Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa (Trang 68)

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch dựa trên nền tảng quyền và nghĩa vụ của các bên trong một hợp đồng dân sự, thương mại thông thường như nghĩa vụ giao hàng đúng chất

lượng, số lượng; cung cấp chứng từ, thông tin liên quan đến hàng hoá; nghĩa vụ thanh toán tiền, quyền nhận hàng đúng chất lượng, số lượng… Ngoài ra, các bên còn có một số quyền và nghĩa vụ đặc thù chỉ tồn tại trong hợp đồng giao sau, Luật Thương mại 2005 đã ghi nhận các quyền và nghĩa vụ đặc thù này. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng để xác định hiệu lực pháp lý của hợp đồng và là cơ sở để xác định các trường hợp vi phạm hợp đồng của các bên.

2.4.3.1 Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng kỳ hạn

Đối với hợp đồng kỳ hạn, Điều 65 của Luật Thương mại 2005 quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gồm nghĩa vụ giao hàng và nghĩa vụ thanh toán của các bên.

Hợp đồng kỳ hạn trước hết cũng là một hợp đồng mua bán hàng hóa, nên tương tự như quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá thông thường, trong hợp đồng kỳ hạn, bên bán có nghĩa vụ giao hàng, bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán. Khoản 1 Điều 65 quy định:“Trường hợp người bán thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán”. Quy định này nhằm ràng buộc trách nhiệm các bên trong hợp đồng. Trường hợp một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình sẽ bị coi là căn cứ để xác định vi phạm hợp đồng.

Tuy nhiên, hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch còn là một loại hình mua bán đặc thù, vì vậy các bên còn có thể không giao nhận hàng mà thanh toán cho nhau một khoản tiền. Khoản tiền này được hiểu là khoản lợi nhuận trong hợp đồng kỳ hạn mà họ tham gia. Khoản tiền đó được tính là khoản chênh lệch giữa giá thị trường của hàng hoá tại thời điểm giao nhận hàng với giá của hàng hoá đã được hai bên thoả thuận trong hợp đồng. Giá trị thị trường của hàng hoá tại thời điểm thực hiện hợp đồng làm căn cứ để tính

khoản chênh lệch phải là giá do Sở giao dịch công bố. Việc này chỉ áp dụng khi các bên có thoả thuận, còn trường hợp không phải là sự thoả thuận của các bên thì việc không giao nhận hàng của các bên sẽ là sự vi phạm nghĩa vụ giao nhận hàng và thanh toán theo hợp đồng, là một trong các trường hợp vi phạm hợp đồng và được giải quyết theo quy định của pháp luật về vi phạm hợp đồng. Khoản 2 và 3 Điều 65 quy định: “2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên mua có thể thanh toán bằng tiền và không nhận hàng thì bên mua phải thanh toán cho bên bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện; 3. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên bán có thể thanh toán bằng tiền và không giao hàng thì bên bán phải thanh toán cho bên mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.”

Quy định này tạo đã thuận lợi và chủ động cho các bên khi thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng. Nó cũng là căn cứ xác định khoản tiền mà các bên phải thanh toán cho nhau, tránh trường hợp tuỳ tiện khi tính mức tiền chênh lệch.

2.4.3.2 Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng quyền chọn

Trong hợp đồng quyền chọn, quyền và nghĩa vụ của các bên mang tính chất đặc thù. Điều đó xuất phát từ đặc trưng của hợp đồng quyền chọn, bao gồm hợp đồng quyền chọn mua và hợp đồng quyền chọn bán, là việc bên mua trả tiền để có được quyền mua hoặc bán một hàng hoá xác định với mức giá định trước và bên mua có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hoá đó. Điều 66 của Luật Thương mại 2005 quy định

quyền và nghĩa vụ trong việc trả tiền cho quyền mua, quyền bán và trong việc thực hiện việc mua hoặc bán hàng hoá của các bên theo hợp đồng.

Khoản 1 Điều 66 quy định: “Bên mua quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán phải trả tiền mua quyền chọn để được trở thành bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán. Số tiền phải trả do các bên thoả thuận”. Theo quy định này, nghĩa vụ của bên mua quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán phải thanh toán khoản tiền mua quyền chọn cho bên kia theo giá mà các bên đã thoả thuận. Khi đã thanh toán số tiền đó thì bên mua mới trở thành bên giữ quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán.

Khoản 2 Điều 66 quy định: “Bên giữ quyền chọn mua có quyền mua nhưng không có nghĩa vụ phải mua hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng”.

Quy định này đã thể hiện đặc trưng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng quyền chọn. Ở đây, bên giữ quyền mua có quyền mua hàng, chứ không phải có nghĩa vụ phải mua hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng, do đó, ngay cả khi bên giữ quyền mua không mua hàng hoá như đã giao kết trong hợp đồng thì đó không phải là vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp “bên giữ quyền chọn mua quyết định thực hiện hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ phải bán hàng hoá cho bên giữ quyền chọn mua. Trường hợp bên bán không có hàng hoá để giao thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện”. Như vậy, khi bên giữ quyền mua thực hiện việc mua bán hàng hoá theo hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ phải bán hàng hoá. Nếu bên bán không có hàng hoá để giao cho bên giữ quyền mua thì phải thanh toán một khoản tiền tương ứng với mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch công bố với giá thoả thuận trong hợp đồng. Quy định này đã bảo vệ quyền chọn mua

cho bên giữ quyền khi mua hay không mua hàng và ngay cả khi không mua được hàng do bên bán không có hàng.

Khoản 3 Điều 66 cũng đặt ra các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên giữ quyền chọn bán tương tự như quyền và nghĩa vụ của bên giữ quyền chọn mua quy định tại khoản 2 Điều 66.

Việc bên giữ quyền chọn quyết định không thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng sẽ đương nhiên hết hiệu lực.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá còn được quy định bởi các điều khoản do Sở giao dịch tiêu chuẩn hoá như điều khoản về chủng loại, chất lượng, giao nhận, thanh toán…

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa (Trang 68)