Tổ chức độc thoại nội tâm dưới dạng lời nói nửa trực tiếp

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 75)

1. 2 Đổi mới không gian

2.2.2.2. Tổ chức độc thoại nội tâm dưới dạng lời nói nửa trực tiếp

Lời độc thoại nội tâm của các nhân vật trong tiểu thuyết chiến tranh ít theo kiểu truyền thống - là những lời độc thoại nội tâm có sự tách biệt rạch ròi giữa lời dẫn của người kể chuyện với lời miêu tả suy nghĩ của nhân vật mà chủ yếu là những lời mà ở đó có thể phân biệt được đâu là lời của người kể chuyện, đâu là lời của nhân vật, chúng nhòe vào nhau tạo thành dạng lời nửa trực tiếp.

Các nhà tiểu thuyết thường tổ chức lời độc thoại nội tâm hòa cùng tác giả hay lời người kể chuyện. Lời văn bề ngoài thuộc về tác giả nhưng nội dung và phong cách lại thuộc về nhân vật, nhà văn nhập vai nhân vật, từ điểm nhìn của nhân vật để phân tích, miêu tả tâm lí. Do đó lời văn có khả năng tự diễn tả được chiều sâu tâm trạng.

Độc thoại nội tâm dưới hình thức lời nửa trực tiếp thường đan xen, hòa lẫn với lời trần thuật. Chẳng hạn: “Hạnh phúc đến với chị thật khó, song cũng thật bất ngờ. Con ơi, mẹ có lỗi với con, lỗi lớn lắm. Bây giờ mẹ sẽ sống tất cả vì con, và lẽ ra con được hưởng như tất cả những đứa trẻ khác. Bố con xấu số đã bỏ xác nơi rừng xanh núi đỏ, con thơ dại phiêu bạt bốn phương, để mẹ suốt đời đau đáu, ân hận.

Chỉ suýt nữa chị Bằng đã đứng bật dậy ôm Bắc vào lòng để khóc, để gào lên cho bõ những ngày thương nhớ. Chị quyết ghìm lại, che giấu bằng cách cúi xuống mân mê chiếc ống nghe, cắn chặt hai hàm răng - cử chỉ không bình thường đối với chị” [50, tr.223]. Đoạn văn trên, từ lời trần thuật của tác giả chuyển sang lời độc thoại nội tâm: “Con ơi…ân hận”, rồi lại chuyển sang lời trần thuật “chỉ suýt nữa… với chị”. Như vậy lời tác giả và lời nhân vật đan xen. Giúp ta thấy được sự đồng cảm của tác giả với những dằn vặt, tính toán trong suy nghĩ của nhân vật Bằng.

Hay đoạn độc thoại của Bích Vân trong Mùa hè giá buốt: “Câu chuyện của Huỳnh Thắng gợi cho Bích Vân nhớ tới Việt. Cô tự hỏi là nếu như cô hy sinh, không biết Việt sẽ thế nào? Liệu anh có thương cô như Bình đã từng thương chị gái của Huỳnh Thắng không?” [48, tr.539]. Ta thấy, lúc đầu là lời trần thuật của tác giả “Câu chuyện… tới Việt”. Sau đó là lời độc thoại nội tâm của Bích Vân, trong lòng cô đặt ra biết bao câu hỏi: Nếu cô hy sinh, không biết người yêu cô sẽ như thế nào? Và tình yêu của anh có dành cho cô như tình yêu của Bình dành cho chị gái của Huỳnh Thắng không?

Có những trường hợp, người kể chuyện đã hóa thân vào suy nghĩ, tâm trạng, tình cảm của nhân vật đến mức lời của người kể chuyện hoà lẫn với lời độc thoại của nhân vật, không thể phân biệt được: “Chị hiểu nhận con lúc này không có lợi cho con. Mạ đang có vấn đề với chị. Vấn đề đó Bằng hiểu và thông cảm cho Mạ.

Bằng muốn và mong chờ Bắc - Quế hạnh phúc. Và nếu Mạ biết chị là mẹ của Bắc, điều đó có thể khiến Mạ kiên quyết không cho chúng lấy nhau. Bằng sẽ im lặng, cho đến khi nào hai đứa trẻ thành vợ, thành chồng… Chị xách túi vào buồng tiêm cho Củng” [50, tr.223]. Bằng lời nửa trực tiếp này, nhà văn vừa miêu tả vừa thể hiện tâm trạng của nhân vật.

Đây là một đoạn văn trong Thượng Đức: “Thủy đi ra dòng Vu Gia. Con sông quá đỗi quen thuộc với Thủy. Con sông Thủy biết chỗ nào sâu, chỗ nào nhiều tôm, nhiều cá. Con sông chỗ nào có thể đứng ngồi, chỗ nào địch bắn phá hàng ngày. Một đời Thủy gắn bó với mảnh đất Đại Lộc. Một đời Thủy mơ ước đến ngày Thượng Đức được giải phóng. Một đời Thủy mơ ước vùng A, vùng B Đại Lộc chỉ là một dải đất yên bình, mọi người làm ăn, vui chơi và hạnh phúc. Làm bí thư một huyện nhưng đất đai, con người bị xé năm, xé bảy. Làm bí thư một huyện nhưng vợ con kẹt trong vùng địch, không thể thoát ra, anh không thể đi về. Thủy còn mong muốn gì hơn một ngày nào đó Thượng Đức được giải phóng để gia đình đoàn tụ. Nhưng bây giờ thì vợ con của anh không còn. Nỗi đau mất mát của riêng anh, của cả vùng A Đại Lộc chồng chất trên vai anh biết bao nhiêu. Đơn côi, lủi thủi một thân một mình, có lẽ sức nóng, sức bền của một lẽ sống, một lý tưởng đã vực anh dậy. Còn niềm vui gì khác hơn niềm vui làm việc cho cách mạng. Còn khát khao gì lớn hơn cùng đồng chí bạn bè chiến đấu giải phóng mảnh đất quê hương. Vậy mà bây giờ đến tổ chức, đồng chí, bạn bè cũng không còn tin anh, xa lánh anh. Vậy anh còn sống để làm gì? Chết là điều không khó. Chết là một giải thoát cho kiếp người nhiều uẩn ức. Và chết như anh cũng là để nói với tổ chức, với đồng chí của mình lòng trung kiên của anh với cách mạng” [45, tr.354-355].

Đoạn văn trên, xét về mặt biểu hiện cú pháp là lời của người kể chuyện. Nhưng giọng điệu, cảm xúc, cách nói năng lại là lời của bí thư Hoàng Thủy khi nghĩ về quãng đời của mình: hết mình vì cách mạng, trung thành với cách mạng. Hiện tại bị nghi oan là làm lộ bí mật. Anh đã nghĩ tới cái chết. Trước khi gieo mình xuống dòng sông – con sông quê hương đã quá đỗi quen thuộc với anh, Hoàng Thủy đã dằn vặt với bao câu hỏi tự hỏi lòng mình.

Như vậy, độc thoại nội tâm dạng lời nửa trực tiếp cho phép nhà văn miêu tả dòng chảy ý thức của nhân vật một cách tự nhiên giống như những gì nó đang hình thành. Tác giả hòa đồng cùng nhân vật, sống cùng nhân vật, nói bằng tiếng nói của nhân vật. Độc thoại nội tâm dạng lời nửa trực tiếp có thể biểu đạt một cảm xúc, một ý định hoặc diễn tả cả một quá trình đấu tranh nội tâm. Dùng độc thoại nội tâm dạng lời nửa trực tiếp để diễn tả chiều sâu tâm trạng của nhân vật trong các tiểu thuyết chiến tranh là một đóng góp của các nhà tiểu thuyết vào công cuộc hiện đại hóa nền tiểu thuyết hiện đại nước ta.

Chương III: CÁC PHƯƠNG TIỆN, PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN LỜI VĂN

Nói tới các phương tiện, phương thức biểu hiện là bao hàm cả các phương thức chuyển nghĩa và phương thức thêm nghĩa. Chức năng của các phương thức chuyển nghĩa là làm hiện lên sự vật, hiện tượng trong các tương quan ý nghĩa khác nhau, có khi nghĩa của từ vốn biểu thị đối tượng này lại được chuyển sang biểu thị đối tượng khác. Thuộc phương thức này có so sánh, ẩn dụ, liệt kê, liên tưởng, tưởng tượng, tượng trưng.

Trong các tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cũng thường sử dụng các phương thức chuyển nghĩa để tạo ra những hiệu quả nghệ thuật bất ngờ và mới mẻ cho lời văn nghệ thuật của mình.

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)