Mô hình canh tác lúa màu

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng môi trường đất, nước và xây dựng hệ thống canh tác thích hợp trên đất nhiễm phèn mặn ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre (Trang 30)

Canh tác cây lúa liên tục trong nhiều năm liền đã làm cho đất đai ngày càng suy kiệt, đồng ruộng mất cân bằng sinh thái, sâu bệnh có điều kiện bộc phát gây hại, năng suất lúa có khuynh hướng giảm,… do đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên những vùng đất độc canh cây lúa là thật sự cần thiết (Trịnh Thị Thu Trang, 1997). Hơn nữa, luân canh cây màu là giải pháp cắt đứt nguồn sâu bệnh hại cho lúa, tạo được năng suất lúa cũng khá hơn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, giữ gìn hệ sinh thái bền vững (Liyange et al., 1986). Phong trào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ độc canh lúa sang mô hình canh tác kết hợp được phát triển mạnh vùng ven biển ở ĐBSCL ở cuối những năm 1990. Theo tổng hợp của trung tâm khuyến nông các tỉnh vùng ĐBSCL, thời gian qua, nông dân đã áp dụng rất hiệu quả 4 mô hình chuyển dịch xen canh trên đất lúa như: lúa - bắp; lúa - cá; lúa - tôm và lúa - rau, vừa góp phần phá thế độc canh cây lúa, cắt đi nguồn sâu bệnh có hại trên đồng ruộng, vừa cho hiệu quả kinh tế cao.

Tại Bến Tre, trong những năm qua, những vùng sản xuất lúa liên tục 3 vụ/năm, thì có 1 vụ dịch bệnh trên lúa xuất hiện nhiều và năng suất thấp, đó là vụ Hè Thu nên không mang lại hiệu quả cho người sản xuất, do đó việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ sản xuất độc canh cây lúa sang luân canh cây màu trên ruộng lúa (2 vụ lúa - 1 vụ màu, hoặc 2 vụ màu - 1 vụ lúa) là một giải pháp nhằm tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân đồng thời giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Bến Tre (2010), hiện nay một số mô hình canh tác đang được các hộ dân triển khai như: Mô hình lúa - dưa leo (huyện Mỏ Cày Nam), mô hình lúa - khổ qua (huyện Châu Thành), mô hình lúa - ớt cay (huyện Ba Tri) đều có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên đây là những mô hình tự phát, do người dân tự mài mò, tích lũy kinh nghiệm qua nhiều vụ canh tác, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế.

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng môi trường đất, nước và xây dựng hệ thống canh tác thích hợp trên đất nhiễm phèn mặn ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre (Trang 30)