1. Lịch sử trên thế giới
Lich sử phát triển kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) gia súc trên thế giới trải qua nhiều giai đoạn. Thời kỳ sơ khai phải kể đến I.I. Ivanov (Nga), L. Spallanzani (Italia) và sau đó là Bibbiena là những người đầu tiên làm thí nghiệm trên tằm để thụ tinh nhân tạo. Truyền thuyết kể rằng thụ tinh nhân tạo bắt nguồn từ thế kỷ XIV nói rằng: Một tù trưởng của một bộ lạc nọ vì muốn có được dòng ngựa tốt của một bộ lạc thù địch, trong đêm tối đã sai người hứng tinh dịch của một con ngựa đực của đối thủ vào một nắm bông và nhét vào âm hộ ngựa cái của mình. Ít lâu sau ngựa của ông ta có chửa và sinh ra con ngựa như ông mong muốn. Năm 1898 Heape (Anh) phát hiện ra chu kỳ sinh dục gia súc làm nền tảng khoa học cho kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Ở Mỹ, Pearson và Harrison phát hiện ra phương pháp dẫn tinh ngựa và bò.
Sự bùng nổ của kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đạt được sau khi Joseppe Amantea, người Italia phát minh ra âm đạo giả năm 1914. Phát minh này đã giải quyết một loạt khó khăn trong việc lấy tinh các loại gia súc nhất là ngựa và loài dạ cỏ.
I.I. Ivanov (1917) cùng với V.K. Milovanov (1934) là những người đầu tiên đưa ra cơ sở khoa học và thực nghiệm về pha loãng và bảo tồn tinh dịch với dung dịch điện giải (NaCl, KCl), Phillips (1940), Salisbury (1943) cải tiến môi trường pha loãng và bảo tồn với lòng đỏ trứng gà, Na-Citrate, kháng sinh đã thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thụ tinh nhân tạo gia súc ngày càng được hoàn thiện theo thời gian và có được sự phát triển cả về mặt quy mô lẫn chiều sâu như ngày nay [2-4].
2. Lịch sử ở Việt nam
Ở Việt nam, kỹ thuật TTNT được bắt đầu từ năm 1957 tại Học viện Nông - Lâm, nay là trường Đại học nông nghiệp I thuộc huyện Gia Lâm - Hà Nội. Năm 1958, TTNT đã được tiến hành cho lợn ở An Khánh - Hà Tây. Đầu năm 1960, TTNT cho bò, 1961 TTNT cho trâu, 1964 cho ngựa. Vào những năm 70, cơ sở đông lạnh tinh dịch bò dạng viên do Cuba viện trợ đã tiến hành ở Moncada thuộc Ba Vì - Hà Tây. Năm 1986, Viện Chăn nuôi đã ứng dụng thành công TTNT cho gà, năm 1990 cho ngỗng, 1991 TTNT lai xa giữa ngan và vịt, 1995 TTNT cho dê, 1997 TTNT cho chó nghiệp vụ.
Cho đến nay, TTNT cho lợn, bò là phát triển hơn cả. Cả nước có 79 trạm (năm 1999) và 36 phân trạm với trên 2.000 cán bộ kỹ thuật và hàng vạn dẫn tinh viên, số lượng lợn, bò đực giống được sử dụng vào TTNT trên 1.500 con [5, 6].