II.Lạm phát và tiền tệ

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU GIẢNG DẠY-BỘ MÔN KINH TẾ TỔNG HỢP- KINH TẾ VĨ MÔ (Trang 87)

I G+ EX =S + TN + M (4)

II.Lạm phát và tiền tệ

Các nhà kinh tế cho rằng lạm phát về cơ bản là hiện tựong tiền tệ, chúng ta bắt đầu nghiên cứu lạm phát bằng cách phát triển lý thuyết số lượng tiền tệ. Hiện nay, hầu hết các nhà kinh tế đều dựa vào nó để lý giải các yếu tố quyết định mức giá và tỷ lệ lạm phát trong dài hạn.

2.1. Mức giá và giá trị của tiền.

Lạm phát là hiện tượng của toàn bộ nền kinh tế, trước hết là nó có quan hệ đến giá trị của phương tiện trao đổi trong nền kinh tế.

Giả sử P là mức giá chung. Khi đó P cho biết số tiền cần thiết để mua một giỏ hàng hóa và dịch vụ. Hay nói cách khác lượng hàng hoá và dịch vụ chúng ta có thể mua môt đồng là 1/P. Điều này hàm ý P là giá cả dịch vụ tính bằng đơn vị tiền tệ, còn 1/P là giá cả của tiền được tính bằng số đơn vị hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, khi mức giá chung tăng lên thì giá trị của tiền sẽ giảm xuống. Xét nhu cầu về tiền, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khối lượng tiền mà mọi người muốn nắm giữ, nhưng một trong những biến quan trọng là mức giá bình quân trong nền kinh tế. Mọi người nắm giữ tiền vì tiền là phương tiện trao đổi. Không giống như các tài sản khác, chẳng hạn trái phiếu và cổ phiếu, mọi người có thể sử dụng trực tiếp tiền để mua hàng hoá và dịch vụ. Việc mọi người quyết định giữ bao nhiêu tiền phụ thuộc vào giá hàng hoá và dịch vụ mà họ cần mua. Giá cả càng cao, họ càng cần nhiều tiền cho mỗi giao dịch và mọi người quyết định nắm giữ càng nhiều tiền trong ví và tài khoản séc.Vậy là mức giá cao hơn (giá trị của tiền thấp hơn), làm tăng lượng cầu tiền.

Nếu mức giá cao hơn mức cân bằng (Mức giá mà tại đó cung tiền tệ bằng cầu tiền tệ), mọi người muốn nắm giữ nhiều tiền hơn khối lượng tiền mà Ngân hàng Trung Ương tạo ra, do đó mức giá phải giảm để cân bằng cung và cầu tiền. Nếu mức giá thấp hơn mức giá cân bằng, mọi người sẽ muốn giữ tiền ít hơn lượng tiền Ngân hàng Trung ương tạo ra và do đó giá cả phải tăng lên để cân bằng cung cầu. Tại mức giá cân bằng, lượng tiền mà mọi người muốn nắm giữ bằng lượng tiền mà Ngân hàng Trung ương cung ứng.

Bây giờ chúng ta xem xét ảnh hưởng của chính sách tiền tệ. Giả sử lúc ban đầu nền kinh tế đang ở trạng thái cân bằng và sau đó Ngân hàng Trung ương tăng cung tiền bằng cách mua trái phiếu chính phủ từ công chúng thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Hình 6.4 Sự gia tăng trong cung ứng tiền tệ

Việc bơm thêm tiền vào làm đường cung tiền dịch chuyển từ MS1 đến MS2 và trạng thái cân bằng chuyển từ A sang B. Kết quả là giá trị của tiền giảm từ 1/P1 đến 1/P2 và mức giá cân bằng tăng từ P1 lên P2 . Nói cách khác sự gia tăng cung ứng tiền làm cho lượng tiền trong nền kinh tế nhiều hơn và mức giá sẽ tăng và điều này làm cho mỗi đồng tiền có giá trị thấp hơn trước.

Nhưng nền kinh tế chuyển từ điểm cân bằng cũ A sang điểm cân bằng mới B như thế nào? Việc trả lời thấu đáo cho câu hỏi này đòi hỏi chúng ta phải hiểu được những biến động ngắn hạn trong nền kinh tế. Ảnh hưởng ngay lập tức của việc bơm thêm tiền là tạo ra mức dư cung về tiền. Trước khi tiền được bơm vào, nền kinh tế nằm trong trạng thái cân bằng tại điểm A trong hình 6.4. Tại mức giá hiện hành, mọi người có lượng tiền đúng bằng số tiền mà họ muốn. Nhưng sau khi bơm thêm tiền (ví dụ cho máy bay trực thăng thả số tiền mới xuống và mọi người nhặt chúng), mỗi người có một lượng tiền lớn hơn số tiền mà họ muốn. Tại mức giá hiện hành, lượng cung tiền giờ đây vượt quá lượng cầu.

Mọi người tìm cách thoát khỏi lượng cung tiền dôi ra bằng nhiều cách khác nhau. Họ có thể mua hàng hóa và dịch vụ hoặc cho vay bằng cách mua trái phiếu hoặc gửi vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng. Các khoản cho vay cuối cùng sẽ cho phép những người khác mua hàng hóa và dịch vụ. Dù bằng cách nào đi nữa, thì việc bơm thêm tiền cũng làm tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, năng lực cung ứng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế không thay đổi. Như chúng ta đã thấy, mức sản xuất của nền kinh tế phụ thuộc vào lao động, tư bản hiện vật, vốn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên và kiến thức công nghệ. Không có yếu tố nào trong những yếu tố trên thay đổi khi cung ứng tiền tệ tăng.

Do vậy, việc nhu cầu lớn hơn về hàng hóa và dịch vụ làm cho giá của chúng tăng. Sự gia tăng trong mức giá đến lượt nó lại làm tăng lượng cầu về tiền vì mọi người phải dùng nhiều tiền hơn cho mỗi giao dịch. Có thể nền kinh tế sẽ đạt tới điểm cân bằng mới (điểm B trong hình 6.4) mà tại đó lượng cầu về tiền lại bằng lượng cung về tiền. Theo cách này, mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ điều chỉnh để cân bằng cung và cầu về tiền.

Tốc độ lưu thông tiền tệ cho ta biết một đồng tiền được sử dụng bao nhiêu lần một năm. Để tính tốc độ lưu thông tiền tệ, chúng ta lấy giá trị danh nghĩa của sản lượng (GDP danh nghĩa) chia cho lượng tiền. Nếu P là mức giá (Chỉ số điều chỉnh GDP), Y là sản lượng (GDP thực tế), và M là lượng tiền, thì tốc độ lưu thông tiền tệ bằng:

V = ( P x Y ) / M Phương trình này có thể viết lại

M . V = P . Y

Phương trình này cho thấy lượng tiền (M) nhân với tốc độ lưu thông tiền tệ (V) bằng giá hàng hoá (P) nhân với sản lượng (Y). Nó được gọi là phương trình số lượng, bởi vì nó phản ánh mối quan hệ giữa số lượng tiền (M) và giá trị sản lượng danh nghĩa (P.Y). Phương trình số lượng cho thấy sự gia tăng số lượng tiền trong nền kinh tế phải biểu hiện một trong ba biến số khác: mức giá phải tăng, sản lượng phải tăng, hoặc tốc độ lưu thông tiền tệ phải giảm. Do đó, trong nhiều trường hợp tốc độ lưu thông tiền tuơng đối ổn định.

Bây gi chúng ta có th lý gii mc giá cân bng và t l lm phát.

1. Tốc độ lưu thông tiền tệ tương đối ổn định.

2. Vì tốc độ lưu thông tiền tệ tương đối ổn định, nên khi Ngân Hàng trung ương thay đổi khối lượng tiền tệ ( M), nó gây ra sự thay đổi tương ứng trong giá trị sản lượng danh nghĩa (P.Y). 3. Những thay đổi trong cung ứng tiền tệ ảnh hưởng tới các biến danh nghĩa, nhưng không ảnh hưởng tới các biến thực tế, khi ngân hàng trung ương tăng cung ứng tiền tệ, giá cả sẽ tăng, tiền lương danh nghĩa tăng và tất cả các giá trị khác tính bằng tiền cũng tăng. Các biến thực tế như sản lượng, việc làm, tiền lương thực tế không đổi. Do đó tiền được gọi là có tính trung lập.

4. Sản lượng hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế (Y) được xác định bởi các nhân tố sản xuất (lao động, tư bản hiện vật, vốn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên) và trình độ công nghệ hiện tại. Khi Ngân hàng Trung ương thay đổi khối lượng tiền tệ (M) và gây ra những thay đổi tương ứng trong giá trị sản lượng danh nghĩa ( P.Y ), thì sự thay đổi này phản ánh lại trong sự thay đổi của mức giá (P).

5. Do vậy, khi Ngân hàng Trung ương tăng cung ứng tiền một cách nhanh chóng thì lạm phát cao. Năm bước này là bản chất của lý thuyết số lượng tiền tệ.

Hiệu ứng FISHER

Ngoài tiền tệ và lạm phát ra thì lãi suất là một biến quan trọng mà các nhà kinh tế quan tâm vì nó gắn nền kinh tế hiện tại và tương lai với nhau thông qua ảnh hưởng của nó đối với tiết kiệm và đầu tư.

Chúng ta cần phân biệt lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực tế. Lãi suất danh nghĩa là lãi suất mà ngân hàng thông báo cho khách hàng. Còn lãi suất thực tế là lãi suất sau khi đã loại trừ ảnh hưởng của lạm phát.

Lãi suất thực tế = Lãi suất danh nghĩa - Tỷ lệ lạm phát. Hay chúng ta có thể viết lại:

Lãi suất danh nghĩa = Lãi suất thực tế + Tỷ lệ lạm phát.

Mỗi thành tố trong vế phải của phương trình trên chịu tác động của các lực lượng kinh tế khác nhau. Lãi suất thực tế được quyết định bởi cung và cầu vốn vay. Theo lý thuết số lượng tiền tệ thì tốc độ cung ứng tiền tăng quyết định tỷ lệ lạm phát.

Trong dài hạn, khi tiền có tính trung lập, sự thay đổi của cung ứng tiền không có ảnh hưởng gì đến lãi suất thực tế cũng như các biến thực tế khác. Vì lãi suất thực tế không thay đổi nên lãi suất danh nghĩa phải điều chỉnh theo tỷ lệ một - một với sự thay đổi của lạm phát. Do vậy, khi Ngân hàng Trung ương tăng cung ứng tiền tệ, thì cả lạm phát và lãi suất danh nghĩa đều tăng. Sự điều chỉnh này của lãi suất danh nghĩa theo lạm phát được gọi là hiệu ứng FISHER. Theo tên của nhà kinh tế đầu tiên nghiên cứu vấn đề này.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU GIẢNG DẠY-BỘ MÔN KINH TẾ TỔNG HỢP- KINH TẾ VĨ MÔ (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)