Mặt chủ quan của tội phạm

Một phần của tài liệu TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN Ở ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (Trang 59)

d. Hành vi chiếm đoạt chất ma túy

2.1.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm là thể thống nhất của mặt khách quan và mặt chủ quan. Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội. Mặt chủ quan của tội phạm không tồn tại một cách độc lập mà luôn gắn liền với mặt khách quan của tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm động cơ phạm tội, mục đích phạm tội và

lỗi của người phạm tội, trong đó lỗi được phản ánh trong tất cả các CTTP. Lỗi là

dấu hiệu quan trọng nhất trong mặt chủ quan của tội phạm. Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra, được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi khi hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn cách xử sự trái pháp luật hình sự trong khi họ có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn cách xử sự phù hợp với pháp luật. Lỗi trong luật hình sự Việt Nam là lỗi cá nhân, lỗi của một con người cụ thể khi thực hiện hành vi cụ thể nguy hiểm cho xã hội. Về phân loại lỗi, Điều 9 và Điều 10 BLHS 1999 phân chia thành: lỗi cố ý trực tiếp, lỗi cố ý gián tiếp, lỗi vô ý vì quá tự tin, lỗi vô ý do cẩu thả.

Trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 sửa đổi năm 2013 ghi nhận, quyền tự do kinh doanh, sở hữu tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt là quyền công dân, được Nhà nước và pháp luật bảo hộ [31, Điều 32 và 33]. Tuy nhiên, các chất ma túy là loại “hàng hóa” đặc biệt, được nhà nước độc quyền thống nhất quản lý, nghiêm cấm các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt trái phép cho nên những người thực hiện các hành vi kể trên đều bị coi là tội phạm và đều bị coi là có lỗi đối với hành vi mà họ thực hiện.

Lỗi của người phạm Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất hoặc chiếm đoạt chất ma túy là lỗi cố ý trực tiếp:

- Về lý trí, người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó. Do ma túy là chất cấm, được Nhà nước bằng mọi biện pháp tuyên truyền đến sâu rộng nhân dân về tính chất và mức độ nguy hiểm của ma túy, việc nghiêm khắc cấm mọi hình thức tàng trữ, vận chuyển, mua bán, việc đe dọa áp dụng hình phạt

nặng đối với các tội phạm về ma túy… Hầu hết tất cả mọi người dân, không phân biệt giới tính, độ tuổi, dân tộc đều được phổ biến, giáo dục nhận thức về các chất ma túy và các tội phạm ma túy, vậy nên việc thực hiện các tội phạm về ma túy nói chung và tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt chất ma túy đều là những tội phạm thể hiện thái độ chống đối chính sách, pháp luật của Nhà nước, trái pháp luật hình sự, cố ý phạm tội, đòi hỏi phải bị xử lý bằng các biện pháp hình sự. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được hậu quả của hành vi nhưng vẫn quyết tâm thực hiện.

- Về ý chí, người phạm tội mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra, mong muốn hậu quả mà họ đã có thể thấy trước, đã hình dung ra khi thực hiện hành vi nguy hiểm sẽ xuất hiện hậu quả nào đó trên thực tế. Nhận thức được hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt ma túy là hành vi trái pháp luật, họ có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác nhưng họ vẫn thực hiện hành vi mua bán ma tuý. Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy chỉ có thể được thực hiện do cố ý trực tiếp, không có trường hợp nào do cố ý gián tiếp. Nhưng đối với hành vi chiếm đoạt chất ma túy thì người phạm tội có thể thực hiện hành vi do cố ý gián tiếp trong trường hợp người phạm tội không cần xác định đối tượng, là ma túy cũng chiếm đoạt mà tài sản khác cũng chiếm đoạt.

Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất ma túy quy định tại Điều 194 BLHS năm 1999 là tội phạm có cấu thành hình thức, hậu quả của tội phạm không phải dấu hiệu bắt buộc. Điều 194 chỉ quy định dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội và việc một người thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong điều luật quy định tội phạm thì bị coi là phạm tội và tội phạm đã hoàn thành. Có nhiều động cơ thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy và họ còn có nhiều mục đích khác nhau khi thực hiện hành vi này. Động cơ phạm tội, mục đích phạm tội cũng không phải yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm này. Nhưng có thể nói tựu chung lại,

chủ yếu động cơ, mục đích mà loại tội phạm này hướng đến là tiền, tài sản hoặc lợi ích khác về vật chất có được từ việc phạm tội.

Một phần của tài liệu TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN Ở ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(122 trang)
w