Khái quát về câu quan hệ

Một phần của tài liệu CÂU QUAN HỆ SO SÁNH TRONG SỬ THI ÊĐÊ TRÊN BA BÌNH DIỆN KẾT HỌC – NGHĨA HỌC DỤNG HỌC (Trang 31)

a. Vấn đề loại hình các sự tình

1.2.2.Khái quát về câu quan hệ

Như đã biết, mỗi một sự tình trong hiện thực được đặc trưng bởi một cấu trúc nghĩa khác nhau (khác nhau cả về nội dung của sự tình, cả về các yếu tố tham gia vào sự tình). Với sự tình quan hệ, cấu trúc nghĩa của nó bao gồm: quan hệ (nội dung của sự tình), hai tham thể quan hệ (các yếu tố tham gia vào sự tình để làm rõ nghĩa cho quan hệ) và một số chu cảnh liên quan đến sự tình. Khi sự tình được phản ánh vào câu, quan hệ (QH) sẽ được diễn đạt bằng một vị tố- VT (predicator). Vị tố này sẽ được gọi là vị tố nêu quan hệ (gọi tắt là vị tố quan hệ - VTQH). Còn hai tham thể quan hệ và các chu cảnh sẽ được hiện thực hóa thành các chức năng cú pháp khác nhau trong câu như chủ ngữ (CN), bổ ngữ (BN), trạng ngữ (TN), đề ngữ (ĐN)… tùy thuộc vào mục đích giao tiếp và nhiệm vụ thông báo trong từng hoàn cảnh giao tiếp nhất định.

Sự tình quan hệ có mối quan hệ mật thiết với câu quan hệ. Trong mối quan hệ này, theo luận án Sự tình quan hệ và câu quan hệ tiếng Việt của tác giả Lê Thị Lan Anh có thể định nghĩa câu quan hệ như sau:

“Câu quan hệ là câu phản ánh sự liên quan, mối quan hệ nào đó giữa vật, việc, hiện tượng nêu ở chủ ngữ với vật, việc, hiện tượng khác nêu ở bổ ngữ.

Nói cách khác, câu quan hệ là câu mà nòng cốt câu biểu thị sự tình quan hệ”. [1, tr.97]

Do đó, cấu trúc cơ sở của câu quan hệ thường gồm các yếu tố: chủ ngữ, vị tố, bổ ngữ với trật tự sắp xếp thường gặp: chủ ngữ - vị tố - bổ ngữ, trong đó chủ ngữ và bổ ngữ thường do hai tham thể hiện thực hóa mà thành, còn quan hệ thì lại được hiện thực hóa trong vai trò của vị tố.

Vị tố quan hệ là những vị tố có những đặc trưng ngữ nghĩa, ngữ pháp riêng biệt. Cần phân biệt vị tố quan hệ (chức năng cú pháp chính trong cấu trúc cú pháp của câu) với từ loại diễn đạt vị tố ấy.

Một phần của tài liệu CÂU QUAN HỆ SO SÁNH TRONG SỬ THI ÊĐÊ TRÊN BA BÌNH DIỆN KẾT HỌC – NGHĨA HỌC DỤNG HỌC (Trang 31)