Lời đối thoại

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 63)

1. 2 Đổi mới không gian

2.2.1. Lời đối thoại

Lời đối thoại là lời trong cuộc giao tiếp song phương mà lời này xuất hiện như là phản ứng đáp lại lời nói của người khác. Điều kiện để thực hiện đối thoại là phải có sự hiện diện của người nói và người nghe. Và mỗi phát ngôn đều trực tiếp hướng tới người tiếp chuyện và xoay quanh một chủ đề hạn chế của cuộc thoại. Tham gia vào thành phần cấu tạo của lời văn nghệ thuật, lời đối thoại phải bộc lộ rõ tâm trạng và tính cách của từng nhân vật. Trong lời văn nghệ thuật, đối thoại chiếm ưu thế và tồn tại dưới nhiều dạng:

Chiếm ưu thế nhất là cuộc thoạiluân phiên lượt lời trao – đáp. Chẳng hạn, cuộc thoại giữa cô chiêu đãi viên hàng không với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần ông trở lại Điện Biên Phủ, khi máy bay sắp hạ cánh: “Cô chiêu đãi viên đi lại nói với Đại tướng:

- Thưa bác, máy bay chuẩn bị hạ cánh. - Đã tới rồi ư?

Ông ngồi trên máy bay chưa kịp uống hết cốc nước mát. - Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ có bốn mươi phút bay. - Thảo nào hồi đó máy bay nó tới đánh mình nhanh thế! Cô gái mỉm cười vì biết ông nói đùa” [49, tr.32].

Đoạn đối thoại trên ta thấy lời trao - đáp luân phiên, có khi không cần lời dẫn, lời đáp có thể chỉ là một nụ cười hay một cái gật đầu hoặc bắt tay…

Hay đó là cuộc đối thoại giữa Khăm Mằn, San, Chăm Phin trong Xiêng Khoảng mù sương:

“ Khăm Mằn nói với San:

- Đúng thế. - Ngừng giây lát San nói với Chăm Phin Phắc Đi - Đồng chí Phắc Đi, Vũ Thống vào việc tốt chứ?

- Bun Thâng nói với tôi Vũ Thống quý như vàng mười đấy. - Chăm Phin cười rất tươi.

- Vì sao Bun Thâng Pha Ti Vông khen Vũ Thống như thế, mình sẽ nói với siều San. - Khăm Mằn nói với San cười cười gật gật rồi giọng nhỏ và tiếp - Ta giải lao một chút, rồi sẽ vào một việc rất quan trọng và nhức nhối siều San ạ, vụ tên lính đi giầy Pa thét đó.

- Tôi hiểu. - San đang trong đầu cồn cộn một việc vừa xảy ra cách đây đúng bốn tháng…” [51, tr.234-235]. Ở cuộc đối thoại trên, sau mỗi lượt lời trao - đáp lại có lời chú thích của người kể chuyện về cử chỉ, thái độ, hành động… của người đối thoại.

Đây là mảnh đối thoại giữa vợ chồng đại tá Hoàng Trầm trong Thời hậu

chiến: “Sực nhớ tới vợ đã nấu xong bữa ăn, ông Trầm xoa hai bàn tay cười xòa: - Anh lắm lời quá phải không? Chưa chi đã bắt em nghe những chuyện vặt vãnh, nhưng quả thực anh thèm được chuyện trò với em. Suốt bốn mươi năm anh chỉ chuyện trò với cán bộ, chiến sĩ, với cấp trên. Anh sợ nói nhiều sẽ làm em nghe đến phát chán.

- Anh tưởng em không thèm được nói chuyện sao, khi đi làm đồng nói chuyện với bà con, thi thoảng có người tới thăm mới nói chuyện, còn từ ngày mẹ mất tới giờ, đi làm về em chỉ thì thầm với cây cối, với rau cỏ, với ngôi nhà, khi thành lời, khi trong ý nghĩ. Nói chuyện với anh cũng chỉ trong ý nghĩ. – Ông Trầm lại quàng tay qua vai bà Mai, siết vợ vào người mình, ông thì thầm:

- Tội thân em quá, từ giờ trở đi anh sẽ bù đắp những thiếu thốn về mặt tình cảm mà em đã phải chịu đựng quá dài, quá lâu, chỉ tiếc anh bị thương tật và chúng ta đều đã già” [46, tr.115-116].

Qua đối thoại trên, chúng ta thấy: cả hai vợ chồng đại tá Hoàng Trầm đều “thèm” nói chuyện với nhau. Qua cuộc đối này họ đã thật sự hiểu và biết được tâm tư, nguyện vọng của nhau. Bà Mai thật khổ, thèm nói chuyện với mọi người mà

không được. Vì từ khi mẹ chồng qua đời, bà chỉ có một mình, chỉ biết lấy cây cối trong vườn làm người tâm sự. Qua đây, ông Trầm cũng thấy rõ được nỗi cô đơn, sự thiếu thốn về tình cảm mà vợ ông phải chịu đựng là quá dài, qúa lâu. Ông sẽ bù đắp cho bà, chỉ tiếc là cả hai đều đã già, thời gian sống bên nhau chẳng còn bao nhiêu nữa.

Bên cạnh đó, có những cuộc thoại chỉ gồm một lượt lời - chỉ có trao mà

không có đáp. Chẳng hạn như lời của anh lính Minh “lé” nói với chiến sĩ Bùi Quang Thắng: “Thắng ơi! Thắng! Mày đâu rồi?

Không có tiếng trả lời” [48, tr.27].

Không có tiếng đáp lại, hóa ra Thắng đã hi sinh trong trận đánh vào trại Phù Đổng, anh đã bắn cháy hai xe tăng. Rồi đó còn là tiếng gọi của Toản đối với Cẩm Linh trong Thượng Đức:

“- Cẩm Linh. - Anh gọi. Giọng se nhỏ. - Cẩm Linh ơi. - Anh gọi to hơn.

Không có ai đáp lại, chỉ có tiếng rì rào của gió mơn man trên cành lá” [45, tr.160]. Rồi trong lúc chờ Ngụ trèo lên cây để thăm dò tình hình bên kia sông, Văn đi đi, lại lại dưới gốc cây và tỏ vẻ sốt ruột, đôi lúc lại ngửa cổ lên hỏi Ngụ rất nhiều câu nhưng không có lời đáp lại:

“- Có thấy gì không? Lâu thế? Mày ngủ trên đấy à?

- Xuống quách đi. Vượt sông thôi. Bờ sông bên kia thế nào? - Có thấy đoạn thắt nào không?...” [47, tr.40]

Không đáp lại có thể vì cây quá cao, rừng rậm âm u Ngụ không nghe rõ được câu hỏi của Văn. Cũng có thể do đang tập trung vào quan sát địa hình mà Ngụ không biết Văn đang hỏi mình.

Hay đó còn là một loạt các câu ra lệnh, kêu gọi, hô hào của anh Củng (Cõi

đời hư thực) nhưng lại không có một lời đáp nào:

“- Xung pho…ong! Tất cả theo tôi, tụt quần ra! Vượt qua suối, đánh chiếm bằng được mục tiêu…

- Không được bỏ vị trí chiến đấu. Tất cả tiến lên!” [50, tr.5].

Thật thương xót, không có lời trao lại chính là vì đây không phải là chiến trường, cũng không còn chiến tranh. Đây đang ở nhà anh, anh là người lính trở về sau cuộc chiến. Nhưng anh lại mắc chứng bệnh tâm thần rất lạ: “Ngày nào không được nghe một câu chuyện về quá khứ vinh quang của mình, y rằng ngày hôm sau anh ấy sẽ lên cơn tâm thần” [50, tr.7]. Những lời hô hào, ra lệnh… không lời đáp trên diễn ra trong một lần lên cơn của anh Củng. Qua cuộc thoại chỉ có một lượt lời này ta thấy được nỗi đau, bi kịch của những người lính như anh Củng sau chiến tranh.

Các đối thoại trên đã thể hiện được tâm lí và suy nghĩ riêng của từng đối tượng. Những câu hỏi của các nhân vật không nhằm mục đích kiếm tìm thông tin mà còn bộc lộ tâm trạng.

Lại có những cuộc đối thoại mà quan hệ trao - đáp rất lỏng lẻo, hờ hững. Đó là đoạn đối thoại giữa Hùng và vợ trong một lần Hùng về thăm nhà: “Nàng trườn lên người Hùng. Mọi khi nói như vậy, làm như vậy nàng sẽ được đôi bàn tay ấm áp của chồng ôm gọn. Quái hôm nay người anh không chút nóng, tay chân không nhúc nhích. Nàng ngẩng đầu lên soi vào mặt chồng:

- Anh và anh Lầu có chuyện chi không?

- Sao em hỏi vậy? Vẫn như xưa. Lầu dạo này ít quậy rồi. Chỉ mong đi đánh nhau. Không đánh nhau hắn phát cuồng.

- Đơn vị cũng không có chuyện trục trặc chi chớ? - Nàng trìu mến nhìn vào mắt chồng như muốn tìm câu giải đáp cho chính mình.

- Chẳng có chuyện chi hết trơn hết trọi.

- Ủa! sao anh kỳ vậy? Cả tháng nay, vợ chồng mới gặp nhau! - À, ờ…anh… [45, tr.125-126].

Trong cuộc đối thoại trên ta nhận ra sự hờ hững của Hùng trước chuyện chăn gối. Vợ anh thì đầy khao khát, mong được chồng yêu. Còn Hùng, đầu óc không để tâm đến chuyện đó. Anh đang quá mải mê nghĩ về Thượng Đức. Những lo toan,

vinh quang và sứ mệnh đã khiến Hùng ít nghĩ về vợ, về chuyện chăn gối. Mặc dù, đang nằm cạnh vợ và trong hoàn cảnh vợ chồng xa nhau đã cả tháng.

Hay Cõi đời hư thực, trong cuộc thoại giữa chị Bằng và chị Mạ. Chị Bằng hỏi về chuyện cưới chồng, sinh con của chị Mạ diễn ra vào thời gian nào? Có những lúc, chị Mạ hờ hững, không chú tâm với câu hỏi của chị Bằng: “- Anh Củng cưới mày năm nào nhỉ?

- Anh Củng đi bộ đội sáu nhăm đầu sáu sáu đi “Bê”. Trước khi đi về phép mười ngày. – Chị Mạ nói một mạch như cái máy.

- Ngày thứ nhất… Ngày thứ hai… Ngày thứ ba… Ngày thứ tư…Ngày thứ năm….Ngày thứ tám tổ chức cưới.

- Mày sinh con Quế năm nào nhỉ? - Chị Bằng cắt ngang lời chị Mạ. Chị Mạ cất câu hỏi của chị Bằng vào một chỗ vẫn say sưa:

- Anh Củng ở với tao đúng hai ngày, hai đêm rồi trả phép vào Nam chiến đấu… Anh Củng đi một mạch năm năm, không thư từ, không tin tức. Tao chỉ có chờ đợi và chờ đợi. Mãi đến năm 1970, anh Củng được tuyên dương Anh hùng và được ra Bắc đi báo cáo, thỉnh thoảng tạt qua nhà dăm ba ngày, biếu bố mẹ cân đường cát, dúi cho vợ bánh xà phòng Liên Xô 72%. Ngày đi thăm hỏi họ hàng, làng xóm, tối tiếp khách, chơi bời với bạn bè đến mười một, mười hai giờ khuya. Vợ chồng giành cho nhau tính bằng giờ. Tao sinh con Quế cuối năm đó…” [50, tr.9- 10].

Ta thấy, chị Mạ không đi vào câu trả lời ngay, hay không trả lời ngắn gọn, đi đúng nội dung câu hỏi mà chị kể rất tỉ mỉ từng ngày, từng giờ, từng kỷ niệm với chồng chị, mãi cuối mới đi vào trọng tâm câu hỏi. Vì sao lại như vậy? Bởi thời gian chị được sống hạnh phúc bên chồng quá ngắn ngủi, nên chị nhớ như in từng kỷ niệm, từng giây phút…Nay có cơ hội được gợi lại, được sống với nó nên chị không muốn bỏ đi một chi tiết, sự việc nào.

Rồi đó còn là đoạn đối thoại giữa Quế và Bắc. Khi Quế đang nằm gọn trong vòng tay người yêu: “không chống cự giả vờ cam chịu, nói:

- Bẹp thật à, xem nào?

- Ơ, cái anh này. Em nói là cái đó đánh tôm của anh kia kìa. - Vậy mà, anh cứ tưởng… anh làm bẹp…

- Cho anh xem … nào. - Ứ…” [50, tr.207].

Khi xuống thăm Bắc, Quế thấy Bắc đang ngồi đọc sách trong lều. Thấy Quế đỗ xe trước lều, Bắc đã nhắm mắt, há miệng, dang tay chờ đợi ôm người yêu vào lòng. Nhìn bên cạnh, Quế thấy một cái đó tre úp dưới đất liền cầm vào lều từ từ ấn vào ngực Bắc. Bắc mở mắt, anh lẳng chiếc đó sang một bên, nhoài người ghì lấy Quế trả thù. Đoạn thoại trên lỏng lẻo giữa các sự kiện trong lời trao - đáp. Nhưng thể hiện được rõ tâm trạng đang yêu của đôi bạn trẻ: vừa e dè, vừa táo bạo lại cũng rất tự nhiên của những con người trẻ tuổi đang say nồng trong hạnh phúc tình yêu.

Cũng lại có những cuộc thoại không tuân thủ quy tắc luân phiên lượt lời

(một cách đầy dụng ý). Chẳng hạn trong Màu rừng ruộng đó là cuộc thoại giữa Vinh và Hường. Hường là con gái ông Ét, khi mẹ nó vừa mất, xác vẫn còn nằm trong nhà, ba nó đã tổ chức đám cưới với chị Miền. Mặc cho mọi người gọi, Vinh gọi về ăn cưới ba nhưng Hường vẫn không lên tiếng. Mãi tới khi Vinh có những lời động viên, an ủi, vỗ về, khuyên răn… nó đã bật trả lời Vinh bằng những câu hỏi dồn dập nhưng nhức nhối:

“- Hường ơ…ơ…ơi…Về - mà – ăn – cưới – bố!...

Tiếng gọi chua chát của một người đàn bà nào đó lan dài theo mặt sông. Vinh chột dạ chạy dọc theo mé nước kiếm tìm.

- Hường! Hường ơi! Em làm gì ở đây? Đừng có mà dại dột thế nhé! Đi, đứng dậy anh đưa về nhà!

Mặc cho Vinh quýnh bấn liên hồi, con Hường vẫn ôm đầu gục vào hai gối, mái tóc đuôi gà vàng xác rối nùi. Chiếc áo vải gụ có hàng chục mụn vá bay dật dờ trong gió lạnh.

Trong giây phút hệ trọng, không biết ai đã nhảy vào họng Vinh nói những lời răn dạy vỗ về đối với đứa bé vừa mất mẹ. Vinh thấy mình có bổn phận phải làm như thế…Nhưng, cái đầu đang gục gặc giữa hai đầu gối rung thổn thức kia bất ngờ ngẩng phắt lên nhìn Vinh bằng cặp mắt căm hờn tóe lửa:

- Anh thì lớn với ai? Tại sao cứ phải như thế chứ? Đợi mẹ tôi nằm yên dưới ba tấc đất rồi các người làm không được à?” [52, tr.116-117]

Rồi trong Phòng tuyến sông Bồ, cuộc thoại giữa Cường và người yêu:

“- Hãy thương em! – Hạnh run rẩy trong một niềm hạnh phúc vô bờ chợt đến với cô…

- Hãy thương em! Anh ơi…

- Anh ngủ đi… Em thức canh cho. – Hạnh bảo

- Anh không muốn ngủ một chút nào - Cường đáp - Ôi, anh cảm thấy niềm hạnh phúc” [44, tr.227-228].

Đoạn văn trên có bốn lượt lời thoại thì ba lượt lời trên là của Hạnh – người yêu của Cường. Chỉ có lượt lời sau cùng mới là của Cường. Lúc này Cường đang đắm chìm trong những nụ hôn bỏng cháy, nồng nàn và niềm hạnh phúc ngập tràn. Đoạn thoại này có ý nghĩa bộc lộ tâm trạng, cảm xúc nhiều hơn là thúc đẩy câu chuyện vận động phát triển.

Tóm lại, trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh, lời thoại của các nhân vật chiếm ưu thế và đối thoại mang tính hành động rất rõ nét (giống với ngôn ngữ kịch). Cho nên nhiều khi nếu lược bỏ đi lời dẫn truyện, ghép nối các lời thoại giữa các nhân vật với nhau thì vẫn có một câu chuyện đang vận động, phát triển. Đồng thời thông qua lời thoại của các nhân vật, mỗi nhà văn đều gửi gắm những tâm sự hay triết lí về chiến tranh, về đời sống.

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)