1. 2 Đổi mới không gian
2.1.1.1. Lời văn miêu tả thiên nhiên
Thiên nhiên vốn là chuẩn mực của cái đẹp mà con người luôn khao khát hướng tới. Các sáng tác về đề tài chiến tranh rất chú trọng miêu tả thiên nhiên, những bức tranh thiên nhiên đơn sơ, quen thuộc mà luôn gợi dậy ở con người
những rung động thấm thía. Đó là hình ảnh trăng mùng tám như cánh diều vàng cùng những vì sao nhấp nhánh, khơi dậy trong nhân vật Vinh (Màu rừng ruộng) cảm giác lâng lâng: “Lần đầu tiên trên đời Vinh được ăn một bữa ngon như thế. Bữa ăn trên cỏ, dưới trăng vàng ngần ngận. Gió đồng rười rượi mê tơi… Cậu nằm trên bãi cỏ gà thênh thênh ngửa mắt nhìn trăng. Trăng mùng tám như một cánh diều vàng. Trên trăng là sao. Những vì sao li ti nhấp nháy liên hồi…” [52, tr.63]. Đó còn là màu xanh nguyên thủy của khu rừng Mường Phăng, cùng khu chỉ huy sở được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, đất, tre lá… Và con sông Nậm Rốn, uốn khúc trên cánh đồng Mường Thanh đã qua mùa gặt hái trong Không phải huyền thoại mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại ở Điện Biên Phủ sau năm mươi năm xa cách. Khung cảnh thiên nhiên đó đã làm sống lại trong lòng vị Đại tướng hơn chín mươi tuổi bao cảm xúc về mảnh đất và con người Điện Biên, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - nơi ông làm tổng chỉ huy.
Hay đó còn là bức tranh buổi sáng mù sương ở Xiêng Khoảng: “Xiêng Khoảng là thế này, quãng đầu mùa khô có độ mươi ngày liền thì sương mù đặc như sữa. Rồi sau đấy trời đất cứ theo một kiểu cách định hình như sau: Sương mù đặc quánh độ hai đến ba ngày, tiếp sau lại đến hai ba ngày sương loãng và mỏng thấp dần, cũng có khi ngày thứ ba thì sương mù tan hẳn, trời thật là quang quẻ trong quãng một buổi và thường là buổi chiều” [51, tr.8] cùng “Gió Lào thổi ràn rạt suốt từ lúc chưa rõ mặt người tới thâu đêm. Từ giữa buổi sáng đến cuối chiều, gió nóng và nồng mùi vôi đổ ải càng nóng thêm trong cái nóng xối như trút lửa than xuống
đất, xuống rừng. Cảnh vật như khô nẻ, rừng non và cây bụi rũ rượi, từng đám lá khô từ các cánh rừng tuôn ào ào ra mặt đường nhựa đang như cong vênh lên dưới cái nắng như thiêu” [51, tr.17]. Khung cảnh thiên nhiên đó đã in đậm trong tâm trí Bùi Bình Thi trong những ngày cùng phái đoàn quân sự Việt Nam được cử tới đây để giúp đỡ các bạn Lào giải phóng vùng Xiêng Khoảng – Cánh đồng Chum đang bị đế quốc Mỹ và bọn phản động Lào lũng đoạn, chiếm cứ.
Lời văn miêu tả thiên nhiên trong các tiểu thuyết đã làm nổi bật không khí đặc trưng của chiến trận. Các tác giả thường thiên về những gam màu nhẹ (xanh, vàng, tím) hoặc những gam màu tối làm cho cảnh vật thường man mác buồn. Màu sắc ấy như chuẩn bị cho gam màu nóng, gam màu của lửa cháy, đạn nổ và máu chảy. Còn đây là các gam màu khác nhau làm tín hiệu liên lạc trong chiến đấu: “Ba phát pháo hiệu màu đỏ liên tiếp được bắn lên trời. Cả thế giới tự nhiên xung quanh Bích Vân đều nhuộm một màu đỏ như máu. Màu đỏ ấy chao qua, chao lại, làm cho gương mặt căng thẳng của người lính trông rất cô hồn. Khi pháo hiệu vừa tắt, bóng đêm lập tức ập vào, hình ảnh con người như bị nhấn chìm trong màu đen ma quái. Vào khoảnh khắc ấy, mọi cặp mắt đều hướng lên bầu trời, háo hức chờ đợi sự thần kỳ sắp xảy ra. Chưa bao giờ, chưa một lần nào, Bích Vân lại được nhìn thấy ánh mắt con người long lanh, kỳ diệu đến như thế. Chỉ giây lát nữa thôi, sẽ có ba trái pháo hiệu màu vàng trong quân trường đáp lại giống như một câu chào, một cái bắt tay thân ái giữa những con người cùng chí hướng ở hai chiến tuyến” [48, tr.130]. Ở ví dụ này, màu sắc đã làm nổi bật tính chất rùng rợn, ma quái của chiến tranh vừa làm rõ hơn, nổi bật hơn tâm trạng căng thẳng của người lính trước giờ phút nghiêm trang nhất của cuộc chiến.
Bên cạnh đó, lời văn miêu tả thiên nhiên trong các tiểu thuyết còn rất sống động, giàu chất trữ tình. Chẳng hạn, thiên nhiên mùa thu trong cuốn nhật kí của bố Quế cũng là sự pha trộn nhiều màu sắc: “Trưa, vòm trời bổng vút. Từng mảng mây màu trắng đục nhởn nhơ trên nền trời xanh biếc. Có rất nhiều con chuồn chuồn màu vàng thẫm dang cánh ve vãn trên tầng cao. Bồn hoa cúc vàng rực như một mâm hoa đặt trước cửa nhà trực ban đại đội. Một đôi chim bồ câu trắng từ trên mái nhà, hứng
chí vút lên trời xanh chao liệng như thể tắm mình trong không gian bình yên” [50, tr.52].
Màu rừng ruộng lấp lánh nhiều sắc màu thẩm mỹ góp phần làm nên sự hấp dẫn của tác phẩm. Đỗ Tiến Thụy đã dùng màu sắc để đặt tên và ẩn dấu chủ đề cho từng chương: Gió vàng; Trâu đỏ; Đất trắng; Hoa xanh; Tang hồng; Ngựa bạc; Chim đen; Làng xám; Voi sao ; Mắt lơ; Hổ vằn; Ningnơng tím; Xương rêu; Nghé nâu… Có nhà phê bình đã nhận xét: “Đọc xong từng chương, ngẫm lại tên chương, người đọc sẽ thú vị khi nhận ra chất tài hoa của ngòi bút Đỗ Tiến Thụy. Anh đã làm thăng hoa cái hiện thực mà anh miêu tả, biến cái hiện thực tím rịm nỗi buồn, xám xịt những nỗi đắng cay phũ phàng, hiện thực trắng trợt xương rêu tàn lụi chết chóc thành cái đẹp văn chương”. Chẳng hạn gió vàng: đó là màu vàng của “Những con rô béo vàng tung mình đớp chấu rơi oạch vào giữa bụi lúa lạch đạch mãi mới thoát”… “Gió đồng thơm lựng. Nắng hanh vàng óng ả” [52, tr.16]… “ Những bờ thửa bờ vùng bùn khô cóng dưới gió hanh vàng. Cả cánh đồng nhuốm một màu nâu gụ, duy chỉ có đồng Cửa mới cấy và khu xướng mạ có chút màu xanh. Thứ màu xanh pha vàng của lá mạ thiếu Ni tơ. Những con trâu cày đã được lùa xa tít đồng Găng để chăn nên đồng vắng hoe vắng hoắt” [52, tr.26]. Đó là màu vàng của nắng, của lá mạ thiếu Ni tơ, của tóc những đứa trẻ cháy vàng vì nắng… một khung cảnh đậm đặc làng quê. Hay Trâu đỏ chính là hình ảnh chiếc máy cày đỏ chót lần đầu tiên xuất hiện ở làng Bùi khiến cả làng háo hức ra xem: “Cả làng Bùi ùa nhau ra đứng chật sân kho ngắm nghía trầm trồ chiếc máy cày đỏ chót có dòng chữ trắng “Sản xuất tại Liên Xô”… Mọi người đang háo hức chờ buổi cày thử của con “Trâu đỏ”” [52, tr.44]. Rồi “Hoa xanh” đó là màu xanh của cỏ, dòng nước mà những bông hoa hồng trong sự liên tưởng của Vinh để tặng chị Miền: “Vinh và Nghé Hoa lao ùm xuống sông. Nước trong veo, mát lành. Nào, hãy bơi sang bờ bên kia, cỏ non đang đợi!…Bờ đê cỏ may tím mờ trong chiều chạng vạng. Khoảnh đất mới cày tươi màu vuông vức như khung tranh. Chỉ ít ngày nữa thôi khung tranh ấy sẽ được vẽ kín hoa hồng. Những bông hồng xanh to như chiếc nón chị Miền thường đội” [52, tr.74].
Đó còn là sắc trời đỏ chói lúc mặt trời xuống núi: “Mặt trời đã xuống đến eo yên ngựa trên dãy núi đá sau làng Linh Sơn. Cái màu đỏ chói chang lúc nãy của nó dần ngả sang màu vàng kim nhũ, rồi màu trắng thiếc. Chính vào thời điểm đó, cơn gió Lào cũng bắt đầu hung hăng gào thét trên các sườn non, vách núi, thổi lồng lộng như ngựa bất kham trong các rừng mơ, rừng mận tránh chỗ cho ngọn gió nồm mát rượi mang chất muối mặn mòi từ miệt biển tràn vào” [53, tr.27]. Hay còn là bức tranh thiên nhiên mùa xuân với màu tím của những đóa phong lan rừng : “Chỉ mới đó thôi mà cánh rừng đã tím ngắt một màu lá mới. Phong lan cũng bắt đầu trổ hoa, hương thơm bay ngào ngạt” [48, tr.39]. Là màu vàng của ánh trăng mọc chiếu rọi xuống những bãi đá chạy dọc sông Bồ: “Một lúc sau, trăng mọc. Ánh sáng rải vàng trên bãi đá chạy dọc sông Bồ” [44, tr.57].
Màu sắc trong các tiểu thuyết chiến tranh vừa là màu sắc của thiên nhiên vừa là một thứ kí hiệu của tâm trạng con người. Chẳng hạn cái màu tối của đêm đen được sử dụng với một liều lượng rất cao. Đó là một màu đêm đen đặc của một vùng ven: “Cuối đêm hôm ấy, trời tối một cách đột ngột. Cả vùng ven mênh mông, bao la như trở nên đông cứng, vón cục lại” [48, tr.363]. Rồi “Đêm đến, Bằng phải chiến đấu với lòng mình, với thân phận mình cũng không kém phần ác liệt so với những ngày chịu bom, hứng đạn ở Trường Sơn” [50, tr.96]. Bởi cũng như bao người phụ nữ khác, Bằng đã từng làm vợ, từng có đêm tân hôn ngọt ngào, cũng mang nặng đẻ đau… Vậy mà bây giờ thui thủi một mình, không biết chồng, con lưu lạc nơi đâu. Ban ngày quần quật với công việc, đêm đến lại phải vật lộn để cho giấc ngủ chiến thắng nỗi nhớ thương chồng, thương con. Sự chiến đấu với lòng mình có phần khó khăn và ác liệt hơn so với những ngày ở Trường Sơn, chịu bom, hứng đạn.
Đó còn là tâm trạng nhớ gia đình, vợ con của Sáng mỗi khi đêm về được miêu tả trong Mạch máu của rừng: “Đêm đã khuya lắm. Tôi đã nghe thấy những tiếng ngáy nhè nhẹ quanh mình. Tôi tự nhủ: “Cố chợp mắt đi. Công việc ngày mai, ngày kia anh em đều trông cậy vào sự điều hành, chỉ đạo của mình” nhưng không thể! Cuối cùng tôi lại miên man nghĩ về gia đình, về Thà. Mọi hình ảnh trong chuyến ghé về thăm quê vừa rồi được tái hiện rõ nét trong tôi, làm tôi cứ bồi hồi,
day dứt mãi…” [47, tr.150]. Rồi Nho bị thương vào một đêm tối, lúc mọi người đang nghỉ. Cho dù anh em, đồng đội kịp thời băng bó nhưng đường rừng Trường Sơn hiểm trở, khó đi nên việc cáng Nho đến bệnh xá Binh trạm không được như mong muốn. Anh đã hi sinh. Vì vậy mà cứ đêm đến, chợp mắt là Sáng lại mơ thấy Nho: “Khi tổ khảo sát thiết kế đang nghỉ đêm thì bất chợt từng tốp, từng tốp máy bay Mỹ bay tới trút bom tọa độ. Anh em vội vã tìm nơi ẩn nấp. Thật không may, một mảnh bom găm vào bụng đồng chí Nho làm ruột gan anh lòi ra, máu chảy đầm đìa. Mặc bom đạn, đồng đội đã kịp thời băng bó cho anh rồi thay nhau cáng anh về bệnh xá Binh trạm. Giữa đêm tối, đường rừng hiểm trở, đồng đội cáng anh ngã sấp ngã ngửa nên tốc độ di chuyển không được như mong muốn. Nho đã hi sinh giữa đường…. Máu và nước mắt của người chiến sĩ thông tin đã trộn lẫn trong đêm đại ngàn Trường Sơn” [47, tr.70]. Vì vậy mà “Đêm đến, cứ chợp mắt là tôi lại mơ thấy Nho. Anh nói gì đó, tôi không nghe rõ, nhưng nhìn ánh mắt sáng trong và nụ cười tươi rói của anh, tôi hiểu anh đang gửi trọn niềm tin vào những người đang sống” [47, tr.71].
Rồi bác sỹ Nguyễn Đăng Khương – người yêu của y sỹ Lê Thị Chung Cầm trong Mùa hè giá buốt cũng hi sinh trong một đêm tối. Đêm đó, địch đánh dữ dội vào trạm phẫu tiền phương. Một trái bom tấn đã rơi trúng trạm phẫu. Bác sỹ Khương đã hi sinh trong lúc đang cùng với nhiều đồng nghiệp khác mổ cho thương binh. Vì vậy, cứ màn đêm buông xuống, y sỹ Chung Cầm lại mơ thấy người yêu về: “Đêm rồi, chị mơ thấy anh Khương về. Ảnh bảo ở dưới ấy một mình lạnh lắm. Chị hỏi ảnh là có muốn đón chị về sống cùng không? Ảnh nhìn chị một hồi lâu rồi khẽ lắc đầu. Ảnh không muốn chị phải chết. Lúc tỉnh dậy, chị thấy lòng trống rỗng và giận ảnh ghê gớm!” [48, tr.250].
Với những trang văn miêu tả sống động về thiên nhiên, cây cỏ, vầng trăng, bầu trời, về mối giao hòa vĩnh cửu giữa thiên nhiên và con người, các nhà văn như những họa sĩ tài năng trong việc pha trộn màu sắc tạo nên một không gian nghệ thuật kỳ thú trong cảm xúc của người đọc. Những câu văn miêu tả thiên nhiên óng ả mượt mà đã làm cho lòng ta lắng xuống xao xuyến, bâng khuâng, ấy là lúc các nhà
tiểu thuyết đã thắp sáng lên trong bạn đọc lòng tin yêu, hy vọng vào cuộc đời còn biết bao điều day dứt trăn trở:
“Đêm về sáng, một trận mưa rào mùa thu tắm rửa sạch sẽ cho muôn loài. Sáng dậy đường sá, sân nhà sạch bong. Cây bạch đàn đầu ngõ nghiêng mình hong mái tóc dài xanh mướt vừa được gội sạch đêm qua. Một đôi chim chiền chiện say sưa tìm sâu trên cành chanh trước cửa. Bông hoa loa kèn đỏ sậm, nở xòe đơm ánh ban mai” [50, tr.81].
“Tiếng chim hót lảnh lót làm cho Cường tỉnh giấc. Qua tán lá cây che rợp một khoảng trên đầu, anh nhìn thấy một đôi chim họa mi đậu trên nhánh cây xoan, vừa rỉa lông vừa hót gọi bạn. Giữa vòm lá xoan xanh mướt nở bung những chùm hoa tím. Lả tả những cánh hoa xoan rơi xuống phủ trên nền đất vườn ẩm mát sau cơn mưa xuân…” [44, tr.130].
“Nhưng điều làm Việt xúc động hơn cả lại không phải là bình minh, mà là một thảm hoa lục bình tím ngăn ngắt trải dài từ bờ bao quanh làng tới tận rặng cây mờ mịt phía đường chân trời… Một lần nữa, anh lại càng sửng sốt khi nhìn thấy trên những ngọn cỏ còn đọng lại những giọt sương long lanh buổi sớm. Những giọt sương ấy như là sự tích tụ hơi khí của trời đất. Nó trong trẻo, trinh nguyên, sống động đến lạ lùng” [48, tr.268-269].
Các nhà tiểu thuyết rất chú ý tới việc miêu tả cảnh sắc thiên nhiên nhuốm
màu tâm trạng. Thiên nhiên hiện hữu như là một nhân vật, một thực thể tâm trạng của nhân vật. Chẳng hạn, trong Mạch máu của rừng, thiên nhiên cùng chung tâm trạng với anh em Đại đội 1: không ngủ được vì chờ giờ xuất quân ngày mai khởi công tuyến dây trần: “Đêm dài quá! Chờ mãi mà trời không sáng. Tiếng tắc kè đủng đỉnh gõ vào đêm càng làm tôi sốt ruột, bồn chồn. Ai đã trải qua những đêm dài như thế chắc chắn cả đời không quên được Trường Sơn… Cây rừng cũng xốn xang như chia sẻ nỗi thấp thỏm cùng người chiến sĩ thông tin. Chúng tôi thao thức, Trường Sơn cũng thao thức chờ đợi giờ phút lịch sử ngày mai” [47, tr.72].
Đó là tâm trạng đau đớn của Nguyễn Sỹ Việt khi tiếp xúc với trung đội trưởng Vũ Duy Bình – kẻ đào tẩu. Vũ Duy Bình là một chiến sỹ dũng cảm, trong
trận đánh phản kích tại trại Thiết giáp Phù Đổng, Bình đã bắn chết một thằng lính khi nó buông súng, giơ tay đầu hàng. Việc này khiến Bình cứ day dứt là mình đã giết người. Chính điều đó khiến anh sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì mà anh đã dày công tạo dựng trong chiến đấu. Sau khi tâm sự với Bình trở về, cho dù đã vào mùa xuân, lại giữa buổi trưa nhưng lòng Việt giá buốt vô cùng. Thiên nhiên cũng đồng tâm trạng như vậy: “Buổi trưa hôm ấy, bỗng dưng gió chướng tràn về. Gió te tát trườn qua cánh đồng cỏ xác xơ, xộc thẳng vào mấy khóm tầm vông khô đét cuối làng, đem theo những đám bụi hình phễu, những tàu lá khô và những nhành cỏ cháy. Gió đẩy những thân tầm vông quấn xoắn lấy nhau, làm bật ra những tiếng kêu ken két, hệt như người đang nghiến răng” [48, tr.236-237].
Trong Tiếng khóc của nàng Út, khi ông Cả Toại chết, Toàn cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên cũng như không khí của làng bao trùm sự âm u, buồn bã. Nỗi buồn tràn ngập đến từng ngọn cau, dây trầu, cây mít… trong làng: “Thế mà hôm nay đầu làng cửa đóng, cuối làng cửa đóng, không ai ngồi hóng mát ngoài hiên. May ra thì ở đôi nhà còn có ngọn đèn vặn thấp trên bàn thờ. Cái gì cũng xa vắng, buồn bã, âm u tràn ngập đến từng mái tranh chun đụt mưa nắng một đời