1. 2 Đổi mới không gian
1.2.2. Đổi mới thời gian
1.2.2.1. Rút ngắn thời gian sự kiện, kéo dài thời gian tâm trạng
Thời gian sự kiện vốn là đặc điểm quen thuộc ở tiểu thuyết về đề tài chiến tranh từ trước tới nay bởi chiến tranh là một sự kiện lớn. Ở mỗi tác phẩm, nhà văn đều chủ đích viết về một sự kiện lịch sử nào đó. Tuy nhiên trong tiểu thuyết sử thi
1945 – 1975, do cốt truyện thường được xây dựng trên cơ sở xung đột địch – ta, theo chuỗi sự kiện nhân quả nên cảm giác thời gian luôn gắn với sự kiện, biến cố. Thời gian nghệ thuật thường hướng tới bước đi của lịch sử, bước đi của số phận cộng đồng chứ không nhằm khám phá những vấn đề thuộc đời tư cá nhân. Chính vì thế nó thường tạo ra một số kiểu tổ chức thời gian tiêu biểu như thời gian mang tính sự kiện - lịch sử, thời gian dồn nén mang tính tương lai, thời gian mang dấu ấn thế hệ…
Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh hôm nay lấy con người và số phận con người làm đối tượng chính nên con người không phải chỉ là nhân chứng cho các biến cố lịch sử mà chính các biến cố ấy trở thành phương diện để văn học khám phá bản chất, quá trình tâm lí của con người. Chính chiến tranh đã tác động, làm thay đổi con người sâu sắc. Mà nói như Nguyễn Minh Châu thì chiến tranh làm cho con người ta hư đi nhiều hơn là tốt lên. Là con người, nếu không vì một hoàn cảnh nào đó thì không ai muốn mình là người xấu cả. “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Bắn giết vào con người chỉ là việc không đừng được phải làm. Dù kẻ thù có thế nào thì chúng vẫn là con người. Vì vậy phải giết người không ai không cảm thấy day dứt. Cái khoảng thời gian day dứt ấy con người mới là con người.
Với xu hướng đưa văn học về gần với con người hơn, các tiểu thuyết được giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 2004 – 2009 đã rút ngắn thời gian sự kiện và chú trọng khai thác khoảng thời gian tâm trạng. Thời gian có mang cảm quan lịch sử thì vẫn luôn gắn với sự trải nghiệm trạng thái tâm lí, tình cảm cụ thể của mỗi người.
Một nhân vật xuất hiện không nhiều nhưng sự sống và cái chết của anh lại gây ấn tượng mạnh tới người đọc, đó là Đua. Đua là con trai của mẹ On. Anh đi bộ đội. Trận đánh anh tham gia và sự kiện anh bị thương cụt hai chân được tác giả lướt nhanh chỉ bằng một câu văn: “Nó căm giận cái loạt đạn trung liên quét rèn rẹt sát mặt đất mà anh em bảo rằng đó là loạt đạn cuối cùng của Pháp vào quá nửa đêm ngày 20 tháng 7 cũng tức là ngày 21 tháng 6 ta” [54, tr.48-49]. Thời gian tâm trạng
của Đua mới là dài. Đó là những đêm Đua phải lọc cọc đi bằng hai chiếc ghế gỗ bốn chân. Một chàng trai mặt mày sáng sủa, tai to, có tướng con nhà võ vậy mà bây giờ cụt hai chân, mắt chuyển màu vàng nâu. Đua buồn: “Nó ngủ ngày, ban đêm thức. Đêm xuống làm cho nó không chợp mắt được. Đêm khủng khiếp và thân yêu…” [54, tr.49]. Đêm nào Đua cũng dậy, từ tấm phản mọt, anh tụt xuống, cầm lấy hai chiếc ghế gỗ và lần xuống các bậc tam cấp để nấu trà xanh uống một mình. Âm thanh “cộc cộc, cộc cộc” của hai chiếc ghế gỗ trong đêm khuya như xoáy sâu vào nỗi đau của Đua. Làm Đua nhớ lại trước đây. Ngày còn học ở trường Rừng Xanh, Đua học giỏi toán “kinh khủng”, được bạn bè nể, thầy giáo cưng. Khi thầy giáo ra một bài toán khó, bao giờ Đua cũng giơ tay trước nhất; “Dạ, em giải được”. “Thế mà bây giờ bài toán đời nó không giải ra. Lúng túng mịt mù rối quẫn, nó muốn quẳng hai chiếc ghế, đứng trên hai chân, nhưng nào có còn hai chân, chỉ có hai cái đùi cụt” [54, tr.50]. Đua nhớ lại ngày không đi tập kết, ngày bỏ bệnh xá Liên khu về nhà với hai ống quần dài lượt thượt như áo quần hề. Đua nhớ cả ngày cô Xuân đến thăm. Xuân đã nhận trầu cau dạm hỏi của nhà Đua trước ngày anh bước vào tham gia chiến dịch Đông Xuân 53 – 54. Cô Xuân tóc vẫn dài, kẹp trễ, dày và đen mượt. Xuân nhìn Đua một thoáng rất nhanh, sững sờ. Đua nhận ra sự kinh hoàng và chua xót trong mắt Xuân. Đua cũng nhận ra sự vỡ vụn những hi vọng ấp ủ bao lâu nay trong Xuân về một cấp bậc nào đó của anh. Xuân ái ngại. Xuân sợ hãi. Xuân đứng “tần ngần một lúc, đủ để vị chát của đời len lỏi trong cô… môi tím thâm, mím chặt, nuốt nhẹ sự bần thần cay đắng đang lan ngấm. Xuân đứng lặng không nói được không xua được không đuổi được sự cay đắng phút chốc vụt đến mà không chịu rời bỏ… Xuân rùng mình sợ hãi…” [54, tr.50-51]. Đó là tất cả những gì Đua nhận ra ở người con gái ấy. Xuân lí nhí chào bà On rồi quay lưng bước gấp. Còn lại Đua với nỗi đau nhân đôi; “So với cuộc phẫu thuật đầm đìa máu chia tay lầy nhầy với đôi chân, cuộc chia tay lần này chóng vánh hơn nhiều. Đua nheo mắt nhìn ra hàng cau trước nhà, cây nào cây nấy cách nhau một khoảng vừa đủ để hai tàu cau chạm khẽ vào nhau, không cắn dứt, không toan tính, không giằng co, không có cả giận hờn và trách cứ” [54, tr.51]. Thời gian ở đây dường như đã đứng im, bất động như nỗi chua
xót đang ngấm sâu, đang lắng vào trong Đua. Nỗi cay đắng trước số phận đã đóng băng trong lòng, không còn biết cả giận hờn và trách cứ nữa. Sau đấy, Đua bị thằng Tịnh sai người đem đi chôn sống. Khi chúng về, Đua đã chui lên được và rồi chết thảm ở trong rừng.
Nhờ thủ pháp kéo dài thời gian tâm trạng, độc giả có dịp được đi sâu vào những niềm tâm tư thầm kín nhất của nhân vật, để từ đó nhận ra sự khốc liệt của hiện thực chiến tranh là thế nào. Không phải người lính nào trở về cũng là người anh hùng, cũng rạng ngời niềm vui chiến thắng. Có người lính trở về với rất nhiều nỗi đau trên mình. Đau cả về thể xác lẫn tâm hồn. Không phải ai cũng có đủ nghị lực và niềm tin để vượt qua được nỗi đau ấy và nghiệt ngã là đôi khi cái chết lại là sự giải thoát đối với họ.
Nhân vật Hoàng Thủy trong Thượng Đức lại lựa chọn cái chết vì một lí do khác. Là một bí thư huyện, trong những ngày chuẩn bị đánh vào Thượng Đức, anh lại bị cấp trên nghi ngờ về lòng trung thành do địch tung tin thất thiệt nhằm chia rẽ đội ngũ những người cách mạng. Trong khi chiến dịch đánh Thượng Đức đang gấp rút chuẩn bị, nhà văn lại rẽ sang dòng tâm tư của nhân vật Hoàng Thủy. Với tâm trạng chán nản, tuyệt vọng, anh tìm đến dòng Vu Gia, nhờ dòng sông rửa nỗi oan cho mình. Anh định lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình trước Đảng và nhân dân. Thời gian một đời của Thủy tái hiện trong tâm tư của anh. Soi vào dòng Vu Gia anh thấy mảnh đất Đại Lộc gắn bó thân thiết đến chừng nào. Anh mơ ước Thượng Đức được giải phóng, anh được đoàn tụ cùng vợ con vậy mà vợ con anh lại không còn nữa: “Chết là một giải thoát cho kiếp người nhiều uẩn ức” [45, tr.355]. Nghĩ vậy nhưng trong lòng Thủy còn bao nhiêu ngổn ngang khác. Cái chết của anh có góp phần làm cho mọi người tin hơn ở phẩm chất người cách mạng không? Kế hoạch đánh Thượng Đức đợt một do ai mà bị lộ? Bao giờ Thượng Đức mới giải phóng? Cái chết của anh có giải oan được cho Cẩm Linh không?...
Nhờ dòng tâm sự đó Hoàng Thủy hiện ra là một người trung thành với cách mạng, một người con thân yêu của mảnh đất Đại Lộc, một người chồng, người cha giầu lòng yêu thương. Đồng thời anh cũng là một người yếu đuối, mặc dù trung
thành với cách mạng nhưng chưa đủ bản lĩnh để vượt qua được những thử thách của cuộc đời. Thử thách của chiến tranh, thử thách của cái chết đôi khi lại không khốc liệt bằng sự thử thách của lòng tin, con người có dũng cảm khẳng định mình hay không mới là điều quan trọng.
Không chỉ với nhân vật người lính, ngay cả với nhân vật kẻ thù, đôi khi các nhà văn cũng quan tâm kéo dài thời gian tâm trạng để từ đó bản chất con người được bộc lộ rõ nhất. Khi Thượng Đức thất thủ, quận trưởng Hùng lăn xe vào phòng riêng của mình và những kỉ niệm đâu đó ùa về trong y. Hùng nhớ ngày mới gặp vợ mình. Ngày vợ chồng mới lấy nhau y đã phải lên Thượng Đức, y nhớ hai đứa con gái ngoan, học giỏi. Y đã nghĩ: “Con người sinh ra là để sum họp gia đình, để được hưởng hạnh phúc” [45, tr.547]. Y không mong thế hệ sau phải tiếp tục con đường binh nghiệp như cha chú họ. Y nghĩ tới những người lính bên kia chiến tuyến, họ cũng như y, cũng quặn thắt nỗi nhớ khi phải xa vợ con. Và tự nhiên y nhận ra sự vô lí: “rất vô lí cho những kẻ cầm súng, như y và cả bên Cộng sản kia. Lợi lộc đâu chẳng thấy, thấy thua thiệt trăm đường, bi thương trăm đường…” [45, tr.548].
Nếu không có khoảng thời gian tâm trạng lắng lại như vậy, làm sao người đọc có thể nhận ra những giây phút rất “người” của những nhân vật kẻ thù như Hùng.
Như vậy thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học nói chung vừa biểu hiện điểm nhìn đời sống, sự cảm thụ đời sống, vừa là quan niệm của tác giả về thế giới và sự lựa chọn hình thức thời gian sao cho nổi bật được hình tượng không gian, phù hợp với thái độ, tư tưởng của nhà văn. Cách chiếm lĩnh thời gian khác nhau sẽ tạo ra những kiểu tổ chức thời gian khác nhau trong lịch sử văn học. Chính sự kéo dài thời gian tâm trạng, để nhân vật có những khoảng thời gian tâm trạng rất riêng. Những lúc ấy, người lính mới thực sự là con người nhất.