Bến Tre nằm ở phía Đông vùng ĐBSCL, phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía Tây và Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía đông giáp biển Đông. Bến Tre có hệ thống sông rạch chằng chịt với trên 6.000 km và tiếp giáp với biển Đông với hơn 65 km bờ biển, trải dài từ Ba Tri, Bình Đại đến Thạnh Phú, ôm lấy 3 dãy cù lao Minh, Bảo và An Hóa (Địa chí Bến Tre, 2001). Theo phân bố tự nhiên, Bến Tre được chia thành 3 vùng sinh thái: vùng nước ngọt chiếm 37%, vùng nước lợ chiếm 27% và vùng nước mặn chiếm 36% diện tích. Với đặc thù của vùng cù lao ven biển, nên hàng năm Bến Tre phải đối mặt với tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, chế biến công nghiệp và sinh hoạt của hơn 1,4 triệu dân.
Sự ảnh hưởng của BĐKH trong những năm gần đây thể hiện rõ qua vấn đề xâm nhập mặn. Theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Bến Tre năm 2005, vào lúc cao điểm ranh mặn 4‰ ở các sông lớn vào sâu 50 km, ranh mặn 1‰ vào sâu 70 km, vào mùa khô hiện tượng nhiễm mặn gần như trọn địa bàn tỉnh Bến Tre, một cách tổng quát các đường đẳng mặn có thể phân chia ở các mức 4‰, 10‰, 20‰, 30‰ (Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre, 2005). Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Bến Tre (2011), nước mặn đã theo triều cường Biển Đông và gió chướng xâm nhập sâu vào các sông chính của tỉnh. Độ mặn đo được trên sông Hàm Luông tại xã Phú Khánh, huyện
Thạnh Phú cách cửa sông khoảng 25 km là 6,9‰. Trên sông Cửa Đại, tại vàm Giao Hòa, huyện Châu Thành, cách cửa sông 42 km độ mặn đo được là 2,3‰; Trên sông Cổ Chiên độ mặn 2‰ lên đến xã Thành Thới, huyện Mỏ Cày Nam, cách cửa sông khoảng 42 km (Hình 2.2). Độ mặn tại các vị trí này có khả năng duy trì ở mức bằng và cao hơn trong vài ngày, sau đó giảm theo triều.
Hình 2.2 Bản đồ ranh giới mặn tỉnh Bến Tre
(Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre, 2011)
Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, vụ đông xuân, tỉnh Bến Tre có tổng diện tích lúa gieo sạ là 20.632 ha, trong đó có 2.615 ha vào thời kỳ lúa trổ bông bị ảnh hưởng; ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú và thành phố Bến Tre, do ảnh hưởng của sự xâm nhập mặn năng suất lúa giảm từ 30 - 60% (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, 2011). Sự xâm nhập mặn đã làm cho nguồn nước ngọt trở nên khan hiếm. Việc thiếu nước ngọt sinh hoạt làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân, tại các xã ven biển.