7. Cấu trúc đề tài
3.3.1. Sự thay đổi về môi trường sống
Trước đây, người Tà-ôi sống chủ yếu dựa vào tự nhiên. Thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ chính là không gian sinh tồn ngàn đời của đồng bào, nó tác động nhiều đến nếp sống, nếp suy nghĩ, tâm lý, thẩm mỹ quan của tộc người. Núi rừng bạt ngàn với thảm thực vật, động vật đa dạng chính là nguồn cảm hứng vô tận để con người sáng tác các hoa văn. Bên cạnh đó, khí hậu, điều kiện đất đai thổ nhưỡng trước đây phù hợp cho việc trồng bông lấy sợi để dệt vải. Nhờ đó, người Tà-ôi có nguồn nguyên liệu dệt sợi vải và hoa văn đa dạng, phong phú. Nhưng thời gian, chiến tranh đã có những tác động lớn đến sự thay đổi môi trường tự nhiên. Rừng bị tàn phá, điều kiện tự nhiên thay đổi và nguồn cung cấp nguyên liệu dệt đã không còn như xưa. Nghề trồng bông, lấy sợi, dệt vải của đồng bào không có nhiều khả năng phục hồi bởi điều kiện khí hậu thổ nhưỡng không phù hợp trên địa bàn huyện. Nguyên liệu dệt là sợi vải bông trở
thành vấn đề hết sức khó khăn của đồng bào Tà-ôi. Không gian sinh tồn không còn đủ sức khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ để sáng tạo.
Không chỉ có môi trường tự nhiên thay đổi mà môi trường xã hội cũng có rất nhiều biến chuyển. Xã hội ngày càng phát triển hơn, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và toàn cầu hoá hiện nay đã tác động đến nhiều ngõ ngách, thôn bản của người Tà-ôi. Đồng bào ngày càng tiếp xúc với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, công nghệ thông tin gõ cửa từng nhà. Môi trường văn hoá, xã hội của người Tà- ôi đã có nhiều chuyển biến lớn, hoà theo nhịp sống của thời hội nhập.
Chính những thay đổi về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đã kéo theo những thay đổi về nguồn nguyên liệu và cách thức sáng tạo các biểu tượng hoa văn trên Zèng của người Tà-ôi.