Lời văn miêu tả nhân vật

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 52)

1. 2 Đổi mới không gian

2.1.1.2. Lời văn miêu tả nhân vật

Bên cạnh việc chú trọng miêu tả thiên nhiên, các nhà tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cũng luôn chú ý đến việc miêu tả chân dung nhân vật. Có điều, các nhân vật trong tiểu thuyết ít xuất hiện cùng những chân dung ngoại hình đầy đặn, hoàn chỉnh. Dường như các nhà văn muốn đi sâu vào ngóc ngách tâm trạng của con người, khám phá những bí ẩn của đời sống nội tâm hơn là phác họa đôi ba nét ngoại hình. Nếu có những chi tiết ngoại hình thì hầu hết đều mang tính nội dung sâu sắc và thực chất là những chân dung tâm lí, tính cách.

Chẳng hạn, chân dung Đại tá Hoàng Trầm (Thời hậu chiến) với những chi tiết: “Trầm thuộc loại thanh niên có vóc dáng cân đối, khỏe mạnh… Trầm có nước da trắng, nước da của mẹ, vầng trán rộng phảng phất vẻ suy tư, đôi mắt sáng phát ra cái nhìn đầy tự tin, đó là một khuôn mặt thông minh và điển trai” [46, tr.82-83].

Với những chi tiết miêu tả trên, bạn đọc chúng ta thấy được: toát lên từ những chi tiết (vầng trán rộng, đôi mắt sáng) thì đó là chân dung của một con người thông minh, trung thực, ngay thẳng, có lòng vị tha… và rất “điển trai”. Do vậy mà trong cả cuộc chiến và giữa cuộc sống đời thường, ông đều được mọi người ngợi ca, khâm phục, kính trọng.

Nhân vật Già Nôm (Thượng Đức) cũng được Nguyễn Bảo Trường Giang đặc biệt chú ý khắc họa qua các chi tiết: “Già Nôm cười, đôi mắt đã thu nhỏ bởi các nếp nhăn vẫn lấp lánh những tia ánh ỏi. Hàm răng già còn khít khịt, rắn đanh”. Qua một vài chi tiết cũng đủ cho người đọc nhận ra được Già Nôm tuy tuổi cao nhưng là người khỏe mạnh, chắc chắn và rất nhanh nhẹn, linh hoạt.

Rồi chân dung Nguyễn Bá – trưởng ấp Hà Tân: “Bá to cao lừng lững. Lông mày rậm, hơi xếch, cằm bạnh, mặt vuông. Mũi Bá rất to. Cứ như thể có ai đắp thêm để thành một nhân vật hề trên sân khấu. Bụng Bá xệ ra, tay chân mập, dáng đi ọc ạch. Giọng khàn, chói… có cái cười nửa miệng” [45, tr.507]. Hình dáng đặc biệt

này của Bá đã cho người đọc thấy được những nét tính cách: nham hiểm, dữ dằn đối với cấp dưới, nhiều khi lạnh lùng, tàn nhẫn với người thân, bạn bè. Đó còn là một kẻ nhát gan, phản bội, sợ chết. Khi biết không thể nào thoát được sự bủa vây của địch, Bá xin đầu hàng. Với bản chất hèn nhát, cơ hội, hám lợi, Bá sẵn sàng dẫn lính đi lùng sục và giết cán bộ nằm vùng – những người xưa kia là đồng chí, bạn thân của Bá. Bá còn chút lương tâm, khi được lệnh phải đốt nhà bí thư Hoàng Thủy, Bá đã dắt vợ con Thủy ra khỏi nhà trước khi lửa bốc cháy.

Nhân vật Quế (Cõi đời hư thực) được nhà văn Bùi Thanh Minh miêu tả với vẻ đẹp toàn mĩ, mơn mởn của một cô gái đang tuổi dậy thì, căng tràn nhựa sống, tràn đầy sức xuân. Những nét đẹp đó cô được hưởng trọn và hoàn chỉnh những nét đẹp của cha mẹ. Vì vậy tác giả chủ yếu tập trung miêu tả vào chi tiết đường cong: “Vai cô thon với một đường cong thiên nhiên mềm mại kết hợp với đường cong của cái cổ trắng ngần cao, quý phái. Da cô trắng hường mịn màng và dường như lúc nào cũng tỏa mùi hương phảng phất, eo bụng tròn ong óng, cặp đùi dài khẳng khít và chắc, hai cái mé đùi non mịn mát như tơ” [50, tr.12-13].

Khi miêu tả nhân vật, các nhà tiểu thuyết thường tập trung vào những nét ngoại hình giàu sức biểu hiện tâm lí như khuôn mặt, đôi mắt. Đây là chân dung tư lệnh trưởng Khăm Mằn Xi Nha Vông hiện lên với những chi tiết trên khuôn mặt: “Khăm Mằn Xi Nha Vông dáng người nhỏ nhắn, trông như một sinh viên đại học hơn là một Tư lệnh quân sự. Anh có đôi mắt to sáng, tóc mềm thường xõa xuống trán, miệng rộng và tươi, mũi thẳng chóp mũi tròn, hai cánh mũi dầy và kín, anh quê ở Xavanakhét” [51, tr.82]. Khuôn mặt ngời lên sự thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát và tràn đầy tình thương. Hay còn là chân dung ngoại hình của thiếu tá Nguyễn Đình San được đặc tả nhiều với những chi tiết trên khuôn mặt: “San, cấp bậc thiếu tá, 36 tuổi vóc người cao 1m75; nước da sạm nâu; tóc húi đứng, trán phẳng gây một cảm giác rắn chắc, lông mày lưỡi mác, cặp mắt nhỏ tinh anh, đuôi mắt dài và mũi thẳng, chóp mũi tù, hai cánh mũi dầy và kín; bên dưới và giữa hai gò má hình quả hồng là nhân trung sâu trên cặp môi săn chắc đang nứt nẻ vì nắng và trong mùa gió tây kinh khiếp; cặp môi ấy tựa vững chãi xuống chiếc cằm vuông và

rộng, xanh mịn chân râu, làm tôn lên một khuôn mặt dãi dầu và can trường, đến nỗi không phải bất cứ cái tuổi 36 nào cũng có được” [51, tr.18]. Đó còn là “Gương mặt bảnh bao, có bộ ria được cắt tỉa chu đáo, kết hợp với nước da trắng, dáng người tầm thước nên chân dung quận trưởng, thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng giống một kỹ sư, bác sĩ hơn là một sĩ quan chỉ huy” [45, tr.110]. Và đây là khuôn mặt của ông Sùng với “bản mặt rỗ hoa âm âm không sinh khí” [52, tr.29]. Bản mặt đó rất khó ưa, phù hợp với một chủ nợ khét tiếng.

Hay đó là chân dung bí thư Lợi (Thời hậu chiến), được đặc tả qua cái nhìn của Đại tá Trầm với những chi tiết ấn tượng trên khuôn mặt: “Đó là một con người nhỏ thó, mái tóc rậm và xoăn, vầng trán hẹp, đôi mắt nhỏ gần như ti hí. “Những người ti hí mắt lươn, trai thì trộm cướp gái buôn chồng người” câu ca dao ấy thoảng qua trong óc ông, ông tiếp tục quan sát Lợi, anh ta có đôi tai nhỏ như tai chuột, nhân trung hẹp, miệng hẹp, còn cái cằm hơi nhọn, gần như lẹm một bên. Khuôn mặt ấy học dốt là phải, khuôn mặt hiện lên vẻ ranh mãnh, xảo trá, gần như độc ác. Nó còn hiện lên vẻ thích uy quyền, thích gây gổ, thích đối đầu với mọi người. Tóm lại đó là một khuôn mặt không tử tế” [46, tr.140-141]. Đúng vậy, hắn học dốt nhưng bù lại khôn lỏi và láu cá. Ngày Đại tá Trầm vào Đảng hắn mới chào đời. Nhưng khi ông Trầm về hưu, lên nộp giấy chuyển sinh hoạt Đảng hắn đã tiếp đón Đại tá bằng một thái độ hách dịch, xấc xược. Rõ ràng, mỗi khuôn mặt gắn với một số phận, một tính cách, một trạng thái, tâm hồn cụ thể.

Người đọc còn bị ám ảnh bởi những đôi mắt của các nhân vật. Ta không thể quên đôi mắt của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện – ông Đào (Tiếng khóc của nàng Út): mặc dù ông đã 60 tuổi nhưng “Đôi mắt ông long lanh ẩn giấu một nỗi đau, lại chan chứa một niềm tin mênh mông…” [54, tr.79]. Đôi mắt ẩn chứa nỗi đau chính là xưa kia ông từng bị tù Côn Đảo, nay về làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến thì nhân dân nơi đây lại thiếu niềm tin ở những người cộng sản. Nhưng đôi mắt ấy lại “chan chứa niềm tin mênh mông”, nghĩa là ông tin một điều: người dân nơi đây sẽ có một niềm tin tuyệt đối với Đảng và người cộng sản. Rồi chân dung tay trưởng phòng Tổ chức (Thời hậu chiến) hiện lên với “đôi mắt quạ” - loại

mắt thường phát ra cái nhìn không thân thiện, đầy tự cao. Ngoài đôi mắt quạ, “anh ta có hai hàm răng khít rịt và đôi môi mím lại vẻ khinh bạc”. Điều đó đã toát lên sự đểu cáng. Và theo Trần Long đánh giá: “ Hắn thuộc loại cường hào mới ở cấp huyện” [46, tr.75]. Hay cô Hồng – văn thư ở huyện không đẹp nhưng có duyên nhờ đôi mắt đen tròn: “Hồng không đẹp nhưng có duyên nhờ đôi mắt tròn, đen láy và nụ cười lúc nào cũng rất tươi” [46, tr.152]. Còn chân dung chú Đán – bí thư chi bộ kiêm trung đội trưởng dân quân hiện lên với “ánh mắt đỏ như cá chày” [44, tr.310]. Ánh mắt đó nói lên đó là một con người có tính cách nóng nảy, cương trực. Và chú đúng là người như thế.

Bằng khả năng quan sát tinh tế cùng sự thấu hiểu đời sống tâm lí nhân vật, chỉ qua một vài dòng miêu tả, nhà văn đã lột tả được những chuyển biến trong chiều sâu nội tâm của nhân vật. Ở một số nhân vật, các nhà tiểu thuyết lại đặc biệt chú ý

miêu tả hình ảnh đôi bàn tay. Đây là những lời miêu tả chân dung nhân vật Huyền (Tiếng khóc của nàng Út), đặc biệt là chi tiết những ngón tay: “Vóc người thanh, nước da học trò và ngón tay thon như trời sinh ra để đánh đàn và cầm bút…” [54, tr.234]. Thông thường, trong trí tưởng tượng của mọi người, những cô thanh niên xung phong thường có thân hình đẫy đà, bắp tay, bắp chân mập mạp, to tròn… Nhưng Huyền lại có các ngón tay thon – biểu hiện của người nhẹ nhàng, khéo léo. Và chính những ngón tay thon đó đã làm dịu vết thương của những thương binh nặng nơi núi rừng. Những ngón tay thon này rất phù hợp với công việc của cô đang làm: đội cứu thương của mặt trận. Hay nhân vật Ngụ (Mạch máu của rừng), Với đôi bàn tay to đen, chắc nịch – một kiện tướng leo trèo đã được bổ sung vào Đại đội 1, đội thi công đường dây thông tin.

Khi đặc tả nhân vật, các nhà tiểu thuyết chiến tranh cũng hay dùng thủ pháp so sánh để tăng sức biểu hiện. Chẳng hạn nhân vật Oánh (Thượng Đức): “lưng anh thẳng, eo ót như con gái. Người Oánh cao ráo, không mập, không gầy, tóc cắt bấm tỉa tót rất diện”. Với sự so sánh này ta thấy nhân vật Oánh mang vẻ thư sinh, yếu đuối như con gái. Chàng thanh niên Bắc (Cõi đời hư thực) với đôi mắt màu nâu, được tác giả so sánh giống như tia chớp đã hút hồn Quế - một cô gái xinh đẹp ngay

từ lần gặp đầu tiên: “Đôi mắt màu nâu của chàng trai sáng nay cô bắt gặp ở Sở giống như một tia chớp lại hiện lên làm người cô nóng ran” [50, tr.14]. Rồi chân dung của Bắc như tác giả nói: rất khó miêu tả nhưng lại có một sức hút kì lạ. Và ông đã dùng so sánh: “Bắc là người đàn ông rất khó miêu tả. Tất cả thần, sắc, khí kết cấu với dáng mạo, cử chỉ Bắc như một thỏi nam châm, quét đến đâu các loại kim khí hút theo đến đấy, không cưỡng nổi” [50, tr.180]. Hay nhân vật bà Thuội (Về

với mẹ), Hoàng Bình Trọng dùng thủ pháp so sánh, tương phản để thấy được những chi tiết: đôi mắt, trí nhớ… của bà đối lập với tuổi 70: “Tính đến tháng sáu âm lịch năm nay, bà Thuội đã ở tuổi bảy mươi. Tuy vậy, mắt bà vẫn sáng, lưng bà vẫn thẳng, bắp chân bắp tay bà vẫn rắn chắc, có da có thịt chứ không nhão nhèo như nhiều người khác, thậm chí còn kém bà hàng chục tuổi. Đặc biệt trí nhớ bà còn rất tốt. Nhiều sự kiện chẳng lấy gì làm quan trọng cho lắm xảy ra trong thôn xóm cách đây gần nửa thế kỷ, bà còn kể lại vanh vách” [53, tr.11].

Có thể thấy rằng, phần lời văn miêu tả chiếm một vị trí quan trọng trong lời văn trần thuật của các nhà tiểu thuyết. Qua đó, thấy được tâm hồn nhạy cảm, khả năng quan sát tinh tế của nhà văn. Dù tả cảnh thiên nhiên hay tả nhân vật thì lời văn tả cũng luôn hướng tới khám phá thế giới bên trong đầy phức tạp, bí ẩn của con người. Chính phần lời văn miêu tả này đã góp phần làm nên chất thơ, chất trữ tình trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh.

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)