Tăng cường huy động vốn của Ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Tăng cường huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Quang Trung (Trang 33)

1.2.4.1. Quan điểm về tăng cường huy động vốn của Ngân hàng thương mại Huy động vốn không chỉ là một nghiệp vụ truyền thống mà nó còn là một trong những hoạt động chủ yếu, một khâu rất quan trọng trong kinh doanh ngân hàng. Do đó trong mọi thời kỳ, tăng cường huy động vốn luôn là vấn đề được các NHTM quan tâm đẩy mạnh. Tăng cường huy động vốn chính là việc nâng cao chất lượng của hoạt động huy động vốn. Hoạt động huy động vốn có chất lượng tốt tức là kết quả huy động vốn phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh doanh, tạo điều kiện cho việc sử dụng vốn một cách hợp lý và hiệu quả, từ đó nâng cao kết quả và

hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.

Vì vậy, tăng cường huy động vốn tại ngân hàng thương mại là sự gia tăng về quy mô và tốc độ nhưng vẫn phải đảm bảo các mục tiêu về cân đối giữa huy động và sử dụng vốn, cơ cấu nguồn vốn ổn định, chi phí huy động thấp. Tăng cường huy động vốn chính là việc nâng cao chất lượng của hoạt động huy động vốn. Việc tăng cường huy động vốn cần dựa trên những mục tiêu cơ bản sau:

- Quy mô vốn huy động lớn, tăng trưởng ổn định: Quy mô vốn huy động phản ánh mặt lượng của hiệu quả huy động. Quy mô vốn huy động phải đảm bảo kế hoạch đề ra nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng. Bên cạnh việc mở rộng quy mô vốn huy động, ngân hàng cũng cần đảm bảo sự ổn định về tốc độ tăng trưởng cũng như sự ổn định của vốn huy động. Vốn huy động phải được ổn định về mặt thời gian. Nếu ngân hàng huy động được một lượng vốn lớn mà không ổn định về mặt thời gian, thường xuyên có dòng tiền lớn có khả năng bị rút ra thì ngân hàng sẽ phải thường xuyên đối đầu với vấn đề thanh khoản và do đó lượng vốn để cho vay và đầu tư sẽ không lớn. Nếu ngân hàng huy động được nguồn vốn ổn định thì ngân hàng sẽ yên tâm sử dụng phần lớn số vốn đó vào các hoạt động sinh lời, từ đó nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn.

- Cơ cấu nguồn vốn hợp lý đảm bảo an toàn và đáp ứng được nhu cầu kinh doanh: Cơ cấu nguồn vốn cũng ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu cho vay của NHTM. Nếu ngân hàng huy động được vốn trung dài hạn thì có thể mở rộng nghiệp vụ tín dụng đầu tư trung dài hạn. Cơ cấu vốn huy động thể hiện thông qua tỷ lệ giữa vốn ngắn hạn và vốn trung dài hạn, giữa vốn nội tệ và vốn ngoại tệ. Duy trì một cơ cấu vốn phù hợp sẽ giúp ngân hàng vừa đáp ứng được nhu cầu thanh toán cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu cho vay và đầu tư. Ngân hàng cũng cần dựa vào kế hoạch sử dụng vốn để xây dựng chính sách huy động nhằm đạt cơ cấu vốn phù hợp.

- Chi phí huy động vốn hợp lý: Khi nói tới hiệu quả huy động vốn thì một yếu tố không thể không đề cập đó là chi phí huy động vốn. Chi phí huy động vốn của ngân hàng liên quan chặt chẽ với lãi suất tiền gửi các loại và lãi suất các công

cụ nợ do ngân hàng phát hành. Lãi suất huy động của ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố và được phân biệt theo nhiều hình thức khác nhau: thông thường thời gian huy động càng dài thì lãi suất càng cao, loại tiền nguyên tệ sẽ được huy động cao hơn tiền ngoại tệ, lãi suất còn được phân biệt theo mục đích gửi tiền của khách hàng, hay theo mục đích huy động của ngân hàng. Để có chi phí huy động vốn hợp lý ngân hàng cần có chính sách lãi suất linh hoạt, mềm dẻo phù hợp với thị trường và thực tế kinh doanh của ngân hàng

- Sự phù hợp giữa hoạt động huy động vốn và hoạt động sử dụng vốn: Huy động vốn và sử dụng vốn là hai mặt của quá trình hoạt động của ngân hàng, huy động vốn là hoạt động tạo đầu vào còn sử dụng vốn là hoạt động tạo đầu ra. Phần lớn thu nhập từ hoạt động sử dụng vốn sẽ bù đắp cho chi phí huy động và đem lại lợi nhuận chủ yếu cho ngân hàng. Nếu một NHTM có nguồn sử dụng vốn tương xứng với nguồn vốn huy động, chứng tỏ nguồn vốn huy động đã được sử dụng có hiệu quả và công tác huy động vốn của ngân hàng đã thành công. Do đó khi đánh giá chất lượng hoạt động huy động vốn của một ngân hàng người ta thường xem xét đến công tác sử dụng vốn của ngân hàng đó.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Tăng cường huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Quang Trung (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w