6. Bố cục luận văn
3.1.1. Tình hình chính trị mới
Đầu năm 1945, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục chuyển biến lớn, Hồng quân Liên Xô tổng phản công, quét sạch phát xít Đức ra khỏi lãnh thổ của mình và ào ạt tiến vào Đức. Phát xít Đức đứng trước bờ vực thẳm bị tiêu diệt, quân Nhật ở Thái Bình Dương cũng lâm vào cảnh bị bao vây uy hiếp. Sợ bị Pháp đánh khi quân Đồng Minh tiến vào Đông Dương, đêm 9-3- 1945, quân Nhật đã làm cuộc đảo chính Pháp, độc chiếm toàn cõi Đông Dương. Quân Pháp chống cự một cách yếu ớt, “tại Hội An mặc dù có hàng trăm lính khố xanh nhưng quân Pháp ở đây vẫn bất động, không có được một phát súng kháng cự, tất cả quan quân bị quân Nhật còng tay đưa ra tống giam tại Huế” [40, tr.108]. Ở Việt Nam, Nhật lập nên chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, chính phủ Trần Trọng Kim gắn liền sinh mạng chính trị với phát xít Nhật. Lúc bấy giờ, phát xít Nhật đã quá suy yếu, số phận của chính phủ Trần Trọng Kim cũng được dự đoán trước không thể tồn tại lâu dài. Trong lúc đó, phong trào Việt Minh do Đảng lãnh đạo phát triển mạnh làm cho chính quyền cơ sở của chính phủ Trần Trọng Kim ở nhiều nơi bị tê liệt, quyền lực của chính phủ này ngày càng suy yếu như chính thừa nhận của Trần Trọng Kim “Đảng Việt Minh lúc ấy rất hoạt động, đánh huyện này, phá phủ kia, lính bảo an ở các nơi phần nhiều bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn nhưng không chống cự nữa…”[40, tr.117].
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tình hình chính trị trong tỉnh rất phức tạp, những tổ chức thân Nhật ra đời, công khai hoạt động phá hoại phong trào cách mạng, tuyên truyền cho các tổ chức phản cách mạng như bọn Đại Việt, Phục Quốc, Hội Cao Đài, đoàn thanh niên Phan Anh.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó, thì cách mạng Quảng Nam cũng có được những thuận lợi đáng kể:
Chính diễn biến tư tưởng mâu thuẫn khác nhau của các tổ chức trên càng tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng viên tuyên truyền đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản tới quần chúng nhân dân. Ngoài ra, trong lúc này, một thuận lợi rất lớn cho Quảng Nam là giữa lúc phong trào đang thiếu cán bộ nghiêm trọng, thì từ tháng 3 đến tháng 5- 1945, hàng trăm anh chị em tù chính trị từ nhà lao lần lượt thoát về địa phương hoạt động. Nhiều cán bộ ưu tú, đầy nhiệt huyết, có kinh nghiệm đấu tranh, được thử thách và rèn luyện trong lao tù vừa về bắt tay ngay vào vận động quần chúng, xây dựng phong trào, làm cho công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa của tỉnh phát triển nhảy vọt. Đặc biệt, lực lượng cán bộ của tỉnh ở nhà lao trước khi ra tù đã được tổ chức Đảng của nhà lao chọn lựa một cách kỹ càng, phân công về trực tiếp tham gia chuẩn bị khởi nghĩa ở một số tỉnh miền Nam Trung Bộ. Sau khi có các lực lượng này tiếp sức, phong trào Việt Minh vươn lên sôi nổi. Tỉnh uỷ và uỷ ban vận động cứu quốc tỉnh được tăng cường. Các đồng chí nhanh chóng lập Uỷ ban vận động cứu quốc huyện Đại Lộc, lập các chi bộ Đảng ở các xã thuộc Duy Xuyên, phủ Điện Bàn… Sự có mặt của lực lượng tù chính trị đã làm cho việc phát triển cơ sở nhiều nơi không còn khó khăn như trước nữa. Chủ trương bắt liên lạc, tiếp nhận bố trí công tác để các đồng chí ra tù có thể bắt tay ngay vào cho hoạt động của Tỉnh uỷ kịp thời được tiến hành nhanh gọn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các tầng lớp nhân dân Quảng Nam- Đà Nẵng đã hăng hái hưởng ứng lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh với khí thế cách mạng mới, hướng vào mục tiêu chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.