Giọng điệu rắn rỏi, tự tin, khúc triết.

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Anh Thơ (Trang 135)

3. Giọng điệu.

3.3. Giọng điệu rắn rỏi, tự tin, khúc triết.

Có thể nói giọng điệu rắn rỏi, khúc triết như có vẻ đối lập với hai giọng thơ trên của Anh Thơ nhưng kỳ thực nó không hề đối lập mà thống nhất với nhau bởi Anh Thơ là nhà thơ đi từ Thơ mới đến thơ Cách mạng nên có sự thay đổi giọng điệu để phù hợp với từng thời điểm của đất nước. Và Anh Thơ đã rất thành công khi lựa chọn chất giọng này để thể hiện tinh thần cách mạng của nhân dân ta.

Trong bài Tiếng súng đầu tiên, Anh Thơ đã dùng giọng điệu dõng dạc, mạnh mẽ để làm sống dậy tinh thần quyết tâm đánh giặc của nhân dân trong cuộc chiến đấu với kẻ thù:

"Cô nghĩ gì? khi tiếng súng vang ngân Trời Thanh Hoá rụng hàng đàn quạ Mỹ? Phát súng mở đầu cho em, cho chị

Cho chúng ta xông thẳng diệt thù!"

và sau phát súng lệnh khởi đầu đó là hình ảnh toàn quân Việt Nam xông lên giết giặc cứu nước với cô Hằng, với cô Tuyển, với Phương Định - những người phụ nữ Việt Nam anh dũng, gan dạ:

"Tiếng cô Hằng hô "Bắn" dội toàn khu Vai cô Tuyển vác chồng hai hòm đạn. Tóc Phương Định lửa na-pan cháy xạm. Lửa căm hơn vụt đốt máy bay rơi".

(Tiếng súng đầu tiên)

Lời thơ còn vang lên mạnh mẽ hơn, thách thức hơn, quyết liệt hơn khi tác giả bày tỏ lòng căm giận đối với tội ác của kẻ thù:

"Giặc đến sáng nay, bay phân tán Bắn vào trường học, bom ngoài xóm".

cũng như ý chí quyết tâm đánh giặc của toàn quân ta:

"Ngày ấy đã đến giữa trưa nắng, Giặc tới hàng đàn, thả mù trắng. Bom vào trận địa, lửa bén hầm Anh em, nhảy vọt lên bờ bắn?”.

giọng thơ như mãnh liệt hơn, quyết tâm hơn, như đang thôi thúc cả dân tộc vùng lên đánh giặc cứu nước.

Bên cạnh giọng điệu rắn rỏi, khúc chiết, ta có thể bắt gặp trong thơ Anh Thơ niềm tin, ước mơ, niềm lạc quan vào tương lai, điều này được Anh Thơ thể hiện qua giọng thơ đầy tự tin, phấn khởi.

Viết về cảnh chia li nhưng đó không phải là "cuộc chia li màu đỏ" của Nguyễn Mĩ, hay là buổi chia li mang "hương thầm" của Phan Thị Thanh Nhàn… mà cuộc chia li trong thơ Anh Thơ lại là:

"Em tiễn anh từ thủ đô yêu dấu

Sáng mai này bao cặp tiễn đưa nhau?

Trời cuối hè phượng vẫn tươi màu chiến đấu Hoả tuyến dài thêm biết mấy những toa tàu?

(Em tiễn đưa anh)

Cũng là chia li đấy nhưng đã mất rồi cái sắc xám của chiều đông, cái vẻ mông lung mờ mịt của buổi thu tàn; ta bắt gặp nỗi nhớ nhung, bắt gặp ánh mắt nao nao, xao xuyến của người thương nhưng đọc bài thơ sao ta chẳng cảm thấy buồn mà trái lại chỉ thấy rạo rực, thúc giục phấn khởi bởi:

"Em tiễn anh đi, để lại đón anh về,

Ngày đất nước đang tưng bừng chiến thắng. Từ tuyến đầu, ta tung đàn chim trắng

Trời hoà bình chẳng bợn bóng mây che".

bởi niềm tin vào ngày mai, niềm tin vào chiến thắng và em sẽ "đón anh về" trong ngày đất nước tưng bừng cờ hoa, trong ngày vui của cả dân tộc.

Tóm lại với giọng thơ mạnh mẽ, dứt khoát, Anh Thơ đã thể hiện được không khí chiến đấu khẩn trương, sôi động, anh dũng của nhân dân ta cũng như niềm tự hào, niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng của dân tộc "trời hoà bình chẳng bợn bóng mây che" để từ đó giúp người đọc có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh chiến đấu của nhân dân Việt Nam.

KẾT LUẬN

Anh Thơ đã đi vào làng thơ từ rất sớm, mới mười bảy, mười tám tuổi bằng tập Bức tranh quê, thi nhân đã đạt giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn năm 1939. Và ngay từ tập thơ đầu tay này, Anh Thơ đã tạo được cho mình một nét riêng: “Anh Thơ từ lâu chỉ chuyên lối thơ tả cảnh (…) thơ của người biệt hẳn ra một lối” [44, tr189].

Cùng với các nhà thơ khác trong phong trào Thơ mới, Anh Thơ đã có những đóng góp to lớn cho nền thi ca hiện đại. Hơn chín tập thơ, tiểu thuyết

Răng đen và bộ tuyển tập hồi kí văn học với 1.111 trang đã chứng tỏ khả năng lao động nghệ thuật miệt mài, không mệt mỏi của bà mà như Mai Quốc Liên đã đánh giá: “Liên tục làm thơ, cần cù bền bỉ, chị Anh Thơ không gây những chấn động trong làng thơ, nhưng chị có lẽ là người duy nhất của thơ mới đã đạt được những thành tựu xuyên suốt 50 năm văn học, để lại cho đời những bài thơ duyên dáng, thương mến như con sông Thương quê nhà chị” [37 ; tr78].

Nếu như trong thơ cổ Trung Quốc cũng như các cụ đồ Nho xưa thường lấy phong, hoa, tuyết, nguyệt làm đề tài để ngâm vịnh; những nhà Thơ mới (1930 - 1945) chọn ái tình hay chốn Đào nguyên hư ảo, xa rời cuộc sống thực tại thì Anh Thơ không đưa người đọc đến một thế giới vĩ mô, xa lạ mà bà đã đưa người đọc trở về với những miền quê quen thuộc, gần gũi đó là cảnh thiên nhiên bình dị, thân thương với lũy tre, cây đa, bến nước, con đò… với những con

đường trải dài xa tít, những cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ trên mọi miền đất nước hay đó là cuộc sống chiến đấu, lao động sản xuất của người dân Việt Nam như cảnh cày cấy trên đồng ruộng, cảnh đánh cá ngoài khơi, cảnh đập đỗ của chị em vừa khẩn trương vừa sôi động… tất cả những bức tranh cuộc sống đó rất bình dị mà cũng “rất Việt Nam”. Chính những điều mà Anh Thơ thấy được và thể hiện ra đã bổ sung cho nhau, góp phần tạo ra một Anh Thơ thống nhất mà đa dạng; và đây cũng chính là nét riêng, nét đặc biệt của Anh Thơ.

Ngòi bút của bà luôn hướng về cảnh vật và con người đời thường, giản dị mà chân chất. Con người trong thơ Anh Thơ mang nét riêng, có sự vận động phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử và xu hướng thơ văn lúc đó. Nếu trước Cách mạng, đó là những con người hiền lành, chất phác, chỉ quanh quẩn với cuộc sống làng xã và yêu quê hương xóm làng bằng một tình yêu đậm chất thôn quê thì sau Cách mạng, họ lại là những con người mang tư tưởng mới, họ không chỉ yêu quê hương, đất nước mà còn tham gia chiến đấu, sản xuất để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc một cách nhiệt tình, hăng say. Họ là những con người ở mọi tầng lớp khác nhau ; già, trẻ, trai, gái ; từ những chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận cho đến những người phụ nữ cầm chắc tay súng, tay cày ở hậu phương… Tất cả, tất cả những con người đó đã hiện lên trên trang viết của Anh Thơ và tạo dấu ấn riêng biệt, làm nên nét độc đáo trong phong cách sáng tạo của nhà thơ.

Bên cạnh nội dung phong phú thì điều đầu tiên góp phần làm nên nét riêng trong thơ Anh Thơ là giọng điệu. Ở mỗi nhà thơ đều có giọng điệu riêng. Giọng điệu đó làm nên phong cách cho mỗi hồn thơ. Thơ Anh Thơ hấp dẫn bạn đọc ở sự đa dạng của giọng điệu: có lúc giọng thơ mềm mại, nhẹ nhàng, sâu lắng rất gần với ca dao dân ca ; có lúc là giọng điệu trữ tình, tha thiết ; lúc khác, ta lại bắt gặp một giọng thơ trẻ trung, khỏe khoắn, tự tin, tràn đầy lạc quan. Có sự khác nhau đó là do yêu cầu thể hiện của mỗi đề tài và cung độ cảm xúc của tác giả - điều này cũng đã tạo nên nét riêng, nét đáng quý để làm nên một Anh Thơ độc đáo trên thi đàn văn học Việt Nam.

Đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp thơ ca của Anh Thơ cũng phải kể đến việc vận dụng thể thơ một cách linh hoạt vào sáng tác của bà. Anh Thơ sử dụng nhiều thể thơ: thể thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ; thể thơ tự do, thể thơ lục bát và ở bất cứ thể thơ nào, Anh Thơ cũng đạt được thành tựu đáng kể.

Bên cạnh giọng điệu, thể thơ thì nét đặc sắc nhất trong sáng tác của Anh Thơ chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong thơ Anh Thơ không ước lệ, tượng trưng; cũng không uyên bác, hoa mĩ mà ngôn ngữ thơ Anh Thơ rất bình dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày, thậm chí rất mộc mạc, chân quê. Trong thơ mình, bà hay sử dụng những từ ngữ đơn giản, những câu bình dân mang tính chất khẩu ngữ. Điều này đã giúp cho thơ Anh Thơ giản dị, dễ hiểu, gần gũi với quần chúng nhân dân, dễ đi vào lòng người. Và ngôn ngữ thơ Anh Thơ cũng đã góp phần khẳng định những đóng góp của bà trong việc giữ gìn và phát huy ngôn ngữ dân tộc.

Những đóng góp của Anh Thơ đối với nền thi ca dân tộc là không nhỏ. Nữ sĩ đã tạo cho mình có một chỗ đứng vẻ vang trong phong trào Thơ mới cũng như một vị trí quan trọng trong làng thơ Việt Nam hiện đại. Có thể nói, cùng với các nhà thơ tiền chiến, chúng ta ghi nhận một cách trân trọng di sản quý giá của Anh Thơ đóng góp cho phong trào văn học và lịch sử với một bộ sưu tập bằng thơ về sinh hoạt và phong tục nông thôn Bắc Bộ một thời và những thành tựu tiếp theo trong suốt nửa thế kỉ chiến tranh và hòa bình. Đặc biệt là sự đóng góp của Anh Thơ qua tập Bức tranh quê, đó là một dấu ấn tiêu biểu về nghệ thuật tả chân. Phẩm chất nghệ thuật riêng biệt đó vẫn tiếp tục được Anh Thơ phát huy ở các chặng đường sáng tạo sau này. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật bền bỉ của mình, Anh Thơ đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý. Đó là sự ghi nhận và đánh giá cao phần đóng góp của nhà thơ đối với nền văn học nước nhà. Sự nghiệp thơ ca của nữ sĩ Anh Thơ sẽ mãi mãi còn song hành với các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Anh Thơ (Trang 135)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)