Cái tôi trữ tình lãng mạn trong thơ Anh Thơ.

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Anh Thơ (Trang 100)

2. Cái tôi trữ tình trong thơ Anh Thơ.

2.1. Cái tôi trữ tình lãng mạn trong thơ Anh Thơ.

Thơ mới là sự phát hiện cái tôi cá nhân thành thực, thầm kín của mỗi người. Hầu như toàn bộ cảm hứng Thơ mới là đi tìm cái tôi. Cái tôi tự cảm nhận, tự thể hiện trong cuộc sống như Xuân Diệu viết: "Tôi chỉ là một khách tình si", "tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ", "ta là con nai bị chiều đánh lưới", hay "tôi là con chim đến từ núi lạ".

Nếu thơ cổ miêu tả cái thế giới mà tác giả hướng tới hay đối diện thì Thơ mới là sự chiêm nghiệm của cái tôi cá nhân trong thế giới ấy. Điều này làm cho Thơ mới thay đổi điểm nhìn, điểm nhìn từ bên trong cái tôi, qua lăng kính lãng mạn của nhà thơ. Huy Cận tự cho mình là:

"Một chiếc linh hồn nhỏ Mang mang thiên cổ sầu"

Với Xuân Diệu thì đó là một cái tôi luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng trước cuộc đời:

"Ta là một là riêng là thứ nhất Chẳng có chi bè bạn nổi cùng ta"

Chế Lan Viên cũng cảm thấy cuộc đời này thật chán nản, vô nghĩa mà tự tìm về trong thế giới cái tôi buồn đau, tuyệt vọng của riêng mình:

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh Một vì sao trơ trọi giữa trời khuya Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh Những ưu phiền đau khổ với buồn lo".

Và đó là con người của Thơ mới - con người của cái tôi cô đơn lãng mạn. Cùng nằm trong dòng chảy của Thơ mới, con người xuất hiện trong thơ nữ sĩ Anh Thơ cũng mang những nét buồn lãng mạn, nhưng nhà thơ không đi sâu vào khám phá, tự cảm nhận, bộc bạch thế giới nội tâm của mình như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận hay các nhà thơ khác mà thi sĩ gửi gắm nỗi niềm suy ngẫm của mình vào con người đời thường xung quanh.

Bức tranh quê đúng như tên gọi của nó là những bức tranh bằng thơ vẽ lại cảnh nông thôn thời đó. Nông thôn những năm trước cách mạng thật thưa vắng với cuộc sống tiêu điều, xơ xác. Và chỉ nhìn vào cuộc sống nơi đây chúng ta cũng nhận thấy con người nơi đây.

Trong bài thơ Chợ tàn, khung cảnh của chợ tàn cùng với những người mua thưa thớt, những người ế hàng ngồi buồn chán, ngán ngẩm… tất cả đã thể hiện sự chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời và con người hay chính là sự cảm thông, chia sẻ với số phận con người luôn phải đối diện với cuộc sống nghèo khó:

"Ở lại chợ nhìn người mua dần lảng Bọn ế hàng ngán ngẩm với ruồi bâu"

(Chợ tàn)

Hình ảnh con người dân quê là những con người trầm tư, ít suy nghĩ mọi việc dưới mắt họ trở nên bình thường, họ bằng lòng với cuộc sống thực tại để cuộc sống trôi đi một cách bình lặng mà không một nỗi trăn trở:

"Trong thôn vắng, tiếng gà xao xác gáy, Các bà già đưa võng hát, thiu thiu… Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu".

(Trưa hè)

Ta bắt gặp cuộc sống buổi trưa hè của thôn quê, mà nhà thơ đã miêu tả không gian sinh hoạt nông thôn nghèo khổ phảng phất tâm trạng buồn trước

cảnh vật. Với việc sử dụng từ láy một cách linh hoạt: tiếng gà "xao xác", tiếng hát "thiu thiu", kết hợp với việc miêu tả chân dung cuộc sống "đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy" cho ta thấy thế giới con người hiện lên thật ảm đạm, tẻ nhạt, buồn bã.

Anh Thơ không chỉ vẽ lại được gương mặt trầm tư, ít suy nghĩ mà tác giả còn khắc hoạ được những nét buồn sâu thẳm từ những con người nông thôn. Thi sĩ cảm nhận được nỗi buồn của con người quê hương, từ đôi mắt cho đến tiếng lòng:

"Trên khoảng biếc mắt sao nhìn thăm thẳm Đây tiếng lòng? Hay đấy tiếng đêm sâu?"

(Đàn bầu)

với hình thức câu hỏi tu từ, câu thơ như xoáy sâu vào lòng người đọc một nỗi buồn thăm thẳm khó tả và nỗi buồn đó đã được nhà thơ thể hiện một cách cụ thể:

"Đã chợp mộng trong lòng đêm êm ả; Bật thở dài lành lạnh ý cô đơn".

Đó vừa là nỗi buồn, vừa là sự đáng thương của những tâm hồn cô đơn, cô quạnh. Họ luôn sống trong nỗi buồn vì vậy mà trong giấc ngủ - nơi bình an của tâm hồn - họ vẫn bị ám ảnh bởi một tiếng thở dài lạnh lẽo cô đơn, bởi cuộc đời thật thiếu thốn, khổ cực.

Hay trong bài Bến đò trưa hè, Anh Thơ đã tái hiện lại cuộc sống nghèo nàn, đơn điệu của người dân quê để từ đó làm nổi bật đặc điểm tâm lý của con người:

"Trong quán nước ẩn hàng bên rặng duối Dăm ba người về chợ ghé vào qua.

Buồn vắng lặng, họ ngồi nghe vòi vọi Mấy tiếng gà trưa gáy xa xa".

(Bến đò trưa hè)

Thơ lãng mạn thường miêu tả nỗi buồn bằng cách chọn hình ảnh và âm thanh. Hình ảnh cuộc sống ở đây hiện lên rất lặng lẽ, đìu hiu, vắng vẻ; có con người xuất hiện nhưng chỉ ở trạng thái buồn, im lặng; họ tự khép mình và lắng nghe nỗi buồn của chính mình giữa cuộc sống "buồn vắng lặng". Còn âm thanh là tiếng gà trưa gáy "xa xa" cũng rất mơ hồ, xa xăm… tất cả càng làm nổi bật sự hiu hắt của cuộc sống và một nỗi buồn trống trải man mác trong lòng người.

Con người trong thơ nữ sĩ trước cách mạng dường như quen với nhịp sống đơn điệu, tẻ nhạt, quẩn quanh nên con người không hướng về nhau, tìm thấy nhau trong cuộc sống:

"Trong nhà tối bà già co kín chiếu Ôm cháu thơ mỏi mệt ngủ quên trời. Ngoài điếm sáng anh tuần ngừng hút điếu Nghe nơi nào tiếng trống hộ đê sôi".

(Đêm thu)

Hình ảnh bà già mệt mỏi ôm cháu thơ ngủ trong nhà, còn ngoài điếm anh tuần ngừng hút điếu; hai con người cùng tồn tại trong một môi trường nhưng họ lại tách rời nhau như một thế giới xa lạ.

Và Anh Thơ tìm hiểu về thế giới cuộc sống con người cũng chính là tìm hiểu về đời sống tâm hồn họ:

"Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo Vài quán hàng không khách đứng xo ro. Một bác lái ghé buồm vào hút điếu Mặc bà hàng xù xụ sặc hơi, ho".

(Bến đò ngày xưa)

Hình ảnh bến đò là biểu tượng cho cuộc sống của con người, ở đâu có bến đó là ở đó sẽ có sự tấp nập, nhộn nhịp nhưng ở đây lại là bến vắng - một bến đò

hoang vắng, hiu hắt; thêm vào đó là hình ảnh của vài quán hàng không có bóng dáng một người khách vắng vẻ, đìu hiu càng làm tăng thêm sự tiêu điều, xơ xác của nông thôn trước cách mạng. Đằng sau hình ảnh cuộc sống là con người xuất hiện trong mối quan hệ rời rạc, buồn tẻ. Đó là "một bác lái" - một người - gợi ra sự đơn độc, lẻ loi vào hút điếu thuốc và hơi thuốc khiến bà bán hàng phải ho sặc sụa; từ "mặc" đã diễn tả sự vô tâm không quan tâm đến nhau giữa con người với con người, quan hệ của con người thật rời rạc, vô nghĩa.

Có thể thấy, bằng sự quan sát nhạy cảm, tinh tế; Anh Thơ đã vẽ nên một bức tranh về cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt, buồn chán của xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Và ẩn sau cuộc sống đó là hình ảnh con người mang nỗi buồn man mác, mơ hồ. Đó cũng chính là nỗi buồn của thời đại Thơ mới mà thi nhân muốn gửi gắm vào đó. Đồng thời thông qua bức tranh về cuộc sống và con người nhà thơ cũng bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc cho những kiếp người nghèo khổ ở nông thôn những năm trước cách mạng.

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Anh Thơ (Trang 100)