Phân loại các biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tà-ôi

Một phần của tài liệu Biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tàôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” (Trang 41)

7. Cấu trúc đề tài

2.2.Phân loại các biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tà-ôi

Cũng như nhiều tộc người khác, người Tà-ôi sử dụng nhiều mô típ hoa văn trên trang phục truyền thống của mình. Nó được xem như là một loại ngôn ngữ biểu trưng thể hiện những sắc màu tươi sáng của núi rừng, những mong ước giản dị về một cuộc sống bình yên và cả những ký ức xa xưa về lịch sử tộc người của họ.

Dưới góc độ là một biểu tượng, hoa văn trên trang phục truyền thống của người Tà-ôi chứa đựng nhiều lớp nghĩa và in sâu vào tiềm thức của các cá nhân trong cộng đồng. Hoa văn trên trang phục truyền thống của người Tà-ôi mang những chủ đề không quá xa với cuộc sống hàng ngày. Các biểu tượng đều bắt nguồn từ những hình ảnh quen thuộc trong lao động sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng và trong giới tự nhiên bao quanh con người. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu đi trước thì đã có gần 100 loại hoa văn khác nhau trên trang phục của người Tà-ôi. Mỗi hoa văn đều mang ý nghĩa riêng của nó và góp phần tạo nên bản sắc riêng đậm chất tộc người Tà-ôi.

Trên trang phục của người Tà-ôi, người thợ dệt đã sử dụng 3 loại hình chủ yếu để tạo nên biểu tượng hoa văn, đó là: Hình tam giác với bốn cách bố cục khác nhau, hình con thoi với hai bố cục ngang và dọc, đoạn thẳng cũng với hai nét dọc và ngang. Chỉ với 3 loại hình, 7 kiểu bố cục nhưng bằng sự khéo léo và mỹ quan của mình, những người phụ nữ Tà-ôi đã dệt nên cả một bức tranh đầy sinh động với các biểu tượng hoa văn về thiên nhiên, vũ trụ, con người, động thực vật... Người khác nhìn vào trang phục Zèng của người Tà-ôi không thấy chán, không thấy sự đơn điệu mà cảm nhận và lắng nghe được sự rung rinh của hoa lá, sự vui nhộn của những hình người nhảy múa, sự ríu rít ồn ào của chim muông thú rừng.

Có thể thấy rằng, việc phát hiện và giải mã các biểu tượng hoa văn trên sản phẩm Zèng của người Tà-ôi không phải là việc làm giản đơn. Đó là cả một quá trình tiếp cận lâu dài, tiếp cận đúng hướng, tìm đến đúng các hướng nghĩa cơ bản của các tín hiệu hoa văn. Bởi vì ẩn chứa bên trong các hình vẽ, các màu sắc, các phong cách bố cục hoa văn là tâm lý, nếp sống, là quan niệm thẩm mỹ, quan niệm về thế giới tự nhiên, là bản sắc văn hóa dân tộc, là tiến trình phát triển của lịch sử, văn hóa và sự giao thoa văn hóa của tộc người Tà-

ôi với các dân tộc khác. Biểu tượng hoa văn được dệt lên trên sản phẩm Zèng là sự bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tà-ôi.

Có thể phân chia hệ thống biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tà- ôi thành các nhóm cơ bản sau:

- Biểu tượng hoa văn về thực vật - Biểu tượng hoa văn về động vật

- Biểu tượng hoa văn về hiện tượng tự nhiên - Biểu tượng hoa văn về con người

- Biểu tượng hoa văn về đồ vật

Một phần của tài liệu Biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tàôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” (Trang 41)