Hoàn thiện một số nội dung pháp luật khác về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa (Trang 97)

qua Sở giao dịch hàng hóa

3.2.6.1 Chuẩn hóa các khái niệm cơ bản

Pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hiện hành còn một số khái niệm cơ bản chưa được giải thích hoặc chưa nêu rõ được bản chất, gây khó khăn cho việc giải thích và áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch cần làm rõ những khái niệm cơ bản như khái niệm hợp đồng kỳ hạn, ủy thác mua bán hàng hóa, hoạt động môi giới… và bổ sung thêm các khái niệm cần thiết khác.

Khái niệm “Hợp đồng kỳ hạn”: Khái niệm “hợp đồng kỳ hạn” là một trong những khái niệm cơ bản của nội dung pháp luật về hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn. Tại Điều 64 Luật Thương mại 2005 quy định “Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết

nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng”. Tuy nhiên từ những phân tích ở trên, có thể nhận thấy, định nghĩa này chưa nêu rõ được bản chất của hợp đồng kỳ hạn với tính chất là một loại hợp đồng mua bán được ký kết tại thị trường giao sau có tổ chức. Thực tiễn mua bán kỳ hạn và pháp luật về vấn đề này ở một số nước cho thấy, có thể tiếp cận khái niệm về hợp đồng kỳ hạn một cách đầy đủ hơn, đúng bản chất của nó hơn, đó là “Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận về việc mua bán hàng hóa tương lai được ký kết tại Sở giao dịch hàng hóa, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hóa tại một thời điểm trong tương lai theo kỳ hạn và giá giao sau của hợp đồng” [10].

Khái niệm “hoạt động môi giới”: Luật Thương mại 2005 quy định “Thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá chỉ được phép thực hiện các hoạt động môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá và không được phép là một bên của hợp đồng mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá (Khoản 2 Điều 69 Luật Thương mại 2005). Tuy nhiên khái niệm “hoạt động môi giới” chưa được Luật Thương mại hay NĐ 158/2006/NĐ-CP làm rõ. “Hoạt động môi giới” của thương nhân môi giới bao gồm những hoạt động cụ thể gì, phạm vi hoạt động đến đâu cần được làm rõ để có thể hiểu và áp dụng chính xác. Việc giải thích rõ về nội dung và phạm vi của hoạt động môi giới của thương nhân trong mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch cũng liên quan chặt chẽ đến việc nghiên cứu lại bản chất hoạt động của thành viên kinh doanh và thành viên môi giới theo lý luận và luật thực định của các nước trên thế giới.

Ngoài ra, khi xây dựng một đạo luật điều chỉnh chi tiết về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, những khái niệm khác cũng cần được chuẩn hóa và giải thích, định nghĩa rõ ràng, như khái niệm “Sở giao dịch

hàng hóa”, “hàng hóa mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa”, “ủy thác mua bán hàng hóa”

Bên cạnh đó, pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam nên quy định thêm một số khái niệm khác cho phù hợp với thực tế hoạt động của thị trường hàng hóa giao sau. Chẳng hạn, ngoài việc quy định thế nào là thành viên môi giới, thành viên kinh doanh, pháp luật hầu hết các nước còn đưa ra khái niệm “người tư vấn”. Do tính phức tạp và rủi ro của việc ký kết các hợp đồng trên thị trường hàng hóa giao sau, các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng cần có những thông tin, kiến thức về thị trường này nhằm đưa ra những quyết định mua bán đúng đắn và hợp lý. Không phải tất cả chủ thể đều am hiểu các vấn đề liên quan tới ký kết hợp đồng, những diễn biến trên thị trường, do vậy rất cần đến người tư vấn. Họ là người am hiểu sâu sắc về những lĩnh vực mà khách hàng quan tâm, giúp khách hàng đưa ra những quyết định hợp lý nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhất. Trong Luật mua bán hàng hóa tương lai bang Ontario, Canada, “người tư vấn” được hiểu là “người hoặc công ty tham gia kinh doanh hoặc tự doanh tư vấn cho người khác về mua bán các hợp đồng” (Phần 1 Giải thích từ ngữ). Còn trong Luật về Sở giao dịch hàng hóa nông sản Thái Lan, “người tư vấn giao dịch kỳ hạn” “người được Tổng Thư ký cấp phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn cho các bên muốn tham gia vào giao dịch kỳ hạn tại Sở giao dịch” (Điều 3).

3.2.6.2 Hoàn thiện pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài của thương nhân Việt Nam

Hoàn thiện pháp luật về quy chế thương nhân môi giới, thương nhân hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài là một

trong những yêu cầu của quá trình hoàn thiện tổng thể hệ thống pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.

Hiện nay Quốc hội và Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan nhà nước có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về lộ trình, điều kiện và phạm vi đối với hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá ở nước ngoài của thương nhân Việt Nam. Thực tế cho thấy rất nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính của Việt Nam đã và đang xúc tiến việc trở thành trung gian môi giới đưa các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường thế giới thông qua việc tham gia mua bán hàng hóa qua các Sở giao dịch nước ngoài. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng rất quan tâm tới cơ hội mở rộng thương mại thông qua các thị trường hàng hóa giao sau có tổ chức ở các nước trên thế giới. Vậy cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về lộ trình, điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động mua bán hàng hóa tại các Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thuận tiện để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động mua bán hàng hóa giao sau qua các Sở giao dịch hàng hóa trong và ngoài nước của thương nhân Việt Nam.

3.2.6.3 Hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lý vi phạm trong mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa

Như phân tích tại Chương 2, pháp luật Việt Nam mới dự liệu các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch mà chưa có văn bản quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực này. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước. Cách thức liệt kê các hành vi và quy định mức xử phạt tương ứng cho các hành vi đó sẽ thuận tiện, dễ dàng hơn cho cả chủ thể tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch và cả cơ quan nhà nước khi áp dụng chế tài để xử lý vi phạm. Các thương nhân, tổ chức, cá

nhân sẽ dễ dàng hơn trong việc nắm bắt các quy định, đâu là các hành vi bị cấm, bị coi là vi phạm pháp luật khi họ tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch, chế tài sẽ áp dụng khi họ thực hiện các hành vi đó là gì. Điều đó cũng có tác dụng lớn trong việc giáo dục, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch khi họ biết trước các chế tài mình phải chịu khi thực hiện các hành vi đó. Đối với các cơ quan nhà nước khi tiến hành xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân cũng dễ dàng áp dụng hơn khi có những quy định chi tiết, cụ thể về hành vi vi phạm và chế tài xử lý tương ứng cho từng hành vi.

Kết luận Chương 3: Luật Thương mại 2005 và NĐ 158/2006/NĐ-CP

với những quy định về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa đã tạo tiền đề pháp lý cho việc xây dựng và phát triển một cách thức mua bán hàng hóa có nhiều ưu điểm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia tích cực vào thị trường thế giới, thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập thương mại của nước ta. Tuy nhiên, Luật Thương mại 2005 và NĐ 158/2006/NĐ-CP chưa quy định được hết các vấn đề cần thiết để điều chỉnh hình thức mua bán mới mẻ này, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về vấn đề này, như việc xây dựng và ban hành danh mục hàng hóa được phép mua bán qua Sở giao dịch, quy chế hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài cho thương nhân Việt Nam… hay hoàn thiện các quy định đã ban hành nhưng còn bất cập, chưa hợp lý. Ngoài ra, do chưa có Sở giao dịch hàng hóa nào ra đời và hoạt động tại Việt Nam nên chưa có điều kiện kiểm nghiệm về tính khả thi, phù hợp của pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch trên thực tế. Khi Sở giao dịch hàng hóa được thành lập, hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch đã diễn ra trên thực tế sẽ có những cơ sở thực tiễn đầy đủ hơn để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về mua bán hàng hóa trên thị trường giao sau.

KẾT LUẬN

Qua phân tích khái quát bức tranh tổng thể về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa và pháp luật thực định Việt Nam về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, tác giả hy vọng góp phần hoàn thiện được nhận thức chung về vấn đề này, qua đó thấy rõ thêm sự cần thiết thành lập Sở giao dịch hàng hoá và việc xúc tiến hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, đặc biệt là hàng hoá nông sản.

Nghiên cứu, phân tích thực trạng pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa và so sánh với pháp luật một số nước trên thế giới, có thể thấy Việt Nam đã bước đầu xây dựng được một hàng lang pháp lý tương đối phù hợp cho việc hình thành và phát triển thị trường mua bán hàng hóa giao sau có tổ chức. Tuy nhiên sẽ cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vấn đề này. Luận văn đã đưa ra một đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ở Việt Nam, với mong muốn được đóng góp công sức của mình vào việc xúc tiến thành lập và hoạt động Sở giao dịch hàng hoá, hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước một vấn đề phức tạp, mới mẻ và chưa có thực tiễn kiểm nghiệm như vậy, với trình độ và kiến thức còn hạn chế, tác giả không kỳ vọng sẽ giải quyết được thấu đáo mọi khía cạnh mà đề tài đặt ra. Tác giả hy vọng sẽ được trở lại đề tài này trong một công trình khoa học ở tầm cao hơn.

Cuối cùng, tác giả xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc tới TS. Nguyễn Thị Dung, đã hướng dẫn, chỉ bảo rất tận tình trong suốt quá trình tác giả nghiên cứu đề tài này./.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa (Trang 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)