

Bên cạnh một Vân Đài với giọng thơ "khoẻ khoắn, tươi vui", Anh Thơ

cũng đã có những đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp Kể chuyện Vũ

Lăng, Tiếng chim tu hú, Như cánh chim câu… là những bài thơ được nhiều

người biết đến

Kể chuyện Vũ Lăng đã đánh dấu một bước phát triển về thơ Anh Thơ Bà

nói về nỗi khổ của người phụ nữ trong chiến tranh nhưng cái hay, đặc sắc của bài thơ là không dừng lại ở việc kể khổ mà bài thơ đã vượt lên tầm cao mới đó là: ca ngợi và sẻ chia niềm vui, nỗi buồn của nhân dân

Tiếng chim tu hú lại là bài thơ nói lên tiếng lòng và tâm sự của thi sĩ vừa

gợi cảm lại vừa sinh động Bài thơ đã nói về tình thương đối với người cha già nhưng vẫn nói về thế hệ trẻ trong tình thương nhớ và chiến đấu Cũng với những lời thơ thắm thiết về cha, thì bà đã có những bài thơ đầy cảm động về mẹ bởi mẹ

bà mất sớm Bà đã làm rất nhiều bài thơ viết về mẹ, trong đó bài thơ: Đêm ba

mươi Tết đã diễn tả cảm xúc thật dạt dào:

"… Đêm nay cũng lại đêm ba mươi Chị đã cùng em lặng ngậm ngùi Dọn án thờ mẹ và chỉ nhớ

Đôi đầu khăn trắng thắt ngang thôi!"

Anh Thơ là tác giả có nhiều bài thơ hay viết về người phụ nữ Bà viết về người phụ nữ ở nhiều vị trí, cương vị: lao động, chiến đấu, nghệ thuật với những tình cảm sâu đậm khác nhau Và bà đã dồn tấm lòng yêu thương sâu sắc cho các

bà mẹ, nhất là các bà mẹ có những người thân yêu nhất hi sinh trong chiến tranh:

"Năm con chung một bàn thờ khói hương"

Trang 31

3.2 Anh Thơ và đội ngũ thơ nữ trong giai đoạn chống Mỹ

Bên cạnh thế hệ nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Pháp, đến thời kỳ chống Mỹ, một thế hệ nhà thơ trẻ cũng đã hình thành và đã gặt hái được nhiều thành tựu trong sáng tác như Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật… Đây là những nhà thơ trẻ lăn lộn nhiều năm ở chiến trường, "là lớp nhà thơ mà ở mỗi người vốn văn hoá cùng với lý tưởng sống, lý tưởng thẩm mỹ đã được bồi dưỡng và hình thành từ nhà trường xã hội chủ nghĩa" [29, tr311]

Các nhà thơ nữ như Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mĩ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn

và Anh Thơ cũng đã trưởng thành trong giai đoạn thơ ca này và chịu ảnh hưởng trực tiếp về thi pháp và phong cách thời đại của thơ ca chống Mỹ Họ cũng là những nhà thơ có đóng góp nhất định cho nền thơ ca sau 1975

Giống như các nhà thơ cùng thời Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh… thơ nữ giai đoạn này cũng có nhiều sáng tác phản ánh đời sống

chiến đấu của nhân dân Xuân Quỳnh viết Hoa dọc chiến hào, Gió lào cát

trắng Đó chính là kết quả của những năm tháng hoà mình vào cuộc sống chiến

đấu, sôi động của đất nước và với Gió lào cát trắng, Xuân Quỳnh đã thực sự khẳng định bản lĩnh nghệ thuật của nhà thơ; Phan Thị Thanh Nhàn có Hương

thầm, Chân dung người chiến thắng… Với Hương thầm, Phan Thị Thanh Nhàn

đã định hình một phong cách thơ dịu nhẹ, duyên dáng mà kín đáo và chị đã

được giải thưởng của báo Văn nghệ Khoảng trời và hố bom của Lâm Thị Mĩ

Dạ làm người đọc ngạc nhiên với tứ thơ độc đáo và đã giành giải Nhì của báo Văn nghệ (1972 - 1973) Đây là bài thơ đầy cảm động kể chuyện cô gái mở đường hy sinh vì bom Mĩ…

Khi đối diện với chiến tranh, họ nhận ra những giá trị đời sống nằm trong những điều tưởng như nhỏ nhặt mà không phải bao giờ chúng ta cũng thấu hiểu được, đặc biệt là trong cuộc sống đời thường Đó là sự bền bỉ của lòng tin, là sức mạnh của con người và của cây cỏ trước thử thách, trước đau thương, có thể tìm

Trang 32

thấy trong thơ họ những câu thơ quyết liệt và đầy thử thách, những câu thơ biến cải vì nó vượt qua hoàn cảnh với một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai:

"Rồi sẽ có làng sẽ có cây

Có thành phố, tiếng cười và ánh sáng Dẫu chúng tôi chẳng còn lại gì đâu Còn chúng tôi, chúng tôi còn tất cả"

(Xuân Quỳnh)

hay trong bài thơ Tin ở bàn tay, Lâm Thị Mĩ Dạ đã viết:

"Quen cầm bàn tay không sợ bỏng Nâng cái đàn vuốt thành bản nhạc Khẽ đưa nôi bàn tay thành gió mát Bàn tay đào hầm, bàn tay vá may Trong cuộc chiến đấu này

Chúng tôi tin ở hai bàn tay"

và với Phan Thị Thanh Nhàn, sức sống ấy đã trở thành văn hoá, thành truyền thống của vùng đất thủ đô:

"Phố Khâm Thiên họ huỷ diệt bao giờ Phố của tình yêu ngọt ngào chim hót Phố của bà con làm ăn bận rộn Phố của trẻ thơ ríu rít vui đùa

Và Khâm Thiên, phố của căm thù"

Khi viết về chiến tranh, các nhà thơ nữ đều có một cái nhìn về chiến tranh

mang tính nữ Với những cái tên như: Hương thầm, Trái tim sinh nở, Lời ru trên

mặt đất… người đọc phần nào có thể cảm nhận được tiếng nói trữ tình đầy nữ

tính trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mĩ Dạ và Xuân Quỳnh

Trang 33

Hiện thực khốc liệt của chiến tranh dường như đã lắng đọng qua tâm hồn dịu dàng của người phụ nữ,thấm sâu vào lòng người đọc bằng những cảm nhận rưng rưng Cái bối rối nhớ thương của một cô gái tiễn người yêu ra trận:

"Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay

Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm Bên ấy có người ngày mai ra trận Bên ấy có người ngày mai đi xa

(Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn) hay cái ngậm ngùi chua xót khi chiến tranh tước đi những gì đời thường nhất, giản dị nhất của cuộc sống con người

"Hoá ra rau cũng thành nỗi nhớ Đêm nằm mơ thấy phiên chợ toàn rau Hàng bí ngô bên cạnh hàng bầu Xanh mườn mượt màu xanh rau muống…

Em sơ tán rau dền không mọc nữa Thương mẹ già còn nhớ vị rau đay"

(Rau - Xuân Quỳnh)

và ngay cả trong bài thơ đầy tính tượng hình Khoảng trời hố bom của Lâm Thị

Mĩ Dạ cũng mang đầy tình nữ Chị cảm nhận về sự hy sinh không phải ở cái vĩ đại mà ở sự tinh khiết, trắng trong của tâm hồn cô gái trinh nguyên, chính điều

đó đã làm nên sự cao cả: "Nhưng cái ánh sáng lung linh kia thì có lẽ phải đến thời ta mới có Cũng phải đến thời ta và chưa biết chừng, ở đây cũng phải là một cây bút nữ mới có thể vừa nói đến cái trong trắng của tâm hồn vừa nói đến cái mềm mại, cái trắng trong của da thịt:

"Có phải da thịt em mềm mại trắng trong

Đã hoá thành những làn mây trắng"

[34, tr223 - 224]

Trang 34

và chính cái trong trắng, thuỳ mị, dịu dàng ấy đã khiến bài thơ có một sức gợi cảm rất sâu

Trong dàn hợp xướng nhiều âm sắc của những cây bút nữ kể trên, Anh Thơ nổi lên với một phong cách độc đáo, với một nẻo đi rất khác lạ Nếu các nhà thơ nữ khác như Vân Đài, Lâm Thị Mĩ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh… thiên về đời tư, cảm xúc nội tâm nhiều hơn là những vấn đề cuộc sống

xã hội thì Anh Thơ tạo nên một sắc màu mới mẻ Đó là vừa có cái chung của thời đại, vừa có cái riêng của bản thân mình với một giọng thơ chân thành ấm áp bởi Anh Thơ là một nhà thơ nữ chịu khó đi thực tế Đi nhiều nơi tầm nhìn mở rộng, thơ của bà đi từ bức tranh quê đến bức tranh đất nước Trong những năm đầu hoà bình và trong thời gian chống Mĩ hễ có điều kiện là bà lại tìm cho mình những chuyến đi đến những vùng khác nhau Những chuyến đi vừa nâng cao sự hiểu biết, lại vừa tạo ra nguồn cảm hứng để sáng tác Với ưu điểm luôn gần gũi đời sống, khai thác chất thơ từ đời sống mà trong chặng đường này, Anh Thơ đã

có được các tập thơ in dấu ấn sáng tạo của một thời kỳ mới: Theo cánh chim câu

(1960); Đảo Ngọc (1963); Hoa dứa trắng (1967); Mùa xuân màu xanh (1974); Quê chồng (1979)… Hiện thực đời sống mở rộng cảm hứng cho thơ ca Thơ của

bà phong phú và đa dạng, không chỉ trong đề tài mà trong cách cảm xúc, vẫn là một bút pháp quen thuộc tả nhiều hơn gợi, nhưng đã được phả vào đây một tâm hồn mới Nếu như trước đây, người đọc đã từng yêu quý những câu thơ miêu tả độc đáo cảnh sắc của thiên nhiên Việt Nam như:

"Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời"

thì bây giờ chúng ta lại được nghe nhà thơ ngợi ca cảnh đẹp thiên nhiên đất nước bằng những câu thơ tươi sáng đầy thú vị:

"Mắt nhìn cau đứng đẹp như tranh

Bò vàng lớp lớp đi bên gốc Mây trắng ngập ngừng trên tán xanh"

Trang 35

Bên cạnh đó có thể kể ra những bài thơ viết về đề tài chiến tranh chống

Mĩ cứu nước như Tiếng đập đỗ bà viết ở Ngọc Sơn; hay Tổ săn máy bay Minh

Khôi - đây là một bài thơ dài với 140 câu thơ chặt chẽ nhưng bài thơ lại lôi cuốn

người đọc từ ý nọ sang ý kia liền trong một hơi cảm xúc Bài thơ đã tạo ra một khung cảnh chiến đấu, một lòng chung sức của tổ săn máy bay và cũng là của toàn dân, nhiều người đã đánh giá đây là một thành công mới của Anh Thơ trong thời kỳ chống Mĩ cứu nước Ngoài ra chúng ta còn có thể kể đến rất nhiều

bài thơ đặc sắc của bà về chống Mĩ cứu nước như: Nhà trực chiến; Phép thiêng;

Chúng em đan lưới… và ở mỗi một bài thơ, Anh Thơ lại xây dựng những cảm

xúc, những tứ thơ khác nhau Vì thế mà nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng ca ngợi: "Anh Thơ có tài quan sát, nhưng chị không chỉ quan sát bằng mắt mà quan sát từ tấm lòng, một tấm lòng kiên trinh theo Đảng, theo Cách mạng Chị đã vượt qua bao khó khăn thuở ban đầu để làm thơ rồi chị lại lăn lộn vào cuộc chiến đấu để làm thơ Làm được một bài thơ hay thì đã khó, trở thành một nhà thơ hay thì càng khó hơn Nếu ai nói thơ chị là khô khan, thì thật là vô duyên Chẳng khô tí nào cả, tình yêu trong thơ chị hồn nhiên, trong trắng và lai láng lắm Nếu ta nói chị sáng tác dồi dào và đến bây giờ nguồn thơ vẫn chưa cạn, thì điều đó rất đúng Nếu ta nói những bài thơ hay của chị chưa quá nhiều, song những câu thơ hay của chị không ít thì điều đó rất đúng Nhưng đúng hơn lòng yêu cuộc sống, yêu thơ, quyết tâm theo Đảng và theo Cách mạng đến cùng làm cho tâm hồn thơ chị luôn trẻ, thơ văn của chị chân thành và dạt dào sức sống, nhất là những vần thơ của chị về Đảng, về Bác Hồ là những vần thơ đặc sắc Chị

có một vị trí xứng đáng trong làng thơ, nhất là trong làng thơ nữ" [47, tr53]

Trang 36

CHƯƠNG II:

PHONG CÁCH ANH THƠ NHÌN TỪ NỘI DUNG TRỮ TÌNH

1 Đối tượng thẩm mỹ trong thơ Anh Thơ

1.1 Cảnh quê, tình quê trong thơ Anh Thơ trước cách mạng

Xã hội Việt Nam cổ truyền dựa trên nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước với tổ chức xã hội là làng Và trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, làng quê từ ngàn đời nay là nơi trú ngụ của biết bao thế hệ người dân Việt Nam, đó là nơi nuôi dưỡng đời sống và tâm hồn dân tộc, là nơi lưu giữ những nét đẹp của cảnh sắc Việt Nam, và cảnh sắc Việt Nam không phải là một đề tài mới trong văn học Việt Nam, ta từng bắt gặp hình ảnh của một chàng trai khi xa quê hương là nhớ tới những gì giản dị nhất, thân thuộc nhất

đó là bát canh rau muống, là quả cà mặn… hay hình bóng ai đang lam lũ vất vả một nắng hai sương:

"Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao"

(Ca dao) Trong văn học trung đại thì thiên nhiên và tình quê là mạch cảm hứng chủ đạo của văn chương Việt Nam Có thể thấy mạch văn này chảy từ văn học Lý - Trần và kéo dài tới tận Nguyễn Khuyến "nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam"; Nếu ta gặp trong thơ của Trần Thánh Tông một khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh, thanh bình; một buổi chiều ở làng quê Việt Nam với tiếng kèn của mục đồng, từng đàn trâu thủng thỉnh nối đuôi nhau ra về và hình ảnh từng đôi cò trắng đang chao liệng dưới cánh đồng:

"Xóm trước sau thôn tựa khói lồng

Trang 37

Bóng chiều man mác có dường không Theo hồi kèn mục trân về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng"

thì trong thơ Nguyễn Khuyến ta lại bắt gặp không gian làng quê với những đặc trưng riêng: đường làng, ngõ trúc, ao chuôm, bãi chợ… Có thể "nói Nguyễn Khuyến là người đã làm phong phú không gian làng quê với những nét mới, cụ

thể, chân thực, sôi động qua chùm thơ thu ba bài nổi tiếng (Thu vịnh, Thu điếu,

Thu ẩm):

"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo Sóng nước theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt Ngõ trúc quanh co khách vắng teo…"

(Thu điếu)

Với làn nước trong veo, với một chiếc thuyền bé nhỏ và hình ảnh hững hờ của lá vàng rơi, và một ngõ trúc vắng vẻ, quanh co… tất cả đã tạo nên một không gian thu lành lạnh của mùa thu Bắc Bộ Việt Nam và lần đầu tiên trong thơ ca cổ điển Việt Nam xuất hiện một mùa thu mang những đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, khác hẳn mùa thu trong thi ca cổ điển với lá ngô đồng rụng, sen tàn cúc nở… đã từng án ngữ bao lâu nay

Đến phong trào Thơ mới (1932 - 1945), mặc dù đời sống xã hội Việt Nam

có những biến động; mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của thơ ca Pháp song hình ảnh làng quê Việt Nam vẫn luôn là mảnh đất ngọt ngào của các thi sĩ trong phong trào Thơ mới

Ta bắt gặp hình ảnh một con sông quê hương trong thơ của Tế Hanh với những hình ảnh thơ vừa phóng khoáng, thi vị lại vừa giản dị, chân chất song cũng đầy tự hào:

Trang 38

"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới Nước bao vây cách biển nửa ngày sông Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá"

(Quê hương - Tế Hanh) hay ta bắt gặp một Tràng Giang trong thơ Huy Cận với cảnh sông dài trời rộng lúc chiều tà vừa mang dáng dấp cổ kính thường có trong thơ Đường lại vừa gần gũi thân thuộc đối với người Việt Nam song vẫn toát lên một vẻ đẹp riêng của con sông Tràng Giang

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa Lòng quê dợn dợn với con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"

và đây, cảnh thôn Vĩ Dạ của Huế mộng Huế mơ trong thơ Hàn Mạc Tử hiện lên thật trẻ trung, tươi tắn:

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền…"

thôn Vĩ hiện lên với vẻ đẹp tươi tốt tràn đầy sức sống của khu vườn xanh mướt, của nắng hàng cau và đặc biệt là vẻ đẹp trẻ trung thanh xuân của khuôn mặt ai

đó đang e ấp, thẹn thùng ẩn sau khóm trúc

Có thể thấy các nhà thơ trong phong trào Thơ mới luôn dành những lời thơ thân thương, trìu mến; những tình cảm yêu thương, trân trọng đối với quê hương Và Anh Thơ đã tiếp tục điểm tô cho làng quê Việt Nam bằng những chi tiết, những hình ảnh gợi cảm, gợi tình, gợi hồn người đất Việt đến chân thực

Trang 39

Không gian làng quê được tác giả chủ yếu miêu tả bằng dáng vẻ của làng quê nông nghiệp cổ truyền, của làng quê Bắc Bộ gắn liền với hình ảnh của các mùa trong năm, hay hình ảnh của cây đa, bến nước, con đò, đồng ruộng, cảnh chợ… hay cả những gì bình dị, gần gũi với cuộc sống mà như Anh Thơ đã từng nói:

"Tôi thích nhất được thoả thuê, trong không khí đầy hoa cau, hoa ngâu, hoa sói, được lũ chim gà quấn quýt bên chân, được xem chúng ăn hăm hở Tôi thích nhất

là được đi giữa cảnh rộn ràng người đi chợ… những gánh thóc tám đỏ như son, những mẹt thị thơm phức mùa hè, những trái mít to phải lồng quang gánh…" [8, tr15]

1.1.1 Cảnh sắc thiên nhiên mang đậm hương vị làng quê

Cuộc sống nông nghiệp gắn bó với đồng ruộng đã tạo nên nhịp sống theo mùa vụ nơi làng quê Người nông dân quanh năm suốt tháng gần gũi với thiên

nhiên, với ruộng đồng nên ta bắt gặp không gian làng quê trong Bức tranh quê

bắt đầu từ hình ảnh đồng ruộng, một không gian rộng lớn với gốc rơm, gốc rạ, với cây lúa:

"Trong đồng lúa vàng tươi bông lúa chín"

hay "Ngoài đồng lúa một vài cô tát nước

Múc trăng lên theo tiếng hát mơ màng"

(Đêm hè)

hoặc "Ngoài đồng ruộng lúa vàng tươi cháy xác,

Nắng chang chang không một bóng râm chừa"

(Đại hạn)

Có thể thấy không gian đồng ruộng hiện lên thật phong phú, đa dạng với hình ảnh những cánh đồng trải dài vô tận, những bông lúa vàng tươi chín nặng trĩu bông hương lúa thơm nồng chắt chiu từ mùi vị ngai ngái của đất, vị cay nồng của mồ hôi người dân quê và hình ảnh những cô gái quê đang tát nước trong khung cảnh thiên nhiên thật nên thơ, mang vẻ đẹp mộc mạc của làng quê,

Trang 40

với tiếng hát vang ngân đã tạo nên một khung cảnh thật ấm no, thật yên bình và cũng thật hạnh phúc

Cùng với Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ cũng viết về một không gian ruộng đồng với những cảnh sắc thiên nhiên:

"Lúa trải dài như bể kén tơ Từng đôi chim sẻ đến nô đùa

Mổ từng hạt một trong khi gió Bốc nhẹ mùi hương phảng phất đưa"

Bức tranh thiên nhiên làng quê Việt Nam còn gắn liền với hình ảnh đê làng Con đê làng đã gắn bó biết bao kỷ niệm với tuổi thơ, cái tuổi thả diều, đá

bóng, chăn trâu, mải mê: "Bỏ mặc trâu bò nằm vệ cỏ Mắt mơ màng trong gió

hiu hiu" và hình ảnh con đê làng đã được thi nhân miêu tả và cảm nhận với

những nét rất cụ thể, rất chi tiết nhưng cũng rất đặc trưng của cảnh thiên nhiên Bắc Bộ Việt Nam:

"Những cô gái, với lá thuốc nhuộm răng đen nháy Trâu, bò thưa bóng trên bờ đê"

hay "Chân bờ đê trên cánh đồng lúa đỏ,

Nắng mờ tránh vội áng sương lan"

(Trở rét) Còn đây là hình ảnh bờ đê vào mùa lũ:

"Đê đã vỡ một đêm mưa tầm tã Nước sông ồ ạt chảy trôi đồng Làng xóm chìm đi bao mái rạ Bao cây vườn mất tích giữa mênh mông"

(Lụt) Tác giả đã miêu tả rất cụ thể, như đang hiện diện trước mắt người đọc hình ảnh con đê ngăn nước cho dân làng giờ đây đã bị vỡ sau một đêm mưa

Ngày đăng: 23/03/2015, 09:45

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Anh Thơ (1941), Bức tranh quê (thơ), NXB Hội nhà văn Sách, tạp chí
Tiêu đề: Bức tranh quê
Tác giả: Anh Thơ
Nhà XB: NXB Hội nhà văn
Năm: 1941
2. Anh Thơ (1957), Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ), NXB Phụ nữ Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Kể chuyện Vũ Lăng
Tác giả: Anh Thơ
Nhà XB: NXB Phụ nữ Hà Nội
Năm: 1957
3. Anh Thơ (1960), Theo cánh chim câu (thơ), NXB Văn học Sách, tạp chí
Tiêu đề: Theo cánh chim câu
Tác giả: Anh Thơ
Nhà XB: NXB Văn học
Năm: 1960
4. Anh Thơ (1964), Đảo Ngọc (thơ), NXB Văn học Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đảo Ngọc
Tác giả: Anh Thơ
Nhà XB: NXB Văn học
Năm: 1964
5. Anh Thơ (1967), Hoa dứa trắng (thơ), NXB Văn học Sách, tạp chí
Tiêu đề: Hoa dứa trắng
Tác giả: Anh Thơ
Nhà XB: NXB Văn học
Năm: 1967
6. Anh Thơ (1967), Mùa xuân màu xanh (thơ), NXB Văn học Sách, tạp chí
Tiêu đề: Mùa xuân màu xanh
Tác giả: Anh Thơ
Nhà XB: NXB Văn học
Năm: 1967
7. Anh Thơ (1977), Quê chồng (thơ), NXB Văn học Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quê chồng
Tác giả: Anh Thơ
Nhà XB: NXB Văn học
Năm: 1977
8. Anh Thơ (1986), Từ bến sông Thương (hồi kí), NXB Văn học Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ bến sông Thương
Tác giả: Anh Thơ
Nhà XB: NXB Văn học
Năm: 1986
9. Anh Thơ (1995), Tiếng chim tu hú (hồi kí), NXB Văn học Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiếng chim tu hú
Tác giả: Anh Thơ
Nhà XB: NXB Văn học
Năm: 1995
10. Anh Thơ (2002), Bên dòng chia cắt (hồi kí). II. NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH Sách, tạp chí
Tiêu đề: Bên dòng chia cắt
Tác giả: Anh Thơ
Năm: 2002
11. Vũ Tuấn Anh (2009), Quá trình văn học đương đại nhìn từ thể loại, Tạp chí Văn học số 9/2009 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quá trình văn học đương đại nhìn từ thể loại
Tác giả: Vũ Tuấn Anh
Năm: 2009
12. Antoine Compagnon (2006), Bản mệnh của lý thuyết văn chương và cảm nghĩ thông thường, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Bản mệnh của lý thuyết văn chương và cảm nghĩ thông thường
Tác giả: Antoine Compagnon
Nhà XB: NXB Đại học Sư phạm Hà Nội
Năm: 2006
13. Lê Huy Bắc (2002), Truyện ngắn, lí luận, tác giả và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Truyện ngắn, lí luận, tác giả và tác phẩm
Tác giả: Lê Huy Bắc
Nhà XB: NXB Giáo dục
Năm: 2002
14. Nguyễn Chí Bền (1999), Văn hoá dân gian Việt Nam - những suy nghĩ, NXB Văn hoá Dân tộc Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn hoá dân gian Việt Nam - những suy nghĩ
Tác giả: Nguyễn Chí Bền
Nhà XB: NXB Văn hoá Dân tộc
Năm: 1999
15. Nguyễn Huy Cương (2004), Bản sắc "cái tôi trữ tình" trong dòng thơ Đồng quê 1932 - 1945), Báo cáo khoa học Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: cái tôi trữ tình
Tác giả: Nguyễn Huy Cương
Năm: 2004
16. Hữu Đạt (1999), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ngôn ngữ thơ Việt Nam
Tác giả: Hữu Đạt
Nhà XB: NXB Văn hoá thông tin
Năm: 1999
17. Phan Cự Đệ (2002), Văn học lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945, NXB Văn học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn học lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945
Tác giả: Phan Cự Đệ
Nhà XB: NXB Văn học
Năm: 2002
18. Hà Minh Đức (1997), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lí luận văn học
Tác giả: Hà Minh Đức
Nhà XB: NXB Giáo dục
Năm: 1997
19. Hà Minh Đức (1997), Một thời đại trong thi ca, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Một thời đại trong thi ca
Tác giả: Hà Minh Đức
Nhà XB: NXB Khoa học xã hội
Năm: 1997
20. Hà Minh Đức (2002), Về một phong trào thi ca có giá trị bền vững, Tạp chí Văn học (7/2002) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Về một phong trào thi ca có giá trị bền vững
Tác giả: Hà Minh Đức
Năm: 2002

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w