Hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy

Một phần của tài liệu TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN Ở ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (Trang 52)

Vận chuyển là động từ có nghĩa là hành vi dịch chuyển vật từ nơi này đến nơi khác.

Tiểu mục 3.2, Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA- VKSNDTC-TANDTC-BTP có giải thích cụ thể “Vận chuyển trái phép chất ma

túy” là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới

bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không

nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác [2]. Hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy chỉ có thể là hành động.

Khái niệm “vận chuyển trái phép chất ma túy” có nội hàm rộng hơn khái niệm vận chuyển hàng hóa thông thường. Vận chuyển trái phép chất ma túy có thể giống với vận chuyển hàng hóa thông thường từ nơi này đến nơi khác về mặt địa lý có cự ly nhất định, sử dụng các phương tiện vận chuyển thông thường. Nhưng cũng có thể chỉ là hành vi chuyển dịch ma túy từ vị trí này sang vị trí khác trong một không gian chật hẹp, như từ túi người này sang túi người khác, từ gầm bàn lên giá sách…

Người nào giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.

Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP có hướng dẫn một số trường hợp cần lưu ý đối với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy như sau:

- Theo tiểu mục b mục 2 phần II: người nào biết người khác mua chất ma tuý để sử dụng trái phép mà dùng phương tiện để chở họ cùng chất ma tuý và bị bắt giữ nếu xét thấy trọng lượng chất ma tuý đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì người đó là đồng phạm với người mua về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý.

- Theo tiểu mục c mục 2 phần II: trong trường hợp nhiều người nghiện ma tuý cùng góp tiền mua chất ma tuý để sử dụng trái phép và bị bắt giữ nếu tổng trọng lượng chất ma tuý mua được đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì họ cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý.

- Theo tiểu mục d mục 2 phần II: người nào nghiện ma tuý có chất ma tuý hoặc bỏ tiền mua chất ma tuý cho những người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng và bị bắt giữ nếu trọng lượng chất ma tuý đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý. Ví dụ: Trong sinh nhật của mình, để không khí được vui hơn, L gọi điện cho một đầu mối để hẹn

gặp mua 5 gam ma túy đá về cho các bạn sử dụng. Trên đường từ chỗ mua ma túy về tiệc sinh nhật, L bị bắt và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Như vậy, có thể thấy rõ được, hành vi vận chuyển có thể nhằm lấy tiền công vận chuyển, lấy ma túy (như một hình thức tiền công), hoặc có thể vận chuyển ma túy cho mình và cho người nghiện khác cùng sử dụng, cũng có thể không nhằm mục đích vật chất mà chỉ là vận chuyển giúp một người khác mà rõ ràng không vì mục đích mua bán, sản xuất trái phép chất ma túy thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Một phần của tài liệu TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN Ở ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (Trang 52)