1. 2 Đổi mới không gian
3.2.1. Biểu tượng “ Trăng”
“Trăng” là đối tượng được nhiều nhà thơ, nhà văn dùng làm đối tượng miêu tả, bởi vẻ đẹp của trăng đã gây được một cảm giác bâng khuâng, nhẹ nhàng cho người đọc. Và nhất là trong chiến tranh – người lính luôn phải đối diện với những khó khăn vô cùng khắc nghiệt của thời tiết, thậm chí là cái chết. Vì vậy các nhà tiểu thuyết viết về chiến tranh thường miêu tả trăng với vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình để phần nào làm dịu bớt sự khốc liệt mà người lính phải đương đầu.
Trước hết, “Trăng” được miêu tả với vẻ đẹp tự nhiên vốn có của nó ở tất cả các thời điểm: trăng non đầu tháng, trăng giữa tháng sáng trong vằng vặc hay thời điểm trăng lặn để nhường chỗ cho một sớm mai trong trẻo, tươi mới. Vào những thời khắc khác nhau của ánh trăng thì con người cũng có những hành động, việc làm và tâm trạng khác nhau.
Đó là “Trăng” non đầu tháng với ánh sáng yếu ớt khiến bóng đêm dưới ánh trăng “lờ nhờ” chứ không phải đen đặc. Khung cảnh đó thật phù hợp với câu chuyện của người cha – ông On (Tiếng khóc của nàng Út) kể về tội ác dã man của bọn lính Pháp và lính bảo an. Bọn chúng đã chôn sống con ông là thằng Đua. Đua đã bị thương, cả hai chân cưa quá đầu gối trong một trận đánh chống lại bọn Pháp. Nay phải về hậu phương, ở lại gia đình vì không thể tham gia chiến đấu được nữa, nhưng vẫn bị bọn lính Pháp nghi là Cộng sản ở lại nằm vùng nên bọn chúng đã bắt và chôn sống: “Cụt! Mày là thằng cụt ngheo? Tau không bắn mày. Tau chôn sống” [54, tr.54]. Hình ảnh ánh sáng yếu ớt của ánh trăng non đầu tháng trong tình huống này và đặt trong hệ thống kết cấu của tác phẩm đã mang tính biểu tượng cho tình hình cách mạng đang thời kỳ còn non yếu.
Đó còn là “Trăng” giữa tháng với tất cả vẻ đẹp thơ mộng của nó bao trùm không gian núi rừng. Và dưới ánh trăng đó, cảnh vật cũng như con người đều cố gắng im lặng để tận hưởng vẻ đẹp của trăng: “Ở rừng, mùa trăng là mùa đẹp nhất. Đêm ấy, ở triền sông Cà Lúi, các ngọn đồi thấp các ngọn đồi cao, lửa bếp kéo dài như sao giăng, trời không đếm hết, hơi người các xứ sở toả ấm xua tan khí lạnh của đá. Không ai muốn ngủ. Tiếng dế kêu ri rỉ và tiếng chim khuya xào xạc bay từ rừng già nơi con sông chảy ra vực” [54, tr.200].
Hay đó còn là “Trăng” sắp lặn với hình ảnh mỏng như lá lúa: “Khi trăng mỏng như lá lúa đã rớt xuống sau núi, Toàn chào người cơ sở ra đi” [54, tr.66]. Trăng sắp tàn là dấu hiệu của một đêm sắp qua, ngày mới sắp tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Toàn chào người cơ sở ra đi. Sau một đêm anh nghe người cơ sở kể về tội ác của bọn giặc đối với ông Sang: bọn chúng trói, đánh, chặt đầu rồi đem bêu đầu ngoài đường cái, đem vùi xác không đầu ở gần quận. Qua câu chuyện, Toàn còn thấy được sự gan dạ, bản lĩnh và tinh thần yêu nước của ông Sang. Toàn ngồi nghe, lòng quặn đau, thẫn thờ không khóc nổi. Nhưng sau đêm đó, anh quyết ra đi để xây dựng uy tín của người cộng sản trong lòng nhân dân, gây dựng cơ sở vững mạnh để đánh giặc. Trăng sắp tàn để nhường chỗ cho một bình minh tươi sáng. Ta tin tất cả những tăm tối, khổ đau của dân tộc sẽ khép lại trong đêm tối. Và ngày mai sẽ là một tương lai màu hồng. Con đường mà Toàn chọn: làm cách mạng phải đi từ lòng tin của dân là hoàn toàn đúng.
Bên cạnh đó, biểu tượng “Trăng” còn gắn với tâm trạng con người. Nhất là dưới vẻ đẹp trữ tình của ánh trăng sáng trong vằng vặc đã khơi gợi biết bao cảm xúc về tình yêu và khao khát hạnh phúc lứa đôi. Điều này đã được các nhà thơ, nhà văn sử dụng nhiều trong các sáng tác của mình như: Nguyễn Du, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu… Và các nhà tiểu thuyết viết về chiến tranh cũng đã khai thác triệt để sức gợi lớn lao của ánh trăng đối với cảm xúc, nhất là cảm xúc riêng tư, rất người của các nhân vật trong tác phẩm.
Ở tiểu thuyết Thượng Đức, đoạn văn miêu tả tâm trạng của trung đoàn trưởng Nguyễn Quỳ trước một chiến dịch lớn là đánh vào Thượng Đức, điều làm
anh trăn trở không phải vì sợ hi sinh mà: “Cái liên quan nhất đến đời anh, trách nhiệm của anh hiện nay lại là ở chỗ khác. Thắm và cái thai trong bụng Thắm. Thắm là vợ anh ư? Không phải. Thắm cũng không phải là người yêu của anh” [45, tr.53]. Đọc lên ta thấy thật mâu thuẫn, nhưng đọc tiếp, theo dòng hồi tưởng của Nguyễn Quỳ chúng ta thấy cái làm anh ta trăn trở thật có cơ sở: “Tất cả là tại thằng Hoà. Thằng Hoà là thế hệ đàn em cùng làng với anh. Bữa đó nó lên phàn nàn với anh là đang bị đau bụng xin nghỉ gác nhưng trung đội trưởng không cho. “Thì để tao gác thay. Đêm nay, tao nốc cà phê vào đang khó ngủ đây”. Mà cũng chẳng phải tại thằng Hoà, tại cái đêm trăng” [45, tr.53]. Chung qui lại là tại “cái đêm trăng” đẹp quá nên mới xảy ra hậu quả như vậy. Bình thường, những vật vốn xấu xí, tầm thường dưới trăng cũng đã trở nên đẹp đẽ. Đằng này, Thắm lại còn là một cô gái đẹp, đang ở tuổi dậy thì mơn mởn sức sống. Hơn nữa Thắm lại còn nằm ngủ dưới trăng… Còn Nguyễn Quỳ, đang phải gác một mình, buồn kinh khủng nên anh mới đi vơ vẩn, khát nước, tạt vô một nhà dân và bắt gặp cảnh tượng trên. Rồi chuyện gì đến thì nó phải đến, đúng theo quy luật bản năng của một gã thanh niên khoẻ mạnh bình thường: “Ôi cái đêm trăng sao mà rỡ ràng, sao mà yên tĩnh, sao mà xáo động lòng anh đến thế” [45, tr.53]…“Trăng sáng quá. Gió hiu hiu, cô chợp mắt đấy thôi. “Cô Thắm ơi, nhà có nước cho xin miếng?”. Không có tiếng trả lời. Nguyễn Quỳ tới gần. Trời ơi! Cô ngủ. Một giấc ngủ của nàng tiên. Ngực cô nhô lên hạ xuống theo nhịp thở đều đều. Ánh trăng nhập vào làn áo mỏng ôm lấy một khuôn người mềm mại, thắt đáy lưng ong. Gương mặt vô tư trắng trẻo hiền lành của cô nghiêng về ánh trăng, mơ màng. Môi cô tươi rói như mỉm cười. Nguyễn Quỳ đứng nhìn. Ngạt thở. Người anh nóng ran, nôn nao. Anh ngồi xuống cạnh Thắm, đặt một ngón tay lên má Thắm. Giá lúc ấy, Thắm mở mắt tỉnh dậy thì mọi việc đã không sao. Nhưng giấc ngủ con gái. Giấc ngủ của một người lao động sau một ngày mệt nhọc: say, nồng làm sao. Thắm vẫn không hay biết gì. Một chiếc cúc trên áo bật ra từ lúc nào. Thay vì gài lại cho cô, Quỳ mở nốt chiếc cúc thứ hai, thứ ba rồi thứ bốn. Cô gái chỉ hơi cựa mình xoay lưng lại phía ánh trăng. Một vạt áo bị kéo chếch sang bên, để lộ một góc eo lưng. Ôi cái lưng con gái, sao mà thon gọn, mịn màng. Da Thắm trắng nõn
nà. Người Nguyễn Quỳ lâng lâng, ngực phập phồng, anh nhận rõ có một thế lực gì đó đang làm chủ mình. Anh nằm xuống cạnh Thắm, ôm lấy cái eo lưng ấy. Một cái giật mình…” [45, tr.54-55].
Vậy là Nguyễn Quỳ đã không làm chủ được mình trước hai vẻ đẹp đan lồng vào nhau: cô gái và ánh trăng. Chuyện xảy ra đêm đó anh không hối hận. Bốn tháng sau, khi Thắm hỏi: “Có việc gì không anh? Người ta có kỷ luật anh không?”. Giọng Nguyễn Quỳ hổn hển. “Chắc là có nhưng anh dám làm, dám chịu” [45, tr.55].
Rồi cũng vào đêm trăng đẹp như thế, hơn nữa lại là tuần trăng sáng trong vằng vặc, không thể đi hoạt động được. Vẻ đẹp của trăng đã làm ông bí thư xã “nặng gia đình” dấy lên trong lòng khao khát hạnh phúc gia đình, ông đã trốn về nhà và kết quả là vợ ông có thai: “Ông bí thư xã, công tác tại địa phương, hăng hái nhưng nặng gia đình, xa vợ không đành. Lâu lâu ông lại về. Tuần trăng, không đi hoạt động được lẽ ra nằm trên núi, nhưng ông bí thư xã táo tợn tót về nhà, chiếc hầm bí mật đào ngay ở lưng đồi, phía sau lưng đồi là rừng cấm là vườn mù u và thầu dầu, rất tiện mò vào. Khi chó không còn sủa, trăng đêm vắng lặng đã phủ lên xóm thầu dầu, ông thì thụp mở nắp hầm chui lên. Hơi nồng lứa đôi có sức hút kỳ lạ, tiền của và danh vọng, cả lý tưởng nữa có khi cũng không hơn đàn bà. Thế là vợ ông có chửa…” [54, tr.86].
Trong Phòng tuyến sông Bồ (Đỗ Kim Cuông), cũng chính vẻ đẹp rạng ngời của “Trăng” đêm mười sáu kết hợp với gió lồng lộng và không gian yên ắng của làng quê vào thời điểm 9 giờ tối…đã khiến Phong được tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp thân thể và tột cùng niềm hạnh phúc với người vợ của mình: “Trăng mười sáu lên cao. Gió tươi lồng lộng tràn qua cánh đồng rớt xuống mặt sông lấp lánh ánh vàng. Mới có 9 giờ làng quê đã vắng lặng. Không một tiếng chó sủa. Giữa sông một con đò xuôi, tiếng mái chèo táp nước đều đặn. Nhà ai cắt tranh phơi đầy trên mặt đê. Phong kéo Thơm ngồi dưới một bụi tre ngay sát bờ sông... Thơm lồ lộ hiện ra như một nàng tiên cá. Phong vừa mệt vừa hoảng loạn, khi nhìn thấy Thơm trần truồng lồ lộ dưới ánh trăng. Anh ngã vào người cô, ép đầu lên đôi bầu vú tròn, thở dốc. Một
gã trai đã ba mươi tuổi là Phong, chết hụt bao phen lần đầu tiên được hưởng vị ngọt của tình yêu, mới hiểu thật sự thế nào là nụ hôn con gái” [44, tr.313-315].
Với việc miêu tả “Trăng” như là biểu tượng về khao khát hạnh phúc lứa đôi, các nhà tiểu thuyết đã phần nào giúp bạn đọc chúng ta hiểu được con người đời thường, con người bản năng của người lính khi xưa – một bản năng tự nhiên, đó là khao khát chính đáng của con người bình thường, nhưng ít được nói tới trong các tiểu thuyết về chiến tranh hay các thể loại văn học khác có hình tượng người lính trước 1975. Chính điều này đã đem đến cho bạn đọc một cái nhìn đa chiều và một sự hiểu biết hoàn thiện về hình ảnh người lính trong chiến tranh. Họ thật gan dạ, dũng mãnh trên chiến trường. Họ cũng đầy bản lĩnh trước mọi tình thế, nhưng họ cũng có những giây phút thật yếu lòng, nhất là trước cái đẹp. Đó cũng chính là những giây phút họ sống là chính mình. Đây là quy luật tất yếu của cuộc sống.
Hình tượng “Trăng” trong văn học trước đó gắn với tâm trạng con người, là một phương tiện để nhà văn soi sáng tâm lý nhân vật, thì “Trăng” trong các tiểu thuyết về chiến tranh còn được thể hiện như là một “nhân vật” có thứ tiếng nói riêng. “Trăng” như người bạn gắn bó với buồn vui của con người. “Trăng” như người bạn có mặt trong từng cảnh ngộ, cùng sẻ chia tâm sự. Đoạn miêu tả Văn rủ Sáng ra bờ sông tâm sự chuyện của Đức và Hà (Văn, Sáng, Đức là những người anh em, đồng đội, bạn bè thân thích). Đức và Hà đã từng có một mối tình rất đẹp, nhưng do một lần Hà về quê anh Lâm – một người đã từng dạy Hà và quan tâm đến Hà, nhiều lần tỏ tình nhưng Hà từ chối. Nhưng do lần về quê đó, Hà đã bị khuất phục và giọt máu của Lâm đang lớn lên trong Hà từng ngày. Hà đã quyết định viết thư chia tay với Đức. Cả hai đều đau khổ vì vẫn rất nặng tình với nhau. Nghe Văn kể lại, Sáng thật choáng váng và buồn cho Đức với Hà. Khi kết thúc câu chuyện, tác giả đã dùng biểu tượng “Trăng” như một nhân vật đã cùng Sáng, Văn chia sẻ nỗi buồn với Đức về mối tình duyên lỡ dở: “Trăng lên. Mặt sông trầm tư anh ánh bạc. Gió dìu dịu thổi. Thiên nhiên đẹp quá làm nỗi buồn về tình duyên đôi bạn trẻ cũng phần nào vơi bớt trong tôi” [47, tr.133]. Rõ ràng ở đây, “Trăng” soi chiếu xuống cảnh vật, khiến cảnh vật trở nên đẹp lạ thường. Nhìn cảnh thiên nhiên đẹp, Sáng cảm thấy nỗi
buồn của mình trước tình cảnh của Đức và Hà nhẹ bớt phần nào. Ở đây, thiên nhiên đẹp dưới ánh trăng đã trở thành người bạn của Sáng và của đôi bạn trẻ Đức - Hà.