Biểu tượng dòng sông

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 99)

1. 2 Đổi mới không gian

3.2.2. Biểu tượng dòng sông

Dòng sông, bến nước, con đò bao đời nay đã trở thành biểu tượng cho không gian làng quê Việt Nam, gắn bó mật thiết thân thương với con người lao động. Khó mà kể hết có bao nhiêu con sông trong thơ ca và có bao nhiêu nhà thơ viết về dòng sông. Có điều, ở mỗi miền quê, mỗi thời kỳ lịch sử, khi đi vào thơ ca, dòng sông lại được các thi nhân thổi vào đó những linh hồn, “tính khí” với những vẻ đẹp riêng. Con sông trong thời kỳ kháng chiến được các nhà văn, nhà thơ nhìn nhận như biểu tượng về sức sống vĩnh hằng của dân tộc.Và cũng từ những con sông mà toả sáng những anh hùng, ngời lên sắc diện một đất nước. Tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh miêu tả nhiều dòng sông làm biểu tượng cho đất nước, dân tộc: sông Bồ, sông Bạc, dòng Sầu Diện, sông Trà Bồng… Ngay nhan đề một số tiểu thuyết, các nhà văn đã lấy hình tượng sông làm tên tác phẩm của mình: Phòng tuyến sông Bồ (Đỗ Kim Cuông); Bên dòng Sầu Diện (Nguyễn Đình Tú).

Trước hết, đó là hình ảnh con sông trong kí ức, rất ấn tượng, con sông cùng con người chịu đựng, sẻ chia biết bao mất mát, đau thương. Đó chính là kí ức của Minh Việt (Bên dòng Sầu Diện) về dòng sông quê hương anh – dòng Sầu Diện (Nét Mặt Buồn). Cái tên của dòng sông ấy gắn liền với một huyền thoại, một huyền thoại thật buồn. Thuở ấy “Khi toàn bộ khu vực vịnh nông quanh chân núi Cột Cờ đã được phù sa bồi đắp biến thành thổ địa của các nhóm cư dân từ các nơi kéo về, cũng là lúc biển rút ra xa, các dòng sông tự chôn sống mình, chỉ còn một dòng duy nhất làm công việc nhuần tưới, như mạch máu của một cơ thể đất mà thôi. Dòng sông ấy đón đoàn thuyền của thái tử Hoảng vào, đưa thái tử đến với ngọn Phù Liến cây cối giăng mắc như rừng già, rất nhiều hoa thơm quả lạ, lại nhiều cầm thú quý hiếm, đứng trên đỉnh núi, ngắm nhìn bao quát ra xung quanh, thấy cảnh vật sơn thuỷ hữu tình, có cảm giác đang được đặt chân trên chốn địa linh văn vật, thái tử hứng khoái, quyết định hạ trại nghỉ ngơi…

Thái tử đã có một buổi chiều nồng nã ân tình với sơn nữ trong chiếc lều cỏ bỏ không nằm kề bên bờ suối. Sau đó quân hầu tìm đến bẩm với thái tử đằng tây đang có một cơn dông to, mây mưa sắp kéo đến, mưa ngàn thác đổ, chẳng thể biết trước được lành dữ thế nào, xin thái tử hạ sơn cho yên lòng kẻ hầu cận. Thái tử vội theo quân hầu rời núi, trước khi đi ngài có hỏi qua họ tên, bản quán của sơn nữ nọ rồi bảo:

- Ta sẽ cho người rước nàng về kinh để sớm tối gần gũi, hầu hạ ta.

Những ngày sau đó cô gái cắt cỏ bên núi cứ ngóng chờ hoài mà không thấy có kiệu loan nào tới rước cả. Mầm sống trong bụng cô ngày một to lên… Họ trói cô thôn nữ chửa hoang vào một tảng đá to rồi đem quẳng xuống sông. Cô gái than khóc thảm thiết. Trước khi bị dìm chết cô thề rằng: “Nếu gái này bị oan thì không đá nào dìm nổi”. Qủa thật cứ hạ thuỷ lần nào là dây thừng đứt tung lần ấy, cô gái lại nổi phềnh trên mặt nước. Hàng tháng sau cô mới chịu theo dòng trôi ra ngoài biển Đông. Sau này đoàn thuyền nào đi qua khúc sông ấy cũng nhìn thấy khuôn mặt cô gái với đôi mắt mở to, u buồn, chập chờn dưới mặt nước lăn tăn sóng vỗ. Khuôn mặt ấy lúc thì vỡ ra theo cánh sóng, lúc tụ lại dưới mặt nước phẳng lặng, gây hoảng sợ cho tất cả các ngư phủ qua lại khúc sông này. Sau tin đồn về tới kinh thành, thái tử vội ban chiếu giải oan cho cô gái và lệnh cho chính quyền sở tại lập miếu thờ. Từ đấy khuôn mặt cô gái không còn hiện lên mặt nước nữa. Nhưng dòng sông lại mang tên Sầu Diện” [55, tr.61-62].

Dòng sông gắn với huyền thoại về một chuyện tình buồn của một cô gái nên nó biểu trưng cho biết bao cuộc đời buồn của những con người nơi đây. Đó chính là cuộc đời của mẹ Mến – mẹ Minh Việt. Mến mồ côi từ khi còn là một đứa trẻ 11, 12 tuổi – cha mẹ cô đã chết trong nạn đói năm 1945, Mến được bà Cả Ngật nhặt được “Mến ốm o, rách rưới bên cột cây số Mười Tám mạn đi về Thái Bình” [55, tr.66]. Cô lớn lên như bao người con gái khác. Rồi một hôm vào núi Cô Hồn hái lá xương sông. Mến đã gặp Nguyên Bình bị thương rất nặng “tưởng như chết”. Mến đã cưu mang, chạy chữa cho lành vết thương. Nguyên Bình chia tay Mến và đã để lại mầm sống đang lớn dần lên trong cô. Rồi sau đó là những tháng ngày tủi nhục, đau khổ vì

những ánh mắt dò xét, những lời đàm tiếu dị nghị về cha của đứa bé đang lớn dần lên trong bụng Mến là ai? Mến phải một mình chịu đựng tất cả. Cuối cùng đứa bé đó cũng chào đời, Mến đặt tên cho con là Minh Việt. Vài năm sau, Mến thật vui mừng khi gặp lại Nguyên Bình. Nhưng anh ta không dám nhận lại vợ con vì sợ ảnh hưởng tới con đường công danh. Mến cũng không dám nhận lại chồng vì muốn giữ cho Nguyên Bình. Rồi Mến nhận được tin Nguyên Bình lấy vợ, tin đó đã làm cho cô hoàn toàn suy sụp. Và cuối cùng Mến đã chết vì mắc bệnh lị. Chết trong đau đớn, u buồn. Số phận của Mến cũng gần giống như huyền thoại về dòng Sầu Diện. Cô cũng phải sống trong sự chờ đợi vô vọng, cũng phải chịu bao sự khinh rẻ của người đời… Cuộc đời cô cũng lặng tờ chảy trong u sầu, tẻ lặng như dòng Sầu Diện; “dòng Sầu Diện man mác chảy trong u sầu, tẻ lặng” [55, tr.62].

Rồi đó còn là số phận của Minh Việt – nhân vật chính trong truyện, đứa con của Nguyên Bình và Mến. Một chàng trai khoẻ đẹp nhưng đôi mắt lúc nào cũng mang một “nét đẹp u uẩn, buồn như hai thác nước đổ dưới màn sương”, như dòng chảy u sầu của dòng Sầu Diện. Vì sợ tổ chức biết tội hủ hoá nên bố Việt đã bỏ rơi mẹ con Việt. Mãi tới khi mẹ mất, Việt mới biết mặt cha. Khi mẹ mất, Việt bất đắc dĩ phải về ở với bố, với dì. Lần đầu tiên yêu cũng là lần làm cho Việt mất khả năng đàn ông khi anh phải chứng kiến cái chết kinh hoàng của người bạn gái. Việt mắc bệnh trầm uất phải vào bệnh viện tâm thần… Cuộc đời Minh Việt đau khổ, u buồn cũng giống như dòng Sầu Diện ở quê hương anh: “Minh Việt cười buồn bã. Những số phận quanh anh cũng nào có hơn gì anh đâu? Họ đều là những tiểu vũ trụ tả tơi, rách nát sau những sóng gió của cuộc đời đấy thôi!” [55, tr.302].

Như vậy, huyền thoại về con sông, những đặc trưng về dòng chảy (man mác, u buồn, tẻ lặng) cũng chính là biểu tượng cho cuộc đời, số phận của những con người nơi đây – thị trấn Nét Mặt Buồn. Con sông chính là chứng nhân về những đau khổ, những mất mát trong cuộc đời của những số phận nơi đây: “Đã là khuôn mặt buồn thì nét nào chả u uẩn? Đứng từ núi Cô Hồn nhìn qua những con phố, những khu dân cư, thấy dòng Sầu Diện vẫn lững lờ buông mình vắt qua thị trấn đổ ra biển…” [55, tr.307].

Đó còn là vẻ đẹp trường tồn, vượt bao thác ghềnh thử thách khốc liệt của chiến tranh cũng như con người, dòng sông quê hương vẫn giữ nguyên vẻ đẹp và tình cảm thuở ban đầu: thủy chung, son sắt. Chính dòng sông đó đã che chở cho Toàn và Vần (Tiếng khóc của nàng Út). Nhờ nó che chở mà Toàn đã thoát nạn: “Sông Trà Bồng là con sông ngắn, các con sông Quảng đều ngắn như thế. Bởi ngắn mà nó nhiều ghềnh, nhiều vực, như Cần Rền và Vực Chùa, nước sâu và xanh đen, nơi cá về đẻ trứng nở thành cá con làm cá giống. Vô số núi nhỏ lô nhô giữa dòng sông, tận mãi cửa Sa Cần đá núi vẫn trồi lên, như Hòn Ông, Hòn Bà. Cùng với tre xanh tỏa mát hai bờ, những bãi đá nhỏ mọc rù rì, ưu tư, ngả theo chiều nước chảy, làm cho con sông có đời riêng và tính riêng, trẻ thơ nào sống ở đất này lại không giữ trong lòng nỗi nhớ.

Về đến hậu cứ của huyện nghe qua tình hình, Toàn và Vần đi ngay. Vần nói: - Bọn hắn phục đầy các ngõ đường. Không sao, ta men theo ven sông, có gì ùm rồi cút. Sức mấy mà bắn kịp. Tui đi trước… Vần và Toàn men theo mép nước… Cả hai vừa ngồi thụp xuống thì có tiếng hét: Bắt! Bắt! Đứng lại, chạy tau bắn chết! Vần xoay người lao ra phía nước nhảy ùm. Toàn nhảy theo. Đạn bay rèn rẹt trên đầu. Bọn bảo an ập sát. Chỗ này là vực, hai bên là thành đá. Bọn hắn đứng trên mỏm vực bắn xuống. Vần lặn giỏi cút một hơi tuốt sang bờ bên kia…” [54, tr.231- 132]. Dòng sông đã che chở, bảo vệ tính mạng của những người chiến sỹ trong kháng chiến.

Hình ảnh dòng sông Trà Bồng trữ tình mà quật khởi, nó biểu tượng cho sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, tên tuổi của nó đã trở nên bất tử trong trang sử và trong kí ức của người dân nơi này. Sông Trà Bồng, nơi có ông già dũng cảm, thông minh, mưu trí… đã hi sinh cả tính mạng để chở che cho cán bộ cách mạng. Do bơi kém hơn Vần nên Toàn đã bị sặc nước, may sao lúc đó có một chiếc ghe câu của người đàn ông có tuổi. Toàn bíu vào thành ghe: “Toàn đã uống mấy ngụm nước, mệt lử, cố bám thành ghe. Ông già cầm con dao cá, sắc loáng dưới ánh chiều. Ông giơ cao, chém phập. Ông hô: Tôi chém được cộng sản, tôi chém được

cộng sản. Rồi ông nói nhỏ vừa đủ cho Toàn nghe: Chìm xuống, lặn qua bên này chú.

Bọn bảo an reo: Hoan hô ông già! Hoan hô ông già! Thằng chỉ huy bắn một phát côn nữa. - Chặt mà sao không thấy máu? Nó cút sâu dưới nước rồi! Bắn lão già!

Ông già bung về phía bọn bảo an. Bọn hắn bắn theo ông. Chiếc ghe không có người tròng trành lừ đừ trôi.

Thằng chỉ huy hét:

- Thằng già xảo! Bắn bỏ thằng già!

Đạn chùm trúng ông, máu phun một dòng đỏ ngầu rồi tan loãng. Như máu chưa từng đổ ra ở đây, nước trở lại trong vắt, tựa các cuộc tình chốc lát làm lãng quên quá khứ. Xác ông già nổi lềnh bềnh một lúc. Sông trôi và xác ông cũng trôi. Mảnh lưới gai quấn nhùng nhằng vào người, xuôi theo nước rồi chìm với thân ông” [54, tr.232-233].

Đó còn là dòng sông Bạc (Mạch máu của rừng). Tên của con sông biểu trưng cho cuộc sống trù phú, màu mỡ hai bên bờ sông do nước, phù sa của sông đem lại. “Bạc” còn là biểu trưng cho sự hung dữ của nó về mùa mưa. Nó giống như một loài thủy quái cuốn băng tất cả nhà cửa, hoa màu… thậm chí cả mạng sống của con người hai bên bờ: “Sông Bạc bắt nguồn từ những dãy núi phía Tây Trường Sơn thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam. Sau khi chảy ngang qua Nam Lào, sông Bạc nhập vào sông Mê Kông rộng lớn. Xuyên qua rất nhiều loại địa hình khác nhau, lúc thì núi non hiểm trở quanh co, lúc lại đồng bằng phì nhiêu bằng phẳng nên con sông Bạc cũng “đỏng đảnh, thất thường” theo địa hình, theo mùa mưa nắng. Nhân dân nước Lào gọi sông Bạc là Nậm Bạc. Tôi đã từng được nghe rất nhiều người giải thích về nguồn gốc của tên con sông đỏng đảnh này. Người ta truyền nhau, người ta thêu dệt. Tựu trung lại có hai nguồn gốc chính; Nguồn gốc thứ nhất, nó mang tên Bạc vì nó mang lại nguồn lợi lớn về giao thông đường thủy, về nguồn cá vô tận, nguồn nước và nguồn phù sa quý giá cho nền nông nghiệp lúa nước hai bờ sông… nên nó quý như bạc, chỉ đứng sau sông Mê Kông được quý như vàng. Nguồn gốc

thứ hai, nó hung dữ (nhất là về mùa mưa), tàn phá bao bản làng, cướp đi bao nhà cửa ruộng vườn của người dân hai bờ, kể cả mạng sống của họ… Nhân dân yêu nó nhưng nó phụ lòng dân, rất bội bạc nên phải đặt tên nó Bạc để mọi người luôn đề phòng, cảnh giác… Sau này, khi xe ta vượt Bạc, khi tuyến vận chuyển đường sông phát triển (trong đó tuyến vận chuyển trên sông Bạc) nhiều chuyến xe; nhiều chiếc thuyền của ta bị bom đạn giặc phá hủy, máu của cán bộ, chiến sĩ ta liên tiếp đổ xuống dòng sông… anh em càng khai thác sâu hơn nguồn gốc thứ hai của tên con sông này… Với riêng tôi, tôi không bao giờ nghĩ thế. Tôi càng yêu quý con sông và thương nó bị oan. Nó không hề có tội. Tội lỗi đều do bọn Mỹ - ngụy gây nên cả. Cũng như mọi con sông bắt nguồn từ dải Trường Sơn hoặc từ núi rừng nước bạn, Sông Bạc là con sông oai hùng, là con sông thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu của hai nước Việt – Lào” [47, tr.159-160].

Như vậy, qua lời nhận xét của nhân vật tôi, sông Bạc còn là chứng nhân cho những tội lỗi mà bọn Mỹ - ngụy gây nên, còn là chứng nhân cho tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai nước Việt – Lào.

Trong Phòng tuyến sông Bồ, biểu tượng con sông đã cùng con người chịu đựng sẻ chia biết bao mất mát đau thương nhưng không chịu cúi đầu, không hề khuất phục. Con sông như những chứng nhân về cuộc chiến khốc liệt giữa ta và địch. Sông ở đây rất đẹp bởi sông của con người đẹp, những con người quật khởi anh hùng. Dòng sông lại càng đáng yêu và dòng sông ấy ghi lại những chiến công của con người, hòa nhịp với con người và sông cũng náo nức, rộn rã sau những đợt đấu tranh quyết liệt với quân thù.

Sông Bồ là con sông nhỏ ở phía Bắc thành phố Huế. Sông Bồ là một phụ lưu quan trọng phía tả ngạn của sông Hương, chảy từ Trường Sơn qua các huyện A Lưới, Hương Trà, Phong Điền. Phía thượng lưu là căn cứ và vượt qua sông Bồ là vùng đất tạm chiếm. Cuộc chiến đã diễn ra vô cùng khốc liệt ở vùng Trị - Thiên và vùng sông Bồ là vùng đất quan yếu. Con sông Bồ là chứng nhân cho tất cả cái ác liệt, cái đặc thù, tình người, đau khổ, hy sinh và hy vọng trong cuộc chiến đấu của quân dân Thừa Thiên Huế với bọn đế quốc Mỹ từ sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân

1968 đến ngày giải phóng: “Dòng sông Bồ ngăn đôi phân tuyến. Bên kia sông, chỉ cách hai trăm mét đã là đất Phong Điền. Đi bộ chừng dăm tiếng đồng hồ tới khe Lu, khe Trăng. Và xa hơn nữa tới hang Đá, dốc Chè, đèo Bông và thọc ra đường tuyến. Chỉ cần đi năm ngày đã có thể tới Làng Tà và vượt lên Rừng Thông, đất Lào. Đây là vùng hậu cứ của quân khu, trục chính của tuyến đường ruột Trường Sơn chạy từ Bắc vào Nam… Anh nhìn không chán mắt các dãy nhà kho chứa gạo, đạn, quân trang ở binh trạm 46 và anh mới hiểu rằng sức người, sức của cả nước dồn cho mặt trận thật phi thường. Cuộc chiến đấu của tiểu đoàn anh ở vùng giáp ranh là không đơn độc, chỉ có điều tính chất tác chiến bị phân tán và “địa phương hóa”. Bên kia sông, trên vùng hậu cứ của tiểu đoàn hiện nay đại đội 2 và đại đội 4 cũng đang học tập chỉnh huấn” [44, tr.58]… “Địch cũng tung ra đây sư đoàn dù, sư đoàn thủy quân lục chiến cùng sư đoàn 1 bộ binh để giữ cho được mặt trận Quảng Trị, Phong Quảng Điền. Sông Bồ trở thành một phòng tuyến hiểm địa để giữ cố đô Huế” [44, tr.289-290].

Như vậy, biểu tượng dòng sông trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh không chỉ là dòng sông tự nhiên mà còn là dòng sông tinh thần, mang sức mạnh của

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)