I.Năng suất

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU GIẢNG DẠY-BỘ MÔN KINH TẾ TỔNG HỢP- KINH TẾ VĨ MÔ (Trang 64)

I G+ EX =S + TN + M (4)

I.Năng suất

Thuật ngữ năng suất phản ánh lượng hàng hoá và dịch vụ mà một công nhân sản xuất ra trong mỗi giờ lao động.

1.1. Vai trò của năng suất

Năng suất đóng vai trò then chốt trong việc định ra mức sống của một nước. Như chúng ta đã biết tổng sản phẩm trong nước phản ánh đồng thời hai thứ: (1) tổng thu nhập của tất cả các thành

viên trong nền kinh tế và (2) tổng chi tiêu cho sản lượng hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế. Nói đơn giản, thu nhập của nền kinh tế cũng chính là sản lượng của nền kinh tế. Đất nước chỉ có thể hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp hơn khi có sản xuất được lượng hàng hoá và dịch vụ lớn hơn. Người Mỹ sống sung túc hơn người Nigêria vì công nhân Mỹ có năng suất cao hơn công nhân Nigêria. Người Nhật hưởng sự gia tăng mức sống nhanh hơn người Achentina vì năng suất của công nhân Nhật tăng nhanh hơn năng suất của công nhân Achentina. Như vậy mức sống của một nước phụ thuộc vào năng lực sản xuất hàng hoá và dịch vụ của nước đó.

Do vậy, để hiểu được sự khác biệt to lớn trong mức sống của người dân giữa các nước hay giữa những thời kỳ khác nhau, chúng ta buộc phải nhìn vào quá trình sản xuất hàng hoá và dịch vụ. Nhưng xem xét mối quan hệ giữa mức sống và năng suất mới chỉ là bước khởi đầu. Điều này tất yếu dẫn chúng ta đến câu hỏi: vì sao một số nền kinh tế lại có khả năng sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ giỏi hơn rất nhiều so với các nền kinh tế khác?

1.2. Yếu tố quyết định năng suất

Các nhân tố như tư bản hiện vật, vốn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên và tri thức công nghệ tồn tại và quyết định năng suất của các nền kinh tế.

Tư bản hiện vật : Công nhân làm việc với năng suất cao hơn nếu họ có nhiều công cụ lao động hơn. Khối lượng trang thiết bị và cơ sở vật chất dùng trong quá trình sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ được gọi là tư bản hiện vật. Ví dụ, một người nông dân làm việc trên đồng, anh ta cần có cuốc, xẻng, máy cày, máy gặt…Việc có nhiều máy móc và công cụ hơn cho phép người nông dân tiết kiệm được công lao động hơn và năng suất lao động cũng cao hơn.

Một đặc tính quan trọng của tư bản hiện vật là nhân tố sản xuất được sản xuất ra. Nghĩa là tư bản hiện vật biểu thị yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất mà trước đó đã từng là sản lượng của quá trình sản xuất khác.

Vậy tư bản hiện vật là nhân tố sản xuất được dùng để sản xuất ra tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ, trong đó có bản thân tư bản hiện vật.

Vốn nhân lực: là thuật ngữ được dùng để chỉ kiến thức và kỹ năng mà người công nhân thu được thông qua giáo dục đào tạo và tích lũy kinh nghiệm. Vốn nhân lực được tích luỹ từ thời đi học phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, đại học và các chương trình đào tạo nghề nghiệp dành cho lực lượng lao động.

Cũng giống tư bản hiện vật, vốn nhân lực làm tăng năng lực sản xuất hàng hoá và dịch vụ của đất nước. Vốn nhân lực cũng là nhân tố được quá trình sản xuất tạo ra.Việc sản xuất vốn nhân lực đòi hỏi các yếu tố đầu vào dưới dạng giáo viên ,thư viện, và thời gian nghiên cứu. Có thể coi sinh viên như những “ công nhân” có nhiệm vụ quan trọng là sản xuất vốn nhân lực nhằm phục vụ cho sản xuất trong tương lai.

Tài nguyên thiên nhiên: là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất do thiên nhiên mang lại, như đất đai, sông ngòi và khoáng sản. Có hai loại tài nguyên thiên nhiên, loại tái tạo được và loại không tái tạo được ví dụ: rừng cây là loại tái tạo được còn dầu mỏ là loại không thể tái tạo được.

Sự khác biệt về nguồn tài nguyên thiên nhiên gây ra một số khác biệt về mức sống trên thế giới. Sự thành công có ý nghĩa lịch sử của Mỹ một phần bắt nguồn từ cung đất đai mênh mông, thích hợp cho nghành nông nghiệp. Ngày nay, một số nước ở vùng Trung Đông như Co- oet và Ả rập Xê –út rất giàu chỉ vì họ vô tình sống trên những giếng dầu lớn nhất thế giới. Mặc dù nguồn tài nguyên có ý nghĩa quan trọng, nhưng đó không nhất thiết phải là nguyên nhân làm cho nền kinh tế có năng suất cao trong việc sản xuất hàng hoá và dịch vụ.Ví dụ, Nhật là nước thuộc loại giàu có trên thế giới mặc dù không có mấy tài nguyên thiên nhiên. Thương mại quốc tế là nguyên nhân thành công của Nhật. Nhật xuất khẩu hàng công nghiệp sang các nước có tài nguyên .

Tri thức công nghệ: là những hiểu biết về cách thức tốt nhất để sản xuất hàng hoá và dịch vụ. Tri thức công nghệ khác với vốn nhân lực. Tri thức công nghệ phản ánh kiến thức của xã hội trong việc nhận thức thế giới vận hành ra sao.Vốn nhân lực liên quan đến các nguồn lực được sử dụng để truyền sự hiểu biết này vào lực lượng lao động.

1.3. Hàm sản xuất.

Hàm sản xuất cho biết các nhân tố sản xuất quyết định mức sản lượng được sản xuất ra như thế nào.

Y = Af ( L, K, H, N )

Trong đó:Y biểu thị sản lượng, L biểu thị lượng lao động, K là khối lượng tư bản hiện vật, H là khối lượng vốn nhân lực, N là khối lượng tài nguyên thiên nhiên. f( ) là một hàm biểu thị cách kết hợp các đầu vào để sản xuất ra sản lượng. A là biến số phản ánh trình độ công nghệ sản xuất hiện có. Khi công nghệ phát triển, A sẽ tăng và nền kinh tế sản xuất nhiều sản lượng hơn từ bất cứ kết hợp đầu vào nào.

Hàm sản xuất có hai đặc tính quan trọng. Thứ nhất, nó phản ánh mối quan hệ cùng chiều giữa sản lượng đầu ra và các yếu tố đầu vào được sử dụng. Thứ hai, sản phẩm biên của mỗi yếu tố đầu vào sẽ có xu hướng giảm dần khi chúng ta sử dụng ngày càng nhiều yếu tố đó trong điều kiện các yếu tố khác không đổi.

Lượng tư bản trong nền kinh tế được hình thành bởi hoạt động đầu tư trong quá khứ, và trong ngắn hạn nó được coi là không đổi. Trình độ công nghệ và tài nguyên cũng được giả định là cho trước . Với giả thiết đơn giản hoá này chúng ta sẽ nghiên cứu hàm sản xuất phản ánh mối quan hệ giữa sản lượng đầu ra và lượng lao động được sử dụng:

Y = f (L)

Hình 5.1 Đường biểu diễn hàm sản xuất

Tại các mức lao động khác nhau các doanh nghiệp sẽ sản xuất ra các mức sản lượng khác nhau. Hàm sản xuất có độ dốc dương và độ dốc này có xu hướng ngày càng giảm dần - phản ánh qui luật năng suất biên giảm dần của yếu tố lao động. Đây chính là hai đặc điểm của hàm sản xuất mà chúng ta đã bàn ở trên.

Lượng lao động mà các doanh nghiệp sử dụng cho quá trình sản xuất sẽ được xác định bởi cung và cầu trên thị trường lao động.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU GIẢNG DẠY-BỘ MÔN KINH TẾ TỔNG HỢP- KINH TẾ VĨ MÔ (Trang 64)