Giá trị văn hóa, nghệ thuật

Một phần của tài liệu Biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tàôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” (Trang 71)

7. Cấu trúc đề tài

3.1.2.Giá trị văn hóa, nghệ thuật

- Giá trị văn hóa

Khi nói về giá trị văn hóa của trang phục, giáo sư Ngô Đức Thịnh đã nhận xét “trang phục là cái mà ở đó bản sắc dân tộc thể hiện rõ rệt, thường

xuyên và lâu bền nhất” [47;5], và tất nhiên các biểu tượng hoa văn đóng góp

phần lớn để tạo nên giá trị ấy.

Người Tà-ôi rất quý sản phẩm Zèng. Trong quan niệm của tộc người Tà-ôi, người có nhiều bộ trang phục bằng Zèng đắt tiền hiển nhiên là giàu có. Zèng ăn sâu vào tâm thức và trở thành một trong những chuẩn mực khi người con trai chọn vợ: ngoài lao động khỏe còn phải là người dệt giỏi và đẹp. Với số lượng khoảng 30 - 40 tấm, Zèng cũng trở thành của hồi môn cho người con

gái khi về nhà chồng. Ngay trên sản phẩm dệt này, ước mơ, hoài bão cũng như niềm hạnh phúc của những người thiếu nữ đều được thể hiện qua từng đường kim, mũi chỉ, màu sắc, hoa văn trang trí v.v..., bởi khi yêu nhau, người con gái thường tặng cho “ý trung nhân” của mình bộ trang phục gồm vải, áo, nịt bằng vải Zèng. Người con trai sẽ mang về tặng mẹ. Người con gái qua lễ vật này nhằm biểu hiện tình cảm đối với đấng sinh thành của chàng trai mà mình yêu dấu và chờ mong.

Zèng còn có ý nghĩa rất lớn trong ngày hội bởi đàn ông lẫn phụ nữ Tà- ôi đều mặc những trang phục rực rỡ, làm sáng lên không gian nơi mình cư trú. Bộ trang phục làm nên từ sự trang bị của người đàn ông và công lao khó nhọc của người phụ nữ không chỉ là phương tiện che thân, mà từ màu sắc, trật tự các dải màu, hoa văn trang trí… tự nó đã phô bày một dạng ngôn ngữ biểu tượng phong phú, vừa phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, vừa thể hiện những ước mơ bình dị trong tình yêu, sinh hoạt thường nhật, đời sống tâm linh - tín ngưỡng với những ước vọng sâu xa của nhiều thế hệ tộc người.

Các biểu tượng hoa văn trên sản phẩm Zèng, có thể xem là rất phong phú và đa dạng trong đối sánh với những tộc người cận cư, hoặc cư trú trên cùng khu vực. Chúng là minh chứng hiển hiện cho những cảm xúc và suy nghĩ nội tâm của người Tà-ôi về cuộc sống tự nhiên, cộng đồng xã hội qua quá trình cảm nhận. Hết thảy những hoa văn truyền thống trên Zèng đều là những sự vật, hiện tượng gần gũi với cuộc sống đời thường, chúng phản ánh rất rõ thế giới quan sinh động và tâm hồn nhạy cảm của người Tà-ôi. Các hệ thống hoa văn trang trí là sự kết hợp giữa yếu tố thẩm mỹ truyền thống và quan niệm của cộng đồng tộc người. Ngoài việc là sản phẩm thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay và trí thông minh sáng tạo, chúng còn là hình thức thể hiện ước mơ của nhiều thế hệ người về cuộc sống yên bình và phồn thịnh. Hoa văn

trang trí trên Zèng thực sự là phần không thể thiếu, góp phần định hình bản sắc Tà-ôi.

Thật khó diễn tả được những giá trị văn hóa tinh tế sâu lắng của nó cho sát nghĩa, sản phẩm tự nói lên tính thầm lặng mang nét cổ truyền độc đáo của người Tà-ôi. Theo đồng bào Tà-ôi, tấm Zèng đó là linh hồn của tổ tiên họ đã cứu vớt họ trong những lúc đau ốm bệnh tật, cưu mang che chở họ lúc gặp đói nghèo, điều đó được đồng bào thừa nhận.

- Giá trị nghệ thuật

Trang phục là một sản phẩm mỹ thuật và biểu tượng hoa văn trên trang phục chính là thành tố cấu thành nên sản phẩm đó. Các biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tà-ôi không chỉ mang ý nghĩa biểu trưng mà còn tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật đặc sắc trên nền tấm vải Zèng.

So sánh với đồ dệt thổ cẩm các tộc người cư trú khu vực Tây Nguyên, nghệ thuật đặc sắc và cũng chính là điểm nhận dạng rõ nét nhất trên sản phẩm Zèng của người Tà-ôi ở Thừa Thiên - Huế chính là hệ thống biểu tượng hoa văn trang trí bằng cườm, tồn tại song hành cùng với nhiều hoa văn bằng sợi vải đầy màu sắc khác. Giá trị nghệ thuật của tấm Zèng hay bộ trang phục của người Tà-ôi chính là sự sắp xếp chuỗi hạt cườm thành biểu tượng, và đôi lúc, vị trí xuất hiện của những biểu tượng này trên nền vải không giống nhau. Nhưng chính sự không giống nhau đấy lại là tiêu chí để phân loại Zèng. Ngoài giá trị sử dụng, sản phẩm Zèng chứa đựng những giá trị thẩm mỹ đáng được trân trọng, nó là nơi thể hiện tâm hồn, trí tuệ, tình cảm của đồng bào Tà- ôi. Qua đó còn thể hiện đầy đủ tư duy nghệ thuật độc đáo ở người phụ nữ Tà- ôi qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Cùng với bề dày lịch sử và diễn trình cư trú, kỹ thuật dệt đã tạo nên những mô típ hoa văn đặc trưng qua đôi tay của người phụ nữ Tà-ôi. Độ săn bền của sợi, kỹ thuật dệt hay trí tưởng tượng phong phú của các tộc người này

thể hiện trên những mô típ trang trí, có thể xem là kết tinh kinh nghiệm của rất nhiều thế hệ. Cùng trên hệ màu căn bản, nhưng sự lóng lánh của hạt cườm ở trang phục Tà-ôi đã làm nên đặc trưng nhận dạng, cũng như phản ánh toàn vẹn đời sống văn hoá vốn rất phong phú của cộng đồng tộc người cư trú trên dạng địa hình đầy khắc nghiệt. Biểu tượng hoa văn trên Zèng có thể xem là điển hình của nghệ thuật tạo hình dân gian Tà-ôi. Từ những đường chỉ nhỏ li ti tưởng chừng như đơn giản, các nghệ sĩ tạo hình Tà-ôi đã sáng tạo nên những hoa văn sống động, thậm chí kết hợp nhiều hoa văn với nhau nhằm hình thành nên các “đồ án” trang trí rất phức tạp. Để làm được điều đó, người phụ nữ Tà-ôi phải phô ra hết trí tuệ, sự khéo léo và tinh tế của mình. Đặc biệt, với sự xuất hiện của sợi vải theo công nghệ mới khắc phục được điểm yếu của sợi thủ công truyền thống đã tạo nên các biểu tượng hoa văn tinh xảo.

Trên Zèng của người Tà-ôi, giá trị nghệ thuật của các biểu tượng hoa văn còn được thể hiện ở cách phối màu. Trên nền đen chủ đạo, các hoa văn trắng bằng hạt cườm nổi lên thú vị, xen kẽ là những sợi chỉ màu đỏ, vàng, xanh nổi lên trên nền vải, không quá rực rỡ mà đủ gây ấn tượng với người đối diện. Nghệ thuật phối màu ấy làm cho bộ trang phục Zèng vốn giản dị trở nên vô cùng cuốn hút. Hơn nữa, các hoa văn được bố trí rất hài hoà, luôn có sự cộng hưởng, hỗ trợ nhau về màu sắc lẫn hoạ tiết, cùng nhau tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc mình. Tất cả cho thấy ý thức về cái đẹp, phong cách truyền thống, tư duy nghệ thuật và cao hơn nữa là thẩm mỹ quan tộc người đã được định hình, phát triển làm nên bản sắc độc đáo của người Tà-ôi.

Kho tàng văn học dân gian của người Tà-ôi cũng có những bài ca dao dân ca về nghệ thuật dệt và hoa văn trên trang phục dệt:

Úp bàn tay trái đã nên nét hoa lan

Ngồi xổm thêu được hình con chim én.

Ngồi nghiêng quay sợi thành bông gạo bông lau.

Có thể kết luận rằng, biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tà-ôi là các tác phẩm nghệ thuật được kết tinh từ lâu đời, là di sản văn hoá vô giá của đồng bào Tà-ôi.

Một phần của tài liệu Biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tàôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” (Trang 71)