III. ĐỐI VỚI CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG, NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM
1. Đối với ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam
- Sản xuất nông nghiệp với đặc thù là nhiều rủi ro, do vậy, việc ấn định lãi suất cho vay thông thường ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường là mức trần của lãi suất; do vậy cần phải có sự tập trung các nguồn vốn của các tổ chức trong nước để cân đối cho các ngân hàng phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo lãi suất hợp lý trong cho vay hộ nông nghiệp, nông thôn. Cũng cần có những ưu đãi lãi suất cho vay cho những mục đích sản xuất của hộ thực hiện các chương trình kinh tế, kế hoạch riêng của mỗi địa phương - điều này cũng đòi hỏi ngân hàng phải chủ động liên kết với các ban ngành khác có liên quan.
- Thời hạn cho vay phải gắn chặt, linh động theo từng chu kỳ sản xuất của những đối tượng sản xuât khác nhau; giảm thiểu sự gò bó trong quy định cho vay đối với hộ khi mà đối tượng sản xuất của hộ rất phong phú với những đặc trưng riêng.
- Những quy định của công tác thẩm định món vay đối với hộ nông nghiệp cũng cần có sự phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp, có những kế hoạch sản xuất đòi hỏi phải có một thời gian dài mới phát huy hiệu quả, do vậy, công tác thẩm định dự án của nông đân nên:
+ Đối với những món vay nhỏ, thông qua tổ chức hội thì khoán cho tổ trưởng nhóm vay vốn với thoả thuận hoa hồng hợp lý, khuyến khích liên đới trách nhiệm giữa các thành viên trong tổ tham gia vay vốn.
+ Đối với những món vay lớn ngân hàng trực tiếp quản lý thì công tác thẩm định nên tập trung vào thời gian hộ tiến hành sử dụng vốn để tạo điều kiện cho hộ tiếp cận với vốn TDNH nhiều hơn.
- Nắm bắt chặt chẽ những phản ánh từ các chi nhánh để có những điều chỉnh về quy chế cho vay hợp lý cho từng địa phương, tránh ra những văn bản quy định chung khiến cán bộ tín dụng khó thực hiện, hộ cũng không biết thực sự mình ở đối tượng nào.
Ngân hàng NHNo & PTNT Việt Nam cần có các văn bản, chế độ hướng dẫn đầy đủ, kịp thời và chính xác nghiệp vụ tín dụng để làm cơ sở căn cứ cho các chi nhánh thực hiện nhằm đảm bảo an toàn tín dụng. Đồng thời quy trình tín dụng phải được giảm bớt, thuận tiện cho cả Ngân hàng và khách hàng.
Các chương trình đào tạo đội ngũ tín dụng cần được tổ chức hàng năm về kiến thức pháp luật, về kỹ thuật thẩm định, về Marketing… Tiếp tục đào tạo lại can bộ Ngân hàng mà đặc biệt là cán bộ tín dụng để đáp ứng yêu cầu, nghiệp vụ trong giai đoạn mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng nói chung và chất lượng nói riêng.