7. Cấu trúc đề tài
3.2. Thực trạng biến đổi biểu tượng hoa văn trên sản phẩm Zèng hiện nay
3.2. Thực trạng biến đổi biểu tượng hoa văn trên sản phẩm Zèng hiện nay nay
Cũng giống như tự nhiên, mọi hiện tượng văn hoá hay xã hội đều không ngừng biến đổi và biến đổi liên tục. Sự ổn định của chúng chỉ là sự ổn định của bề ngoài, còn thực tế nó không ngừng thay đổi bên trong bản thân nó. Bất cứ xã hội nào và bất cứ nền văn hóa nào, cho dù nó có bảo thủ và cổ truyền đến đâu chăng nữa cũng luôn biến đổi. Sự biến đổi trong xã hội hiện đại ngày càng rõ hơn, nhanh hơn, và điều này cho thấy rõ hơn là sự biến đổi đó không còn là điều mới mẻ, nó đã trở thành chuyện thường ngày. Mọi cái đều biến đổi và văn hoá cũng giống như các hiện thực khác, không ngừng vận động và thay đổi. Biến đổi là xu hướng tất yếu trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay. Biến đổi cũng nhằm thích ứng với cuộc sống hiện đại, tạo ra nhiều cái mới, sản phẩm mới, tạo ra năng suất và hiệu quả gấp
bội so với cách thức sản xuất truyền thống, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trang phục và các biểu tượng hoa văn trên trang phục truyền thống của các dân tộc (trong đó có dân tộc Tà-ôi) hiện nay cũng nằm trong quy luật chung đó và đang có sự biến đổi về nhiều mặt. Các tác giả của Biểu tượng văn hoá thế giới khẳng định rằng:“Hiểu biểu tượng không thể chỉ căn cứ vào
diện mạo của nó, mà còn phải nhìn đến sự vận động của nó, môi trường văn hóa và vai trò của nó tại đây và lúc này” [26;17]. Thật vậy, các biểu tượng
hoa văn trên Zèng của người Tà-ôi hiện nay đã trải qua một quá trình hình thành, vận động và biến đổi. Từ nguyên liệu, màu sắc, hoạ tiết tạo nên biểu tượng cho đến mục đích sáng tạo và thông điệp chuyển tải được gửi gắm qua các biểu tượng hoa văn đều có những sự thay đổi đáng kể.
3.2.1. Về nguyên liệu tạo nên biểu tượng
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự biến đổi rõ rệt về nguyên liệu tạo nên các biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tà-ôi. Nếu như trước đây đồng bào Tà-ôi sử dụng sợi được chế biến thủ công từ cây bông để làm nguyên liệu thì bây giờ hoàn toàn sử dụng sợi công nghiệp. Hạt cườm bằng chì, bằng hạt cây cũng được thay thế bằng những hạt cườm bằng nhựa được bày bán trên thị trường.
Hiện nay sợi dùng để dệt Zèng thường dùng là sợi coton, sợi chỉ hoặc sợi len nhiều màu được bày bán rộng khắp trên thị trường. Sợi coton dệt thành vải Zèng được người dân và khách du lịch ưa chuộng nhất nhờ chất vải mềm, về mùa hè mặc mát và hút mồ hôi, về mùa đông thì ấm. Sợi coton mà người Tà-ôi thường dùng để dệt vải là sợi xe, kích thước khoảng 0.5mm người dân thường gọi là sợi 20/1 hoặc 20/2, nếu là sợi đơn thì phải chập hoặc quấn bằng tay cho to sợi để dệt. Sợi chỉ thường dùng là sợi xe coton có pha thêm ni lông cũng dùng để dệt Zèng, sợi chỉ thường có màu sắc tươi. Sợi len loại mảnh
cũng thường dùng để dệt vải Zèng để mặc vào mùa đông. Sợi len dệt vải cũng tốt vì vải mềm, ấm, màu sắc tươi nên người dân rất thích. Nhờ đường kính nhỏ, mảnh khảnh và bề mặt nhẵn bóng nên sợi công nghiệp mang lại sự uyển chuyển và thanh thoát cho các đường nét hoa văn.
Mặc dù sợi công nghiệp trông đẹp mắt và tiện lợi hơn so với sợi thủ công nhưng độ bền thì không bằng. Hơn nữa, với chất liệu sợi truyền thống, quá trình dệt nhanh hơn vì sợi to, ít co giãn và khi mang bán ở các khu du lịch thì được khách hàng chuộng hơn vì tính truyền thống của sản phẩm.
Những nhận định của các nhà nghiên cứu nhân học trong và ngoài nước, khi tiến hành những nghiên cứu thực địa tại địa bàn A Lưới đã khiến chúng ta phải lưu tâm. Qua sự đối sánh giữa mảnh vải Zèng cổ truyền - hiện đại, và tận mắt chứng kiến những gì đã và đang được thực hiện nơi đây, họ cho rằng tấm Zèng hiện nay rất đơn điệu và người Tà-ôi đang dần đánh mất truyền thống quý giá của mình qua việc sử dụng nguồn nguyên liệu công nghiệp và thực hiện biểu tượng hoa văn trên vải theo mẫu đặt hàng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nếu cứ như thế này thì tấm Zèng đầy thú vị của người Tà-ôi rồi cũng giống như tấm thổ cẩm của các dân tộc khu vực Tây Nguyên hay Tây Bắc, chúng không còn mang đậm bản sắc của cộng đồng tộc người.