KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu CÂU QUAN HỆ SO SÁNH TRONG SỬ THI ÊĐÊ TRÊN BA BÌNH DIỆN KẾT HỌC – NGHĨA HỌC DỤNG HỌC (Trang 104)

a. Từ làm vị tố quan hệ so sánh

KẾT LUẬN

Sự tình so sánh và câu quan hệ so sánh là một dạng tiêu biểu trong sự tình quan hệ và câu quan hệ trong tiếng Việt. Vận dụng những kiến thức cơ bản về mẫu câu này chúng tôi tiến hành khảo sát và nghiên cứu trên sử thi Êđê ở ba bình diện kết học – nghĩa học – dụng học.

Từ nội dung nghiên cứu đã triển khai ở ba chương của luận văn, có thể rút ra những kết luận sau:

1. Sử thi Êđê là sản phẩm tinh thần đẹp đẽ, lung linh của kho tàng văn học dân gian. Không phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng, sử thi Êđê được kết tinh trên một nền “nghệ thuật nguyên hợp, vừa là thơ ca, truyện, kịch, vừa là bản anh hùng ca của thời đại”. Góp phần vào sự độc đáo của cái nghệ thuật ấy là sự xuất hiện của các câu quan hệ so sánh với tần số cao đã làm cho sử thi thêm sinh động và phong phú cả về nội dung và nghệ thuật.

2. Câu quan hệ so sánh là câu nêu thuộc tính nào đó giữa vật, việc, hiện tượng nêu ở chủ ngữ với vật, việc, hiện tượng khác nêu ở bổ ngữ. Không phải bất kì câu nào có từ chỉ quan hệ so sánh đều là câu quan hệ so sánh. Chỉ những câu mà lõi của sự tình là quan hệ nêu thuộc tính so sánh được xác định bằng hai tham thể và hai tham thể này luôn nằm trong một sự tương quan ngữ nghĩa nhất định thì câu đó mới là câu quan hệ so sánh.

3. Cấu trúc cơ sở của câu quan hệ so sánh phải bao gồm ba yếu tố: chủ ngữ, vị tố so sánh, bổ ngữ được sắp xếp theo trật tự sau chủ ngữ - vị tố - bổ ngữ. Trong đó chủ ngữ và bổ ngữ thường do hai tham thể quan hệ hiện thực hóa mà thành, còn quan hệ thì lại được hiện thực hóa trong vai trò của vị tố. Chủ ngữ và bổ ngữ được cấu tạo bằng các từ loại, cụm từ hay câu bị bao. Còn vị tố quan hệ so sánh phải là những từ có chứa nét nghĩa quan hệ nêu thuộc

tính và là yếu tố chính của câu về phương diện nghĩa cũng như phương diện cú pháp. Ngoài ra, còn có những bộ phận không thuộc cấu trúc cú pháp của câu quan hệ so sánh, nằm ngoài cấu trúc của câu, chúng là những thành phần biệt lập. Trên bình diện kết học, câu quan hệ so sánh có thể phân biệt thành dạng câu đơn, câu phức và câu ghép. Dù ở kiểu cấu tạo ngữ pháp là câu đơn, câu phức hay câu ghép có quan hệ so sánh thì vẫn phải đảm bảo được nòng cốt của câu là nòng cốt quan hệ so sánh.

4. Đi vào đề tài “Câu quan hệ so sánh trong sử thi Êđê ”, luận văn đã tập trung nghiên cứu vấn đề câu quan hệ so sánh trên cả ba bình diện kết học – nghĩa học – dụng học theo hướng tiếp cận của ngữ pháp chức năng. Ở bình diện ngữ nghĩa, vấn đề cốt lõi nhất trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu đã được nghiên cứu, đó là vấn đề sự tình quan hệ so sánh. Sự tình quan hệ so sánh khi phản ánh vào câu sẽ được tổ chức lại thành cấu trúc cú pháp. Lúc này, hai tham thể quan hệ là TĐSS và TDĐSS thường trong vai trò chủ ngữ và bổ ngữ của câu, các chu cảnh (nếu có) thì đảm nhận các chức năng cú pháp của câu như đề ngữ, trạng ngữ. Riêng quan hệ so sánh (nội dung của sự tình) thì được hiện thực hóa trong vai trò vị tố quan hệ so sánh của câu. Đến đây, bình diện ngữ pháp của câu quan hệ so sánh đã được xem xét. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc các yếu tố của sự tình được hiện thức hóa trong câu thế nào (đầy đủ hay không đầy đủ, được sắp xếp theo trật tự nào, với chức năng cú pháp nào trong câu) là còn phụ thuộc vào các yếu tố thuộc bình diện ngữ dụng (tức vai trò trong cấu trúc đề - thuyết và trong sự phân bố tin cũ và tin mới).

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã chứng minh ba bình diện ngữ pháp – ngữ nghĩa – ngữ dụng trong câu quan hệ so sánh một mặt phân giới với nhau nhưng mặt khác lại có mối quan hệ, tương tác lẫn nhau. Do đó, việc nhận diện và khu biệt chúng cũng đồng thời phải căn cứ vào các dấu hiệu đặc trưng của chúng trên cả ba bình diện này.

Bằng việc vận dụng những lí thuyết của câu quan hệ tiếng Việt để miêu tả câu quan hệ so sánh trong sử thi Êđê ở cả ba bình diện kết học – nghĩa học – dụng học vừa độc lập vừa tương tác theo hướng ngữ pháp chức năng là một hướng nghiên cứu hứa hẹn đem lại những kết quả khả quan. Hi vọng rằng những cố gắng của chúng tôi sẽ đem lại một số đóng góp vào việc tìm hiểu về tiếng Êđê ở phương diện câu quan hệ so sánh, sử dụng có hiệu quả hơn trong đời sống, đồng thời thêm yêu và trân trọng tiếng mẹ đẻ của một dân tộc là tác giả của bộ Khan Dam Săn nổi tiếng này.

Một phần của tài liệu CÂU QUAN HỆ SO SÁNH TRONG SỬ THI ÊĐÊ TRÊN BA BÌNH DIỆN KẾT HỌC – NGHĨA HỌC DỤNG HỌC (Trang 104)