3.2.2.1. Hỗ trợ sản xuất và giải quyết việc làm cho người nghèo - Hỗ trợ tín dụng
Các chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo tại Hà Giang được thực hiện chủ yếu thông qua Ngân hàng chính sách xã hội gồm 18 chương trình tín dụng dành cho người nghèo với mức lãi suất thấp. Cụ thể, cho vay theo Nghị quyết 30a: 0%; cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn: 0%; cho vay làm nhà 167: 3%/năm; cho vay hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo: 0%; cho vay hộ nghèo: 7,8%/năm… Từ 2005-2013, có 150.153 lượt hộ nghèo được vay với số vốn 1.614 tỷ đồng. Đến hết năm 2013, có 70.103 hộ nghèo dư nợ với số tiền hơn 965 tỷ đồng, mức bình quân khoảng 14 triệu đồng/hộ.
Bảng 3.1. Hỗ trợ tín dụng cho sản xuất của hộ nghèo
Nội dung Năm 2005 Năm 2010 Năm 2013
Số lượt hộ nghèo được vay vốn (hộ)
20.923 9.150 11.016
Lãi xuất (%) 0.65% 0.65% 0.65%
Tổng số tiền cho vay (triệu đồng)
65.220 128.000 204.455
Số tiền vay bình quân/hộ (triệu đồng)
3,117 13,99 18,56
(Nguồn số liệu: Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Giang)
Qua bảng số liệu thông kê trên có thể thấy, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho hộ nghèo vay phát triển sản xuất trong gần 10 năm qua liên tục được
tăng cường, hạn mức cho vay cũng được cải thiện đáng kể, lãi xuất cho vay ổn định so với biến động của lãi xuất tín dụng thị trường, đã tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo tiếp cận được với nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất.
Bên cạnh các chương trình tín dụng trực tiếp cho giảm nghèo, các chương trình tín dụng khác phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng đã góp phần thúc đẩy quá trình giảm nghèo, cụ thể như: Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn.
Thủ tục cho vay đối với hộ nghèo khá thuận lợi và đơn giản, chủ yếu là tín chấp thông qua các đoàn thể và Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc tổ chức giao dịch tại xã của Ngân hàng chính sách xã hội đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân, mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ hiệu quả cho từng hộ nghèo. Bộ máy của Ngân hàng chính sách xã hội được tổ chức hợp lý, năng động, nâng cao khả năng quản lý, nợ quá hạn luôn ở mức khoảng 2%.
Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng…
Tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hạch toán kinh tế hộ gia đình cho 368.227 lượt người tham gia, triển khai 276 mô hình khuyến
nông - lâm, xây dựng 236 chuyên mục khuyến nông trên Báo, Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Ngoài ra, Chương trình nông nghiệp trọng tâm từ ngân sách tỉnh: Hằng năm ngân sách tỉnh trích bình quân 10 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ giống lúa lai, ngô lai, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất, trồng cỏ chăn nuôi, hỗ trợ trả lãi vay ngân hàng...
Có thể khẳng định, việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, đã có tác động đến đại đã số người nghèo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua theo dõi và đánh giá của các ngành chuyên môn cho thấy:
Nguồn vốn tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là đối với chương trình cho vay hộ nghèo mặc dù nguồn vốn này đã tăng, một số chương trình vốn bổ sung thấp hoặc chưa bố trí vốn kịp thời. Tỉnh cũng đã chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội, nhưng tổng nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư của ngân sách địa phương thấp, chưa đến 1% tổng nguồn vốn huy động.
Hạn mức cho vay tín dụng còn thấp, lãi suất và thời gian cho vay, hạn mức tối đa cho vay chưa linh hoạt để tạo điều kiện cho hộ gia đình chủ động thực hiện các giải pháp sinh kế thoát nghèo phù hợp, chủ yếu dựa vào định mức của từng chương trình tín dụng. Trên thực tế hạn mức hiện nay chưa phù hợp đối với một số ngành nghề sản xuất và một số cây công nghiệp. Tỉ lệ hộ nghèo được vay vốn ở mức tối đa không nhiều, chỉ khoảng 10%, một số chương trình tín dụng chưa lồng ghép mục đích với hạn mức tín dụng cho vay.
Việc cho vay sản xuất, kinh doanh chưa gắn kết tốt với việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh, chưa kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa và một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích đã hạn chế hiệu quả của vốn vay.
Do có nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo cùng tồn tại và trong mỗi chính sách có qui định rõ về đối tượng hưởng lợi nên thực tế đã có những sự trùng lặp về đối tượng, phân tán về nguồn lực và làm giảm hiệu quả của chính sách. Một hộ nghèo có thể được thụ hưởng tới 12 chương trình ưu đãi tín dụng. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 10/2010, Hà Giang có 98 ngàn hộ vay từ 4 đến 6 chương trình tín dụng, hộ vay có dư nợ cao nhất lên đến 141 triệu đồng. Việc cho phép một hộ được thụ hưởng cùng một lúc nhiều chính sách tín dụng làm nhu cầu vốn phát sinh ngày một lớn, trong khi nguồn lực có hạn, đồng thời gây khó khăn trong công tác xác định đúng đối tượng và quản lý vốn của NHCSXH.
Việc xác định đối tượng được thông qua các đơn vị ủy thác là các tổ chức đoàn thể cũng là cách làm đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có thể dẫn đến trùng lặp do họ đồng thời là phụ nữ, là thanh niên và là nông dân.
Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm
Trong hỗ trợ sản xuất, việc giao vốn, cấp phát giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ sản xuất thường chậm so với thời điểm mùa vụ, một số chưa phù hợp với địa bàn dẫn đến hiệu quả đạt thấp; thủ tục và thời hạn thanh quyết toán theo từng năm nên khó thực hiện hỗ trợ các loại hình sản xuất có thời gian dài hơn 1 năm (như cây ăn quả, cây công nghiệp…).
Việc phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn gặp khó khăn do trình độ nhận thức, ngôn ngữ của một bộ phận người nghèo và năng lực còn hạn chế của một bộ phận cán bộ khuyến nông, khuyến lâm. Việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi còn nhỏ lẻ, một số chương trình chỉ hỗ trợ một lần không đủ thời gian làm quen, thích nghi nên chưa mang lại hiệu quả. Hoạt động chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận thị trường, tác động đến hiệu quả của giảm nghèo bền vững.
Việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, mô hình khuyến nông để giảm nghèo đạt được kết quả ở quy mô thí điểm nhưng khó khăn
khi nhân rộng. Bên cạnh đó, các mô hình giảm nghèo còn manh mún, thiếu tính liên kết chặt chẽ giữa các hộ tham gia, thường chỉ tồn tại mối liên hệ giữa cán bộ khuyến nông và từng hộ gia đình hoặc trong phạm vi địa bàn nhỏ lẻ.
Thông qua các chương trình dự án đã giải quyết việc làm mới cho hơn 110.347 lao động, trong đó 9.610 lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp ngoại tỉnh và 2.861 lao động đi xuất khẩu lao động. Giải quyết cho 9.508 dự án vay vốn quỹ quốc gia về việc làm với tổng số tiền 137.122 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10.761 lao động; các chính sách tạo việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,02%, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên 86,2% (Nguồn số liệu: Sở Lao động - TBXH Hà Giang).
Như vậy, tỷ lệ tạo việc làm tại khu vực nông thôn, nhất là các địa bàn khó khăn còn thấp, các chính sách chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, tạo việc làm tại các địa bàn này. Mục tiêu hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động chưa đạt được, sau 4 năm mới đưa được hơn 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài so với mục tiêu 1.020 lao động/năm.
3.2.2.2. Hỗ trợ về giáo dục - đào tạo và dạy nghề
Giáo dục luôn được Đảng ủy và chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, ngoài việc hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết, thiết bị học tập cho học sinh nghèo, học sinh con em dân tộc thiểu số; để con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được đến trường, tỉnh Hà Giang đã đi đầu trong việc hỗ trợ cho học sinh học bán trú từ năm 2005 đến nay, HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành các Nghị quyết hỗ trợ học sinh bán trú dân nuôi và hỗ trợ học sinh bán trú chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhờ vậy tỷ lệ huy động học sinh đến trường ngày càng tăng cao.
Bảng 3.2. Một số chỉ tiêu phản ánh kết quả phát triển Giáo dục Hà Giang
Nội dung Năm 2005 Năm 2010 Năm 2013
Số Lớp Mẫu giáo 1.441 2.269 2.547
Số Học sinh Mẫu giáo 24.838 40.950 52.890 Số Giáo viên Mẫu giáo 1.613 2.874 3.376 Số trường học phổ thông Trong đó: Tiểu học Trung học cơ sở Trung học phổ thông 349 137 98 18 408 178 156 21 415 184 161 22 Số Lớp học phổ thông Trong đó: Tiểu học Trung học cơ sở Trung học phổ thông 7.013 5.092 1.541 380 7.105 4.833 1.770 452 7083 4.813 1.786 484 Số học sinh học phổ thông Trong đó: Tiểu học Trung học cơ sở Trung học phổ thông 150.225 87.127 47.069 16.029 138.817 75.725 47.075 16.017 140.114 77.139 47.055 15.929 (Nguồn số liệu: Cục Thống kê Hà Giang)
Qua Bảng số liệu trên, có thể thấy giáo dục mầm non tại Hà Giang đã có sự bứt phá, đây là tiền đề cho việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi trẻ em đến trưởng phải làm quen với tiếng phổ thông trước khi học văn hóa. Ngoài ra, qua bảng số liệu cũng cho ta thấy xu hướng học lên cao ở bậc trung học cơ sở đã dần được cải thiện, điều này sẽ là tiền đề cho tương lai giảm nghèo bền vững đối với một tỉnh dân tộc và miền núi như Hà Giang.
Bảng 3.3. Tổng hợp số liệu hỗ trợ về Giáo dục
TT Nội dung Năm 2005 Năm 2010 Năm 2013
1 Số học sinh được miễn giảm học
phí 92.040 120.220 42.473
2 Số học sinh được hỗ trợ chi phí
học tập - 135.458 64.950
3 Số học sinh được hỗ trợ sách GK,
đồ dùng HT 79.049 93.894 -
4 Kinh phí hỗ trợ (Triệu đồng) 32.945 120.361 265.637
(Nguồn số liệu: Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Giang)
Qua bảng tổng hợp, có thể thấy, chính sách hỗ trợ cho học sinh có nhiều biến động, tuy nhiên kinh phí bố trí cho thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục ngày càng tăng, đã góp phần giúp cho nền giáo dục của Hà Giang tăng cả số và chất lượng. Theo số liệu thống kê của tỉnh Hà Giang, năm học 2013- 2014, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà con em hộ nghèo có điều kiện tham gia học tập như các trẻ em khác, tỷ lệ huy động trẻ từ 0-2 tuổi đi nhà trẻ đạt 26,3%, trẻ từ 3-5 tuổi đi mẫu giáo đạt 92,6%, trẻ từ 6-14 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 98,13%.
Bảng 3.4. Một số chỉ tiêu phản ánh kết quả đào tạo nghề
Nội dung Năm 2006 Năm 2010 Năm 2013
Quy mô tuyển sinh 6.174 13.150 19.815
Mạng lưới cơ sở dạy nghề 4 15 18
Đội ngũ giáo viên dạy nghề 28 147 412 Tỷ lao động qua đào tạo
Trong đó qua đào tạo nghề
15,8% 10,8% 30,5% 24,5% 41% 32,8%
(Nguồn số liệu: Sở Lao động - TBXH Hà Giang)
Được sự quan tâm của tỉnh, công tác đào tạo nghề được triển khai thuận lợi đã tạo điều kiện cho người lao động tham gia học nghề, số lượng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Nghị quyết 30a của Chính phủ, mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng, nâng cấp; cơ sở vật chất trang thiết bị được đầu tư; đội ngũ giáo viên được bổ sung; ngành nghề đa dạng phù hợp với nhu cầu học nghề của lao động và thị trường lao động; chất lượng dạy nghề từng bước được nâng lên. Số lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả cao hơn.
Năm 2005 trên toàn tỉnh chỉ mới có 04 cơ sở dạy nghề, nhưng đến hết năm 2013 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 18 cơ sở dạy nghề trong đó: 01 trường Cao đẳng nghề, 01 Trung cấp nghề; 12 Trung tâm dạy nghề công lập; 01 Trung tâm dạy nghề tư thục và 03 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Từ năm 2005-2013 các cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 115 ngàn người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 10,8% năm 2006 lên 32,8% vào cuối năm 2013.
Tuy nhiên, qua theo dõi và quản lý của các ngành chức năng Giáo dục - Đào tạo và Lao động - TBXH tỉnh Hà Giang, có thể thấy còn rất nhiều vấn đề
trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục - đào tạo và dạy nghề. Đào tạo cử tuyển chưa gắn với nhu cầu sử dụng, chậm khắc phục những hạn chế về chất lượng trong cử tuyển, có khoảng 1/3 số sinh viên của tỉnh sau khi đi học cử tuyển chưa có việc làm. Còn khoảng cách chênh lệch khá lớn về khả năng tiếp cận giáo dục giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa các nhóm dân tộc và giữa các khu vực, đặc biệt tại các xã, các vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao.
Thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà trong việc lập danh sách, cấp phát kinh phí hỗ trợ giáo dục đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, một số vướng mắc trong thực hiện quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP và Thông tư Liên tịch 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH chưa được các Bộ, ngành xử lý, hoặc xử lý không kịp thời. Tỉ lệ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề còn thấp so với chương trình chung. Số người nghèo được đào tạo làm nghề mới không nhiều, phần lớn vẫn làm nghề cũ (90%), chủ yếu là đào tạo ngắn hạn.
Công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh nói chung cũng như ở các địa bàn khó khăn chưa hợp lý, chưa đạt mục tiêu. Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề, nhất là ở cấp huyện chưa hợp lý dẫn đến lãng phí trong đầu tư. Một số nơi hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, dạy nghề chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động, còn hình thức và chưa thu hút được sự quan tâm của người nghèo, việc giao chỉ tiêu đào tạo nghề chưa gắn với yêu cầu cụ thể của người nghèo, địa bàn sinh sống và nhu cầu sử dụng. Hầu hết các địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách đi ̣a phương