I G+ EX =S + TN + M (4)
V.Thời đại của Greenspan
Từ sau thời kỳ lạm phát do OPEC gây ra vào những năm 1970 và chính sách cắt giảm lạm phát của Volcker vào những năm 1980, nền kinh tế Mỹ trải qua thời kỳ lạm phát và thất nghiệp biến động ở mức vừa phải. Hình 6.16 chỉ ra lạm phát và thất nghiệp từ 1984 đến 1999. Thời kỳ này được gọi là thời đại Greenspan, sau khi Greenspan được bổ nhiệm làm chủ tịch Quỹ dự trữ Liên bang vào năm 1987 thay cho Paul Volcker.
Thời đại mới bắt đầu bằng một cú sốc cung thuận lợi. Vào năm 1986, các nước thành viên OPEC bắt đầu tranh cãi về hạn ngạch sản xuất và hiệp định dài hạn về hạn chế cung bị đổ vở. Giá dầu mỏ giảm khoảng một nửa. Như hình 6.16 cho thấy, cú sốc cung thuận lợi này làm cho cả lạm phát và thất nghiệp đều giảm.
Từ đó, Fed đã cẩn thận tránh lập lại những sai lầm trong chính sách của những năm 1960, khi tình trạng dư cầu đẩy thất nghiệp xuống dưới tỷ lệ tự nhiên và làm tăng lạm phát. Khi thất nghiệp giảm xuống và lạm phát tăng lên vào năm 1989 và 1990, Fed đã tăng lãi suất và thu hẹp tổng cầu, gây ra một cuộc suy thoái nhỏ vào năm 1991. Thất nghiệp khi đó tăng lên mức cao hơn các con số ước lượng về tỷ lệ tự nhiên và lạm phát một lần nữa lại giảm xuống.
Hình 6.16. Thời đại Greesnpan. Hình này ghi số liệu hàng năm từ 1984 đến 1999 về tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát (tính bằng chỉ số điều chỉnh GDP). Trong phần lớn thời kỳ này, Alan Greesnpan là chủ tịch Quỹ dự trữ Liên bang. Quy mô biến động của thất nghiệp và lạm phát tương đối nhỏ.
Những năm còn lại của thập kỷ 1990 đã chứng kiến một thời kỳ phồn vinh kinh tế, lạm phát giảm xuống đều đận gần tới không vào cuối thập kỷ. Thất nghiệp cũng giảm xuống đôi chút, làm cho nhiều nhà quan sát tin rằng tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên đã giảm xuống. Một phần công lao đối với thành tựu kinh tế tốt đẹp này thuộc về Alan Greenspan và cộng sự của ông ở Quỹ dự trữ Liên bang, bởi vì lạm phát thấp chỉ có thể đạt được bằng chính sách tiền tệ thận trọng. Nhưng như nghiên cứu tình huống dưới đây cho thấy, may mắn đến dưới dạng các cú sốc cung thuận lợi cũng là một phần của câu chuyện.
Tương lai sẽ như thế nào? Các nhà kinh tế học vĩ mô phải chịu tiếng xấu vì những dự báo của họ, nhưng một số bài học trong quá khứ là rõ ràng. Trước hết, khi Fed còn thận trọng trong kiểm soát cung tiền, qua đó ổn định tổng cầu, thì không có lý do gì để cho phép lạm phát nóng một cách không cần thiết, như đã xảy ra vào những năm 1960. Thứ hai, khả năng nền kinh tế phải chịu cú sốc cung bất lợi như đã xảy ra vào những năm 1970 luôn luôn tồn tại. Nếu điều không may đó xảy ra, các nhà hoạch định chính sách sẽ có ít lựa chọn để đương đầu với sự đánh đổi kém mong muốn nhất giữa lạm phát và thất nghiệp.
Như vậy mục này đã trình bày tư tưởng của các nhà kinh tế về việc lạm phát và thất nghiệp tiến triển như thế nào qua thời gian. Chúng ta đã bàn về tư tưởng của nhiều nhà kinh tế hàng đầu của thế kỷ 20: từ đường Phillips, Samuelson và Solow đến giả thuyết tỷ lệ tự nhiên của Friedman và Phelps cũng như lý thuyết kỳ vọng hợp lý của Lucas, Sargent và Barro. Bốn người trong nhóm này đã nhận giải Nobel vì công trình nghiên cứu kinh tế của họ và có nhiều khả năng số còn lại sẽ nhận được danh hiệu đó trong những năm tới.
Mặc dù sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp đã tạo ra nhiều đảo lộn về tri thức trong 40 năm qua, nhưng một số nguyên tắc đã hình thành mà ngày nay chúng ta đều nhất trí. Sau đây là giải thích của Milton Friedman vào năm 1958 vế mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp: Luôn luôn có sự đánh đổi tạm thời giữa lạm phát và thất nghiệp, nhưng không có sự đánh đổi lâu dài. Sự đánh đổi tạm thời không phát sinh từ lạm phát nói chung, mà từ lạm phát không dự kiến, tức từ tỷ lệ lạm phát ngày càng gia tăng. Niềm tin phổ biến rằng có sự đánh đổi lâu dài chỉ là sự lẩn lộn mang tính học đường giữa cái “cao” và cái “đang tăng”, điều mà chúng ta ai cũng biết dưới dạng đơn giản hơn. Tỷ lệ lạm phát ngày càng tăng có thể làm giảm thất nghiệp, song tỷ lệ lạm phát cao thì không. Nhưng bạn có thể hỏi “tạm thời” là bao lâu?....Mankiw trả lời rằng “tôi có thể liều lĩnh dự báo với tư cách người suy đoán cá nhân dựa vào một số bằng chứng lịch sử, rằng các tác động ban đầu của tỷ lệ lạm phát cao hơn và không dự kiến có thể kéo dài từ hai đến năm năm”.
Ngày nay sau hơn 30 năm, tuyên bố này vẫn còn là cách trình bày ngắn gọn quan điểm của hầu hết các nhà kinh tế vĩ mô.
· Đường Phillips mô tả mối quan hệ nghịch giữa lạm phát và thất nghiệp. Bằng cách mở rộng tổng cầu, các nhà hoạch định chính sách có thể chọn một điểm trên đường Phillips có lạm phát cao hơn và thất nghiệp thấp hơn. Bằng cách thu hẹp tổng cầu, các nhà hoạch định chính sách có thể chọn một điểm trên đường Phillips có lạm phát thấp hơn và thất nghiệp cao hơn.
· Sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp mô tả bằng đường Phillips chỉ đúng trong ngắn hạn. Trong dài hạn, lạm phát dự kiến điều chỉnh đối với những thay đổi trong lạm phát thực tế đường Phillips dịch chuyển. Kết quả là, đường Phillips dài hạn thẳng đứng tại tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên. · Đường Phillips ngắn hạn còn dịch chuyển khi có các cú sốc tác động tới tổng cung. Các cú sốc cung bất lợi, chẳng hạn giá dầu thế giới tăng vọt trong năm 1970 đem lại cho các nhà hoạch định chính sách sự đánh đổi kém mong muốn hơn giữa lạm phát và thất nghiệp. Nghĩa là sau một cú sốc cung bất lợi, các nhà hoạch định chính sách phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát cao hơn tại mọi tỷ lệ thất nghiệp cho trước hoặc tỷ lệ thất nghiệp cao hơn tại mọi tỷ lệ lạm phát ỳ cho trước.
· Khi Fed hạn chế mức tăng cung tiền để cắt giảm lạm phát, nó di chuyển nền kinh tế dọc đường Phillips ngắn hạn, dẫn thất nghiệp tạm thời cao. Cái giá của việc cắt giảm lạm phát phụ thuộc vào chổ kỳ vọng về lạm phát giảm xuống nhanh chóng đến mức nào. Một số nhà kinh tế lập luận rằng cam kết cắt giảm lạm phát được mọi người tin tưởng có thể làm giảm tổn thất do chính sách cắt giảm lạm phát gây ra, bởi vì quá trình điều chỉnh kỳ vọng diễn ra nhanh chóng hơn.