Định hướng khôi phục và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống

Một phần của tài liệu Biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tàôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” (Trang 88)

7. Cấu trúc đề tài

3.4.1.Định hướng khôi phục và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống

Để bảo tồn các biểu tượng hoa văn trên sản phẩm Zèng thì điều đầu tiên và quan trọng nhất đó là phải khôi phục và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống. Trước những thay đổi của điều kiện tự nhiên và sự phát triển của xã hội thì việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại, mở đường cho việc khôi phục và phát triển nghề dệt Zèng nhằm bảo lưu vốn văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đồng bào Tà-ôi là một việc làm hết sức thiết thực. Tuy nhiên, cần phải thực sự có những hướng đi đúng đắn:

Thứ nhất, cần tổ chức trung tâm tư liệu sưu tầm, nghiên cứu và lưu trữ

những tài liệu liên quan đến nghề dệt của đồng bào Tà-ôi. Có thể xây một nhà truyền thống về nghề và sản phẩm dệt của đồng bào Tà-ôi tại trung tâm huyện để triển lãm, giới thiệu với du khách đến tham quan, du lịch. Ở đây sẽ trưng

bày các sản phẩm Zèng với mẫu mã đa dạng, trưng bày các công cụ dệt Zèng, hình ảnh về các hoa văn… Đây chính là điểm phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong các tour du lịch, giới thiệu bản sắc văn hoá Tà-ôi… và cũng là nơi để trao truyền kinh nghiệm, truyền nghề cho giới trẻ.

Thứ hai, tại các làng đã được công nhận là làng nghề dệt truyền thống,

cần có sự đầu tư, quan tâm đúng đắn của các cấp lãnh đạo. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều hợp tác xã sản xuất quy mô lớn như ở Thị trấn A Lưới, xã Phú Vinh, xã Nhâm, A Đớt, xã A Roàng. Ở một số làng ở xã A Đớt có rất nhiều người dân tham gia dệt Zèng và ngày càng nhiều người theo nghề và sống được với nghề. Đây chính là những địa điểm trọng yếu để tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm truyền nghề cho lớp trẻ ngay tại mỗi làng, làm hồi sinh, nâng cao vị thế và tác dụng xã hội tại các làng nghề. Các nghệ nhân dệt Zèng, những người nắm giữ tri thức nghề chính là hạt nhân cho việc phục nguyên mẫu hình truyền thống, và những hoạt động bổ trợ.

Thứ ba, vấn đề nguyên liệu cho việc sản xuất là vấn đề nan giải và hết

sức cấp thiết để phát triển nghề dệt. Các cơ quan ban ngành liên quan của huyện A Lưới cần có động thái tích cực, quan tâm giúp đỡ bà con bằng cách liên hệ với các nhà máy sợi để mua sợi về cho đồng bào. Nhưng để có hiệu quả cao nhất thì cần có biện pháp phục nguyên công đoạn sản xuất truyền thống với các vật liệu truyền thống. Đó là những gì mà du khách mong muốn được tận mắt chứng kiến. Hy vọng sẽ có một giống bông phù hợp với khí hậu - thổ nhưỡng vùng phía tây Thừa Thiên - Huế, và mang lại hiệu quả cho người Tà-ôi.

Thứ tư, cần phối kết hợp nghề dệt với nhiều hoạt động tương hỗ để tạo

nên sự đa dạng cho các loại hình sản phẩm du lịch. Mô hình xây dựng làng du lịch miền núi là một trong những hướng đi cần chú được chú ý. Sản phẩm

Zèng tự thân nó đã là một sản phẩm văn hoá - du lịch, nhưng rồi sẽ khó lòng tồn tại, nếu không có những hoạt động phụ trợ song hành, tạo nên sự đang dạng của một tour du lịch. Một bộ phận hay một làng nghề dệt Zèng sẽ trở nên đơn điệu, nếu không gắn kết chúng vào mô hình làng du lịch miền núi, hoặc chí ít là gắn với những loại hình du lịch sinh thái, du lịch nhân văn, những hoạt động giới thiệu vốn ẩm thực, hay những sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian trong những không gian cổ truyền của người thiểu số…

Thứ năm, tranh thủ vốn đầu tư của các chủ đầu tư trong và ngoài nước để

phát triển nghề dệt và quảng bá sản phẩm. Thời gian trước đây, với sự đầu tư hỗ trợ của tổ chức N.A.V việc nhân rộng mô hình sản xuất, sản phẩm dệt đã có cơ hội phát triển mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho một bộ phận người thiểu số. Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM) thuộc Liên hiệp hội Thừa Thiên - Huế cũng đã bỏ vốn đầu tư dự án phát triển thị trường cho nghề dệt ở Phú Vinh, A Lưới. Dự án này kết thúc cũng đã phát huy tác dụng trong việc duy trì, phát triển nghề dệt Zèng ở địa phương, giúp cho nhiều chị em phụ nữ ở hai thôn Phú Thành và Phú Thượng, xã Phú Vinh được nâng cao tay nghề và vay vốn với lãi suất ưu đãi phục vụ dệt Zèng. Hiện nay, ngày càng có nhiều dự án du lịch lớn hướng đến A Lưới để phát triển loại hình du lịch miền núi, tìm hiểu bản sắc văn hóa tộc người: Dự án Du lịch tiểu vùng sông Mê Kông triển khai tại A Lưới giai đoạn 2009 - 2013 với việc hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp giới thiệu các sản phẩm truyền thống với tour, tuyến du lịch đã góp phần phát triển bền vững nghề dệt Zèng. Và Zèng của người Tà-ôi chính là sản phẩm du lịch đầy hấp dẫn. Cần có sự quảng bá rộng rãi đến với người dân để các giá trị truyền thống của tộc người được biết đến nhiều hơn.

Một phần của tài liệu Biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tàôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” (Trang 88)