7. Cấu trúc đề tài
2.1.2. Lý thuyết giải mã văn hoá
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của trào lưu chuyển hướng ngữ học, ký hiệu học nên các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều đến vấn đề “mã” và “giải mã”. Rất nhiều các tên sách, bài viết, tham luận sử dụng các thuật ngữ này. “Mã” (code) được hiểu là những yếu tố cụ thể mang thông tin nhất định, đó là các tín hiệu, kí hiệu, biểu tượng, hình tượng, là nhân tố trung tâm của hoạt động giao tiếp giữa người với người. “Mã” là hình thức, vẻ bề ngoài, là phần trội nhất thể hiện tinh thần của đối tượng. Nó có thể cảm nhận được bằng giác quan, có ý nghĩa đại diện và nằm trong một hệ thống nhất định.
Mã văn hoá là yếu tố mang thông tin về văn hoá, chủ yếu là các tín hiệu và biểu tượng. Mã văn hoá mang tính truyền thống, tính nhân bản và tính nghệ thuật bởi nó được sáng tạo bởi con người và hướng về cái đẹp. Theo nhà nghiên cứu Trần Lê Bảo, “Mã văn hoá là kết tinh của các giá trị văn hoá, là
phần nổi trội nhất, cơ bản nhất, có tính ổn định tương đối của cộng đồng. Nó biểu hiện ra ngoài bằng các tín hiệu văn hoá, biểu tượng văn hoá, chìm sâu bên trong là vô vàn lớp nghĩa luôn đòi hỏi giải mã thì mới có thể hiểu được con người và cộng đồng đó.” [2;26]
Muốn hiểu được mã văn hoá cần phải tiến hành giải mã. Giải mã là phát hiện thông tin trong yếu tố mang thông tin. Giải mã là một nhiệm vụ nhân thức, thế nhưng thao tác giải mã lại vượt ra ngoài phạm vị hoạt động nhận thức và hoạt động tự giác. Bởi đây là lĩnh vực của giao tiếp, trong đó có các cơ chế mã hóa, lưu giữ, truyền đạt thông tin, giải mã. Giải mã chính là một thao tác nền tảng, thể hiện sự hoạt động hợp mục đích và sự phát triển của mọi hệ thống tự tổ chức, nhưng quan trọng nhất là hoạt động giao tiếp trong xã hội dưới mọi hình thức.
Trong giải mã văn hoá thì giải mã biểu tượng được xem là có ý nghĩa hơn cả. Biểu tượng bao giờ cũng có hai nửa, một nửa “biểu trưng” và nửa kia là “cái được biểu trưng”. “Cái được biểu trưng” luôn thôi thúc người nghiên cứu khám phá, tìm tòi để tìm ra các lớp nghĩa của nó. Hiểu được ý nghĩa của các biểu tượng là hiểu được hệ giá trị văn hoá của một dân tộc. Vì toàn bộ giá trị của mỗi nền văn hoá luôn được kết tinh lại trong các biểu tượng.
Áp dụng các lý thuyết trên vào việc tiến hành nghiên cứu đề tài này, có thể thấy các biểu tượng hoa văn trên trang phục Tà-ôi chính là các mã văn hoá. Việc giải mã các biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tà-ôi chính là việc tìm hiểu về các lớp nghĩa ở bề nổi, bề sâu của các hoa văn để khám phá đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng dân tộc Tà-ôi ẩn chứa trong các lớp nghĩa đó.