Không gian tâm linh huyền thoại

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 31)

1. 2 Đổi mới không gian

1.2.1.2. Không gian tâm linh huyền thoại

Tiểu thuyết sau năm 1975 đặc biệt là tiểu thuyết viết về chiến tranh đề cập đến một số khía cạnh của lĩnh vực tâm linh: sự giao cảm và ràng buộc vô hình giữa con người với vũ trụ, khả năng biết trước (tiên tri, linh cảm, giấc mơ), những câu chuyện về quá khứ, về dân tộc mang màu sắc huyền bí. Chúng tôi gọi đó là không gian tâm linh huyền thoại.

Một trong những tác phẩm đậm màu sắc tâm linh, huyền thoại nhất trong số những tiểu thuyết được khảo sát là tiểu thuyết Mùa hè giá buốt của Văn Lê. Tiếp tục viết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1986, một cuộc chiến như một huyền thoại về ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, “Quyết tử để chiến thắng” của những người lính.

Không có tiểu thuyết sử thi nào trước 1975 lại mở đầu bằng tiếng cú kêu, một âm thanh mà từ trước đến nay dân gian đều cho là điềm gở, nhất là tiếng cú ấy lại xuất hiện vào đêm trước của đợt Tổng tấn công Mậu Thân lần hai của tiểu đoàn Bến Nghé. Cái âm thanh “Ha…ha…ha…ha” lặp đi lặp lại nhiều lần làm cho thượng úy Nguyễn Sĩ Việt ớn lạnh: “Chưa bao giờ anh nghe thấy tiếng kêu của loài nào lại dị biệt, quái đản như thế. Anh có cảm giác như chính ma quỷ sai loài cú đến đây cười cợt, trêu ghẹo anh. Tiểu đoàn trưởng linh cảm thấy tai họa đang lởn vởn ở trong ngôi làng này. Lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy bồn chồn, lo sợ thực sự” [48, tr.19].

Vào đêm xuất phát tấn công, Việt cũng loáng thoáng nghe tiếng cú kêu, nó không giống tiếng lợn hét, không giống tiếng cú cười “mà như những tiếng nấc cục. “Hấc…h…ấ…c…”. Tiếng cú lặp đi lặp lại đôi ba lần rồi chết lặng, để lại trong không gian một bầu không khí đầy trắc ẩn” [48, tr.35]. Điềm báo ấy đã đúng khi vào mặt trận, những trái đạn của địch đã xóa đi từng mảng người trên mặt đất, người lính này ngã xuống, người sau lại vọt lên thay chỗ. Rất lâu sau, Việt vẫn không thoát khỏi được nỗi ám ảnh nặng nề, bởi anh phải chứng kiến quá nhiều cái chết của đồng đội. Nặng nề hơn là khi chính trị viên Lê Quang Tạo cầm loa kêu gọi địch đầu hàng thì bị tên biệt kích bị thương gần đó bắn gục. Những người lính nhìn thấy cái chết của chỉ huy đã không tự chủ được nữa. Họ đâm lê, xả súng không thương tiếc vào quân thù, kể cả những tên giơ tay hàng vẫn bị bắn một cách lạnh lùng. Sự tàn sát, trả thù này khiến Việt khổ tâm, dằn vặt khi để mặc cho bộ đội làm những điều đi ngược lại với thiên lương của người lính.

Giấc mơ cũng là một bằng chứng của linh cảm. Ở Mùa hè giá buốt, không dưới một lần tác giả đề cập tới giấc mơ của các nhân vật.

Vân bị lạc đơn vị, cô mệt mỏi thiếp đi bên cạnh những người lính mới hi sinh. Trong giấc ngủ chập chờn, cô lờ mờ nghe thấy tiếng gọi của mười mấy chiến sĩ, họ gọi cô dậy và báo sắp có máy bay nhưng mắt cô cứ díp lại, họ phải hắt ca nước vào người, cô mới giật mình tỉnh dậy. Ngay lúc đó, một bày trực thăng Mỹ ào tới ném bom thật và cô kịp chui nhanh vào hầm. Khi pháo nổ dứt hẳn, Vân chui ra

khỏi hầm và cảm thấy chột dạ về giấc mơ vừa rồi: “Mười mấy nấm mộ chôn ở xung quanh gò, phải chăng là hình ảnh của những người lính đã hiện lên trong giấc ngủ muộn màng của cô? Phải chăng sự cảnh báo theo cách của họ đã giúp cô tránh khỏi tai ương vừa rồi?” [48, tr.178]. Sáng ra cô kinh hoàng nhận thấy chiếc bồng của mình bị trúng tới hai viên đạn. Khi ăn lót dạ cô còn lầm rầm khấn vái, mời những người lính ăn cùng.

Hầu hết các tiểu thuyết được giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 2004 – 2009 đều có màu sắc không gian tâm linh huyền thoại với những mức độ đậm nhạt khác nhau. Bên cạnh Mùa hè giá buốt, tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út của Nguyễn Chí Trung cũng có không gian huyền thoại giữ vai trò chủ đạo trong tác phẩm.

“Vượt lên trên sự mô tả chiến tranh đơn thuần, Tiếng khóc của nàng Út có xu

hướng lí giải sự thắng thua trong chiến tranh bằng chiều sâu văn hóa hơn là những câu chuyện giặc tàn ác, phi nhân, ta dũng cảm, chính nghĩa đã quen thuộc” [33, tr.105]. Đây là huyền thoại về xứ Bàu Ốc được bà On kể lại cho con nghe: “Ngày đi mở đất của ông cha còn đào thấy những bãi sỏi rộng và dài… Gần những lớp sỏi xa xăm đó, dưới những cồn cát cổ, tình cờ người bốc đất bắt gặp mấy bộ xương người, đàn ông và đàn bà… Tục gọi là Bàu Ốc vì trước đây giữa vùng đất mới khai phá sau rặng núi thấp chạy từ Bàn Than qua Vũng Quýt có vô số bàu, những vũng nước mặn không cạn” [54, tr.15-16]. Không chỉ nói về lịch sử của các vùng đất mà đặc điểm của các bộ tộc người, phong tục của họ cũng được tác phẩm nói tới: người Ê Đê, người Xơ Đăng, người Ba Na, người Chăm Roi…: “Hỡi người Ê Đê sống trên những đồng cỏ xen lẫn rừng thưa, uống rượu thì uống cạn ché, lấy vợ thì ở nhà vợ suốt đời, đàn ông mang tấm vải đỏ chói chang trước ngực căng phồng, tượng trưng cho quyền lực đàn ông, mà quyền lực lớn nhất của đàn ông ấy là phải làm theo người đàn bà đã sinh ra và cho bú.

Hỡi người Xơ Đăng có đôi bàn chân thon, đi tìm vết chân con mồi, bé nhẹ, nhẹ hơn gió thoảng, kéo đàn một dây căng trên quả bầu khô áp lên bụng thâm trầm như thương nhớ…” [54, tr.201]. Nguyễn Chí Trung hay nói đến không gian của núi

rừng linh thiêng, về quá khứ của các tộc người tạo cảm giác như sống trong không gian của chính những tộc người đó với những phong tục đặc trưng. Đặc biệt, người đọc được tiếp xúc với không gian huyền thoại của những câu chuyện sử thi của các già làng, mọi người quây quần bên bếp lửa lắng nghe: “Sau một ngày xa nóc, đêm rộn ràng. Bên bếp lửa bập bùng người già ngậm điếu quấn dồ bóng in dày trên vách nứa ngồi nghe kể trường ca, thân thể đung đưa, đắm mình trong men say ngây ngất” [54, tr.135-136].

Tìm về những không gian này, nhà văn thể hiện cái nhìn trân trọng hơn đối với những giá trị truyền thống của những tộc người đang bị mai một. Chiến tranh đang làm mất dần đi những phong tục đẹp ấy, sức tố cáo của tác phẩm vì thế tăng lên gấp bội. Tác giả đã nhìn chiến tranh ở góc nhìn đặc biệt, góc nhìn văn hóa - phong tục truyền thống. Nếu chỉ miêu tả chiến tranh đơn thuần thì các nhà lịch sử sẽ làm tốt hơn nhiều các nhà tiểu thuyết. Tiểu thuyết phải là tiểu thuyết, phải khám phá cuộc sống trong bề sâu, bề xa của nó. Tiếng khóc của nàng Út đã tìm thấy dưới cái bề nổi của không gian chiến tranh là một không gian của những xung đột văn hóa, chính xác là xung đột giữa một bên là văn hóa và một bên là phản văn hóa. Sức mạnh văn hóa là sức mạnh chính nghĩa được tích tụ từ ngàn đời nên bao giờ cũng chiến thắng.

Đời sống tinh thần của con người luôn chứa đựng bao điều bí ẩn, trong đó có vấn đề tâm linh. Tâm linh đối lập với ý thức kiểu lí tính thuần túy. Nó bao gồm cái phi lí tính, cái tiềm thức, vô thức, bản năng thiên phú… Chưa bao giờ các nhà tiểu thuyết lại có nhiều trăn trở tìm tòi phát hiện, đổi mới hình thức thể loại như hiện nay. Tiểu thuyết có thể đáp ứng nhu cầu tinh thần bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó có xu hướng quan tâm đến phương thức huyền thoại.

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)