Bình diện dụng học

Một phần của tài liệu CÂU QUAN HỆ SO SÁNH TRONG SỬ THI ÊĐÊ TRÊN BA BÌNH DIỆN KẾT HỌC – NGHĨA HỌC DỤNG HỌC (Trang 25)

a. Vấn đề loại hình các sự tình

1.1.3.Bình diện dụng học

Bình diện ngữ dụng của câu là bình diện của mối quan hệ giữa câu với người sử dụng. Ở bình diện này, đối tượng xem xét là câu trong hoạt động giao tiếp, tức là câu với tư cách là một thông điệp (message) và “và thông điệp trong ngôn ngữ học được hiểu là tin được mã hóa thành lời nói hoặc lời viết được truyền đi từ người phát đến người nhận”. [2, tr.207]

Với tư cách là một thông điệp, cấu trúc thông tin (hay thông báo) của câu là vấn đề được quan tâm hàng đầu với các nội dung như cấu trúc đề - thuyết, tin cũ – tin mới, tiêu điểm. Bên cạnh cấu trúc thông tin, ở bình diện ngữ dụng của câu, còn một số vấn đề nữa như: các kiểu câu phân loại theo mục đích nói (trước đây được xem xét trong ngữ pháp truyền thống), hành vi ngôn ngữ, nghĩa dụng học của câu (nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn)…Các vấn đề này cũng hết sức quan trọng, tuy nhiên, cũng rất phức tạp và không liên quan trực tiếp tới đối tượng mà luận văn nghiên cứu, cho nên chúng tôi xin không trình bày chi tiết ở đây. Sau đây là phần trình bày về cấu trúc thông tin của câu.

1.1.3.1. Cấu trúc đề - thuyết

Phần đông các nhà Việt ngữ học quan niệm cấu trúc đề - thuyết là cấu trúc thông báo của câu, nó thuộc về lĩnh vực phân đoạn thực tại (V. Mathesius), hoặc nằm trong bình diện tổ chức như một thông điệp trong mô hình lí thuyết ngữ pháp chức năng của Halliday. Cấu trúc này tồn tại song song cùng cấu trúc chủ - vị vì đây là hai cấu trúc thuộc hai bình diện khác nhau (cấu trúc chủ - vị thuộc bình diện ngữ pháp, cấu trúc đề - thuyết thuộc bình diện dụng học). Trong cấu trúc đề - thuyết, đề là phần từ ngữ được chọn làm xuất phát điểm cho câu nói. Phần còn lại được dùng để phát triển phần đề (giải thích cho vật, việc, hiện tượng nêu ở phần đề) được gọi là thuyết.

Quan hệ giữa phần đề và phần thuyết là quan hệ trật tự thông báo tuyến tính. Đó là cách sắp xếp các bộ phận có nghĩa trong câu theo trật tự trước – sau phản ánh kinh nghiệm tổ chức thông điệp của người nói. Phần đề giới thiệu sự có mặt của phần thuyết và đứng ở vị trí trước phần thuyết, trong khi đó, phần thuyết nêu điều quan hệ về phương diện nào đó với phần đề. Đề và thuyết có thể có quan hệ với nhau trên cùng một kiểu nghĩa: đề nêu sự vật và thuyết nói về sự vật ở đề. Chúng cũng có thể không cùng một kiểu nghĩa: đề nêu yếu tố diễn đạt thái độ, cách nhìn của người nói, còn thuyết nêu cái được phản ánh trong lời nói; hoặc đề chỉ ra quan hệ nối kết nghĩa – lôgic giữa câu chứa nó với câu khác hoặc nối kết nghĩa của câu chứa nó với tình huống bên ngoài, còn thuyết nêu sự việc được phản ánh trong câu.

Tùy theo nội dung của phần đề xét trong mối quan hệ với phần còn lại của câu, có thể phân biệt các loại đề:

- Đề - đề tài (topical theme), nêu thực thể hay sự việc có quan hệ về nghĩa biểu hiện với phần thuyết của câu.

- Đề tình thái (modal theme), nêu thái độ của người nói đối với người nghe hoặc cách nhìn của người nói đối với cái được nói đến trong câu.

- Đề văn bản (textual theme) chỉ ra mối quan hệ nghĩa – lôgic của câu với ngữ cảnh hay tình huống.

Trên thực tế, có những câu chỉ một loại đề thì đó là đơn đề (simple theme) hay đề đơn. Trường hợp khác, các loại đề có thể cùng tồn tại trong một câu làm thành một bội đề (multiple them) hay đề chung. Ví dụ:

(34) Hôm qua tôi đi Hà Nội CT đề - thuyết Đề đề tài Thuyết

Đơn đề

(35) Và có lẽ Nó đi Hà Nội CT đề-thuyết Đề văn bản Đề tình thái Đề đề tài Thuyết

Bội đề

Trong câu, nếu đề - đề tài trùng với chủ ngữ thì đó là đề không đánh dấu. Trường hợp, đề - đề tài không trùng với chủ ngữ thì đó là đề đánh dấu.

1.1.3.2. Cấu trúc tin cũ – tin mới

Cấu trúc đề - thuyết có quan hệ mật thiết với cấu trúc tin cũ – tin mới. Thường thì tin cũ (phần tin đã biết) được chứa trong phần đề của câu, còn tin mới (phần tin chưa biết) được chứa trong phần thuyết. Trên thực tế, nhiều khi phần đề lại là phần mang tin mới, còn tin cũ lại được biểu thị ở phần thuyết: Ví dụ:

(36) _ar m’iêng ju\ si mnga ênăm, tăm si mnga hbiê, m’iêng Aê Adiê brei mơ\ng dlông, tlă dlăm mơ\ng dlông. M’iêng `u ”l^p si kmliăp, “liăp si kmla\, tla\ “uôn sang “êc “ư mdư . [1, tr. 43] (Đề là tin cũ)

(Mặc váy đen như hoa ênăm, đen như hoa hbiê, cái váy ông trời cho từ trên cao, thả xuống từ trên cao. Váy họ ánh như sét, loáng như chớp, rọi lên xóm làng những tia sáng rực. )

(37) Ya nga\ kâo nao hua\ ! Huă be\ di ih dê . [1, tr. 24] (Đề là tin mới) (Sao tôi lại về ăn cơm ! Ăn cơm đi các cô.)

Điều đó có nghĩa, tin mới có thể nằm ở phần đề hoặc phần thuyết. Vì vậy, cấu trúc đề - thuyết và cấu trúc tin cũ – mới hoàn toàn phân biệt với nhau vì chúng thuộc hai lĩnh vực khác nhau. Tác giả Diệp Quang Ban khẳng định “việc tách hai lĩnh vực này ra khỏi nhau là một bước phát triển đáng kể trong công cuộc nghiên cứu mặt sử dụng ngôn ngữ” [2, tr. 53]. Hoàng Tuệ, khi dẫn lí thuyết ba quan điểm của Claude Hagege, có nói về quan điểm thứ ba – quan điểm đề ngữ và thuyết ngữ - như sau: “Đề ngữ và thuyết ngữ luôn luôn xác định lẫn nhau, chứ không phải được xác định theo một giá trị tuyệt đối. Cho nên không nhất thiết đề ngữ thì chứa thông tin cũ, đã biết, mà thuyết ngữ đưa ra thông tin mới, chưa biết. Trong một phát ngôn nhất định, thuyết ngữ chỉ có giá trị thông tin nhiều hơn so với đề ngữ và đề ngữ vốn có thể chứa thông tin mới”[38, tr. 245].

Tóm lại, nói tới bình diện ngữ dụng của câu là quan tâm tới việc câu được sử dụng như thế nào trong hoạt động giao tiếp, cũng chính là vấn đề câu được xem xét với tư cách là một thông điệp. Do đó, cấu trúc thông tin của câu là một vấn đề được quan tâm hàng đầu. Để tìm được cấu trúc thông tin của câu bao giờ cũng gắn với một tình huống giao tiếp cụ thể và chịu sự tác động trực tiếp của các nhân tố giao tiếp.

Một phần của tài liệu CÂU QUAN HỆ SO SÁNH TRONG SỬ THI ÊĐÊ TRÊN BA BÌNH DIỆN KẾT HỌC – NGHĨA HỌC DỤNG HỌC (Trang 25)