Hàng hóa vận chuyển là đối tượng của hợp đồng. Những điểm quan trọng về hàng hóa đã được đề cập chi tiết ở phần đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển. Tuy nhiên, có một vài điểm đáng lưu ý:
Trong hợp đồng, các bên phải quy định rõ tên hàng, loại bao bì, khối lượng, các đặc điểm của hàng hoá. Trường hợp vận chuyển hàng nguy hiểm (dễ cháy, dễ nổ ...) người thuê vận chuyển phải thông báo cho người vận chuyển biết trước. Về số lượng hàng hoá: tuỳ theo đặc điểm của mặt hàng, có thể thuê vận chuyển theo trọng lượng hoặc theo thể tích, không nên quy định chính xác số lượng hàng hoá thuê vận chuyển, mà thường ghi kèm theo tỷ lệ hơn kém (dung sai) ví dụ: dự kiến khoảng 8.000 tấn; tối thiểu 5.000 tấn tối đa 7.000 tấn. Khi gửi Thông báo sẵn sàng bốc hàng, thuyền trưởng sẽ tuyên bố chính thức số lượng hàng hoá cần chở tới người thuê vận chuyển. Nếu giao và xếp lên tàu ít hơn số lượng quy định, người vận chuyển sẽ thu tiền cước khống. Ngược lại, người vận chuyển không nhận hết số lượng hàng quy định, người thuê tàu có quyền đòi bồi thường những chi phí liên quan đến việc tàu bỏ lại hàng.
Trong trường hợp thuê bao (Lumpsum) phải quy định rõ người vận chuyển cam đoan cung cấp đầy đủ trọng tải hoặc dung tích đăng ký của tàu để chở loại hàng hai bên thoả thuận. Cước phí thuê tàu trong trường hợp này sẽ tính theo đơn vị trọng tải hoặc dung tích đăng ký của tàu.
Khi cần thuê chuyên chở nhiều loại hàng hóa cần chú ý ghi thêm chữ “và/ hoặc” để thuận tiện cho việc lựa chọn, thay đổi hàng cũng như tránh cho các tranh chấp không đáng có sau này.