Khái quát về câu quan hệ và câu quan hệ so sánh 1 Khái quát về sự tình quan hệ

Một phần của tài liệu CÂU QUAN HỆ SO SÁNH TRONG SỬ THI ÊĐÊ TRÊN BA BÌNH DIỆN KẾT HỌC – NGHĨA HỌC DỤNG HỌC (Trang 28)

a. Vấn đề loại hình các sự tình

1.2.Khái quát về câu quan hệ và câu quan hệ so sánh 1 Khái quát về sự tình quan hệ

Chức năng giao tiếp của ngôn ngữ là một trong những chức năng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của con người với hai quá trình là nói (viết) và nghe (đọc). Nói (viết) là quá trình truyền đạt đến người nghe, người đọc một nhận định, một thông báo nào đó về thế giới hiện thực (hoặc một thế giới tưởng tượng nào đó) theo cách tri nhận của người nói (viết). Khi nói (viết) ra một câu thường là thông báo về một sự tình nào đó. Sự tình này có thể thuộc thuộc thế giới vật chất hoặc thế giới tinh thần của con người. Để không tạo ra sự gián đoạn giữa hai thế giới này, theo Halliday, cần phải có sự xuất hiện của những sự tình thuộc thế giới các quan hệ trừu tượng với chức năng: “liên hệ mảng này với mảng kia của thế giới kinh nghiệm: cái này giống cái kia, cái này là một loại của cái kia” [18, tr. 206]. Trên cơ sở đó, có thể phân biệt:

- Các sự tình thuộc về vật chất. - Các sự tình thuộc về tinh thần. - Các sự tình thuộc về quan hệ.

Có thể thấy, “Trong các nhà ngôn ngữ chức năng hệ thống, có lẽ Halliday là người có những đóng góp có giá trị nhất vào sự hiểu biết của chúng ta về các quá trình quan hệ (Fawcett 1987: 131” [38, tr.347]. Điều đó có nghĩa, từ mô hình lí thuyết ngữ pháp chức năng gắn liền với tên tuổi của nhà ngôn ngữ học người Anh nổi tiếng M.A .K. Halliday, sự tình quan hệ đã có vị trí xứng đáng trong hệ thống loại hình các sự tình.

Căn cứ vào vị trí của sự tình quan hệ trong mô hình lí thuyết ngữ pháp chức năng của Halliday, tác giả Lê Thị Lan Anh trong luận án “Sự tình quan hệ và câu quan hệ tiếng Việt” đã thiết lập khái niệm : “sự tình quan hệ là một sự liên quan, một mối quan hệ nào đó (có thể là một sự so sánh, một sự tiếp xúc, một sự tương hỗ…) giữa hai hay nhiều thực thể).” [1, tr. 61]

Sự liên quan, mối quan hệ có thể xảy ra giữa hai hay nhiều đối tượng cùng loại nhưng cũng có thể được thiết lập giữa những đối tượng khác loại. Điều này sẽ được chúng tôi trình bày rõ hơn về câu quan hệ so sánh trong chương 3 của luận văn.

Ngoài ra sự tình quan hệ là một sự liên quan, một mối quan hệ giữa hai hay nhiều thực thể với ba đặc trưng cơ bản là : [hai tham thể quan hệ], [- động], [- chủ động], trong đó đặc trưng [+ hai tham thể quan hệ] là đặc trưng cở bản nhất, quan trọng nhất.

Việc phân loại sự tình quan hệ chủ yếu dựa trên hai tiêu chí chính là:

kiểu quan hệ và phương thức quan hệ. Căn cứ vào kiểu quan hệ, có thể chia sự tình quan hệ thành ba kiểu khái quát nhất: quan hệ thâm nhập, quan hệ cảnh huống và quan hệ sở hữu. Trong từng kiểu quan hệ này đi vào hai phương thức quan hệ khác nhau là đồng nhất và định tính sẽ cho ta kết quả cuối cùng về số lượng các kiểu sự tình quan hệ trong tiếng Việt. Các kiểu loại sự tình quan hệ này đã được tác giả Lê Thị Lan Anh thể hiện bằng mô hình mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên.

Các nhà Việt ngữ học trong thời gian gần đây cũng đã tiếp thu những ưu điểm của các cách phân loại câu theo cấu trúc nghĩa mà các nhà ngôn ngữ học thế giới đề xướng và vận dụng sáng tạo vào tiếng Việt. Cụ thể là, kết hợp hai tiêu chí phân loại sự tình mà Dik đã đề xuất (±động và ±chủ ý) có chú ý đến loại sự tình quan hệ mà Halliday đề xuất, các nhà Việt ngữ học theo đường hướng chức năng thường có xu hướng phân biệt các kiểu sự tình sau đây:

- Sự tình hành động: mang đặc trưng [+ động] [+ chủ ý]. Ví dụ: (38) Đứa bé đá bóng.

- Sự tình quá trình: mang đặc trưng [+ động] [- chủ ý]. Ví dụ: (39) Nước chảy róc rách.

- Sự tình tư thế: mang đặc trưng [- động] [+ chủ ý]. Ví dụ: (40) Con mèo nằm ngoài hiên.

- Sự tình trạng thái: mang đặc trưng [- động] [- chủ ý]. Ví dụ: (41) Nước hồ trong veo.

- Sự tình quan hệ: mang đặc trưng [- động] [- chủ ý] [+ hai tham thể]. Ví dụ:

(42) Thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đăk Lăk

Như vậy, theo hướng nghiên cứu của ngữ pháp chức năng, sự tình quan hệ đã có vị trí xác định trong hệ thống các loại hình sự tình với những đặc trưng riêng biệt của nó. Tương ứng với các loại sự tình này là các kiểu loại câu biểu hiện sự tình. Do đó việc phân loại câu theo nghĩa biểu hiện cũng chính là vấn đề loại hình các sự tình.

Một phần của tài liệu CÂU QUAN HỆ SO SÁNH TRONG SỬ THI ÊĐÊ TRÊN BA BÌNH DIỆN KẾT HỌC – NGHĨA HỌC DỤNG HỌC (Trang 28)