9. Bố cục của luận văn
2.2.5. Công tác địa chí
Hoạt động địa chí là một hoạt động mang tính đặc thù của Thư viện công cộng, đặc biệt là thư viện tỉnh, thành phố, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, văn hoá, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá địa phương.
Nội dung hoạt động địa chí của thư viện thể hiện trên nhiều mặt hoạt động như: phát hiện, sưu tầm, bổ sung, xử lý, bảo quản, khai thác tài liệu, biên soạn thư mục địa chí để phục vụ bạn đọc và phục vụ biên soạn sách địa chí địa phương.
Nhận thức được tầm quan trọng của tài liệu địa chí và hoạt động địa chí đối với đời sống xã hội của tỉnh, công tác địa chí được Thư viện rất quan tâm. Thư viện đã xây dựng, duy trì và phát triển vốn tài liệu địa chí về Hải Dương khá phong phú, phục vụ bạn đọc. Đến nay, vốn tài liệu địa chí Hải Dương có hơn 5.000 cuốn. Trong đó có nhiều tài liệu quý hiếm như:
- 807 thần tích, thần sắc của các làng trên địa bàn tỉnh Hải Dương; - 739 hương ước;
- 22 tổng tập tháp bản văn khắc Hán Nôm (chụp lại bia đá tại các chùa trên địa bàn tỉnh);
- 235 sách Hán cổ trên giấy dó và nhiều bản đồ, bản dập, tài liệu viết dưới dạng chữ Nôm, chữ Hán cổ, tiếng Pháp;
- 300 cuốn sách xuất bản trước năm 1945; - 20 thư mục chuyên đề về Hải Dương;
- 2000 tiểu thuyết, truyện ngắn về Hải Dương; - 100 tranh ảnh;
- 15 bản đồ…
Thư viện đã biên soạn nhiều tài liệu địa chí, các ấn phẩm như: Hàm Giang liệt truyện, Hải Dương phong vật chí, các tác gia Hán Nôm Hải Dương,
danh nhân Hải Dương, nhân vật lịch sử Hải Dương, chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh tỉnh Hải Dương, tiến sĩ Hải Dương… được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận. Đặc biệt, năm 2007, Thư viện biên soạn thành công cuốn sách “Địa chí Hải Dương”.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của di sản thư tịch Hán Nôm, thư viện thường xuyên sưu tầm các tài liệu quý hiếm có trong nhân dân như các văn khắc Hán Nôm được sưu tầm từ viện Đông Bắc cổ của Cộng hoà Pháp; các tư liệu hương ước, thần tích, thần sắc của các làng trên địa bàn tỉnh được thư viện đặc biệt chú trọng và sưu tầm khai thác phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học về Hải Dương. Thư viện đã sưu tầm được nhiều tài liệu quý hiếm như hơn 200 cuốn sách cổ bằng chữ Hán Nôm trên giấy gió, một bộ sách về Tổng tập tháp bản văn tháp Hán Nôm (chụp lại các bia đá tại các chùa trên địa bàn tỉnh)…
Trước đây phương thức bổ sung chủ yếu dựa vào nguồn sách báo nộp lưu chiểu. Hiện nay, chế độ nộp lưu chiểu địa phương được thực hiện theo Luật xuất bản 1993 đã được sửa đổi bổ sung năm 2005, Thư viện không được nhận trực tiếp, Sở Văn hoá Thông tin nhận lưu chiểu, sau một thời gian mới giao lại cho Thư viện. Đây là nguồn sách địa phương góp phần tăng số lượng tài liệu đáng kể cho kho địa chí của Thư viện.
Thư viện tận dụng các mối quan hệ với các cơ quan, đoàn thể, cá nhân để trao đổi, biếu tặng số tài liệu địa chí Hải Dương đưa về kho địa chí xử lý và phục vụ người đọc. Ngoài ra, thư viện còn chọn mua sách địa chí từ cơ quan phát hành sách, thuê dịch giả dịch tài liệu địa chí, đánh máy, sao chụp tư liệu địa chí trên sách báo… để phục vụ người đọc.
Kho báo – tạp chí địa chí của thư viện có khoảng 20.000 đơn vị gồm các báo – tạp chí Hải Dương, các báo – tạp chí chứa bài trích có nội dung phản ánh về địa phương trên báo trung ương. Hàng ngày, thư viện có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho các cán bộ lãnh đạo của tỉnh, các cơ quan ban ngành của tỉnh như Văn phòng Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy…Thư viện thường xuyên biên soạn các tài liệu địa chí theo chuyên đề như: Thư mục bài trích báo - tạp chí có nội dung phản ánh về Hải Dương trên báo trung ương, Thư mục bài trích báo – tạp chí về các
sự kiện Hải Dương trên báo Hải Dương theo quý và đóng thành quyển để phục vụ người đọc.
TVHD đã biên soạn nhiều thư mục địa chí chất lượng tốt phục vụ bạn đọc tra cứu như: “Hải Dương sự kiện” trên báo Trung ương, “Hải Dương sự kiện” trên báo địa phương, “Lịch sử Đảng bộ các đơn vị hành chính trong tỉnh Hải Dương”, “Thư mục địa chí Hải Dương”, “Hải Dương những chặng đường lịch sử”…
Ngoài ra, Thư viện đã xây dựng các CSDL tài liệu địa chí về địa phương phục vụ nhu cầu tra cứu và thông tin về địa phương. Hiện nay, Thư viện đã xây dựng 4 CSDL sách địa chí, báo – tạp chí địa chí và bài trích báo – tạp chí địa chí với gần 15.500 biểu ghi cho tất các sách, báo – tạp chí và bài trích báo – tạp chí địa chí, CSDL số hóa 801 cuốn sách địa chí trên phần mềm CDS/ISIS phục vụ bạn đọc tra cứu tại Thư viện.