Về mục đích sáng tạo và thông điệp chuyển tải

Một phần của tài liệu Biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tàôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” (Trang 82)

7. Cấu trúc đề tài

3.2.4. Về mục đích sáng tạo và thông điệp chuyển tải

Trong xã hội truyền thống, con người thêu dệt các biểu tượng hoa văn trên bộ trang phục không chỉ nhằm biến những sản phẩm có chức năng che đậy và bảo vệ cơ thể này thành công cụ làm đẹp, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ

của đời sống cộng đồng mà còn với mục đích chuyển tải biết bao thông điệp. Với cư dân Tà-ôi, từng đường thêu nét dệt đều là kết tinh của lối tư duy ứng xử cộng đồng và ứng xử tâm linh. Đồng bào luôn dành những bộ trang phục có những biểu tượng hoa văn đặc sắc nhất cho các dịp lễ hội, cưới hỏi vì họ tin rằng đó là thời điểm tốt nhất thể hiện sự tôn kính và biết ơn các vị thần.

Ngày nay với cuộc sống ngày càng cao, giao lưu văn hóa miền ngược miền xuôi ngày càng phát triển, nhận thức của đồng bào Tà-ôi cũng giống như đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung đã có nhiều thay đổi. Hoà nhập với nhịp sống hiện đại, đại đa số nam nữ thanh niên Tà-ôi ở A Lưới ăn mặc các trang phục hoàn toàn giống người Kinh. Họ cho rằng những trang phục này có mẫu mã đa dạng, phong phú, giá thành thấp và mặc rất tiện lợi. Những người bây giờ còn cảm thấy quý trọng và nâng niu bộ trang phục truyền thống có chăng chỉ là những người lớn tuổi của thế hệ trước.

Qua một buổi khảo sát tại chợ phiên A Lưới, đây là phiên chợ được họp từ tờ mờ sáng, diễn ra sự giao lưu buôn bán giữa dân tộc Kinh với các tộc người thiểu số Tà-ôi, Cơ Tu… chúng tôi vẫn bắt gặp một vài hình ảnh những bà, những mẹ người Tà-ôi mặc trang phục Zèng với những biểu tượng hoa văn hết sức giản đơn. Phỏng vấn bà Hồ Thị Lít, 63 tuổi (xã Nhâm, huyện A Lưới) về lý do tại sao bà không mặc trang phục giống như người Kinh, bà trả lời hồn nhiên: “ Mình chỉ thích mặc Zèng thôi, váy Zèng thoải mái và mát mẻ, không thích mặc loại áo quần khác.” Giữa phiên chợ nhộn nhịp đông đúc, trang phục truyền thống của các bà, các mẹ Tà-ôi chỉ xuất hiện như những chấm nhỏ mờ nhạt. Rõ ràng, người Tà-ôi đã không còn sử dụng phổ biến bộ trang phục truyền thống của mình như trước mà chỉ dùng trong các trường hợp đặc biệt hoặc khi có sự yêu cầu của chính quyền địa phương. Vì thế các biểu tượng hoa văn cũng ít có cơ hội khoe sắc.

Từ thực tế đó, mục đích của việc sản xuất các sản phẩm Zèng cũng như các biểu tượng hoa văn cũng có nhiều thay đổi. Những biểu tượng hoa văn vốn đậm chất tộc người nay không còn nhằm phục vụ nhu cầu chính của đồng bào mà chủ yếu hướng tới đối tượng khác ngoài cộng đồng, đó là các du khách nước ngoài và người Kinh. Chính từ đó mà các biểu tượng hoa văn bắt đầu dễ dãi về cả màu sắc và hình họa. Hơn nữa, các hoa văn cũng dần thoát khỏi thế giới tâm linh của con người và ngược lại, con người từ lâu không còn gửi gắm tâm tư, tình cảm vào chính đứa con tinh thần mà mình sáng tạo ra. Các hoa văn hiện đại dường như muốn đánh vào thị hiếu của khách hàng hơn là mang ý nghĩa biểu trưng cho văn hóa tộc người. Tất cả đang làm mất dần đi ý nghĩa văn hóa, nghệ thuật, tâm linh vốn có từ ngàn đời của các biểu tượng hoa văn.

Một phần của tài liệu Biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tàôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” (Trang 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w