1. 2 Đổi mới không gian
2.2.2. Lời độc thoại nội tâm
Độc thoại nội tâm cũng là thành phần cốt yếu trong lời văn nghệ thuật. Nó đảm nhiệm chức năng quan trọng: biểu hiện thế giới tinh thần của nhân vật và những biến chuyển tinh tế trong tâm hồn con người.
Độc thoại nội tâm là tiếng nói bên trong của nhân vật, là lời phát ngôn của
nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng
hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó. Nhà nghiên cứu Tamara Mtưlôva đã xác định độc thoại nội tâm với phạm vi rộng hơn, “bao gồm lời nói không phải phát ra thành lời của nhân vật, lời nửa trực tiếp, nơi mà tác giả nhân danh mình, nhưng lại nắm bắt từ ngữ và ngữ điệu của nhân vật, và lời độc thoại nội tâm, trong đó tiếng nói nhân vật dường như được tách ra làm hai tiếng nói tranh cãi nhau và hàng loạt lời suy luận chặt chẽ…”
Dựa vào các khái niệm độc thoại nội tâm, người ta chia “dạng đặc biệt của lời trực tiếp” này thành hai dạng cơ bản:
Lời độc thoại nội tâm nguyên dạng thuần túy: là những lời trực tiếp bên trong không bộc lộ thành âm thanh. Ở dạng này, đoạn độc thoại nội tâm thường có dấu hiệu hình thức rõ ràng, dễ nhận biết như để trong ngoặc kép hoặc kèm theo những từ ngữ thông báo “nhủ thầm”, “nghĩ thầm”, “tự nhủ”… trong lời trần thuật.
Lời độc thoại nội tâm ở dạng biến thể, mở rộng: tồn tại dưới hình thức lời nửa trực tiếp, đối thoại tưởng tượng, nhật ký, thư từ… trong đó lời nửa trực tiếp khó nhận diện hơn cả vì nó thường hòa lẫn trong lời trần thuật. Để xác định, người ta căn cứ chủ yếu vào dấu hiệu bộc lộ trạng thái bên trong của nhân vật. Tiêu chí để xác định độc thoại nội tâm bao gồm cả dấu hiệu hình thức và dấu hiệu nội dung mà nó biểu hiện.
Ở giai đoạn 1945 – 1975, do hoàn cảnh lịch sử chi phối, con người Việt Nam ít có điều kiện và nhu cầu sống riêng với bản thân mình trong những suy tư, trăn trở của đời sống nội tâm. Do đó, việc khai thác mạch ngầm tâm lí và sử dụng độc thoại nội tâm ít được chú ý trong văn học nói chung và trong các sáng tác về đề tài chiến tranh nói riêng.
Tiểu thuyết viết về chiến tranh từ 2004 – 2009, hướng tới con người trong bản chất người. Nhà văn không thể chỉ đóng vai trò khách quan, đứng ngoài quan sát, miêu tả nhân vật mà còn phải để nhân vật trở thành những “chủ thể” tự soi chiếu, phán xét bởi ý thức hướng nội. Hơn bao giờ hết, thủ pháp độc thoại nội tâm
đã trở nên rất hữu hiệu trong việc len lỏi vào bề sâu tâm lí nhân vật để phơi bầy những diễn biến phong phú, phức tạp và bí ẩn của nó.
Có cả hai dạng cơ bản của lời độc thoại nội tâm:
Xét ở dạng thuần túy: các tiểu thuyết thường đưa từ ngữ “mách bảo” vào lời độc thoại nội tâm của nhân vật. Nhà văn đã thay đổi các từ ngữ báo hiệu khá linh hoạt: nghĩ thầm, nghĩ bụng, thầm nhủ, ngồi nghĩ, tự hỏi… vị trí của các từ ngữ chỉ dẫn không cố định:
Có khi từ ngữ dẫn trước lời độc thoại nội tâm: “San vừa nhìn một lượt toàn cảnh nghĩ bụng: “Treo biển có mìn thế này rất hay đấy nhá. Đề phòng lính ta có cậu vô tâm, lại vừa dọa bọn phỉ…” [51, tr.20-21].
Có khi độc thoại nội tâm xuất hiện trước từ ngữ chỉ dẫn: “Cũng chưa hẳn vậy đâu. Tôi đây cũng là chính ủy trung đoàn rồi sư đoàn, nhưng hiện tôi đang là tư lệnh quân khu đây. Một người có thể vẫn đảm nhiệm tốt cả hai việc chính trị và quân sự chứ anh?”
Nghĩ là vậy nhưng tướng Hai Mạnh cũng không muốn mất lòng Hoàng Đan…” [45, tr.177].
Có khi lời dẫn xuất hiện cả ở vị trí trước và sau độc thoại nội tâm:
“Tấn thầm nhủ “Anh thì cũng có hơn em đâu. Anh thử cãi lại bố xem sao? Lớn tuổi như anh lại là bộ đội, còn không dám, còn bị bố lùa cho chạy khắp xóm, nói gì em”. Tấn nghĩ như thế là có lí lắm” [45, tr.97].
Độc thoại nội tâm ở dạng mở rộng: thư từ, nhật ký, đối thoại tưởng tượng,
lời nửa trực tiếp…
Độc thoại nội tâm có hình thức thư từ, nhật ký được thể hiện tập trung chủ yếu trong ba tiểu thuyết: Bên dòng Sầu Diện, Cõi đời hư thực, Mạch máu của rừng. Sử dụng thư từ, nhật ký, các nhà tiểu thuyết đã tạo nên được tiếng nói nội tâm sâu sắc, bộc lộ những suy nghĩ thầm kín, giải tỏa tâm trạng bức xúc khi nhân vật không thể cùng ai bày tỏ. Lời viết thư, ghi nhật ký cũng là lời nhân vật tâm sự với chính mình, tự giãi bày tâm trạng của chính mình. Những trang thư hay những trang nhật
ký chứa đựng biết bao điều tâm sự thầm kín và nói hết hộ tâm trạng day dứt của người viết. Chẳng hạn:
“Trường Sơn, ngày… tháng… năm 1966.
Con đã nhận nhiệm vụ rồi bố mẹ ạ! Trợ lý hữu tuyến ở Sở chỉ huy cơ bản.
Nói là Sở chỉ huy nhưng không phải một căn hầm, một hang đá hay một dãy nhà liền kề như Uỷ ban huyện, xã đâu. Sở chỉ huy rộng bằng cả xã mình ấy. Bộ phận nọ
cách bộ phận kia hàng cây số. Gần nhất cũng phải vài trăm mét. Nơi con ở là miền
tây Quảng Bình, núi non hùng vĩ vô cùng. Suối ở đây có chỗ rộng như sông, rừng
nguyên sinh với những cây cổ thụ hàng trăm tuổi…
Có lẽ suốt đời cũng chẳng thể nào quên được cái tết Bính Ngọ đầy ý nghĩa
này. Tại trạm khách của Đoàn, anh em cũ mới như một nhà. Cũng mâm ngũ quả, bánh chưng, kẹo, thuốc lá như ai. Không có hoa đào, bù lại là hàng chục loại hoa
rừng thơm ngát. Vui vì tình đồng đội đầm ấm, song cũng buồn đến nẫu lòng, nhất là về đêm, nhớ quê, nhớ nhà không ngủ được.
Thà! Em yêu! Giữ gìn sức khỏe nhé! Thương em vô hạn. Anh hiểu lấy chồng
bộ đội em sẽ vất vả vô chừng. Anh sẽ cố gắng để xứng đáng với sự hy sinh thầm
lặng của em! Làm việc vừa sức, ăn uống đầy đủ để giữ gìn sức khỏe cho mình và
con em nhé! Ngày con ra đời, viết vài dòng cho anh. Anh khát khao, mong mỏi ngày
đó đến cháy lòng…”.
Tắc kè… tắc kè… tắc kè…
Hình như con tắc kè cũng đã buồn ngủ. Tiếng kêu nhỏ dần rơi vào đêm thăm thẳm. Tôi gấp sổ. Trang nhật ký đầu tiên ở chiến trường từa tựa một lá thư” [47, tr.12-13]. Lời độc thoại nội tâm của các nhân vật trong tiểu thuyết cũng có khi ở dạng
lời đối thoại ngầm, nhân vật đối thoại với một người nào đó trong trí tưởng tượng, có khi đối thoại với chính mình. Đó là lời của Toàn trong buổi chia tay với Út để về đồng bằng: “Liệu Út có hỏi lại Toàn, khi yêu em anh có nghĩ sẽ có một ngày buồn như thế này không? Liệu Út có trách Toàn rằng đồng bằng vốn bạc bẽo, khi khó thì dựa lưng vào núi, khi thành thì ngoảnh mặt về xuôi, như rừng quên lá mục bồi đắp cho rừng. Đàn ông thường nói dối. Họ chỉ nói thật, với họ, với họ mà thôi, về chính
lòng giả dối của họ. Toàn muốn thốt lên một lời xin lỗi: Anh xin lỗi em. Nhưng làm sao có thể xin lỗi một người đang đau đớn. Và liệu Út có tin lời xin lỗi ấy không?... Nhưng liệu đàn bà có tin lời xin lỗi của đàn ông không? Môi Toàn mặn đắng” [54, tr.229-230].
Ở đoạn độc thoại trên, Toàn vừa đối thoại với Út trong trí tưởng tượng, lại vừa đối thoại với chính mình.
Có thể thấy rằng, độc thoại nội tâm của các nhân vật trong tiểu thuyết chiến tranh cũng được các nhà tiểu thuyết khai thác đa dạng, phong phú:
2.2.2.1. Lời độc thoại nội tâm khắc họa tâm lý, tính cách nhân vật
Trong các tiểu thuyết chiến tranh, độc thoại nội tâm thường xuất hiện khi nhân vật ở trạng thái xúc động mạnh hoặc căng thẳng về tâm lý. Các nhà tiểu thuyết đã chú ý khai thác thế mạnh của độc thoại nội tâm để thể hiện những trạng thái tâm lý căng thẳng của nhân vật khi rơi vào tình thế éo le, phức tạp. Lời độc thoại nội tâm là nơi nhân vật trong các tiểu thuyết giải tỏa những cảm xúc, tâm trạng không thể diễn tả thành lời. Đó là lời độc thoại nội tâm của Đại tá Trần Bình trong Thượng Đức. Trước sự nôn nóng của một số chỉ huy, đặc biệt là cách đánh của Hoàng Đan… rất nhiều người lính đã phải bỏ xác nằm trên hàng rào Thượng Đức năm, sáu ngày nay vẫn chưa lấy ra được: “Trần Bình lặng lẽ không nói gì. Anh hơi xoay người quay mặt đi. Những người lính còn nằm trên hàng rào Thượng Đức năm sáu ngày nay chưa lấy ra được lại hiện về trước mắt anh. Không biết “cụ Hoàng Đan có ý định thể nghiệm một cách đánh thật không? Nhưng nếu vậy thì nguy hiểm quá. Ở thao trường, trong các cuộc diễn tập, “cụ” tha hồ thể nghiệm. Chứ ở đây thì không thể. Thể nghiệm ở chiến trường là đầu rơi máu đổ. Không được thể nghiệm trên xương máu đồng đội. Ông mong việc đó không nằm trong ý định của tư lệnh phó quân đoàn. Anh mong điều Lê Công Phê vừa nói chỉ là một giả định.
Đã nghĩ thế cho bớt phần day dứt mà nước mắt vẫn cứ ứa ra lăn dài trên má” [45, tr.447-448].
Đó còn là lời độc thoại nội tâm của Quế trong Cõi đời hư thực. Nhân vật được đặt vào một tình huống: nghe lại những lời dặn dò của người cha trước khi
qua đời được ghi âm vào một cuốn băng cát xét. Nghe xong, Quế thực sự xúc động, cô không tự đánh giá được tâm trạng của mình lúc đó là vui hay buồn: “Quế xúc động, chạy vào buồng nằm khóc. Không biết cô khóc vì vui, hay khóc vì buồn. Chỉ biết cô không kìm nổi lòng mình trước lời giống như từ biệt của cha, trước tình cảm lớn của cha và niềm vui tột cùng của cô Bằng trở thành mẹ của Bắc. Thế là Quế có hai người mẹ. Thế là Quế được làm dâu. Quế có mẹ chồng. Trời ơi sung sướng quá! Cha ơi, con có lỗi với cha nhiều lắm. Lẽ ra con cần phải hiểu cha, hiểu thế hệ của cha đã phải khổ cực thế nào chỉ để cho con, thế hệ con được hạnh phúc. Vậy mà con cứ thờ ơ, vô tư, coi việc hưởng thụ là đương nhiên, để cha phải đau đớn. Con, thế hệ con đòi hỏi ở cha, thế hệ cha nhiều quá, trong khi chiến tranh đã vắt kiệt tâm sức của cha. Thái độ vô trách nhiệm, đòi hỏi là bất hiếu phải không cha? Một đứa con bất hiếu với cha mẹ là bất hiếu với Tổ quốc – lời cha dạy con xin ghi nhớ” [50, tr.239]. Tâm lý của nhân vật Quế diễn ra trong dòng độc thoại nội tâm âm thầm, căng thẳng được tạo nên bằng hàng loạt những lời hỏi đáp về thái độ, trách nhiệm, sự đòi hỏi của cô đối với cha. Và chốt lại là lời ghi nhớ tất cả những lời cha dạy, dặn lại.
Trong dòng độc thoại của chị Bằng là những lời “dằn vặt” tự thú của một con người luôn khao khát, muốn được hưởng cái “dư thừa” của một người đàn ông như anh Củng nhưng “thất bại”. “Thất bại”, khiến Bằng suy nghĩ theo hướng tự bào chữa: “Chỉ vì Mạ đang điều trị trong bệnh viện mà Bằng không nỡ buộc anh Củng phản bội. Làm thế nó tội tội thế nào. Mạ nó khỏe mạnh lại đi một nhẽ. Bây giờ nó đau yếu, nằm đấy mình lợi dụng lấn lướt thì hèn lắm. Mà đã chắc, hoàn cảnh này anh Củng đâu đã chịu. Về nhà ngủ là phải, vừa tránh được tiếng, vừa để anh Củng dễ xử lý. Cứ từ từ vài ngày nữa có khi… đàn ông, anh nào chả thế” [50, tr.194]. Anh Củng ở nhà một mình. Anh có thói quen, tối nào trước khi vào giấc ngủ thì đều phải nghe những câu chuyện, những trang nhật ký viết về những trận đánh vẻ vang oai hùng trên chiến trận. Nếu không được nghe là anh lại lên cơn điên. Mọi ngày, vợ và con gái anh thay nhau làm việc đó. Hôm nay, vợ anh bị ốm phải nằm viện. Con gái anh đang trông mẹ ngoài đó. Chị Bằng là bạn thân của vợ chồng anh, từng
tham gia chiến đấu ngoài mặt trận. Hiện tại chị đang sống trong cảnh cô đơn và khao khát được làm mẹ lần nữa.. Những ngày vợ anh Củng nằm viện, chị Bằng sang làm thay công việc hàng ngày của vợ con anh : đọc nhật ký cho anh nghe. Đây là cơ hội hiếm hoi để chị Bằng thực hiện được khao khát đó. Nhưng chị vẫn “thất bại”. Điều này khiến chị day dứt và trong dòng độc thoại nội tâm ta thấy chị bào chữa cho sự “thất bại” đó.
Nhân vật Việt (Bên dòng Sầu Diện) cũng được đặt vào tình huống khiến anh không thể hiểu nổi: vẫn người phụ nữ ấy, vẫn đôi bàn tay ấy, ở hai thời điểm rất gần nhau nhưng lại có những cử chỉ, thái độ hoàn toàn khác nhau. Minh Việt là con riêng của bố. Mẹ mất, Minh Việt mới được nhận bố. Hôm đầu gặp vợ bố, Minh Việt chào là “dì”. Lập tức anh bị bà ta cho một cái tát như trời giáng vào mặt cùng những lời đay nghiến chua ngoa. Nhưng sau một hồi hỏi han, vợ bố đã cảm thông trước hoàn cảnh, số phận của Minh Việt và bà ta đã chấp nhận anh. Lúc này, khi tắm cho Minh Việt, bà ta thật ân cần và có những cử chỉ thật yêu thương với Minh Việt. Trước tình huống đó, Minh Việt thấy: “Lạ thật. Cũng người đàn bà này vừa nãy còn muốn nghiền nát nó ra, bây giờ lại ân cần kỳ cọ, tắm rửa cho nó. Cũng bàn tay này, vừa cho nó một cái tát vẹo mặt bây giờ lại luồn lách trên cơ thể nó như vờn như múa, mềm mại và yêu thương” [55, tr.126].
Qua độc thoại và đối thoại trong nội tâm nhân vật. Các nhà tiểu thuyết đã khám phá được chiều sâu tâm hồn con người với tất cả những diễn biến tâm lý phức tạp, những giằng xé bên trong của nhân vật. Điều này giúp bạn đọc có một cái nhìn đầy đủ hơn về con người.
2.2.2.2. Tổ chức độc thoại nội tâm dưới dạng lời nói nửa trực tiếp
Lời độc thoại nội tâm của các nhân vật trong tiểu thuyết chiến tranh ít theo kiểu truyền thống - là những lời độc thoại nội tâm có sự tách biệt rạch ròi giữa lời dẫn của người kể chuyện với lời miêu tả suy nghĩ của nhân vật mà chủ yếu là những lời mà ở đó có thể phân biệt được đâu là lời của người kể chuyện, đâu là lời của nhân vật, chúng nhòe vào nhau tạo thành dạng lời nửa trực tiếp.
Các nhà tiểu thuyết thường tổ chức lời độc thoại nội tâm hòa cùng tác giả hay lời người kể chuyện. Lời văn bề ngoài thuộc về tác giả nhưng nội dung và phong cách lại thuộc về nhân vật, nhà văn nhập vai nhân vật, từ điểm nhìn của nhân vật để phân tích, miêu tả tâm lí. Do đó lời văn có khả năng tự diễn tả được chiều sâu tâm trạng.
Độc thoại nội tâm dưới hình thức lời nửa trực tiếp thường đan xen, hòa lẫn với lời trần thuật. Chẳng hạn: “Hạnh phúc đến với chị thật khó, song cũng thật bất ngờ. Con ơi, mẹ có lỗi với con, lỗi lớn lắm. Bây giờ mẹ sẽ sống tất cả vì con, và lẽ ra con được hưởng như tất cả những đứa trẻ khác. Bố con xấu số đã bỏ xác nơi rừng xanh núi đỏ, con thơ dại phiêu bạt bốn phương, để mẹ suốt đời đau đáu, ân hận.
Chỉ suýt nữa chị Bằng đã đứng bật dậy ôm Bắc vào lòng để khóc, để gào lên cho bõ những ngày thương nhớ. Chị quyết ghìm lại, che giấu bằng cách cúi xuống mân mê chiếc ống nghe, cắn chặt hai hàm răng - cử chỉ không bình thường đối với