Các phép liên tưởng, tưởng tượng

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 87)

1. 2 Đổi mới không gian

3.1.2. Các phép liên tưởng, tưởng tượng

Liên tưởng, tưởng tượng là một quy luật của sự nhận thức trong thơ. Nhưng các nhà văn dùng rất phổ biến biện pháp này để tạo ra chất thơ trong lời văn, và cũng nhờ vậy mà cảm xúc được mở rộng và đi vào chiều sâu. Sự liên tưởng làm cho cảm xúc phong phú, đa dạng. Những liên tưởng, tưởng tượng hỗ trợ, dựa vào nhau tạo điều kiện cho cảm xúc phát triển. Đây là quy luật của nhận thức và cũng là quy luật của cảm xúc. Khả năng liên tưởng, tưởng tượng rất rộng rãi được mở ra từ nhiều phía.

Từ một sự vật cụ thể, liên tưởng đến một cái gì khái quát tượng trưng, từ một suy nghĩ và cảm xúc chung, liên tưởng đến những cái cụ thể làm cho cảm xúc trong các tác phẩm thêm đa dạng. Khi đọc những đoạn văn: “Trong giấc ngủ ngày chờn vờn như có gió đưa, trong giấc ngủ đêm, đi vào cõi bên kia, sâu hút như hố đào củ mài, ta mơ ta khát. Giấc mộng mỏng như lá lau, lá lau mỏng như hồn ma. Hồn ma mỏng như giọt sương, giọt sương mong manh như giấc mơ tìm phép lạ. Giấc mơ tìm phép lạ tan nhanh như khói đá khi tỉnh giấc.” [54, tr.206]. Đọc đoạn văn trên ta thấy, liên tưởng, tưởng tượng kết hợp với những so sánh liên tiếp đã miêu tả một giấc mơ, giấc mơ thật mong manh. Từ một suy nghĩ, cảm xúc chung đã liên tưởng đến những cái cụ thể, dễ hiểu, gần gũi, quen thuộc với người dân Tây Nguyên như lá lau, hồn ma, giọt sương. Và đúng là không có gì có thể giam hãm được những liên tưởng, tưởng tượng trong giấc mơ.

Trong Mạch máu của rừng, đoạn văn miêu tả nhân vật Sáng sau những ngày lặn lội cùng anh em trên tuyến dây trần, anh thấy rã rời, mệt mỏi, người đau nhức, mới đặt mình lên võng Sáng đã chìm vào giấc ngủ, tiếp đó là mơ miên man

với những hình ảnh đứt quãng, chập chờn, lộn xộn nhưng đó cũng là sự liên tưởng, tưởng tượng về quê hương, về mẹ, về Thà - người vợ yêu quí đang chờ đợi anh ở quê nhà: “… Mẹ lúi húi ngồi khâu áo dưới tán cây khế góc sân. Tán khế mát rượi

tựa chiếc ô khổng lồ trùm kín nửa mái nhà và một khoảng sân gạch đầy rêu. Thi thoảng, những chấm hồng li ti đậu vào mái tóc lưa thưa bạc trắng. Mẹ già quá, đôi

mắt kéo mộng gần hết cứ nheo nheo theo mỗi đường kim. Chiếc cổng tre vừa quen

vừa lạ. Quen vì cánh cổng vẫn chống lên chênh chếch như ngày nào, lạ vì nó xanh ngắt, anh ánh nắng vàng, quấn quýt những dây hoa… Thà quẩy đôi quang gánh

cũng xanh ngắt thoăn thoắt đi về phía mẹ. Mẹ trao chiếc áo, Thà ướm thử rồi ngồi

thụp xuống bên mẹ, nhặt những chấm hồng li ti trên mái tóc… Bất chợt, Thà nhìn

đăm đắm ra cổng, đôi mắt vời vợi nhìn tôi nửa như mừng vui nửa như trách móc.

Mẹ cũng nhìn theo âu yếm. Tôi nhào về phía mẹ, phía Thà…” [47, tr.82].

Vẫn trong Mạch máu của rừng, từ một sự việc cụ thể - sự xa cách tình cảm giữa hai vợ chồng Sáng và Thà vì hoàn cảnh chiến tranh. Khi viết thư về cho vợ, nghĩ đến tình cảnh của mình mà Sáng đã liên tưởng đến tình cảnh của những đồng chí, đồng đội của mình đó là Đức, Văn… Từ đây đã dậy lòng thương trong anh, từ thương mình đến thương đồng đội và thương cả những người con gái ở hậu phương cũng đang mòn mỏi, ngóng trông, đợi chờ. Đó cũng là nét tâm lí rất đời thường của những người lính xông pha nơi trận mạc: “Nghe tin có đoàn cán bộ sắp ra Bắc công tác, hôm nay tôi tranh thủ viết lá thư gửi về quê. Phần đầu thư tôi dành cho bố, mẹ, các em, phần cuối thư tôi dành riêng cho Thà. Trước khi viết, tôi đọc lại lá thư của Thà lần nữa. Lá thư đã nhàu, mờ bởi không biết bao nhiêu lần tôi đã giở ra, gấp vào mỗi khi nhớ nhà thao thiết. Tôi liên tưởng đến Đức và Hà, đến Văn và Nhị…Tình riêng trong chiến tranh muôn hình muôn vẻ song đều có một điểm chung: Phải nén lại, phải gác sang bên vì nhiệm vụ cứu nước. Tôi thấy thương tôi, thương đồng đội, thương hậu phương, thương những người con gái vô ngần” [47, tr.114].

Những liên tưởng thường được xác lập qua nhiều dạng nhưng những dạng phổ biến là những liên tưởng đối lập và liên tưởng tương đồng. Một tâm lí phổ biến là ở trong một cảnh ngộ nhất định hoặc một trạng thái cảm xúc nào đó, người ta hay

liên tưởng, tưởng tượng đến những tình cảnh đối lập và do đó cảm xúc lại được khơi sâu và lắng đọng hơn. Ta thấy rất rõ, trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh, những người lính phải sống và chiến đấu trong một hoàn cảnh vô cùng ác liệt, khó khăn, thiếu thốn về mọi thứ vật chất cũng như tinh thần. Vì vậy, thường từ hoàn cảnh hiện tại họ hay liên tưởng về quá khứ hoặc hiện tại được liên tưởng với tương lai.

Tiểu thuyết lịch sử Không phải huyền thoại kể lại chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thông qua hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Hữu Mai đã sử dụng rất thành công các liên tưởng, tưởng tượng. Nhất là từ hiện tại hay liên tưởng với quá khứ để thấy được sự đối lập hoặc tương đồng. Chẳng hạn, đoạn văn miêu tả chuyến trở lại Điện Biên Phủ của Đại tướng sau 50 năm. Khi Đại tướng đi thăm nghĩa trang, ông đi chầm chậm giữa những hàng mộ trắng toát mà ông biết từ lâu hầu hết không có tên các liệt sĩ. Nhìn những ngôi mộ không tên này, ông tưởng tượng lại hình ảnh những người lính hy sinh trong quá khứ: “… Những chiến sĩ mới không ngừng bổ sung ra mặt trận. Phần lớn là tân binh. Những học sinh vừa rời ghế nhà trường. Những dân quân ở vùng hậu địch. Nhiều người chưa bao giờ cầm súng. Tình hình mặt trận nhiều lúc rất khẩn trương. Nhiều khi họ vừa tới mặt trận, lập tức được thẳng ra chiến hào. Các chiến sĩ mới tự đi tìm đơn vị. Nhưng khi đi dọc chiến hào, gặp nơi nào đang có chiến đấu, họ xông vào tham gia ngay…. Rồi những trận đánh khác tiếp diễn. Lúc này mọi người nhớ đến anh. Nhưng không biết tìm đâu ra anh. Có thể là anh đã hi sinh. Hoặc anh là người của một đơn vị khác. Những người Điện Biên Phủ chỉ nghĩ đến chiến đấu mà không nghĩ đến sự lưu danh” [49, tr.772].

Hay khi thăm lại đồi A1 - chiếc chìa khoá sống của Mường Thanh khi xưa, hôm nay với những hàng cây rất xanh bao phủ, ông lại liên tưởng tới hình ảnh của nó trong chiến dịch khi xưa: “A1 là một quả đồi nhỏ, không lớn, nhưng trong chiến dịch, nó không có một thân cây, ngọn cỏ, màu đỏ khét từ đầu tới chân, nó vẫn trấn ngự cả một vùng trời phía đông” [49, tr.774]. A1 hôm nay và A1 ngày xưa đã có sự thay đổi. Hay giữa quá khứ và hiện tại có sự đối lập, nhưng sự thay đổi ấy là lẽ tất nhiên vì nó không thể chống chọi được với sự thay đổi của thời gian, khí hậu…

Nhưng theo sự liên tưởng của Đại tướng thì hầm ngầm A1 và con đường hào xây gạch là di tích ít thay đổi nhất: “…Cách đó vài chục mét là cái hố sâu, dấu tích của quả bộc phá một ngàn cân đã cuốn bay một phân đội địch trên đồi. Lòng hố đã được phủ xi măng và miệng hố được tôn cao” [49, tr.775]. Rồi khi Đại tướng thăm lại nơi ở của mình - một căn lán nứa đã được dựng lại, mọi vật dụng và cách bày trí bên trong vẫn như cũ: “… chiếc bàn nứa, hai cái ghế dài mặt ghép bằng những cây vầu bổ đôi, hai chiếc giường tre nhỏ, một của Đại tướng, một của đồng chí bảo vệ…”, chỉ khác là tất cả đã được “xi măng hoá” . Nhìn căn lán nứa nhỏ này, tác giả đã liên tưởng, tưởng tượng tương đồng nó giống với lán Nà Lừa ở Tân Trào của Hồ Chí Minh: “Cái lán nhỏ này có thể ví với lán Nà Lừa ở Tân Trào, nơi Bác ở giữa những trận sốt rét rừng đã nghĩ tới việc triệu tập Hội nghị Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa, mang lại một bình minh mới cho đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do sau tám mươi năm nô lệ. Ở lán Mường Phăng này, theo quyết định của Bác và Trung ương, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã điều binh trong mùa xuân 1954 trên cả nước, tiến hành trận đánh quyết định bẻ gãy mũi giáo của đạo quân viễn chinh Pháp, báo hiệu buổi chiều tàn của chủ nghĩa thực dân trong thế kỷ XX” [49, tr.778].

Không chỉ từ hiện tại liên tưởng với quá khứ mà từ hiện tại còn liên tưởng với tương lai. Trong sự hồi tưởng của mình về thời gian tham gia chỉ huy, Đại tướng còn nhớ: trong buổi trao nhiệm vụ cho bốn đội quân Tây Tiến mở đường Nam tiến từ Cao Bằng về các tỉnh miền xuôi trong tình hình kẻ địch đã giăng một mạng lưới tề ngụy dày đặc và cả một trung đoàn của ta đã bị quân địch đẩy ra khỏi Tây Bắc. Tướng Giáp đã nghĩ đến: “… một lúc nào đó ta sẽ mở một cánh quân vu hồi từ Tây Bắc lợi dụng thóc lúa dọc triền sông Cửu Long màu mỡ trên đất bạn Lào xuôi xuống Campuchia, rồi đi vào đồng bằng Nam Bộ. Mũi quân này sẽ tránh được những đồn bốt dày đặc suốt dọc đường số 1. Không phải là một ý nghĩ lãng mạn. Nhưng mãi về sau, ý nghĩ này mới trở thành hiện thực trong những năm chống Mỹ” [49, tr.30].

Từ hiện tại liên tưởng tới tương lai cũng được nhà văn Nam Hà trong tiểu thuyết Thời hậu chiến sử dụng ở đoạn văn miêu tả nhân vật Lợi khi nghe phó phòng

nông nghiệp nói: “Đồng chí có biết trưởng phòng của chúng tôi đánh giá công trình đắp đập, tăng vụ của các đồng chí cao như thế nào không? Đồng chí ấy nói, chờ thử thách thêm một mùa mưa nữa, nếu đập không bị vỡ thì có thể đề nghị tặng huân chương lao động cho xã các đồng chí.

Lợi như người ở trên mây, nghe tới huân chương Lợi sướng run người: - Tặng cho tập thể hay cá nhân hả đồng chí?

- Tặng cho tập thể trước, cá nhân sau, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đó là nguyên tắc của Đảng” [46, tr.307].

Lợi đã lim dim, mơ màng, liên tưởng đến hình ảnh mình cũng được tấm huân chương lao động đó: “Lợi lim dim, mơ màng, hắn như nhìn thấy màu vàng, màu đỏ được ánh mặt trời chiếu vào làm cho long lanh trên ngực áo các cựu chiến binh trong những ngày lễ lớn. Hắn tin rồi trên ngực áo của hắn, Trần Đắc Lợi Bí thư đảng ủy xã Sơn Thanh cũng sẽ có một tấm huân chương như thế” [46, tr.307].

Bên cạnh đó còn là những liên tưởng đối lập. Ở phần đầu của tác phẩm, Thượng tá Trần Long - Phó trưởng phòng Cán bộ, được Cục Chính trị cử đi để giúp Đại tá Hoàng Trầm đến các cơ quan của tỉnh và huyện làm các thủ tục về chính sách, chế độ như: chuyển sinh hoạt Đảng, chế độ lương hưu, chế độ thương binh về quê – một tỉnh ở phía bắc miền Trung. Nhìn Đại tá Hoàng Trầm, anh liên tưởng tới đội ngũ sĩ quan cao cấp của Quân khu hầu hết ở thành phố, thị xã. Thế mà Hoàng Trầm, khi nghỉ hưu lại trở về vùng quê với căn nhà 3 gian 2 chái nhỏ, nơi có người vợ thân yêu: “Thượng tá Trần Long nhìn vẻ mặt trầm tĩnh và cương nghị của Đại tá Hoàng Trầm, anh liên tưởng tới đội ngũ sĩ quan cao cấp của Quân khu từ đại tá cho đến trung tướng, trong số họ hầu hết đều có nhà ở thị xã, thành phố, một số không nhỏ có nhà ở Hà Nội” [46, tr.7].

Những liên tưởng đối lập này là những trạng thái tương phản của cảm xúc, của hình ảnh và suy tưởng đã góp phần trực tiếp làm dồi dào thêm cảm hứng sáng tạo. Nhà văn giúp ta hiểu hơn về Đại tá Hoàng Trầm, một con người thật bình dị, hết mình cống hiến cho cuộc kháng chiến và đất nước nhưng không một chút đòi hỏi cho cuộc sống cá nhân của mình.

Trong Bên dòng Sầu Diện, các liên tưởng, tưởng tượng cũng được sử dụng thật đa dạng và linh hoạt. Mở đầu truyện là hồi tưởng của nhân vật Minh Việt về sự ra đời của mình. Ngay đoạn văn miêu tả cảnh Minh Việt không muốn chào đời mà muốn níu kéo cuộc đời thai nhi vì khi nằm trong bụng mẹ, trong giờ khắc Minh Việt sắp sửa phải từ giã nơi yên ấm, “sung sướng” (bụng mẹ) thì anh đã liên tưởng thế giới ngoài kia thật phức tạp, chán nản và đáng ghét: “Bên ngoài kia là cái gì? Là nồi cháo lòng mà tôi phát kinh tởm mấy ngày nay ư? Là Cha Phăng với giọng đọc như hát ru ư? Là bà Kim đỡ đẻ với giọng nói xe xé luôn miệng giục mẹ tôi “Rặn đi, rặn đi” mấy ngày vừa qua ư? Không, tôi nằm trong này được rồi” [55, tr.9].

Rồi ngay cái tên Minh Việt cũng đã gợi cho Cha Phăng cũng như chính nhân vật liên tưởng về người cha của mình: “Minh Việt à? – Cha Phăng nhún vai – Có vẻ như gợi nhắc đến những tên Việt Minh đang đánh nhau trên Điện Biên Phủ”…. “Bố tôi là ai? Câu hỏi ấy đang lởn vởn trong đầu Cha Phăng, bà và cả tôi nữa. Cha Phăng đã đúng khi liên tưởng giữa cái tên Minh Việt với bố tôi. Lúc ấy bố tôi đang đánh trận ở Điện Biên Phủ. Trong lúc bố tôi đang gào lên những tiếng hô xung phong, ông không hề biết rằng, một sự tiếp nối từ ông đã được bắt đầu ở nơi đây, quê nhà của ông – thị trấn Nét Mặt Buồn” [55, tr.15]. Thật sáng tạo và xúc động, từ tên nhân vật mà liên tưởng đến hình ảnh người cha đang chiến đấu ngoài mặt trận, những người đi theo cách mạng – Việt Minh – Minh Việt.

Chính nhờ các liên tưởng, tưởng tượng mà ta thấy câu chuyện lôi cuốn bạn đọc ngay từ những dòng đầu, bạn đọc ai cũng tò mò xem cuộc đời nhân vật Minh Việt ra sao? Có tìm được người cha của mình hay không? Khi chào đời, anh đã gặp phải một cuộc sống như thế nào?

Còn rất nhiều, rất nhiều các liên tưởng, tưởng tượng trong các tiểu thuyết về chiến tranh. Tuy nhiên, người viết vẫn phải có những suy nghĩ sáng tạo, phải xuất phát từ những xúc cảm thực để tránh tình trạng rơi vào ước lệ mòn sáo. Đằng sau mỗi liên tưởng, tưởng tượng phải thật sự có nhịp đập của trái tim và phần suy nghĩ riêng của người viết. Những liên tưởng đa dạng sẽ mở rộng cho cảm xúc trở nên phong phú hơn. Ngược lại, chiều sâu và tính chân thực của cảm xúc cũng tạo điều

kiện để mở rộng khả năng liên tưởng và làm cho những liên tưởng trở nên hợp lý, sinh động.

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)