Các nước trên thế giới cũng thường dự liệu một phạm vi điều chỉnh khá rộng khi xây dựng pháp luật về mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá, theo đó rất nhiều loại hàng hoá được xác định là có thể đưa vào mua bán trong Sở giao dịch.
Ví dụ, Luật mua bán hàng hoá tương lai của Hàn Quốc 2002 quy định:
hàng hoá sau đây: 1. Sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng, thuỷ sản, lâm nghiệp, khoáng sản, năng lượng, các sản phẩm được sản xuất hoặc chế biến từ các sản phẩm đó và các sản phẩm tương tự khác (dưới đây gọi chung là "hàng tiêu dùng"); 2. Tiền tệ, chứng khoán, chi phiếu, phí dịch vụ hoặc các loại hàng hoá khác không phải là hàng tiêu dùng (bao gồm cả các loại hàng hoá mà lãi suất hoặc các khoản được hưởng khác đã được tiêu chuẩn hoá để đảm bảo cho việc tiến hành kinh doanh hàng hoá tương lai một cách hiệu quả; dưới đây gọi chung là "khoản thu tài chính"); và 3. Bảng mục chỉ số (Indexation) về giá, lãi suất… của các sản phẩm nêu tại khoản 1, 2 điều này (dưới đây gọi chung là chỉ số)” (Điều 2. Phạm vi điều chỉnh).
Hay Luật về mua bán hàng hoá tương lai của Bang Ontario, Canada quy định: “hàng hoá được hiểu là hàng hoá nông sản, lâm sản, hải sản, khoáng sản, kim loại, nhiên liệu hydrocarbon, tiền tệ, đá quý, và bất kỳ một loại hàng hoá, vật phẩm, dịch vụ, quyền hoặc lợi ích dù ở dạng gốc hay đã qua chế biến được lựa chọn làm hàng hoá theo các quy định trong Luật này”
(Mục 1. Phần Giải thích từ ngữ).
Trên cơ sở những hàng hoá được pháp luật cho phép giao dịch mua bán qua Sở giao dịch hàng hoá, các Sở giao dịch thường lựa chọn một số mặt hàng đưa vào kinh doanh (thường là 2, 3 hoặc 4 mặt hàng, phổ biến là ngũ cốc, cà phê, các loại nông sản khác), được quy định rõ trong giấy phép thành lập và điều lệ hoạt động của Sở. Sở giao dịch chỉ có thể đưa một hàng hoá vào giao dịch trên thực tế cũng như áp dụng các hợp đồng chuẩn hoá cho chúng khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Việc thẩm định xem một mặt hàng nào đó đưa vào thị trường hàng hoá giao sau và các điều khoản chuẩn hoá của nó có phù hợp thực tế hay không là một việc không đơn giản. Về lý thuyết, không có sự hạn chế về loại hàng hoá được giao dịch trên thị trường hàng hoá giao sau. Tuy nhiên, thực tiễn giao dịch hàng hoá giao
sau trên thế giới cho thấy, những hàng hoá có lượng giao dịch nhiều, có sự biến động lớn về giá cả là những hàng hoá phát sinh nhu cầu mua bán hàng hoá giao sau. Những Sở giao dịch hàng hoá trên thế giới lựa chọn đối tượng mua bán là hàng hoá nông sản hoặc một số hàng hoá khác được coi là thế mạnh trên thị trường quốc tế như len, vàng (Sở giao dịch kỳ hạn Sydney), kim loại màu (Sở giao dịch London - London Metal Exchange)… Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, nếu Việt Nam thành lập Sở giao dịch hàng hoá thì có thể lựa chọn một số mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu… để đưa vào giao dịch trên thị trường.
Tại Việt Nam, Luật Thương mại 2005 và NĐ 158/2006/NĐ-CP không quy định cụ thể hàng hoá được giao dịch tại Sở giao dịch mà giao cho Bộ Trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) quy định về vấn đề này. Điều này cũng hợp lý, giúp cho cơ quan quản lý của Việt Nam có thể linh hoạt trong việc lựa chọn các mặt hàng phù hợp để đưa vào giao dịch trong các Sở giao dịch hàng hóa. Tại Điều 68 của Luật Thương mại 2005 và Điều 32 NĐ 158/2006/NĐ-CP quy định: Danh mục hàng hoá giao dịch tại Sở giao dịch hàng hoá do Bộ trưởng Bộ Thương mại quy định trong từng thời kỳ, Sở Giao dịch hàng hóa chỉ được tổ chức thực hiện hoạt động mua bán các loại hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá do Bộ trưởng Bộ Thương mại quy định. Chất lượng, đơn vị đo lường và các tiêu chuẩn khác của hàng hoá do Sở Giao dịch hàng hóa công bố phù hợp với pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường hiện hành.
Về khái niệm “hàng hoá”, trong các quy định về mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá tại Luật Thương mại 2005 và NĐ 158/2006/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể nên có thể hiểu theo nghĩa chung được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005: