Giọng hoài nghi chất vấn

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 115)

1. 2 Đổi mới không gian

3.3.2.Giọng hoài nghi chất vấn

Bên cạnh giọng xót xa thương cảm ngậm ngùi ta còn thấy giọng hoài nghi chất vấn. Văn học trước 1975, đặc biệt là những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh thường mang giọng điệu ngợi ca hào hùng sảng khoái, ít khi sử dụng giọng hoài nghi chất vấn, nhất là sự hoài nghi của người lính cụ Hồ về chiến thắng trong một số trận đánh…Nhưng tiểu thuyết hôm nay sử dụng đa dạng giọng điệu để thể hiện một cách đầy đủ nhất những mảng khuất lấp mà các tác phẩm viết về chiến tranh giai đoạn trước 1975 chưa đề cập đến. Trong đó tiêu biểu là giọng hoài nghi chất vấn. Giọng hoài nghi là biểu hiện sự không tin tưởng vào những điều mình suy nghĩ hoặc không tin tưởng vào sự việc đã diễn ra. Ta hãy đến với tiểu thuyết Thượng Đức của Nguyễn Bảo Trường Giang. Trong cuộc họp bàn để đánh Thượng Đức lần thứ tư (ba lần đánh trước đều chưa giành được thắng lợi), gồm có Chủ tịch tỉnh Sáu Nam, Bí thư huyện ủy Hoàng Thủy, huyện đội trưởng Công Chiến, Cán bộ chủ chốt tiểu đoàn, các xã đội trưởng, xã đội phó… một người quê ở Thượng Đức - huyện đội trưởng Công Chiến, người mà Sáu Nam đánh giá là một trong những cán bộ huyện đội tốt nhất của tỉnh đã hăng hái đứng lên nói rõ sự hoài nghi của mình về trận đánh Thượng Đức lần này:

“- Tôi không được tin như đồng chí chủ tịch. Tôi không nghĩ ta đánh được Thượng Đức. Điều tôi nói, anh Sáu và các anh chị ở đây có thể không bằng lòng, nhưng đấy là sự thực.

………

- Tôi dựa vào chính tôi đây. Ba lần tôi được dự đánh Thượng Đức. Ba lần ta đều thất bại và may mắn đạn còn chê tôi.

Thì ra thế! Sáu Nam đã hiểu phần nào sự dao động trong lòng Chiến. Công tác tư tưởng khó là vậy. Những điều Chiến dẫn ra không sai. Ông cũng đã chứng kiến những lần đánh Thượng Đức. Bộ đội không lọt vô được trong hàng rào. Tổn thất người của đã đành, tổn thất về lòng tin đến nay vẫn còn đóng băng.

- Tôi thông cảm với anh Chiến. – Ông từ tốn nói – Nhưng những lần trước chỉ có quân khu và tỉnh. Lần này quân của Bộ vào, vũ khí của Bộ vào. Khác trước nhiều đấy anh Chiến ạ!

- Bộ, tôi càng nghi ngờ. – giọng Chiến to hơn, gương mặt anh cau lại như người chực cãi nhau – Họ mới vào nên chưa biết Thượng Đức là thế nào đâu. Cứ để rồi xem” [45, tr.164-165].

Như vậy, sự hoài nghi của Công Chiến là có cơ sở. Vì ba lần anh tham gia đánh Thượng Đức thì cả ba anh chứng kiến sự thất bại. Hơn nữa anh lại là người Thượng Đức nên anh hiểu rõ sức mạnh, sự hùng hậu, kiên cố của lực lượng và hầm hào, lô cốt cùng lòng tin của nhân dân Thượng Đức đối với phía bên kia chiến tuyến như thế nào. Cho dù đợt tấn công lần này có sự huy động rất lớn về người và vũ khí của Bộ. Cho dù sự hoài nghi của anh làm cho phòng họp ồn ào, bàn tán nhưng không phải ai cũng đủ can đảm và dũng khí để nói lên sự hoài nghi đó.

Đó còn là sự hoài nghi tự chất vấn của Chủ tịch Sáu Nam về sự việc Bí thư huyện Hoàng Thủy bị nghi là người làm lộ bí mật và có quan hệ bất chính với cô giao liên Cẩm Linh. Cho dù Sáu Nam chưa bao giờ có chút vương vấn về ý chí nghị lực của Thủy, nhưng: “Ai tin Thủy đây? Sao lại không tin một người bí thư huyện ủy tận tụy với phong trào như thế, được tin yêu đến thế, từng tâm huyết với cách mạng đến thế? Nhưng mà tin làm sao được đây khi dư luận đang nghi ngờ anh là thủ phạm của việc làm lộ bí mật. Tin làm sao đây khi mà bộ đội ta hành quân chiếm lĩnh bị địch phục, thương binh tử sĩ nằm la liệt ngoài đồng, súng ống rơi ngổn ngang. Tin làm sao đây khi các mũi, các hướng tấn công của quân ta vào Thượng Đức đều bị địch chặn lại. Bộ đội hy sinh ngoài cửa mở trong hàng rào không lấy

được xác. Một cuộc chiến đấu cứ y như địch đã giăng bẫy trước và ta như những kẻ bị chúng lừa…” [45, tr.350]. Dù có một niềm tin vững chắc về cấp dưới của mình – một bí thư huyện đầy trách nhiệm, ngời sáng lý tưởng cách mạng. Nhưng trước thực tế: tổn thất của ta quá lớn và dư luận xôn xao bàn tán, vì vậy mà trong lòng Chủ tịch Sáu Nam không thể không có những hoài nghi.

Ngay như đại tá Hoàng Trầm trong Thời hậu chiến của Nam Hà, khi về hưu, trở về quê nhà cũng không khỏi không có những hoài nghi và chất vấn lòng mình khi thấy thực tế đời sống ở nông thôn khác xa với những khẩu hiệu mà ông bị ám ảnh trong suốt thời gian chiến đấu: “Chủ nghĩa xã hội là chính quyền Xô Viết cộng

với điện khí hóa toàn quốc”. Qủa thực Hoàng Trầm bị ám ảnh bởi khẩu hiệu tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, năm trăm huyện là năm trăm pháo đài, rồi công nông liên hiệp xí nghiệp, công nông ngư nghiệp xí nghiệp… Sự liên hệ ấy là rất tự nhiên, bởi những chủ trương, những khẩu hiệu ấy đang bao trùm và chi phối cuộc sống của xã hội. Hoàng Trầm tự hỏi, bao giờ cái thị trấn miền núi này có điện cả ngày lẫn đêm? Bao giờ nó mất cái thực tế nghèo nàn và cái vẻ hoang sơ này? Bao giờ điện về tới xã Sơn Thanh? Tới nhà anh? Bận đánh nhau liên miên, Hoàng Trầm biết đường lối, chủ trương và những khẩu hiệu trên đây qua học tập nghị quyết các kỳ đại hội Đảng. Ông chưa tìm hiểu thực tế, nhưng chỉ mấy ngày về chuẩn bị làm dân thường, chỉ mới nhìn sơ sơ, nghe sơ sơ, nhưng ông đã có thể kết luận rằng, chủ nghĩa xã hội không phải là những khẩu hiệu vang vọng và to tát, không phải nghĩ và làm theo kiểu “mo cơm, quả cà với tấm lòng Cộng sản, sắp xếp lại giang sơn” [46, tr.65]. Qua đây chúng ta thấy rõ, một nhược điểm của chủ nghĩa xã hội lúc bấy giờ là khẩu hiệu đôi khi không đi liền với thực tế. Và để biến những khẩu hiệu đó thành hiện thực thì sự trung thành, nhiệt tình cách mạng chưa đủ mà cần đi sâu đi sát vào đời sống nhân dân, vào công việc cụ thể.

Đó còn là sự tự chất vấn bản thân với hàng chục câu hỏi khác nhau của Sáng trong Mạch máu của rừng. Trong niềm vui chiến thắng vô bờ, những người lính Trường Sơn như Sáng lại có những khoảng trời riêng, những khoảng lặng thầm kín.

Đó là nỗi nhớ quê hương, gia đình, nhất là nỗi nhớ người thân da diết, nhất là người vợ của mình: “Hình ảnh bố, mẹ, con, anh em, bè bạn… lần lượt hiện lên rõ nét trong tâm trí tôi. Lặp đi lặp lại và day dứt nhất là hình ảnh của Thà. Tôi vẩn vơ tự vấn mình bằng hàng chục câu hỏi đột nhiên cùng hàng chục câu trả lời chủ quan vừa rành rẽ vừa mơ hồ. Đại loại: “Hỡi Thà! Đêm giao thừa em có nhớ anh không? Anh cứ hình dung em như một cái bóng lướt từ nhà trên xuống nhà ngang sau đó nép vào một góc sân nào đó hướng về phía trời Nam”. “Đã bao giờ em thấy ân hận đến với anh và trách anh không? Khổ thân em quá. Thời gian hôn nhân thì dài đằng đẵng, chúng mình đến với nhau mới mười ba, mười bốn tuổi đầu, nhưng thời gian được làm vợ chồng thật sự thì lại ngắn ngủi quá chừng? Có đêm nào em khóc thầm không? Đừng! Anh tin em. Em là một người con gái can trường”. Mấy ngày anh tạt qua nhà vừa rồi đã mang thêm niềm vui cho chúng mình chưa? Anh tin niềm vui đó đã có và đang lớn dần, lớn dần em nhỉ”. “Có đêm nào em mơ về bố Sinh không? Nhất định bố sẽ phù hộ độ trì cho gia đình hai bên và chúng mình đấy”… “Nhiều lúc anh cứ nghĩ mình như một kẻ tàn nhẫn, vô trách nhiệm với em Thà ơi! Em có nghĩ thế không? Anh hy vọng em độ lượng tha thứ cho anh. Chiến tranh mà. Mọi đôi lứa đều phải chấp nhận cả thôi”… Qua hàng chục những câu hỏi như trên, giúp bạn đọc chúng ta hiểu rõ hơn về con người đời thường của những người lính. Trên mặt trận hay trong trận chiến, họ là con người công dân, con người cộng đồng, luôn sống hết mình vì lí tưởng, chiến đấu cho tổ quốc, sục sôi tinh thần căm thù giặc... Nhưng sau mỗi trận đánh, đặc biệt là sau mỗi chiến thắng, những khoảng lặng trong tâm hồn họ là nỗi nhớ, sự dằn vặt của bản thân, họ thấy mình thật có lỗi với những người thân yêu của họ, nhất là những người vợ ở hậu phương. Lúc đó họ sống với đúng con người cá nhân của mình, với những khao khát rất bình dị. Có như vậy thì mới phần nào làm cân bằng tâm hồn, tâm lý của những người lính tham gia chiến tranh với bao khó khăn mà họ phải chịu đựng.

Đó còn là sự tự vấn lương tâm của một người chiến sỹ dũng cảm tuyệt vời (Mùa hè buốt giá). Trong một đợt tấn công, đại đội bị vỡ trận, anh đã bắn rất nhiều kẻ thù nhưng khi bắt chết một thằng lính đã buông súng, giơ tay đầu hàng thì anh lại

dằn vặt, giày vò lương tâm. Anh cho rằng như thế là mình đã giết một con người chứ không phải một kẻ thù. Sự giày vò đó khiến anh quyết định “đào tẩu”: “… Tôi nghĩ là tôi đã giết nhiều lắm. Nhưng có một thằng lính, mặt non choẹt, nhìn thấy tôi lao đến, nó sợ hãi, buông súng, giơ tay đầu hàng. Tôi cũng không định giết nó đâu, nhưng không biết tại sao lúc đó tôi lại lẩy cò. Thằng lính ôm lấy ngực, ngơ ngác nhìn tôi một cách tuyệt vọng, rồi gục ngã. Tôi nhớ mãi cặp mắt của nó nhìn tôi, thủ trưởng ạ! Nó ngỡ ngàng, buồn bã, thất vọng làm sao ấy. Tôi tin là cho đến khi chết, thằng địch vẫn không hiểu tại sao, do đâu, nó đã đầu hàng mà vẫn còn bị giết? Thủ trưởng ơi! Có phải trước đó là tôi giết kẻ thù, còn sau đó là tôi giết người, đúng không? Tôi đã giết người, thủ trưởng ạ! Tôi ghê sợ chính bản thân tôi!” [48, tr.234]. Một hành động không cố ý, không phải do dã tâm nhưng qua sự dằn vặt này chúng ta thấy hình như trong tâm hồn nhàu nát của Duy Bình có một cái gì đó đang chết dần, đang tàn lụi. Anh đang phải sống trong đau khổ của một con người có một tấm lòng nhân đạo bao la và một trái tim rất Người. Bi kịch của chiến tranh là ở chỗ đó.

Như vậy, giọng hoài nghi chất vấn đã thể hiện rõ nhiệt tình muốn nhận thức lại, đánh giá lại hiện thực, làm nảy sinh ý thức tranh luận, đối thoại ở người đọc.

Rõ ràng, trong thế giới nghệ thuật của mình, các nhà viết tiểu thuyết chiến tranh đã tạo nên một hệ thống giọng điệu vừa đa dạng, phong phú, vừa độc đáo hấp dẫn. Giọng văn đa thanh này là kết quả tất yếu của hướng đi tìm kiếm lẽ đời trong số phận cá nhân và các vấn đề xã hội của nhà văn. Nhà văn đã từng bước hóa thân vào nhân vật để nói bằng tiếng nói của nhân vật, chuyển từ ý thức độc thoại sang ý thức đối thoại với bạn đọc.

PHẦN KẾT LUẬN

Do đặc điểm của lịch sử mà chiến tranh luôn là đề tài quen thuộc trong nền văn học Việt Nam. Tiểu thuyết là thể loại có khả năng phản ánh sâu rộng và có nhiều thành tựu về đề tài này. Ở mỗi thời điểm lịch sử, do sự khác nhau trong cách nhìn nhận, đánh giá mà thể loại này cũng có những thay đổi đáng lưu ý. Tìm hiểu lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng từ 2004 – 2009 là một hướng nghiên cứu có ý nghĩa trong việc tìm hiểu sự vận động của thể loại,biến đổi cả ở phương diện nội dung và thi pháp của thể loại được coi là chủ lực của nền văn học.

Nghiên cứu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh chúng tôi xin khái quát rút ra một số nhận xét sau:

1. Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh đã có sự vận động, thay đổi phù hợp với những biến đổi trong tư duy thể loại. Các nhà tiểu thuyết đã tìm đến những phương thức tổ chức lời văn nghệ thuật để miêu tả được sâu sắc bức tranh hiện thực và bộc lộ được nhiều nhất những cảm xúc chất chứa trong lòng. Lời văn nghệ thuật trong các tiểu thuyết chiến tranh chủ yếu được tổ chức theo hai phương thức cơ bản, cụ thể hóa một bước đối tượng phản ánh và bộc lộ những tình cảm, cảm xúc. Các phương thức ấy đã chi phối sâu sắc cấu trúc và các phương thức biểu đạt của lời văn.

2. Trong các thành phần cơ bản của lời văn thì lời văn miêu tả chiếm tỉ lệ lớn và đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng. Cảnh sắc thiên nhiên, tính cách và tâm trạng của nhân vật gây được những ấn tượng sâu sắc. Lời văn kể bộc lộ rất rõ thái độ, tình cảm chủ quan của người kể, nó thành công cả về giãi bày tâm trạng cũng như kể sự kiện. Đây chính là biểu hiện của tính sáng tạo, riêng biệt trong lời kể của các tác giả.

Lời phân tích bình luận cũng xuất hiện với một tần số không nhỏ để thực hiện chức năng phân tích, lí giải sự việc, đời sống ở chiều sâu của nó. Các chủ đề bình luận đa dạng, phong phú và rất gần gũi với đời sống của con người Việt Nam.

Trong lời trực tiếp của nhân vật thì chủ yếu là lời đối thoại, độc thoại nội tâm và được tổ chức dưới dạng lời nói nửa trực tiếp. Nó cho phép nhà văn miêu tả dòng chảy ý thức của nhân vật một cách tự nhiên, tác giả như hòa đồng cùng nhân vật, sống cùng nhân vật, nói bằng tiếng nói của nhân vật. Dòng đối thoại, độc thoại nội tâm dạng lời nửa trực tiếp diễn tả chiều sâu tâm trạng nhân vật. Đây cũng là sự sáng tạo nghệ thuật và cũng là một đóng góp đáng kể vào nền văn học nước nhà.

3. Các phương thức chuyển nghĩa so sánh, liên tưởng, tưởng tượng và biểu tượng được sử dụng nhiều cũng góp phần tạo nên sự sinh động trong phong cách trần thuật, làm cho tác phẩm trở nên sâu sắc, giàu sức truyền cảm và giàu sắc thái thẩm mĩ.

Về giọng điệu trần thuật, các nhà tiểu thuyết đã sử dụng nhiều giọng điệu khác nhau: giọng ngợi ca, giọng tố cáo, giọng xót xa thương cảm, giọng hoài nghi chất vấn…Điều độc đáo là có sự đan xen phối hợp các giọng điệu ngay trong bản thân mỗi tác phẩm tạo nên sự phong phú đa dạng trong thế giới tiểu thuyết.

Lời văn nghệ thuật là một vấn đề tương đối phức tạp, mà khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ chưa thể bao quát hết mọi phương diện. Chúng tôi cho rằng vấn đề này có thể tiếp tục phát triển theo một hướng nghiên cứu khác. Chẳng hạn, có thể xem xét lời văn nghệ thuật trong một phạm vi rộng hơn (toàn bộ tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh Việt Nam từ sau 1975 đến nay) hoặc có thể đi xem xét sâu hơn từng yếu tố cấu thành lời văn nghệ thuật (các phương tiện, các thành phần cơ bản, các phương thức chuyển nghĩa…).

Như vậy, luận văn còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề đáng nghiên cứu. Hi vọng, chúng tôi có thể giải quyết những vấn đề này ngày một toàn diện hơn ở những công trình nghiên cứu tiếp theo, với qui mô sâu, rộng hơn.

T

THHƯƯ MMỤỤC C TTHHAAMM KKHHẢẢO O (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết 2004 - 2009 về đề tài chiến tranh (trên cứ liệu 12 tiểu thuyết từ 2004 đến 2009 về đề tài chiến tranh) (Trang 115)