1.2.3.1. Nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân và các tổ chức tín dụng
a. Tiền gửi thanh toán (tiềngửi giao dịch)
Tiền gửi thanh toán là tiền của tổ chức hoặc cá nhân gửi vào ngân hàng nhờ giữ hộ và thanh toán hộ. Thông qua việc sử dụng tiền gửi thanh toán, khách hàng có thể thường xuyên giao dịch một cách nhanh chóng, tiện lợi với khối lượng tiền lớn hoặc với nhiều đối tượng kinh tế khác nhau về thời gian giao dịch, khối lượng giao dịch, phương thức giao dịch.
Tiền gửi thanh toán là loại tiền gửi không kỳ hạn, khách hàng có thể rút ra bất cứ lúc nào, mục đích của người gửi tiền chỉ là hưởng các tiện ích trong thanh toán. Do đó lãi suất ngân hàng phải trả cho khách hàng trên loại tiền gửi này tương đối thấp. Hiện nay, nhiều NHTM không ngừng phát triển đa dạng hóa sản phẩm như: kết hợp tài khoản tiền gửi thanh toán với tài khoản vay (thấu chi tài khoản), kết
hợp tài khoản với các dịch vụ ngân hàng điện tử (e-banking, home-banking,…), hoặc sử dụng nhiều hình thức để nâng lãi suất loại tiền gửi này nhằm cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác trên thị trường.
b. Tiền gửi cókỳ hạn
Tiền gửi có kỳ hạn là loại tiền gửi với thời hạn xác định, có thể là 1 tháng, 2 tháng,… hay 1 năm, 2 năm…Người gửi chỉ được rút tiền khi đến hạn và được nhận thêm một khoản lãi cho số tiền đã gửi.
Mục đích của người gửi tiền chủ yếu là để hưởng lãi hoặc để tiết kiệm, do đó mặc dù lãi suất huy động cao hơn nhiều so với tiền gửi thanh toán nhưng đây là nguồn vốn tương đối ổn định. Tiền gửi có kỳ hạn bao gồm tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức và tiền gửi tiết kiệm của dân cư.
- Tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức: do chu kỳ hoạt động giữa các chủ thể kinh tế không giống nhau, có sự đan xen giữa các khoản phải thu và các khoản phải thanh toán do đó luôn tồn tại một số dư tiền gửi nhất định. Tiền gửi thanh toán tuy thuận tiện song lãi suất lại thấp. Để tăng nguồn thu, sau khi cân đối, tính toán được lượng tiền nhàn rỗi các doanh nghiệp, tổ chức xã hội có thể sử dụng hình thức tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng.Tuy không thuận lợi bằng tiền gửi thanh toán nhưng tiền gửi có kỳ hạn được hưởng lãi suất cao hơn tùy theo độ dài của kỳ hạn. Khi có nhu cầu chi tiêu, khách hàng vẫn có thể đến ngân hàng để rút ra hoặc chuyển sang tiền gửi thanh toán.
- Tiền gửi tiết kiệm của dân cư: Đây là các khoản thu nhập chưa sử dụng đến được các tầng lớp dân cư gửi vào ngân hàng nhằm bảo toàn, tích lũy và sinh lời. Nguồn huy động từ dân cư thường khá ổn định và là khu vực huy động đầy tiềm năng cho các ngân hàng. Nguồn tiền gửi này phụ thuộc rất lớn vào thu nhập, tâm lý, thói quen chi tiêu của dân cư và sự ổn định của đồng tiền cũng như của nên kinh tế.
Các ngân hàng đang cố gắng đưa ra nhiều biện pháp nhằm thu hút ngày càng nhiều nguồn tiết kiệm như mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, đưa ra nhiều hình thức huy động linh hoạt với lãi suất cạnh tranh hấp dẫn.
c. Tiền gửi của ngân hàng khác
Trong quá trình hoạt động các ngân hàng có thể có các khoản tiền gửi lẫn nhau để thuận tiện trong giao dịch, thanh toán, hoặc để nhằm mục đích khác. Tuy nhiên, quy mô nguồn vốn này thường không lớn.
1.2.3.2 Nguồn đi vay
Các NHTM có thể vay từ nhiều nguồn khác nhau: vay NHNN (NHTW), vay tổ chức tín dụng khác, vay trên thị trường vốn.
a. Vay Ngân hàng nhà nước
Khi xảy ra tình trạng thiếu hụt dự trữ (dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh toán), các NHTM thường vay ngân hàng nhà nước. NHNN (NHTW) là ngân hàng của các ngân hàng, là người cho vay cuối cùng khi các NHTM không thể tìm kiếm vốn từ các nguồn khác. NHNN cho vay dưới hình thức chủ yếu là tái chiết khấu. Các thương phiếu đã được các NHTM chiết khấu (tái chiết khấu) trở thành tài sản của họ. Khi cần các NHTM có thể mang các thương phiếu này lên NHNN để vay. Tuy nhiên việc vay này cũng có một số khó khăn do NHNN điều hành vay mượn một cách chặt chẽ: các NHTM phải thực hiện các điều kiện đảm bảo và kiểm soát nhất định. Thông thường, NHNN chỉ tái chiết khấu cho những thương phiếu có chất lượng (thời gian đáo hạn ngắn, khả năng trả nợ cao) và phù hợp với mục tiêu của NHNN trong từng thời kỳ. Trong điều kiện chưa có thương phiếu, NHNN cho các NHTM vay dưới hình thức tái cấp vốn theo hạn mức tín dụng nhất định.
b. Vay các tổ chức tín dụng khác
Đây là nguồn các NHTM vay mượn lẫn nhau và vay các tổ chức tín dụng khác trên thị trường liên ngân hàng. Các ngân hàng có mức dự trữ vượt yêu cầu do có gia tăng bất ngờ về các khoản tiền huy động hoặc giảm cho vay có thể cho các ngân hàng khác vay với lãi suất cao hơn nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Mặt khác, các ngân hàng đang thiếu hụt dự trữ sẽ có nhu cầu vay tức thời để đảm bảo khả năng thanh khoản. Quá trình vay mượn diễn ra đơn giản, có thể không cần tài sản đảm
bảo hoặc được đảm bảo bằng các chứng khoán của kho bạc. Vì vậy nguồn vay mượn này được các NHTM sử dụng khi có nhu cầu dự trữ hoặc chi trả cấp bách , trong nhiều trường hợp các NHTM lựa chọn hình thức này thay thế hoặc bổ sung cho nguồn vay từ NHNN.
c. Vay trên thị trường vốn
Cũng giống như các doanh nghiệp khác, các NHTM có thể vay mượn bằng cách phát hành các giấy tờ có giá trên thị trường vốn. Các giấy tờ có giá do NHTM phát hành bao gồm: chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu. NHTM có thể phát hành nhằm huy động vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đây là nguồn vốn ngân hàng có thể huy động một cách chủ động về thời gian cũng như số tiền huy động và cũng là một nguồn vốn tương đối ổn định. Tuy nhiên lãi suất của loại này thường cao hơn tiền gửi có kỳ hạn thông thường do sự cấp thiết của việc huy động vốn. Mặt khác ngoài chi phí trả lãi, ngân hàng còn phải mất chi phí in ấn, phát hành, quảng cáo… do đó hình thức huy động này có chi phí huy động cao hơn các hình thức khác. Việc huy động vốn thông qua phát hành các giấy nợ trên thị trường tài chính tương đối phức tạp, đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ về quy mô, mệnh giá, lãi suất, thời hạn vay sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra khả năng vay mượn còn phụ thuộc vào vào trình độ phát triển của thị trường tài chính, đặc biệt là đối với thị trường còn non trẻ như ở nước ta.