Lịch sử hình thành và phát triển

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của thư viện tỉnh Hải Dương (Trang 31)

9. Bố cục của luận văn

1.3.1. Lịch sử hình thành và phát triển

Sau khi hoà bình lập lại năm 1954, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền văn hoá mới phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Tháng 12 năm 1956, TVHD được thành lập, làm nhiệm vụ thu thập, tàng trữ và phổ biến văn hoá phẩm phục vụ cho công việc chấn hưng văn hoá dân tộc, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trụ sở ban đầu được tỉnh bố trí tại ngã 5 trung tâm thị xã Hải Dương (nay là Ngân hàng Công Thương). Khi mới thành lập vốn sách ban đầu chỉ có gần 2.000 cuốn chủ yếu do nhân dân quyên góp với 2 cán bộ thư viện đã thu hút hàng ngàn lượt bạn đọc là cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân trên địa bàn đến sử dụng sách báo của thư viện.

Năm 1958, Thư viện được chuyển về số 12 Nguyễn Du. Đây là trụ sở Câu lạc bộ Dance của người Pháp gồm 2 dãy nhà cấp 4. Năm 1968, sáp nhập với Thư viện Hưng Yên thành Thư viện Hải Hưng. Năm 1971, đổi tên thành Thư viện Khoa học Tổng hợp Hải Hưng. Đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc, để giảm thiệt hại về người và của, thư viện sơ tán về thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện. Năm 1973 lại chuyển về địa chỉ số 12 Nguyễn Du. Đến năm 1986, một toà nhà cũ được cải tạo nâng cấp thành 2 tầng là nơi cán bộ, viên chức thư viện làm việc. Năm 1990, Tỉnh quyết định xây dựng toà nhà 3 tầng với diện tích khoảng 1000m2. Từ đó đến nay trụ sở Thư viện tỉnh bao gồm một dãy nhà 2 tầng, một toà nhà 3 tầng với tổng diện tích khoảng 1500m2. Năm 1997 tái lập tỉnh thành TVHD.

Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển TVHD thực sự trở thành nơi lưu trữ một khối lượng tri thức vô giá của nhân loại. Kho tàng tri thức này được đông đảo cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh khai thác, sử dụng. Sách, báo, tài liệu thông tin của Thư viện góp phần quan trọng trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà

nước, phổ biến những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển, phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ và giải trí của nhân dân.

Đến đầu những năm 2000, lượng xuất bản phẩm ngày càng tăng. Tuy có sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng nhưng bạn đọc đến thư viện ngày càng đông, nhu cầu sử dụng thông tin qua sách báo vẫn là một nhu cầu cần thiết, nhất là đối với các em học sinh và các cháu thiếu nhi. Sách, báo, tạp chí của Thư viện tỉnh ngày càng nhiều do hàng năm lượng bổ sung tăng, đồng thời do chức năng là cơ quan lưu trữ. Do đó trụ sở Thư viện tỉnh tại số 12 Nguyễn Du đã trở nên chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu với vai trò của một thư viện cấp tỉnh là trung tâm thông tin và là thư viện công cộng lớn nhất của tỉnh. Việc xây dựng trụ sở Thư viện tỉnh để đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân đã trở nên hết sức cần thiết.

Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, của Sở VHTTDL, của các cấp, các ngành liên quan, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ về việc nâng cấp thư viện tỉnh, ngày 11 tháng 2 năm 2003, UBND tỉnh phê duyệt “Đề án xây dựng công trình Thư viện tỉnh Hải Dương”. TVHD là công trình kiến trúc tân cổ điển, kết hợp hài hoà giữa hiện đại và truyền thống theo phong cách của Pháp với 5 tầng và một tầng áp mái, diện tích mỗi tầng là 1600 m2. Trong quá trình thiết kế, các kiến trúc sư của Hội kiến trúc sư Việt Nam đã tiến hành khảo sát đúc rút kinh nghiệm của nhiều thư viện trên toàn quốc và nhiều thư viện lớn của thế giới, do đó đã khắc phục những nhược điểm, hạn chế của thư viện các tỉnh vừa xây dựng, chú trọng tới không gian mở, kho sách thông thoáng, gần gũi với người đọc, bố trí không gian dành riêng cho người khuyết tật và người khiếm thị cũng như diện tích phù hợp dành cho thư viện điện tử, thư viện số, phòng đọc đa phương tiện và các dịch vụ giải trí khác.

Ngày 04/03/2009, UBND có quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư công trình là 92 tỉ đồng, tổng dự toán phê duyệt là 87 tỉ đồng, trong đó có 27 tỉ đồng cho đền bù giải phóng mặt bằng, 60 tỉ đồng cho đầu tư xây dựng công trình. Tháng 12 năm 2008 công trình được khởi công xây dựng. Ngày 25 tháng 3

năm 2011, UBND có văn bản chấp thuận cho Thư viện tỉnh triển khai “Dự án Trang thiết bị nội thất và Thư viện điện tử”.

Sau 2 năm thi công, công trình đã hoàn thành và bàn giao cho thư viện. Ngày 04/09/2012, toàn bộ Thư viện chuyển đến cơ sở mới. Với diện tích 8.500m2 xây dựng khi đưa vào khai thác sử dụng Thư viện sẽ trở thành trung tâm văn hoá thông tin lớn nhất của tỉnh với các hoạt động đa dạng, phong phú. Ngoài các cơ cấu phục vụ đã có từ trước sẽ triển khai thêm các cơ cấu phục vụ và dịch vụ thông tin như: thư viện thiếu nhi, kho sách ngoại văn, thư viện cho người khiếm thị, tổ chức các hoạt động tra cứu sách quý hiếm và các tài liệu đa phương tiện băng đĩa, tranh ảnh, bản đồ; các dịch vụ phục vụ cho hoạt động văn hoá đọc, tổ chức sự kiện, hội thảo, triển lãm, chiếu phim.... Thư viện là một trong những thư viện lớn và hiện đại. Công trình thực sự là điểm nhấn kiến trúc rất hài hoà với cảnh quan đô thị. Đây được coi là một công trình công cộng có chất lượng của tỉnh Hải Dương một địa chỉ văn hoá du lịch bổ ích góp phần quan trọng tôn vinh văn hoá đọc.

Hiện nay, TVHD có 12 thư viện trực thuộc, gần 1000 thư viện cơ sở, 7 thư viện nhà máy, 2 thư viện tư nhân và hệ thống thư viện trường học trên địa bàn tỉnh. Thư viện thực sự là cánh tay đắc lực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà.

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của thư viện tỉnh Hải Dương (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)