7. Cấu trúc của luận văn
1.1.2. Đưa nhân vật kẻ thù hướng về “tính người”
Chiến tranh là hoàn cảnh bất thường. Ở đó dù là “ta” hay “địch”, dù chiến thắng hay thất bại cũng đều là những mất mát, đau thương. Chiến tranh luôn là sự khốc liệt với cả hai phía. Trong tiểu thuyết trước 1975, tâm huyết, dụng công của nhà văn thường dành cho nhân vật chính diện, nhưng hôm nay, nhân vật kẻ thù cũng được một số nhà văn quan tâm khai thác, làm nên nét đổi mới của tiểu thuyết chiến tranh hôm nay.
Một điều dễ nhận thấy trong văn học 1945 – 1975 là kẻ thù thường được “thú hóa” từ ngoại hình (kiểu như “Mắt mèo hoang, mũi chó, râu dê”…) cho đến những nét tính cách tàn ác, hiểm độc (kiểu như thằng Xăm trong Hòn đất, Đơvanhxi trong
Cửa biển…).
Quan niệm hiện thực thay đổi, từ điểm nhìn sử thi, các nhà tiểu thuyết nghiêng dần sang điểm nhìn sinh hoạt đời tư vì vậy mà cái nhìn đối với nhân vật kẻ thù cũng khác. Họ được xem xét trong cái nhìn đa chiều, góc cạnh hơn và tồn tại như một cá thể độc lập với tính cách đa dạng, phức tạp, phá vỡ tính chất đơn tuyến, một chiều kiểu nhân vật “thú tính” như trước đây.
Nói như vậy không có nghĩa là chất thú tính trong hình tượng nhân vật này không còn. Tội ác của chúng vẫn hiển hiện trong từng tác phẩm. Thật khó có thể tưởng tượng được tên giặc lái Ben-ni Ti-tơ trong tiểu thuyết Về với mẹ của Hoàng Bình Trọng lại có thể ra tay một cách cực kì tàn ác với cu Quyền, người đã cứu sống hắn. Máy bay của Ben-ni Ti –tơ bị bắn cháy, hắn nhảy dù xuống vực, nước sông kề sát cửa động Phong Nha. Cu Quyền là người phát hiện ra hắn, đã lôi được hắn lên bờ, hà hơi thổi ngạt cứu hắn khỏi chết đuối. Vậy mà hắn đã “bất ngờ vung một cú đá đủ mạnh để hất ngửa cu Quyền ra đất, và chồm lên nằm đè lên chú bé. Nó dùng đôi tay như đôi gọng kìm chít vào cổ chú bé trong lúc cặp đùi gối to như hai cái dùi vồ đập đất của hắn cứ thay nhau nhè vào bộ hạ chú bé mà thúc liên hồi kì trận… Giết chết cu Quyền rồi, thằng súc sinh kia dường như chưa hả. Nó còn trả ơn thêm cái người vừa cứu sống mình bằng cách nhặt một cục đá to hơn viên gạch, đập
vào khuôn mặt thơ dại, đẹp như thiên thần của chú bé với sức mạnh căm thù của loài dã thú” [53, tr.110].
Trong Tiếng khóc của nàng Út , người đọc gặp rất nhiều những cảnh tra tấn rùng rợn của cha con nhà Cửu Sừng: chôn sống Đua, tra tấn những người theo Cộng sản, chặt đầu ông cả Sang cắm lên cành gạo…Trong Mùa hè giá buốt là cảnh một bầy trực thăng xả súng tàn sát cả một bản người Stiêng, những tên lính Mỹ bu bám quanh những người đàn bà trần truồng, mông muội, cảnh bọn địch phục kích giết mười hai cô gái thanh niên xung phong, chúng còn cắt vú và đâm nát chỗ kín của họ… Thật khó có thể kể hết tội ác man rợ của kẻ thù! Có điều, bên cạnh phần thú tính, những kẻ ở bên kia chiến tuyến đã được cái nhìn của ngày hôm nay soi chiếu một cách khách quan hơn. Vì vậy chúng cũng “người” hơn.