Giai đoạn Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 có hiệu lực thi hành

Một phần của tài liệu TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN Ở ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (Trang 34)

Năm 1985, BLHS Việt Nam đầu tiên và cũng là Bộ luật đầu tiên của chúng ta được ban hành. Khi BLHS năm 1985 có hiệu lực thi hành thì cũng là lúc sự nghiệp đổi mới đất nước bắt đầu tiến hành. Sự thay đổi các mặt đời sống xã hội, trong đó đổi mới về kinh tế giữ vai trò quan trọng không chỉ là cơ sở mà còn là đòi hỏi cấp bách đối với sự thay đổi của pháp luật nói chung cũng như của luật hình sự nói riêng. BLHS năm 1985 với ý nghĩa là nguồn duy nhất trong đó quy định tội phạm và hình phạt được xây dựng trên cơ sở kinh tế xã hội của nền kinh tế bao cấp và trên cơ sở thực tiễn của tình hình tội phạm của thời kì đó. Do vậy, có thể nói ngay khi ra đời BLHS đã ở trong tình trạng không phù hợp với chủ trương đổi mới và những đòi hỏi của đổi mới. Để đáp ứng và phục vụ công cuộc đổi mới luật hình sự buộc phải có những thay đổi mang tính phát triển. Sự phát triển này được thể hiện trước hết và chủ yếu trong những sửa đổi, bổ sung của BLHS.

Khi BLHS năm 1985 được ban hành, chỉ có một điều luật duy nhất quy định trực tiếp về ma tuý, đó là Điều 203 quy định Tội tổ chức sử dụng chất ma tuý trong

Mục B Các tội xâm phạm trật tự công cộng, Chương các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù. Ngoài ra, BLHS năm 1985 cũng chỉ có một số điều luật liên quan:

- Điều 97 BLHS năm 1985 Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng

hoá, tiền tệ qua biên giới quy định chung về cấm buôn lậu và vận chuyển hàng hóa

trái phép qua biên giới, và trong đó ma tuý được coi là một loại hàng cấm, hành vi buôn bán, vận chuyển ma túy được coi là phạm tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

- Điều 166 BLHS năm 1985 Tội buôn bán hàng hoặc tàng trữ hàng cấm

thuộc Chương các tội phạm về kinh tế, trong đó quy định việc tàng trữ, buôn bán các chất ma túy được xem là hành vi tàng trữ buôn bán hàng cấm, có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Có thể nói tại BLHS năm 1985, các tội phạm về ma túy tuy đã có những quy định cụ thể nhưng chưa đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này. Chỉ mới quy định về Tội tổ chức sử dụng chất ma túy và buôn bán chất ma túy, còn các hành vi tàng trữ và chiếm đoạt chất ma túy chưa bị coi là tội phạm. Các quy định còn mang tính nhỏ lẻ, chưa quy định thành một nhóm, mục, chương riêng về các tội phạm về ma túy. Trong lần sửa đổi, bổ sung BLHS vào năm 1989 đã bổ sung thêm Điều 96a quy định Tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển

trái phép các chất ma tuý vào Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Như

vậy, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam, đã có một điều luật khá bao quát về các hành vi cơ bản của các tội phạm về ma túy, gồm: sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Điều 96a quy định về các Tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý được phân loại vào tội phạm nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt lên đến tù có thời hạn từ mười hai đến hai mươi năm, chung thân hoặc tử hình.

Đến khi ban hành Hiến Pháp năm 1992, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã đánh giá được đúng mức tính chất, mức độ nguy hiểm và những ảnh hưởng lớn của các hành vi sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy đến

đời sống của toàn nhân dân, việc đấu tranh ngăn chặn ma túy cũng được quy định trong Hiến Pháp 1992 tại điều 61: “…Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán,

tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma túy khác. Nhà nước quy định chế độ cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm khác” [29].

Nghị quyết 06/CP của Chính phủ ngày 29/1/1993 về Tăng cường công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, đã đánh dấu một bước chuyển mới của 12 tỉnh miền núi trồng cây thuốc phiện. Cụ thể hóa những tư tưởng trong Hiến Pháp 1992, Đảng và nhà nước tiếp tục đổi mới chính sách hình sự đối với các tội phạm về ma túy. Trong lần sửa đổi, bổ sung năm 1997, BLHS có thêm một chương mới – Chương VIIA các tội phạm về ma tuý với 14 điều luật, quy định 13 tội danh khác nhau liên quan đến ma tuý thay thế cho hai điều luật: Điều 96a và Điều 203, trong đó các hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy được quy định thành 4 tội riêng biệt; 9/13 tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Cụ thể các tội danh gồm: Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý (Điều 185a); Tội sản xuất trái phép chất ma tuý (Điều 185b); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 185c); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 185d); Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 185đ); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 185e); Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 185g); Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 185h); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 185i); Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 185k); tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 185l); Tội cưỡng, bức lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 185m); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác (Điều 185n) [26].

Một phần của tài liệu TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN Ở ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (Trang 34)