Nhân vật kẻ thù có tri thức, sống có lí tưởng, có bản lĩnh

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 26)

7. Cấu trúc của luận văn

1.1.2.1. Nhân vật kẻ thù có tri thức, sống có lí tưởng, có bản lĩnh

Quận trưởng, trung tá Nguyễn Quốc Hùng trong Thượng Đức là một nhân vật tiêu biểu cho sự đổi mới kết cấu nhân vật kẻ thù của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh hiện nay.

Hùng có niềm tin tưởng tuyệt đối vào chế độ mà mình phụng sự: “Chưa bao giờ Hùng nghĩ rằng chế độ Việt Nam cộng hòa đến lúc nào đó được thay thế bằng chế độ Cộng sản” [45, tr.109].

Cũng trong Thượng Đức, thiếu tá tiểu đoàn trưởng Lầu và quận phó Tín là những tay chân thân cận của Hùng. Lầu có khí phách, Tín có đầu óc chiến lược và đều là những kẻ trọng danh dự, dám đi đến cùng và dám chịu trách nhiệm về con đường mình đã chọn. Lầu luôn tâm niệm: “đã là thằng lính, chọn lấy một bên, hoặc quốc gia, hoặc Cộng sản. Trung thành sống chết với cái mình đã chọn” [45, tr.523]. Lầu đã sống như thế. Thượng Đức bị mất, Lầu bị bắt, hắn đã cắn lưỡi tự tử.

Những người như Hùng, như Lầu, … nếu có lí tưởng đúng đắn thì họ cũng là những con người đáng được trân trọng.

Ngay với cả một tên lính Mỹ, cái nhìn của nhà văn cũng khách quan hơn nhiều. Erwin Parson tình nguyện sang chiến trường Việt Nam, tham gia đánh trận đầu tiên và bị bắt làm tù binh. Khi được hỏi vì sao lại tình nguyện sang Việt Nam

hắn nói ráo hoảnh: “- Để bảo vệ cho nhân dân Việt Nam trước thảm họa Cộng sản”, câu trả lời này cho thấy hắn là một người sống có lí tưởng, chỉ có điều lí tưởng của hắn đã bị chính quyền Mỹ lừa bịp, lợi dụng mà hắn không biết. Đối diện với cuộc chiến hắn mới nhận ra mình bị lừa: “Nhưng sang đến đây, được chứng kiến những gì quân đội Mỹ đã và đang gây ra, tôi hoàn toàn thất vọng” [48, tr.265].

Một người tù binh khác trong Mùa hè giá buốt khi bị Việt hỏi cung đã nhận xét rất chính xác về sự mất bình tĩnh của ta trong việc tiếp tục tấn công Sài Gòn lần hai, và còn quả quyết rằng nếu chúng ta vẫn cố tấn công thì sẽ thiệt hại nặng. Trong hoàn cảnh bị bắt làm tù binh mà vẫn hiên ngang nhận xét như vậy về đối phương chứng tỏ anh ta là một người rất có bản lĩnh. Những nhận xét của anh ta sau này cũng rất chính xác. Đơn vị của Việt đã bị thiệt hại nặng nề và phải rút lui khi lực lượng thương vong hơn chín mươi phần trăm.

Như vậy nhân vật kẻ thù đã được quan niệm là con người đúng nghĩa, chỉ có điều lí tưởng của họ lại đối lập với lí tưởng Cộng sản. Với kiểu nhân vật như vậy, các tiểu thuyết đã góp phần tăng cường thêm tình huống căng thẳng cho tác phẩm. Kẻ thù không chỉ hèn yếu, manh động, tàn bạo… mà chúng cũng là những con người có trí tuệ, có bản lĩnh. Chiến thắng những kẻ như vậy mới vẻ vang.

1.1.2.2. Nhân vật kẻ thù có đời sống nội tâm

Do tính chất của nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, văn học giai đoạn 1945 – 1975 chủ yếu miêu tả con người hành động. Con người ít có thời gian để suy nghĩ, trăn trở cho những vấn đề riêng tư của bản thân mình. Nhà văn thường tâm huyết với nhân vật người lính, ít chú ý tới nhân vật kẻ thù, nếu có cũng thường chỉ tập trung vào những hành động gây tội ác của chúng. Trong xu hướng kéo nhân vật kẻ thù về phía chất “người” nhiều hơn, các nhà văn đã dành một số trang viết cho những tâm tư, tình cảm của kiểu nhân vật này.

Trở lại với quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng trong Thượng Đức, một kẻ thù địch với Cộng sản nhưng lại là người rất giàu tình cảm với cấp dưới và nhất là với vợ con. Vì nhiệm vụ, y liên tục phải “bám” Thượng Đức. Mỗi lần nhìn về phía Đà Nẵng, y tiếc nuối một chiều vui, một đêm vui ở căn nhà hai tầng trên đường Thanh

Bình, nơi đó có người vợ yêu và hai đứa con gái thân thương của mình. Trước cấp dưới, Hùng luôn luôn làm gương, lấy sự nghiệp chống Cộng làm mục đích chính trong cuộc đời của mình, gia đình chỉ là hàng thứ yếu. Tuy vậy, là một người chồng yêu vợ, một người cha yêu con, Hùng không khỏi buồn nhớ: “Y thấy thích thú vô cùng được nằm cạnh con. Mùi thơm trên miệng mềm mát của con đưa y vào giấc ngủ thật yên bình”. Lúc này Hùng rất “người”. Trong những giây phút cuối đời, hình ảnh vợ con ùa vào tâm hồn y: “Y cảm thấy như vợ và hai con gái đang chờ kia. Người vợ hiền dịu đang mỉm cười nhìn y âu yếm. Hai đứa con gái chạy lại với ba. Y không chỉ sờ thấy mà còn nghe thấy thoảng mùi thơm ngọt của da thịt vợ con” [45, tr.543]. Cục diện trận chiến đã nghiêng hẳn về phía Cộng sản, Hùng biết mình đã thất bại, Thượng Đức – niềm kiêu hãnh của y và của chế độ miền Nam Cộng hòa sẽ thất thủ. Y biết cái gì đã chờ đợi mình ở phía trước. Hùng không ân hận cho con đường mình đã chọn nhưng y không bao giờ mong có một đứa con để rồi lại làm một người lính như y. Hùng cũng như bao con người bình thường khác, cũng mong muốn có một cuộc sống êm ấm bên vợ đẹp con khôn. Y sợ cái chết của y sẽ làm vợ con đau khổ. Y thấy những giây phút bên vợ con đang dần trở thành ảo ảnh. Ước mong cuối cùng của trung tá quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng bình dị biết bao: “Chiến tranh không thể là mãi mãi. Con người sinh ra là để được sum họp gia đình, để hưởng hạnh phúc. Con y không phải lo âu khi nghe tiếng đại bác đâu đó, tiếng nổ mìn đâu đó, tiếng súng lớn, súng nhỏ đâu đó” [45, tr.547].

Qua việc khai thác đời sống nội tâm của nhân vật Hùng, xét đến cùng, Hùng cũng là một kiểu nhân vật bi kịch. Chiến tranh là bi kịch, nó cuốn vào đó rất nhiều những bi kịch khác của con người ở cả hai phía. Con người bao giờ, dù trong hoàn cảnh nào cũng mong muốn được sống yên ổn bên những người thân yêu của mình.

Bằng cái nhìn sâu vào bên trong nội tâm nhân vật, tác giả Nguyễn Bảo Trường Giang đã khám phá ra một phần đầy nhân tính ở nhân vật Lầu. Đằng sau cái vẻ bề ngoài ăn chơi trác táng, Lầu còn là một con người biết yêu thương, giàu lòng trắc ẩn. Vì chiến tranh, vì nặng lòng với người xưa mà cho đến lúc chết Lầu vẫn cô đơn, bơ vơ.

Bên cạnh việc đổi mới nhân vật người lính cách mạng, nhân vật kẻ thù cũng được các nhà văn quan niệm và nhận thức lại. Nhân vật kẻ thù trong văn học 1945 – 1975 thường được xây dựng bằng bút pháp “hiện thực tàn nhẫn”, chúng thường được miêu tả ở bản chất “thú” là chủ yếu. Kẻ thù trong cái nhìn của ngày hôm nay đã có sự thay đổi. Bằng bút pháp “hiện thực tỉnh táo”, người ở bên kia chiến tuyến được miêu tả ở nhiều chiều hơn, có phần “thú” và có phần “người”, thậm chí phần “người” còn được tô đậm hơn, nhờ đó nhân vật được soi ngắm ở phía “người” nhất, nhân bản nhất. Sự đổi mới trong cấu trúc nhân vật kẻ thù trong các tiểu thuyết được giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 2004 – 2009 đã góp phần không nhỏ vào sự đổi mới của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh nói riêng và văn học hiện nay nói chung.

1.2. Đổi mới không gian, thời gian

Không gian, thời gian nghệ thuật trong tác phẩm không chỉ là môi trường sống của nhân vật, là chứng nhân cho sự vận động, diễn biến của sự kiện mà còn tồn tại với tư cách như hình tượng nghệ thuật.

Trước 1975, người lính thường được thể hiện trên nền thời gian sự kiện - lịch sử. Nhân vật thường đồng nhất với lịch sử, cảm nhận thời gian bằng tầm vóc các sự kiện lịch sử. Con người giống như một phương tiện để khẳng định bước đi tất yếu của lịch sử.

Sau 1975, người lính được thể hiện trong sự xen kẽ giữa thời gian, không gian của quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa cái đang xảy ra với cái đã xảy ra. Sự đồng hiện thời gian, không gian đó là một “giải pháp nghệ thuật” giải quyết được nhiều vấn đề tác giả đặt ra cùng một lúc, đồng thời đắc lực giúp tác giả trong việc thể hiện ý thức nhân vật.

1.2.1. Đổi mới không gian

Hẳn nhiên không gian quen thuộc nhất của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh là không gian chiến trường. Nhưng khác với không gian hoành tráng, kì vĩ trước đây, không gian trong tiểu thuyết sử thi hôm nay được bao trùm bởi cái nhìn bi kịch hóa. Nổi bật nhất là những không gian cực kì căng thẳng, ngột ngạt đúng với tính chất

khốc liệt của cuộc chiến, không gian bi thương của sự thất bại và hình ảnh những cái chết. Loại không gian thứ hai là không gian đời thường với cái nhìn đời tư hóa. Thứ ba là không gian tâm lí với cái nhìn trữ tình hóa, cảm thương hóa. Thứ tư là không gian tâm linh, huyền thoại với cái nhìn lạ hóa, thiêng liêng hóa. Và cuối cùng là hình tượng thiên nhiên với xu hướng biểu tượng hóa.

1.2.1.1. Không gian đời thường

Đây là kiểu không gian đặc trưng của tiểu thuyết chiến tranh 2004 – 2009 so với giai đoạn trước. Giai đoạn văn học 1945 – 1975 không gian đời thường ít được đề cập tới, bởi đó là lúc “con người hi sinh tất cả vì đất nước”, người ta không quen nói đến những riêng tư, cá nhân. Đúng hơn là những gì thuộc về cá nhân đều được giấu kín trong hai tiếng “nhiệm vụ”. Thực chất đây là không gian cho phép nhân vật sống đích thực với cuộc sống riêng của mình, được là chính mình. Nếu không gian chiến trận để họ bộc lộ những phẩm chất chung vì lí tưởng, vì đất nước thì không gian đời thường giúp tái hiện chiều sâu tâm lí trong con người họ, giúp nhận ra họ, cảm nhận được họ nghĩ ra sao về cuộc sống xung quanh. Và đó chính là chìa khóa để quan niệm “con người là con người” được sáng tỏ.

Mỗi người lính, sau những trận chiến đấu căng thẳng sẽ có những giờ phút họ trăn trở, suy nghĩ về gia đình, về cuộc sống ở hậu phương với bao niềm vui, nỗi buồn. Đặt những người chiến sĩ giữa không gian đời thường chúng ta mới hiểu hết được tính cách, hoàn cảnh của họ. Cũng bởi thế, Ngoãn (Thượng Đức) có cả một kí ức rất dài về gia đình mình mà nhà văn Nguyễn Bảo Trường Giang đã dành rất nhiều trang văn viết về cuộc sống ấy. Ngoãn sinh ra trong một gia đình bị mang tiếng là địa chủ, ăn thì đói, mặc thì rách rưới. Bố Ngoãn nghiện thuốc phiện, bảo thủ, thỉnh thoảng mấy mẹ con lại được trận lôi đình khi bố nổi cáu, đánh và dọa đuổi. Một mình mẹ Ngoãn tần tảo sớm hôm lo mấy miệng ăn mà không đủ sức. Ngoãn lấy vợ, vì hoàn cảnh phải xin ra ở riêng khi không có một tài sản gì ngoài mấy mét vườn.

Hay Thời hậu chiến của Nam Hà viết về cuộc sống của đại tá Hoàng Trầm sau khi ông về nghỉ hưu. Toàn bộ câu chuyện được đặt trong không gian sinh hoạt

đời thường với những toan tính, cân nhắc của người nông dân trên mảnh đất mà họ canh tác. Ở chiến trường, ông Trầm là một người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, dưới quyền ông là hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ vậy mà vẫn răm rắp đâu vào đấy. Về quê hương, ông thành một người dân thường, chỉ những việc cỏn con như tăng gia chăn nuôi, cải thiện đời sống, xây nhà tắm, đóng trước cỗ hậu sự cho mình… cũng làm ông bù đầu vì sự ganh ghét, đố kị, dựng chuyện của Lợi, Tay bí thư đảng ủy xã. Trong không gian sinh hoạt đời thường ấy, bản lĩnh của một người lính già càng được khẳng định trước bao nhiêu sóng gió của cuộc đời.

Với việc tái hiện không gian đời thường, tiểu thuyết chiến tranh 2004 – 2009 đã mang đến cái nhìn toàn diện hơn về những người chiến sĩ, giúp ta lí giải được một phần tính cách của họ và thấu hiểu hơn những khó khăn mà họ phải đối mặt. Nó không giống với những biến cố trong chiến trường mà họ vốn quen mà nó thực sự là những thử thách để kiểm tra bản lĩnh của họ. Trong chiến trận, họ anh hùng nhưng trong đời thường họ có thể bình thường, thậm chí tầm thường; Trong chiến trận, họ hùng dũng nhưng trong đời thường có thể họ hèn nhát; Họ có thể suôn sẻ trong đường binh nghiệp nhưng có thể rủi ro trong cuộc sống thường nhật… Nhờ có cái nhìn toàn diện như vậy nên tiểu thuyết chiến tranh 2004 – 2009 đã đem đến cho người đọc sự phong phú, đa dạng trong cách nhìn nhân vật.

1.2.1.2. Không gian tâm linh huyền thoại

Tiểu thuyết sau năm 1975 đặc biệt là tiểu thuyết viết về chiến tranh đề cập đến một số khía cạnh của lĩnh vực tâm linh: sự giao cảm và ràng buộc vô hình giữa con người với vũ trụ, khả năng biết trước (tiên tri, linh cảm, giấc mơ), những câu chuyện về quá khứ, về dân tộc mang màu sắc huyền bí. Chúng tôi gọi đó là không gian tâm linh huyền thoại.

Một trong những tác phẩm đậm màu sắc tâm linh, huyền thoại nhất trong số những tiểu thuyết được khảo sát là tiểu thuyết Mùa hè giá buốt của Văn Lê. Tiếp tục viết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1986, một cuộc chiến như một huyền thoại về ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, “Quyết tử để chiến thắng” của những người lính.

Không có tiểu thuyết sử thi nào trước 1975 lại mở đầu bằng tiếng cú kêu, một âm thanh mà từ trước đến nay dân gian đều cho là điềm gở, nhất là tiếng cú ấy lại xuất hiện vào đêm trước của đợt Tổng tấn công Mậu Thân lần hai của tiểu đoàn Bến Nghé. Cái âm thanh “Ha…ha…ha…ha” lặp đi lặp lại nhiều lần làm cho thượng úy Nguyễn Sĩ Việt ớn lạnh: “Chưa bao giờ anh nghe thấy tiếng kêu của loài nào lại dị biệt, quái đản như thế. Anh có cảm giác như chính ma quỷ sai loài cú đến đây cười cợt, trêu ghẹo anh. Tiểu đoàn trưởng linh cảm thấy tai họa đang lởn vởn ở trong ngôi làng này. Lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy bồn chồn, lo sợ thực sự” [48, tr.19].

Vào đêm xuất phát tấn công, Việt cũng loáng thoáng nghe tiếng cú kêu, nó không giống tiếng lợn hét, không giống tiếng cú cười “mà như những tiếng nấc cục. “Hấc…h…ấ…c…”. Tiếng cú lặp đi lặp lại đôi ba lần rồi chết lặng, để lại trong không gian một bầu không khí đầy trắc ẩn” [48, tr.35]. Điềm báo ấy đã đúng khi vào mặt trận, những trái đạn của địch đã xóa đi từng mảng người trên mặt đất, người lính này ngã xuống, người sau lại vọt lên thay chỗ. Rất lâu sau, Việt vẫn không thoát khỏi được nỗi ám ảnh nặng nề, bởi anh phải chứng kiến quá nhiều cái chết của đồng đội. Nặng nề hơn là khi chính trị viên Lê Quang Tạo cầm loa kêu gọi địch đầu hàng thì bị tên biệt kích bị thương gần đó bắn gục. Những người lính nhìn thấy cái chết của chỉ huy đã không tự chủ được nữa. Họ đâm lê, xả súng không thương tiếc vào quân thù, kể cả những tên giơ tay hàng vẫn bị bắn một cách lạnh lùng. Sự tàn sát, trả thù này khiến Việt khổ tâm, dằn vặt khi để mặc cho bộ đội làm những điều đi ngược lại với thiên lương của người lính.

Giấc mơ cũng là một bằng chứng của linh cảm. Ở Mùa hè giá buốt, không dưới một lần tác giả đề cập tới giấc mơ của các nhân vật.

Vân bị lạc đơn vị, cô mệt mỏi thiếp đi bên cạnh những người lính mới hi sinh. Trong giấc ngủ chập chờn, cô lờ mờ nghe thấy tiếng gọi của mười mấy chiến sĩ, họ gọi cô dậy và báo sắp có máy bay nhưng mắt cô cứ díp lại, họ phải hắt ca

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)