Nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp thực chất là nguồn lao động đang làm việc trong các KCN và nguồn lao động có nhu cầu làm việc trong các KCN. Đây chủ yếu là lao động phục vụ trong các ngành công nghiệp phù hợp có nhu cầu làm việc trong các KCN được tuyển dụng vào làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp trong KCN; là lực lượng lao động nhàn rỗi trong dân cư chưa có việc làm và có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong KCN; là lực lượng lao động nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp làm KCN có nhu cầu tìm việc; là lực lượng lao động mới ra trường có nhu cầu tìm việc làm.
Nguồn nhân lực khu công nghiệp mang những đặc điểm riêng biệt, được hình thành trong quá trình phát triển KCN. Thông thường lao động làm việc trong các KCN đòi hỏi phải đạt được một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề nhất định. Phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về tác phong, kỷ luật lao động công nghiệp... Tuy nhiên, không phải lao động nào khi bước vào làm việc trong các KCN đều đáp ứng được mọi yêu cầu. Như vậy về bản chất, một trong những nội dung phát triển nguồn nhân lực cho các KCN là chuẩn bị cho người lao động các điều kiện để có thể làm việc tốt trong các KCN. Nhu cầu là vậy, còn hiện nay, KCN là nơi đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam từ lao động phổ thông, lao động nông nghiệp, lao động trình độ thấp trở thành đội ngũ lao động của nền công nghiệp hiện đại, phù hợp với trình độ công nghệ áp dụng vào sản xuất đạt trình độ khu vực và quốc tế. Trong số lao động được tuyển vào doanh nghiệp thì lao động phổ thông cơ
bản được đào tạo, kèm cặp tại doanh nghiệp theo yêu cầu của công nghệ và dây chuyền trong sản xuất.