1. 2 Đổi mới không gian
1.2.1.1. Không gian đời thường
Đây là kiểu không gian đặc trưng của tiểu thuyết chiến tranh 2004 – 2009 so với giai đoạn trước. Giai đoạn văn học 1945 – 1975 không gian đời thường ít được đề cập tới, bởi đó là lúc “con người hi sinh tất cả vì đất nước”, người ta không quen nói đến những riêng tư, cá nhân. Đúng hơn là những gì thuộc về cá nhân đều được giấu kín trong hai tiếng “nhiệm vụ”. Thực chất đây là không gian cho phép nhân vật sống đích thực với cuộc sống riêng của mình, được là chính mình. Nếu không gian chiến trận để họ bộc lộ những phẩm chất chung vì lí tưởng, vì đất nước thì không gian đời thường giúp tái hiện chiều sâu tâm lí trong con người họ, giúp nhận ra họ, cảm nhận được họ nghĩ ra sao về cuộc sống xung quanh. Và đó chính là chìa khóa để quan niệm “con người là con người” được sáng tỏ.
Mỗi người lính, sau những trận chiến đấu căng thẳng sẽ có những giờ phút họ trăn trở, suy nghĩ về gia đình, về cuộc sống ở hậu phương với bao niềm vui, nỗi buồn. Đặt những người chiến sĩ giữa không gian đời thường chúng ta mới hiểu hết được tính cách, hoàn cảnh của họ. Cũng bởi thế, Ngoãn (Thượng Đức) có cả một kí ức rất dài về gia đình mình mà nhà văn Nguyễn Bảo Trường Giang đã dành rất nhiều trang văn viết về cuộc sống ấy. Ngoãn sinh ra trong một gia đình bị mang tiếng là địa chủ, ăn thì đói, mặc thì rách rưới. Bố Ngoãn nghiện thuốc phiện, bảo thủ, thỉnh thoảng mấy mẹ con lại được trận lôi đình khi bố nổi cáu, đánh và dọa đuổi. Một mình mẹ Ngoãn tần tảo sớm hôm lo mấy miệng ăn mà không đủ sức. Ngoãn lấy vợ, vì hoàn cảnh phải xin ra ở riêng khi không có một tài sản gì ngoài mấy mét vườn.
Hay Thời hậu chiến của Nam Hà viết về cuộc sống của đại tá Hoàng Trầm sau khi ông về nghỉ hưu. Toàn bộ câu chuyện được đặt trong không gian sinh hoạt
đời thường với những toan tính, cân nhắc của người nông dân trên mảnh đất mà họ canh tác. Ở chiến trường, ông Trầm là một người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, dưới quyền ông là hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ vậy mà vẫn răm rắp đâu vào đấy. Về quê hương, ông thành một người dân thường, chỉ những việc cỏn con như tăng gia chăn nuôi, cải thiện đời sống, xây nhà tắm, đóng trước cỗ hậu sự cho mình… cũng làm ông bù đầu vì sự ganh ghét, đố kị, dựng chuyện của Lợi, Tay bí thư đảng ủy xã. Trong không gian sinh hoạt đời thường ấy, bản lĩnh của một người lính già càng được khẳng định trước bao nhiêu sóng gió của cuộc đời.
Với việc tái hiện không gian đời thường, tiểu thuyết chiến tranh 2004 – 2009 đã mang đến cái nhìn toàn diện hơn về những người chiến sĩ, giúp ta lí giải được một phần tính cách của họ và thấu hiểu hơn những khó khăn mà họ phải đối mặt. Nó không giống với những biến cố trong chiến trường mà họ vốn quen mà nó thực sự là những thử thách để kiểm tra bản lĩnh của họ. Trong chiến trận, họ anh hùng nhưng trong đời thường họ có thể bình thường, thậm chí tầm thường; Trong chiến trận, họ hùng dũng nhưng trong đời thường có thể họ hèn nhát; Họ có thể suôn sẻ trong đường binh nghiệp nhưng có thể rủi ro trong cuộc sống thường nhật… Nhờ có cái nhìn toàn diện như vậy nên tiểu thuyết chiến tranh 2004 – 2009 đã đem đến cho người đọc sự phong phú, đa dạng trong cách nhìn nhân vật.